Grinling Gibbons: Michelangelo trong điêu khắc gỗ
“Tuyệt vời và vượt trên mọi sự mô tả… đó là các tác phẩm chạm khắc gỗ có một không hai của Gibbons, người không ai phủ nhận là bậc thầy vĩ đại nhất về các phát kiến và sự quý hiếm của các tác phẩm trên thế giới trong mọi thời đại,” nhà văn thế kỷ 17 John Evelyn đã viết như vậy về ông Grinling Gibbons, nhà điêu khắc trang trí vĩ đại nhất trong lịch sử nước Anh.
Năm nay kỷ niệm tròn 300 năm kể từ khi Gibbons qua đời, Hiệp hội Grinling Gibbons đã tổ chức một sự kiện kéo dài cả năm có tên: Grinling Gibbons 300. Triển lãm “Grinling Gibbons: Centuries in the Making” là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện đó.
Cô Hannah Phillip, giám đốc sự kiện Grinling Gibbons 300 và là giám tuyển của cuộc triển lãm, giải thích trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng triển lãm này mong muốn làm nổi bật cuộc đời và di sản của ông Gibbons.
Hiệp hội Grinling Gibbons cũng đã tạo một danh mục trực tuyến là “Grinling Gibbons Online” để ghi lại các tác phẩm của ông trên toàn thế giới. Bất kỳ tác phẩm nào được cho là của ông Gibbons và những môn đệ, hoặc những tác phẩm có thể là của ông đều được đưa vào danh mục trực tuyến với hy vọng mở ra cuộc thảo luận về các tác phẩm của ông.
Cuộc gặp tình cờ
Trong nhật ký của mình, ông Evelyn mô tả cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với chàng trai trẻ Gibbons 19 tuổi. Khi đi ngang qua những cánh đồng gần nhà ở Deptford, Nam London, ông tình cờ thấy một ngôi nhà hiu quạnh. Bên trong nhà, ông thấy Gibbons đang khắc lại một bản khắc từ một bức tranh thời Phục Hưng Ý, bức “The Crucifixion” (tạm dịch: Chúa bị Đóng Đinh) của Tintoretto. Ông Evelyn nhận ra tác phẩm này vì ông cũng có một bản khắc mua từ Venice trong chuyến đi được gọi là Grand Tour [một chuyến tham quan về văn hóa xuyên Âu Châu, đặc biệt là vào thế kỷ 17–18, của những thanh niên thuộc tầng lớp thượng lưu]. Bức tranh được xem là một trong những ví dụ điển hình nhất của phong cách hội họa Venice.
Ông Evelyn rất kinh ngạc trước tác phẩm của Gibbons. “Sự tỉ mỉ trong cách khắc gỗ, nét vẽ, và độ chuẩn xác, tôi chưa từng gặp ai như vậy trong tất cả các chuyến du lịch của mình,” ông viết.
Ông Evelyn băn khoăn hỏi Gibbons tại sao lại làm việc ở “một nơi vắng vẻ và hiu quạnh như vậy”. Gibbons trả lời đó là lý do để có thể dành toàn tâm ý vào công việc và không bị làm phiền.
Là một người quảng giao và thấy được một tài năng như vậy, ông Evelyn gợi ý sẽ giới thiệu chàng Gibbons trẻ tuổi với những quý ông có thể tuyển dụng Gibbons.
Ông Evelyn đã mô tả bức chạm khắc: “Không có gì trong thiên nhiên lại dịu dàng, tinh tế như những bông hoa và những đường trang trí trong đó, nhưng tác phẩm rất mạnh mẽ.”
Chỉ là một cuộc gặp rất tình cờ nhưng chàng nghệ sĩ trẻ tuổi đã để lại ấn tượng sâu sắc với Evelyn nhờ vẻ lịch sự, điềm đạm, và sự khiêm cung. Trong nhật ký của mình, Evelyn kể lại những gì ông đã nói với Vua Charles I về tác phẩm của Gibbons: “Thưa Đức vua, thần xin được mạo hiểm bằng danh tiếng của mình để nói rằng Ngài chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ điều gì xứng đáng như vậy, và Ngài sẽ vô cùng hài lòng vì chiêu mộ anh ta.”
Cuộc gặp gỡ của Gibbons với nhà vua là khởi đầu cho nhiều dự án hoàng gia mà Gibbons được giao phó. Công việc đầu tiên của ông là tu sửa Cung điện Windsor cho Vua Charles I. Sau đó, ông trở thành nhà chạm khắc và điêu khắc chính thức của hoàng gia cho các vị vua từ Charles II đến George I.
Ông làm việc cùng với các kiến trúc sư hoàng gia, một người trong số đó là kiến trúc sư lỗi lạc Sir Christopher Wren, người đã giúp xây dựng lại London sau trận Đại Hỏa hoạn năm 1666. Những công trình lừng lẫy nhất của Gibbons là khi làm việc cho Sir Wren, có thể điểm một vài cái tên như: The Quire [khu vực của một nhà thờ hoặc thánh đường dành cho các giáo sĩ và dàn hợp xướng của nhà thờ] tại Nhà thờ Thánh Paul ở London, và trang trí Thư viện Wren tại Đại học Trinity ở Cambridge.
Grinling Gibbons
Cha của ông là một thương gia, và mẹ ông xuất thân từ một gia đình kinh doanh thuốc lá (theo truyền thống lúc bấy giờ, họ thời con gái của bà là tên của ông).
Cả gia đình sống ở Rotterdam, miền nam Hà Lan, nơi ông được sống trong không gian của vô số trào lưu nghệ thuật. Đó là thời kỳ Hoàng kim của Hà Lan, khi Hà Lan trở nên nổi tiếng thế giới về thương mại, quân sự, khoa học, nghệ thuật và văn hóa.
Kiến trúc, chạm khắc, điêu khắc, tranh tĩnh vật, hoa và tranh về cuộc sống thường nhật phát triển mạnh mẽ ở Hà Lan. “Đó là một loạt trào lưu đáng kinh ngạc tác động mạnh mẽ tới anh. Và chúng ta có thể… thấy những điều này qua tác phẩm của ông,” Phillip nói.
Cô chia sẻ: “Các bức chạm khắc của Gibbons gần như là các bức tranh tĩnh vật, nhưng bằng gỗ.” Cô mô tả một bản khắc trong triển lãm từ Nhà thờ Thánh James ở Piccadilly, có nhiều loại trái cây, hoa, và động vật trông như thật.
Những ảnh hưởng thời kỳ đầu
Không rõ ai đã hướng dẫn Gibbons, nhưng có một vài giả thuyết. Có tài liệu nêu chi tiết rằng ông đã từng làm việc trong xưởng của Artus Quellinus The Elder ở Amsterdam. Quellinus là nhà điêu khắc hàng đầu chuyên về đá vào thời điểm đó, vì vậy một số học giả phỏng đoán rằng ông Gibbons có thể đã phát triển những kỹ năng tuyệt vời dưới sự dạy dỗ của Quellinus.
Nhưng cô Phillip giải thích rằng nghiên cứu gần đây của Ada de Wit đã đưa ra một giả thuyết khác. Ông De Wit là giám tuyển các tác phẩm nghệ thuật và điêu khắc tại Wallace Collection ở London, và đã viết luận án tiến sĩ về các nhà chạm khắc Hà Lan làm việc ở Anh. Ông De Wit tin rằng Gibbons đã học việc tại địa phương ở Rotterdam trong gia đình điêu khắc Van Douwe, xưởng của họ rất gần nơi gia đình Gibbons sinh sống.
Chạm khắc là một phần của ngành công nghiệp đóng tàu phát triển mạnh của Rotterdam. “Nghề này ở ngay trước cửa nhà ông ấy,” cô Phillip nói. Cô giải thích rằng các thiết kế và chạm khắc được tạo ra cho tàu thuyền không chỉ là những món đồ trang trí nhỏ. “Đây không phải là một vài chi tiết được thêm vào. Chúng là hình thức trang trí rất xa hoa và công phu.” Ông Gibbons hẳn là được sống trong ngành công nghiệp chạm khắc này.
Vào những năm 1660, ông Gibbons đến Anh Quốc. Tại đây, lần đầu tiên ông làm việc với tư cách là người làm thuê cho kiến trúc sư và thợ thủ công lỗi lạc John Etty, ở York, miền bắc nước Anh. Cuối cùng, ông đi về phía nam và định cư tại Deptford, Nam London, trung tâm đóng tàu hải quân, nơi vận mệnh ông đã thay đổi khi gặp Evelyn.
Khi Gibbons đến Anh, các tác phẩm chạm khắc được thực hiện trên gỗ sồi, nhưng ông đã đi tiên phong trong việc dùng gỗ bồ đề (limewood). Phillip giải thích rằng các chạm khắc gỗ ở Anh vào thời điểm đó khá phẳng, và gỗ sồi theo truyền thống được dùng để trang trí nhà cửa.
Gỗ bồ đề khác với gỗ sồi. “Nó cho phép các vết cắt chi tiết và tinh tế hơn nhiều; đó là những gì tác phẩm của Gibbons hướng tới – chủ nghĩa hiện thực, nhẹ nhàng và uyển chuyển… Ông cũng khai thác màu sắc của gỗ bồ đề, rất nhạt, và so với gỗ sồi thường có màu tối, gỗ bồ đề thực sự đem lại hiệu quả chạm khắc theo đúng nghĩa của nó,” cô nói.
Sự tinh tế trong các tác phẩm chạm khắc trang trí công trình của ông Gibbons đã khiến chúng “trở thành những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa; chúng gần như là dạng điêu khắc đính lên tường,” Phillip nói.
“Ông ấy là một nhà thiết kế và thợ điêu khắc tuyệt vời. Một số người có thể rất giỏi về kỹ thuật trong những gì họ làm nhưng lại không nhất định có hiểu biết về thiết kế, nhưng ông ấy có cả hai,” cô Phillip nói.
Một tác phẩm chạm khắc đặc biệt của ông Gibbons trong triển lãm thể hiện kỹ thuật điêu luyện của ông: Một chiếc cravat chạm khắc bằng gỗ bồ đề mô phỏng họa tiết của tấm ren Venice tinh xảo một cách lạ thường. Một người sành nghệ thuật thế kỷ 18 là Horace Walpole, người từng sở hữu tác phẩm, đã quyết định đeo chiếc cravat sang trọng này đến bữa tiệc tối có những vị khách nổi tiếng từ Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tại Nhà Strawberry Hill theo phong cách Tân Gothic của ông ở Twickenham, London.
Kinh doanh tạo ra những kiệt tác
Qua những lá thư của Gibbons, chúng ta thấy rằng ông khá nhạy bén trong kinh doanh, có lẽ được thừa hưởng từ người cha thương gia của mình.
Ông Gibbons sở hữu một xưởng có các thợ điêu khắc gỗ và thợ điêu khắc đá. Giống như một xưởng của họa sĩ, ông hướng dẫn và phân việc cho các thợ thủ công theo khả năng. Ví dụ, một số thợ chạm khắc gỗ có thể xuất sắc trong việc chế tác các tiểu thiên thần, trong khi những người khác có thể giỏi hơn trong về các chi tiết kiến trúc. “Theo một nghĩa nào đó, bạn sẽ thấy bàn tay của ông trong mọi thứ bởi vì ông là bậc thầy trong thiết kế tổng thể,” Phillip nói.
Đặc điểm kiến trúc chính của tác phẩm chạm khắc của Gibbons được gọi là swag (dải cong), bao quanh một bức tranh hoặc là một món trang trí xung quanh lò sưởi. Những swag này sẽ bao gồm một dây rủ ở hai bên và một chỏm trang trí ở trên cùng. Cô Phillip giải thích rằng những dây rủ thường được tạo thành từ một số phần và được ghép lại với nhau bằng các chốt sắt. Đôi khi, các thành phần được sắp xếp lại, và phần dưới cùng của dây rủ lại trở thành phần trên của dây rủ. Sắp xếp kiểu này thường xuất hiện trong các ngôi nhà nông thôn, nơi các tác phẩm chạm khắc của Gibbons bị thay đổi do cải tạo hoặc đôi khi các phần của bức chạm khắc bị tách rời hoàn toàn thành các mảnh vỡ lưu giữ ở những nơi khác nhau. “Thực sự là một ẩn đố để tìm ra cách ghép các mảnh lại như ban đầu,” cô nói.
Cuộc triển lãm: Một nhiệm vụ phi thường
Phần lớn tác phẩm của ông Gibbons là một phần cấu trúc của các tòa nhà, có nghĩa là việc sắp xếp một cuộc triển lãm các tác phẩm của ông là một “nhiệm vụ phi thường”, cô Phillip nói.
Một trong những tác phẩm được trưng bày là một phần của The Quire của Nhà thờ Thánh Paul, nơi dàn hợp xướng ngày nay vẫn đứng hát. Cô Phillip nói: “The Quire là thành tựu của ông ấy.” Vào thế kỷ 19, The Quire của nhà thờ được làm nhỏ lại và họ đã dời cây đàn organ đi. Những phần không dùng đến của The Quire được dùng cho cuộc triển lãm.
Cô Phillip hy vọng rằng triển lãm không chỉ làm nổi bật cuộc đời và di sản của Gibbons mà còn giúp khách tham quan hiểu rằng các nhà điêu khắc ngày nay vẫn tiếp tục học hỏi và được truyền cảm hứng từ ông.
Grinling Gibbons hiện diện như một Michelangelo của điêu khắc gỗ.
Để tìm hiểu thêm về Triển lãm “Grinling Gibbons: Centuries in the Making”, quý vị vui lòng truy cập trang Grinling-Gibbons.org.