Hàng triệu người tiếp tục thăm Núi Rushmore bất chấp văn hóa xóa sổ
ALLAN STEIN
KEYSTONE, South Dakota — Một cơn gió nhẹ thổi qua Sân Grand View của Khu Tưởng niệm Quốc gia Núi Rushmore khiến tôi khẽ rùng mình.
Đối với hàng triệu người dân Mỹ lần đầu tiên đến thăm quan, giống như tôi, đây là vùng đất linh thiêng – sự tự do và sự hy sinh được tạc vào ngọn núi vượt thời gian này.
Đứng trên tầng quan sát cách đài tưởng niệm 150 feet (45.7 mét), ông Doug Alford đến từ Texas đầy tự hào chia sẻ, “Cảnh tượng này mang đến cho quý vị một cảm giác rộn ràng.”
“Tôi được truyền cảm hứng từ những gì mà mọi người đã thường làm. Khu tưởng niệm này cũng ấn tượng như những tòa nhà chọc trời mà họ đã xây dựng vào những năm 20.”
Trong lúc chúng tôi vẫn đang ngắm nhìn tác phẩm điêu khắc cao lớn này và rất đỗi kinh ngạc trước tài năng và kỹ thuật phi thường đã xây dựng nên tác phẩm, ông Alford than thở rằng đất nước mà ông từng biết không còn như xưa nữa.
Ngày nay, người dân dường như luôn sẵn sàng gây chiến về phương diện văn hóa và chính trị. Chúng ta chứng kiến tinh thần Mỹ quốc vĩ đại đang dần phai nhạt trong không gian lịch sử, xuyên suốt một sự chia rẽ ngày càng lan rộng bên trong đất nước.
Những ngày vinh quang của Mỹ quốc – “những ngày đó đã qua rồi,” ông Alford nói.
Nhưng núi Rushmore vẫn còn đó.
Vào đêm trước ngày tưởng niệm 21 năm vụ tấn công ngày 11/09 của tổ chức khủng bố Hồi giáo, ước tính có khoảng 2,500 người đến thăm quan Núi Rushmore để ngắm nhìn bốn vị tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ – George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt, và Abraham Lincoln – được tạc trên đá hoa cương.
Những vĩ nhân huyền thoại này sừng sững vươn khỏi những ngọn thông aoerosa xanh mướt và cảnh quan đá khô cằn nơi có những cánh diều hâu và đại bàng bay lượn.
“Thật tuyệt vời,” bà Cindy, vợ của ông Alford, thốt lên. “Tôi đã xem khu tưởng niệm này trên TV nhưng thật ấn tượng khi được ngắm nhìn trực tiếp.”
Điêu khắc gia Gutzon Borglum, người tạo ra Núi Rushmore, đã hình dung ra một khu tưởng niệm trường tồn vượt thời gian này.
Ông tuyên bố: “Chúng ta hãy khắc lại những lời của các nhà lãnh đạo của chúng ta, cũng như dung mạo của họ ở đó, vươn tới tận trời cao nhất có thể, để cho hậu thế thấy cốt cách con người họ như thế nào. Và rồi, hãy thầm cầu nguyện cho những di tích này được trường tồn mà chỉ gió mưa mới có thể bào mòn.”
Dự án khu tưởng niệm
Khi ông Borglum qua đời, công trình xây dựng khu tưởng niệm đã trải qua 14 năm, từ năm 1927 đến 1941. Vào những năm 1990, dự án tiêu tốn khoảng 1 triệu USD để hoàn thành, và 56 triệu USD để trùng tu. Dự án cũng cần khoảng 400 công nhân để xây dựng khu tưởng niệm, và cho nổ 450,000 tấn đá từ ngọn núi.
Ông Borglum đã chọn bốn tổng thống này để lưu giữ trên Núi Rushmore do những vai trò quan trọng của họ trong Lịch sử Hoa Kỳ.
Ngài George Washington, tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, đã chỉ huy Lục quân Lục địa đánh bại Đế quốc Anh và giành tự do cho Mỹ quốc.
Ngài Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba, là tác giả chính của Tuyên ngôn Độc lập tiêu biểu cho những lý tưởng Khai sáng về quyền bầu cử của nhân loại.
Ngài Theodore Roosevelt, tổng thống thứ 26, đã thúc đẩy việc xây dựng Kênh đào Panama nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ông đã chiến đấu với các đại công ty độc quyền và để dành hàng triệu mẫu đất bảo tồn thông qua hệ thống vườn quốc gia.
Ngài Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16, đã lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc Nội chiến – thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ – và bảo vệ Liên bang.
Lòng ái quốc cho Hy vọng và Tự do
Hàng năm, gần 3 triệu người đến tham quan Núi Rushmore – với khoảng 2,000 người mỗi ngày – bởi lòng hiếu kỳ hoặc vì lòng ái quốc. Nhiều người xem khu tưởng niệm như bến đỗ của hy vọng và tự do trong một thế giới đang chìm trong chế độ chuyên chế.
Ông Alfords cho biết họ đã lái xe từ Texas đến Black Hills thuộc South Dakota để ngắm Núi Rushmore và cảm nhận nguồn cảm hứng từ nó.
Đó là một chuyến đi dài đang diễn ra.
Đề cập đến tầm nhìn nghệ thuật của ông Borglum, ông Doug Alford chia sẻ với The Epoch Times, “Thật kinh ngạc về những gì người ta có thể làm vào lúc đó khi họ ủng hộ điều gì đó.” Ông nói: “Đó là lúc mà mọi người đều quan tâm đến đất nước.”
“Tôi nhớ đất nước đã từng có biết bao nhiêu niềm tự hào. Giờ đây, chúng ta không còn niềm tự hào quốc gia nào nữa – tất cả đều đã bị hủy hoại.”
Trong cuộc bạo loạn mùa hè năm 2020, sau cái chết của George Floyd, những người theo đuổi nền văn hóa xóa sổ mới đã hùa nhau bôi nhọ và kéo đổ các bức tượng danh nhân Hoa Kỳ mà họ coi là “kẻ phân biệt chủng tộc”.
Không bao lâu, văn hóa xóa sổ bắt đầu tập trung vào những bức tượng của các Tổ phụ Lập quốc của Hoa Kỳ, cho rằng họ cũng là biểu tượng của chế độ nô lệ nên đã cho hạ xuống.
Sự đả phá tín ngưỡng của cánh tả
Giữa sự hỗn loạn của xã hội, Núi Rushmore cũng sẽ trở thành mục tiêu của những lời kêu gọi xóa sổ. Do những lo ngại về môi trường, các màn bắn pháo hoa thường niên đã không diễn ra ở đây kể từ năm 2009.
Ông Jim Denker cùng vợ của mình, bà Kate, cho biết họ từ New Jersey đến để ngắm Núi Rushmore lần đầu tiên khi cả hai đều đã về hưu.
“Ngọn núi đem lại vinh quang cho Hoa Kỳ. Nó rất đặc biệt – phải nói là ngoạn mục,” ông Jim Denker bày tỏ.
“Hồi đó, mọi người rất quý trọng điều đó. Giờ đây, mọi thứ đang thay đổi. Đây này, quý vị nhìn thấy mọi người đó, và ánh mắt họ sáng lên bởi vị thế kỳ lạ này.”
Cả hai ông bà thừa nhận rằng họ đã “bỏ lỡ rất nhiều thứ ở Mỹ quốc” trong những năm còn làm việc. Họ muốn bày tỏ lòng kính trọng của mình tại Núi Rushmore trong năm 2022 bởi vì “vinh quang của Mỹ quốc là tất cả những gì thuộc về đất nước này,” ông Jim Denker nói với The Epoch Times.
“Được tới đây đúng là một giấc mơ. Tôi từng là một tiếp viên hàng không trong 30 năm và chưa bao giờ được tới đây,” bà Kate Denker cho biết. “Mãi đến hôm nay tôi mới được đến đây. Vài tháng nữa, rốt cuộc thì tôi cũng sẽ 70 tuổi. Tôi đã đi khắp thế giới, mà tôi chưa từng đến đây. Thật xấu hổ!”
Ông Alan và bà Karen Patrick từ Washington cho biết họ đã đến thăm khu tưởng niệm này thường xuyên kể từ năm 1999.
Mỗi lần đến, họ đều rất phấn khởi khi ngắm nhìn khu tưởng niệm.
“Rất ấn tượng – rất đẹp,” ông Alan Patrick nói. “Tôi nghĩ đây là thời điểm tuyệt vời để ngắm nhìn nó. Tôi không muốn nhìn thấy nó xuống cấp.”
‘Luôn muốn ngắm nhìn’
“Đó là tác phẩm nghệ thuật của ai đó. Đó là Lịch sử,” bà Karen Patrick chia sẻ.
“Tôi đang đắm chìm vào toàn bộ trong khung cảnh,” một người đàn ông đến từ Louisiana nói: “Thật là đồ sộ – không thể tin được là họ đã tạo ra tượng đài đó, và làm thế nào mà họ tạo ra được tượng đài đó.”
Là một du khách từ Kansas lần đầu đến đây, ông Jeff Dohrman cho biết ông không thể nào mà không cảm thụ được lòng ái quốc khi ngắm nhìn tượng bốn vị tổng thống bằng đá hoa cương đó.
“Khung cảnh ở đây khiến quý vị liên tưởng đến Lịch sử và những gì Hoa Kỳ đang trải qua. Tôi luôn muốn ngắm nhìn nó. Đây là một trong những điều chủ yếu.”
Vợ của ông, bà Denise, cho biết Núi Rushmore nằm trong “danh sách đầy” những thứ mà bà muốn tham quan.
“Khá là tuyệt vời,” bà nói về Núi Rushmore. “Toàn bộ ‘chủ nghĩa thức tỉnh’ đang diễn ra … Tôi nghĩ rằng nhiều người cần hiểu về đất nước này hơn.”
“Đó chính là tình yêu đất nước của quý vị,” bà nói với The Epoch Times. “Chúng ta có quá nhiều người già nua hiện đang điều hành đất nước của chúng ta. Chúng ta cần có nguồn sinh khí mới – nguồn sinh khí tươi trẻ.”
Lần đầu tiên đến tham quan, anh Peter Libby từ Maine đã đặt máy ảnh kỹ thuật số và giá ba chân của mình trên Avenue of Flags để bấm được bức ảnh đẹp nhất có thể được về Núi Rushmore trong ánh nắng nhạt dần.
“Họ là những người tiên phong thực thụ – và giờ đây cả bốn người đều ở đây,” anh Libby nói với The Epoch Times.