Hồ Ba Bể
Trong cuộc Bắc-tuần, Hoàng-thượng ngự giá thăm hồ Ba-Bể. Tưởng thuật qua lịch-sử hồ Ba-Bể ra đây để hiến độc-giả, không phải là vô-ích vậy.
Hồ Ba-Bể thuộc châu Chợ-rã tỉnh Bắc-cạn là một nơi danh thắng miền thượng-du Bắc-kỳ.
Một bể thuộc địa-phận xã Tiêu-loan và hai bể thuộc địa-phận xã Nam-mẫu giáp tỉnh Tuyên-quang. Một dãy núi đá Bích-lập, có thác từ cao đổ xuống, làm giới hạn cho hồ Ba-bể về phía tây. Chung-quanh hồ có núi bao-bọc, “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”, suối chẩy, thông reo : Cảnh-trí thực là u-nhã ! Giữa bể, có nhiều núi, nhiều đảo đột khởi trên mặt nước, khi sóng gió dập-dờn, lúc bình tĩnh thuyền chài quanh lượn, xa xa trông thực hữu tình ! Phong cảnh đẹp ấy, ví với tám cảnh Tiêu-tương và Ngũ-hồ nước Tàu, tưởng cũng chỉ thế ! Cảnh hồ Ba-bể đã đẹp, lại điểm thêm dãy núi Côn-lôn trùng-trùng điệp-điệp, một dãy núi bích-lập cao hơn mặt bể vài nghìn thước, chạy từ Tuyên-quang đến địa-phận Thái-nguyên. Giữa núi, có nhiều động thanh-u. Trong động thạch-nhũ dủ xuống lóng-lánh tựa ngọc-châu, cảnh-sắc như vẽ. Lại có suối chảy róc rách, làm cho bức tranh thiên-nhiên của tay thợ Tạo đã vẽ càng thêm linh-động. Thực là một nơi đại thắng-cảnh, không bút nào tả xiết, trong nước Việt-nam, đã chèo-kéo bao khách đông tây qua lại.
Tục truyền : Xưa, tại làng Nam-mẫu, có thiết-lập trai đàn, người các nơi đến xem rất đông. Trong số ấy, có một bà lão mình già, sức yếu, ăn mặc đã rách-rưới, thân mình lại đeo bệnh hủi, đi khất thực mọi người. Nhưng từ sáng đến tối, chỉ bị mắng đuổi, không sao xin được bữa ăn. Tối đến, bước chân ra về, thì gặp mẹ con một người làng Nam-mẫu có lòng từ-thiện, thấy tình-cảnh đáng thương, bèn cứu vớt qua cơn đói khát.
Tối, về tới nhà, mẹ con nhà từ thiện đã thấy bà lão ăn mày vào xin ngủ trọ.
Mẹ con nhà ấy cũng vui lòng đón người hủi vào nhà, ân cần tiếp đãi rất tử-tế và cho ngủ nhờ trong một căn buồng tĩnh-mịch.
Sáng hôm sau, người hủi tỉnh dậy bảo chủ nhà : “Hôm trước, tôi xem đám chay, thập phương rất đông, nhưng đều là gươm trăm, giáo mớ, bị vô-minh che phủ từ-đoan, không ai còn bụng nhân từ, tất rồi đây sẽ phải chịu cái khổ trầm luân. Duy mẹ con bà có chút lòng nhân-hậu, đã cứu người nghèo cho qua cơn đói rét. Ta xin trả ơn phiếu-mẫu bằng nhời dặn sau này : Nay mai, xứ này sẽ có cuộc tang-thương biến cải. Hễ thấy sự gì khác thì mẹ con bà pahir kíp dời nhà cửa lên ẩn trên cao-nguyên, chớ có tham-luyến nơi này mà mang hoạ…”
Rồi người hủi từ-biệt ra đi. Ai ngờ, nhời người hủi dặn lại ấy chẳng bao lâu đã thành sự thực.
Trong khi mọi người còn đương mải miết xem cuộc làm chay thì tự nhiên một dòng nước từ dưới đất chẩy ra, làm lở cả mặt đất, trước xoáy thành hố, sau dần dần khơi rộng thành đầm ao, rồi thành hồ, thành ba cái bể rất to ước hai ba dặm.
Trước đó mẹ con nhà từ thiện sực nhớ nhời người hủi, đã bỏ nhà, di cư đến chân núi, cách xa ba dặm đường, rồi lưu trú tại đấy. Về sau sinh sản mỗi ngày một nhiều. Nòi giống đông đàn dài lũ, kết tập thành xóm thành làng ở ven hồ. Tới nay, dân đinh làng ấy vẫn thịnh vượng.
Phàm những núi vây quanh Ba bể đều thuộc địa phận làng Nam-mẫu.
Thực là một khu vực to tại vùng Ba-bể vậy.
Trên là một chuyện truyền thuyết, tôi chỉ thuật ra để làm món quà mua vui. Còn thực hay hư, xin nhường các bậc cao-minh phán-đoán.
Trải qua bao cơn dâu bể, hồ Ba-bể mặt nước vẫn xanh xanh phẳng lặng từ nghìn xưa cho tới nghìn nay.
NHẬT-NHAM