Hoa Đà, vị thần y Trung Hoa cổ xưa đã đi trước thời đại nhiều thế kỷ
Maria Han
Danh y Trung Quốc Hoa Đà được xem là một tiên nhân – cả ở vẻ ngoài trẻ trung bất kể tuổi tác cũng như khả năng chẩn đoán và trị bệnh giống như thể ông sử dụng thần thông.
Ông được cho là đã chẩn đoán khối u trong não Tào Tháo, vị tướng quân sống vào thế kỷ thứ 2, rất lâu trước khi máy chụp CT ra đời. Hoa Đà nói rằng mình có thể phẫu thuật cho Tào Tháo để cắt bỏ khối u nhưng Tào Tháo lại nghĩ rằng Hoa Đà muốn hạ sát mình nên đã sát hại ông.
“Tào Tháo triệu Hoa Đà đến để điều trị riêng cho mình, và trở nên tức giận – hoặc vì, Hoa Đà lưỡng lự trong việc quay lại để đưa thêm các phương pháp trị bệnh, hoặc vì Tào Tháo nghi ngờ Hoa Đà muốn hành thích mình khi Hoa Đà đề nghị mổ não để điều trị chứng đau đầu dữ dội của ông ta,” ông Subhuti Dharmananda, giám đốc Viện Y học Cổ truyền ở Portland, tiểu bamg Oregon, viết trên trang web của viện.
Một báo cáo khác nói về điều này được đưa ra trong bài viết “The Life and Medical Practice of Hua Tuo” (Cuộc Đời và Y Thuật của Danh Y Hoa Đà) đăng trên Tạp chí Đông Y Thái Bình Dương.
“Hoa Đà khám cho Tào Tháo và thông báo rằng cơn đau đầu của ông ta là do khí và dịch lỏng tích tụ bên trong hộp sọ. Ông nói rằng điều trị bằng thuốc sẽ không có tác dụng và ông cần phải cho Tào Tháo dùng thuốc mê, mở hộp sọ và loại bỏ các chất tích tụ,” tác giả Brian May viết và nói thêm rằng, đoạn này được trích từ danh tác “Romance of the Three Kingdoms” (Tam Quốc Diễn Nghĩa).
Làm sao Hoa Đà chẩn đoán được cơn đau mà Tào Tháo đang cảm thấy là do khối u trong não gây ra? Làm thế nào ông chẩn đoán được mọi vấn đề bên trong cơ thể bệnh nhân? Danh tiếng của ông đến từ nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh chính xác và cách trị bệnh tiên tiến trước khi ông qua đời oan uổng vì nỗ lực chữa bệnh cho Tào Tháo.
“Ông được công nhận là người tiên phong trong việc thực hiện phẫu thuật nội soi và cấy ghép nội tạng, sử dụng thuốc gây mê, và ông cũng là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Trung Quốc phẫu thuật vùng ổ bụng, trong đó có thực hiện cắt lá lách và cắt ruột kết. Về chuyên ngành thần kinh, Hoa Đà được cho rằng đã thực hiện các thủ thuật để điều trị chứng đau đầu [và] bệnh liệt.” Thông tin này được đăng trong bài viết “China’s first surgeon: Hua Tuo” (Bác Sĩ Phẫu Thuật Đầu Tiên của Trung Quốc: Hoa Đà) do ông R. Shane Tubbs đồng tác giả. Ông Tubbs là giáo sư giải phẫu thần kinh tại Trường Y thuộc Đại học Tulane ở New Orleans, tiểu bang Louisiana. Bài báo này được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Phẫu thuật Thần kinh Nhi khoa Quốc tế năm 2011.
Hoa Đà ‘nhìn thấy’ bên trong cơ thể người bằng cách nào?
Y học Trung Quốc có một số phương pháp khám để phát hiện bệnh trong cơ thể bằng cách tìm ra các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài. Một kỹ thuật được áp dụng đó là bắt mạch. Khi cơ thể có sự thay đổi sẽ dẫn đến kinh mạch đập nhanh chậm khác nhau, đây là điều mà các danh y Trung Quốc dựa vào để chẩn đoán bệnh. Nhưng cho dù phát hiện có điều bất thường ở đầu, thì làm sao Hoa Đà biết đó là một khối u?
“Người ta nói rằng, một số bác sĩ [y học cổ truyền Trung Quốc] cổ xưa có khả năng ngoại cảm hoặc thấu thị, nghĩa là họ có năng lực trực giác cao để hiểu, nhìn thấy, và cảm nhận vượt ngoài [các giác quan] thể chất của con người,” tiến sĩ chuyên về lĩnh vực châm cứu Xiang Jun cho biết trên trang web của cô.
Hoa Đà được biết đến là người tu luyện Đạo Giáo. Người ta cho rằng ông đã tìm đến các vị Thần để được hướng dẫn, từ đó thăng hoa bản thân cũng như các khả năng của mình theo cách này. Các đạo sĩ trong nhiều giai thoại Trung Quốc thường được cho là có công năng đặc dị. Một số khoa học gia hiện đại cũng đã nghiên cứu về việc thực hành tâm linh có thể giúp con người phát triển những năng lực được xem là siêu thường như thế nào.
Đơn cử như ông Dean Radin, khoa học gia hàng đầu tại Viện Khoa học Noetic, đã viết rất nhiều trường hợp về những người thực hành tâm linh, đồng thời báo cáo về những khả năng siêu thường trong suốt quá trình lịch sử.
Trong cuốn sách “Supernormal: Science, yoga, and the evidence for extraordinary psychic abilities,” (Siêu Nhiên: Khoa Học, Yoga và Bằng Chứng về Khả Năng Tâm Linh Phi Thường) của mình, ông Radin cho biết: “Đối với một học giả được đào tạo ở phương Tây, chẳng hạn chỉ cần thấy sự tồn tại của thần giao cách cảm cũng đã được xem là điều phi thường và do đó cực kỳ đặc biệt. Nhưng đối với một hành giả yoga có kinh nghiệm, thì đó chỉ là một “siddhi” [thuật ngữ tiếng Phạn chỉ một trạng thái, hoặc công năng đạt được khi thiền định] nhỏ bé và bình thường đến nhàm chán.
Ông Dharmananda viết về danh y Hoa Đà, như sau: “Hoa Đà là một đạo sĩ đã đắc đạo và tuân theo các nguyên lý của Đạo Giáo, ông không cầu danh vọng hay tiền tài, mặc dù có rất nhiều lời ca tụng dành cho ông.”
Tào Tháo được cho là đã sát hại Hoa Đà vào năm 207 sau Công Nguyên, khi Hoa Đà ở tuổi 97, ông Dharmananda cho biết, trích dẫn từ cuốn “Records of the Wei Dynasty (Wei Zhi).” (Ghi Chép về Triều Đại Nhà Ngụy (Ngụy Chí)). Dù đã ở tuổi 97, nhưng người ta nói rằng Hoa Đà vẫn là một người đàn ông khỏe mạnh và có vẻ ngoài trẻ trung.
“Hoa Đà hiểu rõ phương pháp duy trì sức khỏe tốt, dù đã gần tuổi bách niên nhưng trông ông vẫn rất sung sức, và ông được xem là một tiên nhân,” ông Dharmananda viết.
“Cả hai [cuốn sử ký] là ‘San Guo Zhi’ (Tam Quốc Chí) và ‘Hou Han Shu’ (Hậu Hán Thư) đều viết rằng, những người sống vào thời của Hoa Đà tin rằng ông đã gần 100 tuổi. Trong ‘Hậu Hán Thư’ nói thêm rằng sau khi qua đời, ông đã trở thành một tiên nhân,” các đồng tác giả Brian May, Takako Tomoda, và Michael Wang viết trong cuốn sách “The Life and Medical Practice of Hua Tuo” (Cuộc Đời và Y Thuật của Danh Y Hoa Đà).
Bác sĩ phẫu thuật đầu tiên được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc
Mặc dù phẫu thuật không phổ biến trong thực hành Trung Y thời nay, nhưng có nhiều ghi chép về việc Hoa Đà đã thực hiện phẫu thuật với phương pháp gây mê của riêng mình để cứu chữa cho bệnh nhân.
Một trong những kỳ tích của Hoa Đà là ca phẫu thuật ổ bụng mà ông thực hiện trên một bệnh nhân, được thuật lại trong cuốn sách “China’s first surgeon: Hua Tuo” (Bác Sĩ Phẫu Thuật Đầu Tiên của Trung Quốc: Hoa Đà), như sau: “Trong một trường hợp phẫu thuật ổ bụng, Hoa Đà đã cho bệnh nhân uống một loại thuốc được pha chế từ thảo dược, và ngay khi bệnh nhân hôn mê, ông sẽ tiến hành phẫu thuật.”
Hỗn hợp thảo dược được đề cập trong bài viết đó là thuốc gây mê do Hoa Đà phát minh nhằm giúp bệnh nhân cảm thấy bớt đau hoặc không đau trong suốt quá trình phẫu thuật.
Ông Dharmananda cũng kể lại việc Hoa Đà thực hiện ca phẫu thuật ổ bụng này.
“Một bệnh nhân chịu đựng cơn đau bụng hơn 10 ngày, bị rụng râu và lông mày, nhờ Hoa Đà điều trị. Ông chẩn đoán vùng bụng của bệnh nhân có tình trạng xấu, yêu cầu bệnh nhân uống thuốc gây mê, sau đó ông tiến hành khám ổ bụng và cắt bỏ phần bị hoại tử, khâu kín vết mổ, và đắp một số loại thảo dược. Bệnh nhân đã khỏi bệnh sau 100 ngày.”
Bậc thầy châm cứu
Trong Trung Y, bệnh tật có thể được chữa khỏi hoặc thuyên giảm tạm thời nhờ châm cứu. Kỹ năng châm cứu của Hoa Đà được cho là siêu việt và ông được biết đến là một trong những nhà châm cứu giỏi nhất trong lịch sử. Ông tìm ra một hệ thống các huyệt vị và được đặt theo tên của ông là “Giáp Tích Hoa Đà”.
“Các huyệt Hoa Đà, còn gọi là Giáp Tích Hoa Đà (jiaji: jia = ở giữa; ji = cột sống), nằm dọc hai bên cột sống. Các huyệt vị này được cho là do Hoa Đà tìm ra, vì mọi người nói rằng ông đã điều trị thành công một số loại bệnh có liên quan đến những huyệt vị này,” ông Dharmananda viết.
Mặc dù Hoa Đà có ghi chép lại kiến thức và kinh nghiệm của mình trong nhiều cuốn sách, nhưng những cuốn sách đó đã bị thất lạc. Tuy nhiên, những câu chuyện về [y thuật] cao siêu của ông vẫn được lưu truyền tới nay. Có một trường hợp đặc biệt về việc châm cứu có thể cứu sống người, đó là khi Hoa Đà được cho là đã dùng biện pháp châm cứu để cứu sống một thai phụ bị thai chết lưu.
“Một người phụ nữ đã đến gặp Hoa Đà sau khi bị sảy thai và than phiền về cơn đau bụng dữ dội của mình. Sau khi bắt mạch cho người phụ nữ, Hoa Đà chẩn đoán thai phụ này mang song thai, và xác định có một bào thai đã mất trong bụng của cô. Chỉ bằng một bài châm cứu, Hoa Đà đã đẩy được bào thai chết lưu ra,” ông Tubbs và các đồng tác giả viết trong cuốn “China’s first surgeon: Hua Tuo” (Bác Sĩ Phẫu Thuật Đầu Tiên của Trung Quốc: Hoa Đà).