Gìn giữ những đức hạnh vĩnh hằng qua bức tranh ‘Giã từ’
Hướng vào nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống đem lại cho trái tim
Đổi thay là một thực tế của cuộc sống. Đôi khi chúng ta làm tổn thương chính mình vì cố gắng níu giữ mọi thứ mãi như cũ, không thể buông bỏ và chấp nhận sự thay đổi tất yếu. Điều đó không có nghĩa là một số thứ sẽ thay đổi, có một số thứ là vĩnh cửu.
Năm 1913, họa sĩ người Anh là Arthur Hacker đã vẽ bức tranh “Giã từ” (Farewell). Trang web của Sotheby cho rằng nó được vẽ cứ như thể là “dự đoán về Đệ Nhất Thế Chiến, với những thay đổi không thể vãn hồi mà nó đã gây ra.”
“Giã từ” là một bức họa đơn giản, nhưng sự bí ẩn và cảm xúc, gợi lên cho tôi một số câu hỏi, có thể phù hợp với chúng ta ngày nay.
Tác phẩm “Giã từ” của Arthur Hacker
Ông Hacker vẽ hai người phụ nữ trong khung cảnh tối tăm. Người phụ nữ ở bên trái hầu như bị che khuất trong bóng tối của hậu cảnh, trong khi người phụ nữ ở bên phải ở vùng nhiều ánh sáng hơn.
Người phụ nữ bên trái mặc một chiếc váy sáng màu, và người phụ nữ bên phải mặc một chiếc váy sẫm màu. Hai người đang nắm tay nhưng dường như đang tuột khỏi bàn tay của nhau. Họ quay lưng lại với nhau và cúi đầu buồn bã.
Dưới chân họ là nhành hoa lạc tiên. Theo truyền thống, hoa lạc tiên không phải là biểu tượng của những đam mê ủy mị, mà là tràn đầy tín tâm vào Đức Chúa, bởi lòng trắc ẩn và sự hy sinh quên mình của Ngài cho điều tốt đẹp của nhân loại.
Sau lưng hai người phụ nữ, ánh sáng màu lam lập lờ chiếu qua những tán cây. Tuy nhiên, có một con rắn quấn quanh cái cây ở trung tâm. Chỉ khi ta quan sát kỹ mới có thể nhận ra con rắn trong bóng tối.
Hãy buông bỏ những điều sai trái
Chúng ta có thể học được gì từ hình ảnh đơn giản này? Tại sao hai người phụ nữ lại bận trang phục khác nhau? Tại sao hoa lạc tiên lại nằm yên dưới chân họ? Và tại sao một con rắn quấn quanh cái cây ở hậu cảnh?
Khoảng thời gian mà bức tranh này được hoàn thành có thể cho chúng ta một số thông tin về bối cảnh. Đầu thế kỷ 20 là thời kỳ chuyển dịch ý thức hệ trong nền văn minh phương Tây. Với sự ra đời của chủ nghĩa Marx và học thuyết Darwin, Tây phương đã trải qua một sự thay đổi trong đạo đức, từ đức hy sinh và lòng trắc ẩn truyền thống sang chủ nghĩa duy vật và chọn lọc tự nhiên.
Theo tôi nhìn nhận thì sự chuyển đổi từ đức hạnh sang chủ nghĩa duy vật là những gì bức tranh của Hacker mô tả. Người phụ nữ bên trái mặc một chiếc váy sáng màu. Chiếc váy của cô thậm chí có thể là màu trắng, mà vì bóng tối nên trông như màu trắng sẫm. Theo truyền thống, màu trắng thường tượng trưng cho đức hạnh và sự thuần khiết.
Có vẻ như người phụ nữ váy trắng đang nỗ lực nhiều hơn so với người phụ nữ mặc trang phục sẫm màu: Dù quay đi, người phụ nữ váy trắng đã đặt cả hai tay lên bàn tay của người đối xứng với mình, lòng bàn tay của người phụ nữ kia hướng xuống mặt đất ở trung tâm bức họa, như thể cô ta là người đã đánh rơi hoa lạc tiên. Người phụ nữ váy trắng, vì đức hạnh, không muốn buông tay người kia cho đến khi không còn hy vọng nữa.
Đã đánh rơi hoa lạc tiên, người phụ nữ vận đồ tối màu cũng là người từ giã đạo hạnh truyền thống. Cô không còn cầm hoa nữa, và thay vào đó, dường như nắm lấy váy của chính mình. Việc kéo giữ lớp vải quanh cánh tay tạo ra một sự căng thẳng giữa cô và người phụ nữ váy trắng, vì cánh tay của cô như thể sẽ lập tức vung ra phía trước ngay khi người phụ nữ váy trắng buông tay. Sự căng thẳng này khẳng định sự tương phản giữa chủ nghĩa duy vật tuyệt đối và đức hạnh.
Theo tôi thấy, chiếc váy căng ra là do chính người phụ nữ ở bên phải, sự căng thẳng này cũng cho thấy rằng những người áp dụng tư tưởng duy vật tuyệt đối và chọn lọc tự nhiên cuối cùng sẽ tự gây ra căng thẳng cho chính họ.
Theo truyền thống Cơ Đốc giáo, con rắn là biểu tượng của cám dỗ. Con rắn đang lén lút và ẩn mình trong bóng tối, nhưng sự hiện diện của nó cho thấy rằng nó đang thao túng tình hình theo một cách nào đó.
Tôi tin rằng con rắn là biểu tượng của sự cám dỗ vật chất, mà người phụ nữ vận đồ tối màu đã bị khuất phục. Người phụ nữ mặc váy trắng đại diện cho những đức hạnh truyền thống như lòng nhân ái, đức hy sinh, và đã cố hết sức cầu xin người phụ nữ kia thực hiện những đức hạnh này một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, người phụ nữ trong chiếc váy tối màu đã bị con rắn ở phía sau cám dỗ, vậy nên cô nói lời từ biệt với người phụ nữ váy trắng – với đức hạnh – và thay vào đó, cô chọn những lợi ích vật chất.
Người phụ nữ vận đồ trắng nhận ra rằng nguồn động lực của mình đã mất, cô lui vào bóng tối, và người phụ nữ mặc váy sẫm màu – mặc dù có trong tay thứ mà cô truy cầu – vẫn không hạnh phúc.
Thật vậy, sự thay đổi là một thực tế của cuộc sống, và chúng ta có thể gây ra nhiều đau đớn cho chính bản thân mình khi cố gắng níu kéo quá khứ. Đôi khi chúng ta cần phải nói lời từ biệt với những thứ trong cuộc sống của mình.
Nhưng có một số điều không thay đổi. Có một số điều tốt đẹp, như lòng trắc ẩn, là không thay đổi, là vĩnh cửu. Không có lý do gì để chúng ta nói lời từ giã với những điều tốt đẹp và vĩnh hằng.
Ngày nay, chúng ta có thể tự hỏi bản thân mình rằng: Liệu chúng ta có đủ can đảm để tìm kiếm người phụ nữ váy trắng trong bóng tối và tìm lại những đức tính truyền thống là lòng nhân ái và đức hy sinh?
Nghệ thuật truyền thống thường chứa đựng những biểu tượng tâm linh và những ý nghĩa có thể đã mất trong thời hiện đại. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống đem lại cho trái tim”, chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác từ góc độ nhận thức đạo đức đối với chúng ta ngày nay. Chúng tôi không định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đang tìm kiếm, hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho hành trình trở thành những con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Tạo hình (IDSVA).