‘Giáng Sinh trong tháng Bảy’ phớt lờ ý nghĩa thực sự của ngày lễ
GABRIËL MOENS
Tác động dễ nhận thấy của các khẩu hiệu tiếp thị là liên tục gây áp lực buộc người ta phải ăn mừng bất cứ điều gì có thể ăn mừng được. Do đó, Ngày Của Mẹ, Ngày Của Cha, và Ngày Lễ Tình Yêu – chỉ kể tên một vài dịp ăn mừng thôi – hiện được các cửa hàng bách hóa quảng bá bằng các chiến dịch tiếp thị kéo dài.
Nhưng gần đây, sự xuất hiện ngày càng nhiều của lễ “Giáng Sinh trong tháng Bảy” khắp thế giới là minh chứng về sức mạnh thuyết phục của các chiến lược tiếp thị khôn khéo. Mặc dù những dịp ăn mừng này được tổ chức không đúng tháng, nhưng giờ đây chúng đã trở thành ngày lễ phổ biến được đưa vào lịch hoạt động lễ hội.
Như mọi người đều biết, Giáng Sinh là ngày lễ của Cơ Đốc Giáo – kỷ niệm sự ra đời của Chúa Jesus Christ trong mùa lễ tháng Mười Hai. Nhưng một thế giới tham lam, chạy theo lợi nhuận, thiên về vật chất luôn mong muốn tối đa hóa các cơ hội của mình đã liên tục thúc đẩy và đã thành công trong việc khiến mọi người chấp nhận các ngày lễ “Giáng Sinh trong tháng Bảy”.
Các sự kiện “Giáng Sinh trong tháng Bảy” ngày càng được tổ chức nhiều hơn ở các vùng ngoại ô khắp nước Úc và thế giới phương Tây, càng gần với ngày 25/07 càng tốt. Các sự kiện “Giáng Sinh trong tháng Bảy” cung cấp các hoạt động giải trí giống như lễ hội Giáng Sinh. Thậm chí các trung tâm mua sắm còn vặn nhạc theo mùa, và đôi khi có thể tìm thấy một cây thông Noel trong những trang trí phẩm.
Mưu đồ tiếp thị này nhằm mục đích gieo rắc tinh thần lễ hội Giáng Sinh vào những người mua sắm ước mong được nếm trải cảm giác yên bình và hấp dẫn của ngày lễ thực sự.
Khởi đầu từ đâu?
Giống như tất cả những kiểu đổi mới này, nguồn gốc ban đầu của lễ hội “Giáng Sinh trong tháng Bảy” hơi mơ hồ, nhưng truyền thống này có thể đã bắt đầu ở North Carolina.
Năm 1935, tập san của Hiệp hội Giải trí Quốc gia đã bình luận về một tổ chức sự kiện như vậy tại một buổi cắm trại nữ sinh. Tuy nhiên, bước đột phá chắc chắn đến từ sự ra mắt của bộ phim hài “Christmas in July” (Giáng Sinh trong tháng Bảy) năm 1940, do ông Preston Sturges đạo diễn.
Trong phim, một người đàn ông tên là Jimmy bị các đồng nghiệp của mình lừa cho tin rằng anh đã giành được 25,000 USD trong một cuộc thi khẩu hiệu quảng cáo cho Maxford House Coffee. Vì tin rằng anh đã đoạt Giải Nhất cho khẩu hiệu của mình – “Nếu bạn không thể ngủ vào ban đêm, thì đó không phải là do cốc cà phê, mà là do chiếc giường tầng” – nên anh đã bắt đầu tiêu xài hoang phí và cầu hôn bạn gái.
Hỡi ôi, việc trúng giải độc đắc lại là một sự lừa dối tàn nhẫn! Mặc dù bộ phim kết thúc với thông báo có hậu rằng cuối cùng ban giám khảo đã trao Giải Nhất cho Jimmy, nhưng bộ phim có nét phảng phất một cách kỳ lạ với những gì “Giáng Sinh trong tháng Bảy” đã để lộ ra: Một trò lừa gạt tài tình được những người nhẹ dạ và những nhà quảng cáo có óc sáng tạo nhưng vô lương tâm đón nhận.
Các nhà quảng cáo sử dụng “Giáng Sinh trong tháng Bảy” cho chiến dịch mùa đông hay mùa hè – tùy theo quý vị ở Nam hay Bắc Bán Cầu – để thúc đẩy doanh số bán sản phẩm của họ.
Không nghi ngờ gì nữa, đây là một công cụ tiếp thị khôn khéo, được các cửa hàng bách hóa ủng hộ nhiệt liệt – [vì có thể] cung cấp những món quà “Giáng Sinh” đặc biệt trong suốt tháng Bảy và thậm chí là trong thời gian dài hơn.
Chỉ là một cơ hội thu lợi nhuận
Ở Nam Bán Cầu, các tháng mùa đông là tháng Sáu, tháng Bảy, và tháng Tám. Ở một mức độ nào đó, có thể nói lễ hội “Giáng Sinh trong tháng Bảy” ở Nam Bán Cầu được phỏng theo thời tiết mùa đông, và đôi khi có băng giá và tuyết rơi, của lễ Giáng Sinh thực sự ở Bắc Bán Cầu.
Nhưng chưa chắc một sự kiện “Giáng Sinh trong tháng Bảy” sẽ là hợp lý ở Bắc Bán Cầu, nơi có thể nóng vào tháng Bảy – năm nay ở Âu Châu đặc biệt nóng, với nhiệt độ vượt quá 40°C (104°F), ngay cả ở Vương quốc Anh.
Truyền thống mới này dường như đã lan rộng sang các tháng khác. Đôi khi nó bắt đầu vào tháng Sáu, và có bằng chứng rằng, ở một số quốc gia nó cũng được tổ chức vào tháng Tám và thậm chí là tháng Chín. Giáng Sinh thực tế đã trở thành một sự kiện hái ra tiền kéo dài suốt năm. Ví dụ, một lễ hội Giáng Sinh mùa hè vừa được tổ chức ở Ý hôm 25/06 vừa rồi.
Tất nhiên, rất khó, thậm chí là phản tác dụng, để chống lại các sự kiện “Giáng Sinh trong tháng Bảy”. Đó là do sức mạnh quảng cáo đã ảnh hưởng một cách thành công đến hành vi mua sắm của mọi người và chẳng đoái hoài gì đến ý nghĩa sâu xa hơn của Giáng Sinh. Động cơ chính để quảng bá các sự kiện “Giáng Sinh trong tháng Bảy” là tạo ra lợi nhuận cho các công ty.
Mất đi ý nghĩa thực sự
Thế nhưng chiến dịch này không thừa nhận ý nghĩa thực sự và tầm ảnh hưởng vẫn tiếp diễn của Giáng Sinh – lễ kỷ niệm ngày Chúa Jesus Christ giáng sinh.
Giờ đây, Giáng Sinh đã bị biến thành một lễ hội thế tục, mất đi mối liên hệ với các nền tảng Cơ Đốc Giáo của ngày lễ này. Thật đáng buồn. Việc thiếu, hoặc không sẵn lòng, truyền đạt thông điệp thực sự của lễ Giáng Sinh đến một thế giới ngày càng trần tục hóa đang làm giảm tầm quan trọng của hòa bình và sự chung lòng – trong một thế giới đầy nguy hiểm và biến động – đồng thời làm xói mòn các nền tảng Cơ Đốc Giáo của luật phổ thông.
Chủ nghĩa thế tục sẽ lên ngôi bất cứ khi nào ý nghĩa thực sự của ngày lễ Giáng Sinh không còn được nhận thức rõ hoặc bị những khẩu hiệu quảng cáo hời hợt rẻ tiền làm lu mờ. Trong hoàn cảnh như vậy, chủ nghĩa thế tục ngày càng bám rễ trong xã hội và tôn giáo thì bị thay thế để phục vụ lợi ích của đám đông.
Tuy nhiên, các sự kiện Giáng Sinh vẫn có thể hữu ích nếu chúng thúc đẩy tình bạn giữa người với người và đem lại một chút hòa bình nhỏ nhoi, ngay cả khi chỉ là tạm thời.
Nhưng trong phân tích cuối cùng, như đã thấy trong bộ phim nói trên, thông điệp vẫn là “Giáng Sinh trong tháng Bảy” chỉ là một cách kiếm tiền lừa đảo và thô thiển trong một thế giới hướng đến lợi nhuận.
Do đó, đã đến lúc khôi phục ý nghĩa thực sự của Giáng Sinh vào ngày 25/12 và không đầu hàng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của các khẩu hiệu quảng cáo bóng bẩy!
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó hiệu trưởng và trưởng khoa tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được thủ tướng trao tặng Huân chương Thế kỷ Úc cho những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.