Heritage Foundation: chỉ số sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ giảm xuống, của Trung Quốc tăng lên
Hôm 20/10, Heritage Foundation đã công bố Chỉ Số Sức Mạnh Quân Sự Hoa Kỳ năm 2022, theo đó phát hiện rằng quân đội Hoa Kỳ đang suy giảm dần trong khả năng thực hiện các nhiệm vụ của mình, phần lớn là do nguồn lực cũ và thiếu đầu tư. Tổ chức này cũng nhận thấy rằng Trung Quốc là một thách thức lớn đối với hiệu quả liên tục về mặt quân sự của Hoa Kỳ.
“Trung Quốc là mối đe dọa toàn diện nhất mà Hoa Kỳ từng đối mặt,” báo cáo viết.
“Như tình trạng hiện tại, quân đội Hoa Kỳ chỉ có thể tiếp tục đáp ứng một phần yêu cầu bảo vệ các lợi ích quốc gia trọng yếu của Hoa Kỳ.”
Tài liệu này là ấn bản thứ tám của chỉ số hàng năm này, vốn được thiết kế để cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một thước đo có căn cứ về khả năng thực hiện các nhiệm vụ của quân đội Hoa Kỳ, cũng như đánh giá những thay đổi trong tình trạng của quân đội qua từng năm.
Rồng Trung Quốc thăng lên
Chỉ số này đã xếp Trung Quốc vào hạng một mối đe dọa “đáng gờm,” mức cao nhất trong số 5 giá trị được dùng để xếp hạng và cho thấy rằng các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ cần nhiều trang bị hạng nặng hơn để thực hiện thành công nhiệm vụ của họ trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Dân biểu Mike Rogers (Cộng Hòa–Alabama), thành viên cao cấp của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, đã thảo luận về tình trạng của quân đội Hoa Kỳ và sự đi lên nhanh chóng của quân đội Trung Quốc tại một sự kiện ra mắt báo cáo Chỉ Số của Heritage Foundation, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn.
Ông Rogers nói: “Chúng ta đã trải qua hai thập niên chiến tranh và chúng ta đã hao mòn mọi thứ mà chúng ta có được, kể cả nhân lực. Trung Quốc đang trong giai đoạn hiện đại hóa quân đội chưa từng có. Tôi e rằng họ sẽ đi trước chúng ta trong nhiều công nghệ tiên tiến như AI và điện toán lượng tử.”
“Chúng ta biết họ đã làm được điều này với công nghệ siêu thanh.”
Ông Rogers lưu ý tầm quan trọng của việc Trung Quốc được báo cáo đã thử nghiệm một phương tiện bay siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hồi tháng Tám. Cuộc thử nghiệm này dường như được thực hiện mà cộng đồng tình báo Hoa Kỳ không hề hay biết. Ông cho biết việc Trung Quốc nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về khả năng hạt nhân với Hoa Kỳ có thể làm giảm các nỗ lực an ninh trên toàn cầu.
Ông Rogers nói: “Chúng ta biết Trung Cộng không ngừng nghiên cứu các hành động và tìm kiếm những điểm yếu của chúng ta. Là siêu cường duy nhất của thế giới, chúng ta phải bước vào cuộc đua này nếu không chúng ta sẽ thua cuộc.”
Ông Rogers cũng bày tỏ một cam kết theo đuổi tài trợ cho các nền tảng không gian, thiết bị [quân sự] không người lái, và một cấu trúc quốc phòng phân bố rộng hơn, tất cả đều cần thiết để đối đầu với nhà cầm quyền Trung Cộng trong một cuộc xung đột trong tương lai.
Ông nói rằng Trung Quốc đã quyết tâm để vươn từ vị trí “gần ngang hàng” trong công nghệ vũ trụ lên vị trí bằng vai phải lứa, có khả năng đối đầu trực diện với Hoa Kỳ.
Mối đe dọa trên biển ngày càng tăng
Tuy nhiên, tham vọng về không gian của Trung Quốc và kho vũ khí hạt nhân của nước này không phải là những chủ đề duy nhất gây lo ngại. Tầm quan trọng ngày càng tăng của năng lực hải quân của Hoa Kỳ đã được thảo luận chi tiết.
Ông Dakota Wood, nhà nghiên cứu cao cấp về các chương trình quốc phòng tại Heritage Foundation, từng phục vụ trong Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ 20 năm, nhấn mạnh rằng lực lượng hải quân của Trung Quốc hiện có khoảng 360 tàu, nhiều hơn đáng kể so với 297 tàu của Hải quân Hoa Kỳ.
Ông Wood, người biên soạn Chỉ số 2022, cũng đã nói rằng mối đe dọa ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc thường bị che khuất bởi xu hướng tập trung quá mức vào các nguồn tài nguyên đắt đỏ của Hoa Kỳ, chẳng hạn như 20 hàng không mẫu hạm.
Theo ông Wood, xu hướng đó là một sai lầm.
“Thường thì quý vị sẽ nghe thấy sự so sánh rằng Hải quân Hoa Kỳ có số hàng không mẫu hạm bằng [nhiều] quốc gia kế tiếp cộng lại, nhưng chỉ một phần trăm năng lực hải quân đó là khả dụng vào bất cứ thời điểm nào, và quý vị phải lấy con số đó mà đưa ra dự báo ở ngoại quốc”, ông Wood nói.
Ông lưu ý rằng, mặc dù Hoa Kỳ có gần 300 chiến hạm, nhưng chỉ khoảng một phần ba lực lượng đó có thể sẵn sàng [trực chiến] ngay lập tức vào bất cứ thời điểm nào và một phần ba đó còn bị trải rộng trên toàn cầu.
Tổng cộng, chỉ có khoảng 60 chiến hạm của Hoa Kỳ được điều tới khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
Trong khi đó, phần lớn hạm đội của Trung Quốc đóng quân trong phạm vi 300 dặm của quốc gia này, và con số đó sẽ tăng lên hơn 600 tàu nếu tính cả lực lượng tuần duyên và dân quân hàng hải của Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là, nếu một cuộc chiến tranh nổ ra ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ bắt đầu với một bất lợi đáng kể.
Ông Wood nói: “Nếu hải quân của chúng ta đối đầu với Nga hoặc Trung Quốc, thì đó sẽ là chỉ có một tỷ lệ nhỏ của chúng ta chống lại với tổng số của họ.”
“Các vị đang gặp bất lợi sáu chọi một ngay cả khi xung đột còn chưa bắt đầu. Điều đó có làm trấn an các đồng minh? Đó có phải là sự ngăn chặn hành vi xấu từ các địch thủ đang lăm le xâm lược là Nga và Trung Quốc? Có lẽ không quá nhiều.”
Làm vấn đề này thêm phần bế tắc là hai tham số khác: tuổi đời của hạm đội Hoa Kỳ và địa lý của khu vực Thái Bình Dương.
Chỉ số cho thấy hơn một nửa số tàu trong Hải quân Hoa Kỳ đã trên 20 năm tuổi, và các bước xây dựng và tài trợ hiện tại cho thấy hạm đội có thể sẽ không tăng trưởng đáng kể trong 15 đến 20 năm nữa.
Báo cáo chỉ số này lưu ý rằng, về mặt địa lý, Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với những khó khăn do “sự chi phối của khoảng cách” đặt ra ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
Tình trạng khó khăn này là về việc bố trí các nguồn lực quân sự của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực, có nghĩa là, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Trung Quốc sẽ có thể nhanh chóng tích lũy một lực lượng lớn hơn nhiều và cung cấp cho lực lượng đó các yếu tố trên bộ như pháo binh hoặc hỗ trợ hỏa tiễn. Hải quân Hoa Kỳ sẽ thiếu khả năng này trừ khi họ ở gần một quốc gia đồng minh.