Hoa Kỳ đã kết thúc thời kỳ bế quan tỏa cảng xứ Phù Tang như thế nào?
Dustin Bass
Vào tháng 11/1782, sau khi Hiệp ước hòa bình sơ bộ với Anh Quốc được ký kết, các thương gia người Mỹ – do nhà tài chính của cuộc cách mạng Robert Morris dẫn đầu – bắt đầu dự tính điều mà họ chưa từng được phép làm: tiến hành giao thương trực tiếp với Trung Hoa.
Nhóm thương gia này đã thuê một tàu tư nhân được chính phủ ủy nhiệm (privateer*) và đổi tên tàu thành Hoàng hậu Trung Hoa. Với 34 thành viên thủy thủ đoàn, khoang hàng của tàu chất đầy chì, vải từ lông lạc đà, bông, da động vật, các thùng hạt tiêu, và 30 tấn nhân sâm – một loại thảo dược mà người Trung Hoa quý trọng vì đặc tính chữa bệnh của nó. Con tàu cũng chở theo 18,000 dollar dưới dạng đồng bạc – kim loại chính được sử dụng trong hệ thống tiền tệ của Trung Hoa.
“Chúng tôi thực sự khuyên ông, cả trên bờ lẫn trên tàu, hãy vun đắp mối giao hảo và thiện chí với tất cả những người mà ông sẽ giao dịch hoặc có liên hệ,” các thương gia dặn dò Thuyền trưởng Green. “Ông có thể sẽ là người đầu tiên treo Quốc kỳ Mỹ ở những vùng đất xa xôi đó, và việc lưu tâm đến danh dự cá nhân của ông sẽ thôi thúc ông khiến lá cờ đó trở nên đáng kính bằng sự chính trực và lòng nhân ái trong mọi hành động và giao dịch của mình. Đồng thời, ông lưu tâm một cách thích hợp để bản thân không bị lừa dối.”
Vào ngày 22/02/1784, con tàu đã vượt qua hành trình dài 18,000 dặm đường từ New York, đi vòng quanh mũi cực nam của Phi Châu và đến Canton (Quảng Châu), Trung Quốc ngày 28/08. Buổi ra mắt giới thiệu và các cuộc đàm phán thương mại sau đó do thương gia Boston Samuel Shaw dẫn đầu đều diễn ra thành công. Con tàu quay trở về New York với trà, đồ sứ cao cấp, vải lụa, và thuốc súng. Như một phần thưởng cho thành tích xuất sắc, ông Shaw được bổ nhiệm làm đại diện [ngoại giao] đầu tiên của Mỹ tại Trung Quốc năm 1786.
Bấy giờ sau khi thiết lập thương mại với Trung Quốc, việc Mỹ nhắm tới việc giao thương với các quốc gia khác ở Thái Bình Dương cũng là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, việc giao thương với Nhật Bản – một quốc gia Á Châu nhiều truyền thống khác – lại là điều bất khả thi.
Nhật Bản hạn chế giao thương
Gần 200 năm trước khi con tàu Hoàng hậu Trung Hoa căng buồm ra khơi, thời kỳ Chiến Quốc của Nhật Bản đã đi đến hồi kết, mở đường cho sự hợp nhất đất nước sau này dưới quyền cai trị của Mạc phủ. Oda Nobunaga (1534–1582), Toyotomi Hideyoshi (1537-1598), và Tokugawa Ieyasu (1543–1616) được biết đến là “Tam hùng thống nhất”. Tuy nhiên, những phương pháp nhất thống quốc gia của họ lại tàn bạo với cả người Nhật lẫn người ngoại quốc.
Một phương diện quan trọng của sự hợp nhất này là chính sách “bế quan tỏa cảng”, bao gồm những sắc lệnh bài trừ Cơ Đốc Giáo và Tây phương. Vào năm 1587, Hideyoshi ban hành sắc lệnh chống Cơ Đốc Giáo đầu tiên, trục xuất những nhà truyền giáo và hạn chế các hoạt động của nhà thờ. Một thập niên sau, Hideyoshi đã ra lệnh xử tử sáu nhà truyền giáo và 20 tín đồ Cơ Đốc Giáo người Nhật. Đến năm 1612, dưới thời được biết đến là Mạc phủ Edo, một sắc lệnh mới được ban hành, kêu gọi phá hủy tất cả các nhà thờ và chấm dứt việc truyền bá Cơ Đốc Giáo.
Mạc phủ Tokugawa ban hành Sắc lệnh năm 1635, chính thức đóng cửa nước Nhật. Sắc lệnh này được gửi đến các quan chức ở Nagasaki – nơi tập trung hầu hết các hoạt động giao thiệp của người Âu Châu với Nhật Bản. Một số nội dung của sắc lệnh nêu rõ: “Tàu Nhật Bản bị nghiêm cấm đi sang ngoại quốc. … Không người Nhật nào được phép xuất ngoại. Nếu bất kỳ ai lén lút làm điều đó, người đó phải bị xử tử. Con tàu liên quan phải bị tịch thu, chủ sở hữu bị bắt giữ, và sự việc đó phải được báo cáo lên cấp trên. … Nếu bất kỳ người Nhật nào trở về từ hải ngoại sau khi cư trú ở đó, người đó phải bị xử tử. … Nếu bất kỳ nơi nào thực hiện theo lời giảng của những linh mục [Công Giáo], hai người các ngươi phải ra lệnh điều tra nghiêm ngặt. … Nếu có bất kỳ người Man Di Phương Nam nào [người Tây phương] truyền bá giáo lý của các linh mục, hoặc phạm tội khác, họ có thể sẽ bị tống giam. … Tất cả tàu thuyền nhập cảng phải được kiểm tra kỹ lưỡng để tìm kiếm những người theo đạo của các linh mục.”
Đến năm 1639, Hà Lan là cường quốc Tây phương duy nhất được phép giao thương với Nhật Bản. Chính sách cô lập là tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử này – còn được biết đến là thời Edo (Tokyo hiện đại), được gọi là chính sách sakoku (chính sách đất nước bế quan tỏa cảng).
Người thích hợp nhất
Ông Matthew Calbraith Perry xuất thân từ một trong những gia đình hải quân lừng lẫy nhất Mỹ quốc. Cha ông, Thuyền trưởng Christopher R. Perry, là một anh hùng hải quân thời Chiến tranh Cách mạng. Ông Perry cùng bốn anh em trai đều là sĩ quan hải quân. Hai trong ba chị em gái của ông cũng kết hôn với các sĩ quan hải quân.
Năm 1809, khi mới 14 tuổi, ông được bổ nhiệm làm chuẩn úy trên thuyền buồm Revenge, dưới quyền chỉ huy của anh trai Oliver Hazard Perry. Ông tham gia chiến đấu trong cuộc Chiến tranh 1812 và được thăng hàm Trung úy hải quân vào năm 1813. Từ tháng 05/1821 đến tháng 09/1823, Perry chỉ huy con tàu đầu tiên của mình, con thuyền buồm Shark. Vào tháng 03/1826, ông Perry được thăng làm Chỉ huy trưởng, và 11 năm sau đó trở thành Thuyền trưởng. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hơi nước và được giao quyền chỉ huy tàu Fulton – chiến hạm chạy bằng hơi nước đầu tiên của Hải quân Mỹ.
Trong giai đoạn đầu làm Thuyền trưởng, ông Perry đã thành lập Quân đoàn Kỹ sư Hải quân (Naval Engineer Corps). Đến năm 1841, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy của căn cứ Navy Yard tại New York – nơi ông đã vận dụng chuyên môn tàu hơi nước của mình để phục vụ cho các phát minh hải quân. Ông Perry thường được mệnh danh là “Cha đẻ của Hải quân Hơi nước”.
Ông Perry là một người chỉ huy quan tâm sâu sắc đến binh sĩ của mình, nhưng điều này không đi ngược với tinh thần kỷ luật của ông. Nói cách khác, ông Perry điều hành quân đội bằng kỷ luật nghiêm ngặt.
Ông Perry đã từng tham chiến với vai trò chuẩn úy và trung úy hải quân. Khi Chiến tranh Mexico–Mỹ nổ ra, Perry được kêu gọi chiến đấu. Ông phục vụ dưới trướng của Phó đề đốc David Conner, chỉ huy Hải đoàn Chủ lực (Home Squadron). Ngay sau khi Conner giám sát thành công các cuộc xâm lược đổ bộ lên Mexico và cuộc đổ bộ của Quân đội tại Vera Cruz vào tháng 03/1847, ông được triệu hồi. Lúc này, quyền chỉ huy lực lượng được giao cho ông Perry.
Trước đó, ông Perry đã đạt được nhiều chiến công: chiếm được Frontera, Tabasco, và Laguna vào năm 1846. Đến cuối tháng 03/1847, ông và Tướng Winfield Scott cùng được ghi nhận chiến công khi Vera Cruz đầu hàng.
Cơ hội thám hiểm
Vào tháng 11/1848, Thuyền trưởng Perry vận dụng chuyên môn về tàu hơi nước để giám sát một dự án mới, kết hợp nỗ lực của cả người dân và Hải quân Hoa Kỳ: Tàu Hơi Nước Đưa Thư trên Đại Dương (Ocean Mail Steamers). Dự án này, như cố Tổng thống James K. Polk tuyên bố, “hứa hẹn sẽ mang lại tất cả những lợi ích cho thương mại và Hải quân của chúng ta như đã được dự đoán,” đồng thời sẽ gia tăng và thúc đẩy “giao thiệp xã hội và thương mại của chúng ta” với “nước Đức, Anh quốc, và các nước khác ở Âu Châu; [cũng như] các quốc gia trên Thái Bình Dương.”
Tuy nhiên, có một quốc gia tỏ ra không mấy hứng thú với hoạt động giao thiệp xã hội và thương mại như vậy. Trong những năm 1830, Hải đoàn Đông Ấn (hoặc Viễn Đông) của Hoa Kỳ, đóng quân tại Quảng Châu đã cố gắng gửi một số phái bộ đến Nhật Bản, nhưng họ không bao giờ được phép vào đất liền. Vì không có sự cho phép từ chính phủ, nên hải đoàn không bao giờ kiên quyết theo đuổi vấn đề này.
Đến năm 1851, khi ông Millard Fillmore đang là tổng thống Hoa Kỳ, ông nhìn thấy cơ hội để thực hiện một chuyến đi thiện chí, hợp pháp tới Nhật Bản. Một lý do cho chuyến đi này là để gửi trả các thủy thủ Nhật Bản bị đắm tàu và đón các thủy thủ người Mỹ (người săn cá voi) có hoàn cảnh tương tự về. Nhiệm vụ này ban đầu được giao cho Phó đề đốc John Aulick, chỉ huy của Hải đoàn Đông Ấn. Tuy nhiên, những tranh chấp nội bộ đã khiến ông Aulick bị cách chức. Vào tháng 03/1852, ông Perry được trao quyền chỉ huy và được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ này.
Ngoại trưởng Daniel Webster đã đưa cho ông Perry thêm những yêu cầu liên quan đến chuyến đi này. Ông yêu cầu hải đoàn “khám phá bờ biển Nhật Bản và lục địa cùng các đảo lân cận, vì việc khám phá như vậy sẽ không chỉ bổ sung vào kho tri thức địa lý của chúng ta, mà còn có thể là phương tiện mở rộng quan hệ thương mại, và bảo đảm các cảng trú ẩn cũng như tiếp tế cho các tàu đánh bắt cá voi của chúng ta ở những vùng biển xa xôi đó.”
Phó đề đốc Perry đồng ý và đề nghị rằng “nếu chính phủ Nhật Bản phản đối việc nhượng cho chúng ta các hải cảng như vậy trên đất liền” thì họ sẽ “thiết lập địa điểm hội họp tại một hoặc hai hòn đảo ở phía nam Nhật Bản.”
Đặt chân đến Nhật Bản
Sau khi khởi hành từ Trung Quốc vào tháng 05/1853, ông Perry và hải đoàn của mình tìm đường đến những hòn đảo phía Nam trước tiên, đổ bộ lên quần đảo Ryukyu và Bonin. Tại đây, ông Perry đã mua lãnh thổ cho Hoa Kỳ. Sau đó, ông giong buồm tiến thẳng đến Vịnh Edo (Tokyo), mang theo một lá thư chính thức từ Tổng thống Millard Fillmore, nhưng quan trọng hơn, là với hai khinh hạm (tàu frigate) và hai tàu chiến hạng nhẹ. Lá thư của tổng thống được gửi tới Thiên Hoàng Nhật Bản. Nhưng Tổng thống Fillmore không cách nào biết rằng Thiên Hoàng chỉ đóng vai trò tượng trưng trong chính phủ Nhật.
Khi hải đoàn đến vịnh Edo vào ngày 08/07/1853, Phó đề đốc Perry đã phớt lờ mệnh lệnh của Nhật Bản yêu cầu ông đi thuyền đến Nagasaki. Các tàu tuần tra Nhật Bản tiến về phía hải đoàn Mỹ, nhưng nhanh chóng rút lui trước đe dọa vũ lực (có thể không chỉ là đe dọa bằng lời nói). Ông Perry còn ra lệnh cho các thủy thủ của mình tiến hành đo độ sâu trong bến cảng, một hành động bị Nhật Bản nghiêm cấm. Từ chối thương thảo với các quan chức cấp thấp, ông Perry yêu cầu một cuộc gặp gỡ trên bờ với Thiên Hoàng.
Ông đã thực hiện được cuộc gặp gỡ này khi 400 thủy thủ và thủy quân lục chiến đổ bộ từ hai khinh hạm vào ngày 14/07. Ông dâng lên Thiên Hoàng lá thư [của Tổng thống Fillmore] cùng những món quà khác: một chiếc kính viễn vọng, một máy điện báo, rượu vang, và rượu mạnh, và một mô hình hoạt động của đầu máy hơi nước. Sau ba ngày trên đất liền, ông Perry và hải đoàn quay trở lại Trung Quốc, nhưng trước đó, ông không quên hứa sẽ quay lại Nhật Bản để nhận câu trả lời cho những đề nghị của Tổng thống Fillmore.
Chuyến trở về lịch sử
Vào tháng 02/1854, ông Perry quay trở lại Vịnh Tokyo với một hạm đội thậm chí còn lớn hơn nữa. Lần đón tiếp này thân mật hơn nhiều và hai bên đã trao quà cho nhau. Họ gặp nhau để thảo luận các chi tiết về yêu cầu của Tổng thống Fillmore. Phải mất hơn một tháng để hai bên đi đến thỏa thuận. Chính vào ngày 31/03/1854, Hiệp ước Kanagawa được ký kết. Hiệp ước đồng thuận bảo vệ quyền lợi của các thủy thủ và thợ săn cá voi bị mắc kẹt, đồng thời mở cửa hai bến cảng cung cấp than là Hakodate và Shimoda cho các tàu hơi nước của Hải quân Hoa Kỳ.
Đây là hiệp ước đầu tiên với người Tây phương trong hơn 200 năm qua, chính thức đưa Nhật Bản ra khỏi chính sách Tỏa quốc (Sakoku). Vào năm 1858, Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại (còn gọi là Hiệp ước Harris) được ký kết. Cùng với các quyền giao thương, hiệp ước này cho phép các nhà truyền giáo Tin Lành người Mỹ đến Nhật Bản. Điều thú vị là vào năm 1865, “các tín đồ Cơ Đốc Giáo ẩn danh” ở Nagasaki đã tuyên bố rằng họ chưa bao giờ từ bỏ đức tin của mình. Những địa điểm Cơ Đốc Giáo Giấu Mặt ở Nagasaki và Kumamoto này đã được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
Hữu Minh biên dịch