Hoa Kỳ cam kết đầu tư vào Đông Âu và Trung Âu thông qua “Sáng kiến Ba Biển”
Hoa Kỳ thông báo rằng họ sẽ đầu tư tương ứng 30% vào việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, năng lượng và vận tải xuyên biên giới trong khu vực Ba Biển giữa Baltic, Adriatic, và Biển Đen.
Sáng kiến Ba Biển tập trung vào một khu vực mà cơ sở hạ tầng kém phát triển do hậu quả của sự thống trị của Liên Xô trong Chiến tranh lạnh.
Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cam kết sẽ đầu tư tương ứng với 30% tổng số đầu tư của các nước thuộc “Sáng kiến Ba Biển”, lên tới 1 tỷ USD, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách về Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Keith Krach cho biết hôm 19/10 tại một hội nghị thượng đỉnh về Các nước Đông Âu và Trung Âu tổ chức tại Estonia.
Mục tiêu là khuyến khích từng quốc gia thành viên đầu tư, để khi mỗi quốc gia đầu tư càng nhiều, thì Hoa Kỳ càng đóng góp nhiều hơn, ông Krach nói thêm.
Các nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng của 12 quốc gia Đông Âu và Trung Âu tham gia “Sáng kiến Ba Biển”, cũng như đại diện của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu (EU), đã tham gia hội nghị thượng đỉnh.
“Mục đích của chúng tôi là giúp quỹ đạt 3.4 tỷ USD. Vì vậy, chúng tôi có thể đầu tư toàn bộ 1 tỷ USD đó vào tất cả các loại cơ sở hạ tầng như đường bộ, cầu, đường sắt, mạng 5G, cảng và các dự án năng lượng,” ông Krach nói tại một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ “cơ sở hạ tầng sạch đáng tin cậy, như được mô tả trong các tiêu chuẩn Chấm xanh,” ông Krach cho biết.
Được Úc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ khởi xướng, Mạng Chấm xanh (Blue Dot Network) là “con dấu phê duyệt được công nhận trên toàn cầu cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, để mọi người biết rằng các dự án đó là bền vững và không mang tính bóc lột,” theo trang web của chính phủ Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của tổ chức này là thúc đẩy “chất lượng, dựa vào thị trường tự do, và đầu tư do khu vực tư nhân dẫn đầu”.
Ông Krach cho biết, các quy định về Chấm xanh đặt ra “các tiêu chuẩn cao về quản trị, minh bạch, môi trường, và tài chính”, đem lại lợi ích cho lực lượng lao động của các quốc gia địa phương, hoàn toàn trái ngược với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Cộng.
Các dự án BRI được “tài trợ bởi chính phủ Trung Quốc, các ngân hàng Trung Quốc,” sử dụng công nhân Trung Quốc và được thiết kế chỉ để đem lại lợi ích cho Trung Cộng, ông Krach nói. Có những câu chuyện khắp nơi trên thế giới về các thỏa thuận bí mật, và các tài sản bị cưỡng bức thế chấp liên quan đến BRI, ông nói thêm.
Ông Pompeo nói, “Những quốc gia thành viên chưa đầu tư vào Quỹ nên làm vậy ngay bây giờ, và các quốc gia thành viên khác nên đầu tư thêm,” và thêm rằng, “Các khoản đầu tư của chính phủ vào Quỹ đầu tư là hữu ích, nhưng không gì có thể sánh được với sức mạnh tài chính của khu vực tư nhân. [Tất cả] quý vị, chúng ta, phải phát triển Quỹ bằng cách thu hút vốn và đầu tư của tư nhân.”
Kể từ hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, Ngân hàng phát triển nhà nước Ba Lan và Ngân hàng xuất nhập khẩu Romania đã thành lập Quỹ đầu tư Three Seas, “được điều hành bởi một tổ chức tư nhân, không chịu ảnh hưởng chính trị”, ông Pompeo nói. Hầu hết các quốc gia đều đã đầu tư vào đó hoặc đã cam kết đầu tư.
Hai ngân hàng đã đầu tư ban đầu tổng cộng hơn 500 triệu euro (588 triệu USD). Bà Beata Daszynska-Muzyczka, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Nhà nước Ba Lan (BGK), đã thông báo tại hội nghị rằng hội đồng quản trị ngân hàng cam kết tăng đầu tư lên 750 triệu euro (883 triệu USD).
Tuy nhiên, nhu cầu cơ sở hạ tầng trong khu vực đòi hỏi khoản đầu tư lên đến 600 tỷ euro (706 tỷ USD), bà Daszynska-Muzyczka nói. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết thêm bảy thành viên của Three Seas đã quyết định tham gia vào quỹ.
Ông Pompeo cũng cảnh báo các nước không nên ưu ái các doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt chính trị vào con đường đầu tư tư nhân. Ông cũng khuyên các nước thành lập Ban Thư ký Ba Biển để “bảo đảm tính liên tục và tiến bộ hơn nữa” giữa các hội nghị thượng đỉnh.
Được khởi xướng như một nền tảng chính trị linh hoạt cấp chính phủ của Croatia và Ba Lan, Sáng kiến Ba Biển đã được các quốc gia thành viên của Liên minh Âu Châu tham gia, ngoại trừ nước Áo từng là một phần của khối cộng sản Đông Âu.
Do sự bóc lột của các nhà cầm quyền cộng sản và sự thống trị của Liên Xô, cơ sở hạ tầng của các nước Trung và Đông Âu (CEE) kém phát triển và chỉ tập trung vào kết nối theo trục Đông–Tây. Điều này đã trở thành rào cản cho sự tăng trưởng kinh tế cũng như hội nhập kinh tế với Tây Âu.
Ngay cả khi Liên minh Âu Châu đã đầu tư lớn vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông ở các nước CEE, khoảng cách giữa họ và Tây Âu vẫn còn đáng kể. Sự thiếu hụt đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng và kỹ thuật số – theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – đã tăng lên tới 1.15 nghìn tỷ euro (1.36 nghìn tỷ USD) trong những năm qua.
Trong khi tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người ở các nước [thuộc khu vực] Ba Biển là 78% mức trung bình của Liên minh Âu Châu vào năm 2018; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của họ từ năm 2015 đến 2019 là 3.5%, so với 2.1% ở Liên minh Âu Châu, theo trang web Three Seas.
IMF đã dự báo rằng vào năm 2020, tỷ lệ đó sẽ tiếp tục cao hơn ở EU.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết trong một sự kiện tại Hội đồng Đại Tây Dương, trong khi chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cao, lợi ích đem lại là khá lớn và lợi ích ngắn hạn là tạo việc làm và tăng cường sử dụng nguồn lực kinh tế. Theo bà Georgieva, về dài hạn, cải thiện mối quan hệ giữa các bên sẽ làm tăng sản xuất hàng hóa và dịch vụ nói chung.
Lợi ích của việc cải thiện cơ sở hạ tầng
Do đại dịch virus Trung Cộng, một số quốc gia Âu Châu có thể tìm cách chuyển một số chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.
“Khu vực Ba Biển với lực lượng lao động có trình độ và cơ sở hạ tầng được cải thiện có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra các chuỗi cung ứng mới,” Tổng thống Ba Lan Duda cho biết tại cuộc họp báo.
Ông Mark Menezes, Phó thư ký Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, cho biết tại cuộc họp báo rằng Hoa Kỳ “khuyến khích các quốc gia thành viên cam kết tạo ra các điều kiện kinh tế để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng”. Nó sẽ không chỉ đem lại “lợi ích kinh tế trực tiếp, như việc làm và giảm chi phí năng lượng cho người tiêu dùng, mà còn cả lợi ích về an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp năng lượng duy nhất nào,” ông nói thêm.
Một thành viên cao cấp không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu (CEPA) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, ông Edward Lucas, viết, “Mục tiêu ngầm của Sáng kiến Ba Biển, được Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu hậu thuẫn, là đối thủ cạnh tranh với nhóm 17+1” – nhóm gồm các nước Trung và Đông Âu do Bắc Kinh dẫn đầu để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng của mình trong khu vực.