Hoa Kỳ chỉ trích ‘các vụ truy tố có động cơ chính trị’ ở Hồng Kông
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ những lo ngại nghiêm trọng về tình trạng tiếp tục xấu đi của các quyền tự do ở Hồng Kông, khi yêu cầu Bắc Kinh ngừng “các vụ truy tố có động cơ chính trị” và trả tự do cho những người “bị giam giữ phi lý” trong cuộc đàn áp ngày càng mở rộng của chính quyền này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố, “Chúng tôi đặc biệt lưu ý đến sự gia tăng các vụ truy tố có động cơ chính trị, kể cả là thông qua Luật An ninh Quốc gia, nhắm vào giáo viên, nghiệp đoàn lao động, luật sư, ký giả, nhân viên chăm sóc sức khỏe, hội sinh viên, và công dân bình thường của Hồng Kông.”
“Một lần nữa chúng tôi kêu gọi giới chức Bắc Kinh và Hồng Kông trả tự do cho những người bị giam giữ bất công và ngừng việc đàn áp các tổ chức xã hội dân sự ôn hòa.”
Những lời nhận xét của ông Price được đưa ra khi Bắc Kinh đẩy mạnh các bước nhằm loại bỏ các quyền tự do của lãnh thổ này, cùng với việc các nhà quan sát lưu ý rằng Hồng Kông đang trên đà noi theo các thành phố khác của Trung Quốc.
Các nhóm xã hội dân sự ở Hồng Kông đã đang liên tiếp giải thể theo luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt, vốn có hình phạt tối đa là tù chung thân.
Kể từ đầu năm 2021, ít nhất 29 nghiệp đoàn đã giải tán ở thành phố này. Liên đoàn các Nghiệp đoàn Hồng Kông, liên đoàn lao động ủng hộ dân chủ lớn nhất đại diện cho 93 tổ chức, đã bị giải thể hồi tháng Mười, với lý do “tình trạng chính trị bất ổn.” Giám đốc điều hành của họ đã đào thoát khỏi Hồng Kông, trong khi một người đồng sáng lập đang ngồi tù, chịu án 14 tháng vì có vai trò trong các cuộc biểu tình chống chính quyền trong năm 2019.
Trong hai tháng qua, Hồng Kông cũng đã mất đi nghiệp đoàn giáo viên lớn nhất của mình, một nhóm lớn vận động cho quyền của tù nhân, và một câu lạc bộ sinh viên có tuổi đời 50 năm tại một trường đại học hàng đầu.
Lễ tôn vinh các nạn nhân của vụ Thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, một truyền thống hàng năm diễn ra trong hơn ba thập niên đã thu hút hàng trăm ngàn người tham gia, sẽ không còn nữa sau khi chính quyền Hồng Kông bắt giữ những người tổ chức và phong tỏa tài sản của họ vì những cáo buộc mơ hồ về an ninh quốc gia. Điều này đã buộc nhóm phải tan rã.
Một phán quyết của tòa án hôm 20/10 cho thấy các thẩm phán đã tuyên án gần 5 năm tù cho 5 sinh viên vì tham gia một cuộc biểu tình chống chính quyền vào năm 2019 trong khuôn viên trường đại học của họ.
Các công chức, bao gồm cả các nhà lập pháp và ủy viên hội đồng quận, đang bị mất đi chức vị theo luật yêu nước mới được ban hành hồi đầu năm nay cho phép chính quyền loại bất cứ ai mà họ cho là không trung thành với Bắc Kinh.
Hơn 250 trong số 452 ủy viên hội đồng quận – phần lớn họ đến từ phe ủng hộ dân chủ đối lập đã giành được chiến thắng vang dội vào năm 2019 – đã từ chức do áp lực hoặc các cuộc điều tra an ninh quốc gia.
Ông Price chỉ trích chính quyền Hồng Kông vì đã nhắm vào các ủy viên hội đồng quận ủng hộ dân chủ, khi lưu ý rằng các ủy viên này đã “nhận được sự ủy thác của người dân từ các cuộc bầu cử tự do và công bằng.”
Ông nói: “Những trường hợp truất quyền có hiệu lực trở về trước và có mục tiêu này, dựa trên quyết định độc đoán của chính quyền Hồng Kông cho rằng lời thề trung thành của các ủy viên hội đồng quận này là không hợp lệ, ngăn không cho người dân ở Hồng Kông tham gia đáng kể vào việc quản trị của chính họ.”
Hôm 21/10, cơ quan nhập cư Hoa Kỳ cũng đã đề ra các tiêu chí của chương trình kéo dài thời gian lưu trú của người Hồng Kông tại đất nước này thêm 18 tháng, để họ có thể thoát khỏi sự đàn áp ngày càng tăng của Bắc Kinh tại thành phố quê nhà.