Giáo sư Trung Quốc: Biến đổi khí hậu tạo cơ hội cho Bắc Kinh gia tăng sức mạnh toàn cầu
Theo một học giả nổi tiếng của Trung Quốc, Trung Cộng xem biến đổi khí hậu là cơ hội để mở rộng sức ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Ông Địch Đông Thăng (Di Dongsheng), Phó Viện trưởng của Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh đã viết trên trang blog của mình hôm 27/04 rằng nghị trình giảm phát thải toàn cầu không những có thể giúp Trung Cộng về mặt kinh tế mà còn có “ý nghĩa chính trị” đối với Bắc Kinh.
“Điều này có thể giúp [chúng ta] điều chỉnh và kiểm soát môi trường xã hội, chính trị và kinh tế,” ông Địch cho biết.
Vị giáo sư này nói rằng Trung Cộng nên đóng một vai trò chủ chốt trong việc giải quyết biến đổi khí hậu toàn cầu, trong bối cảnh rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và các cường quốc phương Tây về hàng loạt các vấn đề.
Ông Địch viết: “Vấn đề khí hậu về căn bản là chủ đề tích cực duy nhất mà Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Âu Châu có thể cùng nhau thảo luận một cách thân thiện.”
Năm 2020, vị giáo sư này đã trở nên tai tiếng khi lên tiếng về vai trò của Wall Street trong việc thay mặt Bắc Kinh gây ảnh hưởng đến nền chính trị Hoa Kỳ trong nhiều năm qua. Theo tiểu sử công khai, ông Địch từng làm việc cho rất nhiều cơ quan khác nhau của Trung Cộng, trong đó có Bộ Ngoại giao và Cơ quan kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Khí hậu là một trong số ít các vấn đề mà Hoa Kỳ và Trung Cộng cho biết có thể cùng nhau giải quyết, ngay cả khi mối bang giao song phương sâu rộng hơn giữa hai nước đã rạn nứt trong những năm gần đây.
Kể từ thời chính phủ cựu Tổng thống (TT) Trump, Hoa Kỳ đã dần củng cố lập trường chống Trung Cộng về một số vấn đề, từ việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của ngoại quốc một cách lan tràn. Chính phủ TT Biden đã cam kết tiếp tục thực hiện cách tiếp cận cứng rắn này, nhưng luôn nói rằng họ cũng sẵn sàng hợp tác với Trung Cộng vì những lợi ích chung như biến đổi khí hậu.
Trong lần xuất hiện trực tuyến cùng với TT Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu hồi tháng 04/2021, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ “hạn chế nghiêm ngặt” việc tiêu thụ than trong năm năm tới, và giảm dần trong năm năm tiếp theo.
Cho đến nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Vào năm 2020, nước này đã đưa dự án nhiệt điện than mới với công suất hơn 38.4 gigawatt (GW) vào hoạt động, hơn gấp ba lần lượng công suất được tạo ra ở các nơi khác. Dự kiến sẽ có thêm 247GW điện than được đưa vào hoạt động – gấp gần sáu lần toàn bộ công suất điện than của Đức.
Trung Quốc cũng là quốc gia phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm hơn 27% tổng lượng khí thải toàn cầu. Theo một báo cáo gần đây, lượng khí thải năm 2019 của Trung Quốc vượt qua lượng khí thải của Hoa Kỳ và các nước phát triển khác cộng lại. Theo các số liệu chính thức, trong năm 2020, khoảng 61% tổng mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đến từ than đá.
Tại hội nghị thượng đỉnh này, ông Tập cũng lặp lại một cam kết từ năm ngoái là sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 và đạt mức khí thải cao nhất vào năm 2030. Tuy nhiên, các nhà lập pháp và chuyên gia nghi ngờ về việc Bắc Kinh sẽ thực hiện tốt bất kỳ lời cam kết nào, viện dẫn việc nước này đã không thực hiện các cam kết suốt một thời gian dài trong quá khứ.
Gặt hái những phần thưởng
Dù bản thân ông Địch đã bày tỏ sự hoài nghi về sự tồn tại của hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người tạo ra, và gọi đó là một “học thuyết sai lầm”, nhưng ông ta lại cho rằng đây là cơ hội để Bắc Kinh trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ xanh.
Ông Địch cho biết, Trung Cộng sẽ đạt được lợi ích kinh tế thông qua việc thúc đẩy xuất cảng công nghệ sạch ra toàn thế giới, đồng thời giành được uy tín chính trị bằng cách trở thành quốc gia đặt ra “tiêu chuẩn xanh cho các vấn đề phát triển toàn cầu.”
Vị giáo sư này nói rằng Anh Quốc đã dẫn đầu trong cuộc cách mạng năng lượng đầu tiên trên thế giới thông qua việc sử dụng than đá. Tiếp đó, Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong cuộc cách mạng năng lượng lần thứ hai nhờ dầu khí. Giờ đây, theo ông Địch, Trung Quốc có thể là nước đi đầu trong cuộc cách mạng năng lượng lần thứ ba nhờ dựa vào năng lượng sạch và “đưa sự phát triển của nhân loại đi theo một hướng mới.”
“Trong vòng 10 năm ngắn ngủi, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đánh bại các đối tác Âu Châu về năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Trong hai lĩnh vực này, năng lực sản xuất của Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng sản lượng thế giới,” ông nói thêm.
Theo các chuyên gia, Trung Cộng là nhà sản xuất cánh quạt gió và tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự vươn lên dẫn đầu trong các ngành năng lượng sạch được thúc đẩy bởi một loạt các hành vi thương mại bất công, đã cho phép các công ty Trung Quốc lấn át các đối thủ ngoại quốc trên thị trường quốc tế.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, các khoản trợ cấp của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các công ty Trung Quốc thống trị thị trường toàn cầu trong những năm 2010, theo một báo cáo năm 2020 của Quỹ Công nghệ Thông tin và Đổi mới có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn (ITIF). Các công ty Trung Quốc bán phá giá các tấm pin năng lượng mặt trời trên toàn thế giới, hủy hoại ngành công nghiệp tấm pin năng lượng mặt trời tại Hoa Kỳ và các nước khác. Vào thời điểm Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với các tấm pin năng lượng mặt trời do Trung Cộng trợ cấp vào năm 2012, thì đã quá muộn để cứu vãn phần lớn ngành công nghiệp trong nước tại Hoa Kỳ.
Ông Robert Atkinson, chủ tịch của ITIF cho biết tại một cuộc thảo luận trực tuyến hôm 19/04 rằng, Trung Quốc là nước “đứng đầu trong việc đánh cắp các công nghệ sạch của ngoại quốc, gây áp lực buộc các công ty này phải chuyển giao công nghệ đó cho Trung Quốc trong khi họ không muốn, và trợ cấp ồ ạt cho các công ty công nghệ sạch kém sáng tạo của Trung Quốc.”
Những người bị bỏ lại phía sau
Theo ông Địch, mục tiêu tăng cường sự phụ thuộc vào năng lượng sạch của Trung Quốc sẽ khiến những người nghèo ở nước này phải trả giá đắt.
Một bộ phận lớn người dân Trung Quốc không được sưởi ấm vào mùa đông vì toàn bộ miền nam Trung Quốc không có hệ thống sưởi lắp đặt trong nhà. Hàng trăm triệu người Trung Quốc không đủ tiền mua các thiết bị sưởi ấm riêng và buộc phải chịu đựng mùa đông lạnh giá.
Nếu Trung Cộng cố gắng cắt giảm lượng khí thải, ông Địch lo ngại rằng “giấc mơ” được sưởi ấm vào mùa đông của nhiều người sẽ không thành hiện thực trong một thời gian dài.
Ông Địch hồi tưởng về quê nhà của mình tại thành phố Khải Đông ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, tất cả những gì mọi người có thể làm là run rẩy chịu lạnh trong suốt mùa đông, khi nhiệt độ trung bình giảm xuống mức đóng băng. Thành phố Khải Đông nằm ở cửa sông Dương Tử, con sông dài nhất đất nước chảy qua vùng trung nam Trung Quốc. Ông Địch nói rằng hầu hết những người sống ở khu vực sông Dương Tử không có khả năng mua được hệ thống sưởi cho riêng mình. Ông cho biết, trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc không đủ mạnh để hỗ trợ việc lắp đặt hệ thống sưởi trong nhà cho tất cả những gia đình này.