Giải mã những kiệt tác âm nhạc: Tổ khúc sáu bản độc tấu dành cho cello của Bach
ZOLTÁN SZABÓ
Tổ khúc gồm sáu bản độc tấu dành cho đàn cello của Johann Sebastian Bach là một trong những tác phẩm âm nhạc cổ điển mang tính biểu tượng nhất. Chúng đã truyền cảm hứng không chỉ cho các nghệ sĩ chơi cello và khán giả mà còn cho cả các loại hình nghệ thuật khác. Tổ khúc được trình diễn trong các tác phẩm múa ballet và sân khấu, và thậm chí là trong các bộ phim.
Trong bộ phim “Thuyền Trưởng và Đại Úy” (2003), khúc dạo đầu của Tổ khúc Số 1 (Prelude from Suite No. 1) vang lên cùng với cảnh Jack Aubrey (do Russell Crowe đóng) lần đầu nhìn thấy Đảo Galapagos.
Thật thú vị khi suy ngẫm về điều gì đã khiến Bach quan tâm đến một nhạc cụ mà ông không biết chơi. Trong ba thập kỷ đầu tiên của cuộc đời mình (ông sinh năm 1685), tình yêu nghệ thuật của ông tập trung, hầu như không ngoại lệ, vào các tác phẩm ông biểu diễn trên đàn phím (keyboard) hoặc đại phong cầm, chỉ huy dàn nhạc thính phòng, và nhạc sĩ soạn nhạc uy tín (cho dàn nhạc vừa và nhỏ).
Công việc mới, nguồn cảm hứng mới
Cuộc sống và công việc đã thay đổi đáng kể khi ông được giao trọng trách danh giá với vai trò là người phụ trách âm nhạc (capellmeister) trong triều đình của vua Leopold – hoàng tử và người trị vì xứ Anhalt-Cöthen ở vùng ngày nay là nước Đức.
Leopold và công quốc của ông theo đạo Calvin, yếu tố ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của Johann Sebastian. Đạo Calvin cho phép rất ít nhạc cụ được biểu diễn trong các nhà thờ của thị trấn, và trong sáu năm từ 1717 đến 1723, Bach chủ yếu sáng tác các bản nhạc dành cho các nhạc cụ (nhưng không phải dành cho đàn organ) và các tác phẩm cho đời sống thế tục. Sáu bản concerto “Brandenburg”, bốn tổ khúc hòa tấu cho dàn nhạc và hàng loạt các bản nhạc dành cho đàn phím, chẳng hạn như phần đầu tiên của tác phẩm “Well-Tempered Clavier” nổi tiếng của ông, tất cả đều là sản phẩm của những năm tháng đầy thành quả này.
Ông cũng bắt đầu quan tâm tới một thể loại âm nhạc mới mà ông chỉ có chút ít kinh nghiệm trong quá khứ; đó là đàn dây; và ông đã sáng tác hai bản độc tấu dành cho violin và cello.
Người hiện đại ở thế kỷ 21 khó có thể lý giải được sự táo bạo này của ông, nhưng dù sao điều này cũng rất đáng chú ý và thú vị. Bằng cách sáng tác độc tấu (solo) cho đàn dây, Bach đã khám phá ra những điều mới mẻ.
Mặc dù đã có một số bản nhạc solo được viết cho violin, nhưng hầu như không một nhà soạn nhạc nào có đủ can đảm để viết các tác phẩm độc tấu cho bộ trầm (bass), chẳng hạn như cello. Cho đến những thập niên đầu tiên của thế kỷ 18, cello vẫn được xem như một nhạc cụ hợp xướng, chỉ được dùng để hòa âm và đệm cho giai điệu chính cùng với một số nhạc cụ khác. Nó có vai trò chức năng và quan trọng, nhưng lại không có bất kỳ một bản nhạc giá trị nào với kỹ thuật đòi hỏi sự điêu luyện và tinh tế được thu âm dành cho đàn cello hoặc violin.
Một số nhà soạn nhạc người Ý tò mò cũng đã từng thử viết nhạc độc tấu cho cello, nhưng ngay cả tác phẩm nổi tiếng nhất trong số này, bản độc tấu Ricercari của Domenico Gabrielli, nghe có vẻ lạ lẫm kỳ quặc hơn là đáng nhớ với giai điệu đẹp đẽ.
Chúng ta không hiểu liệu Bach có quen thuộc với bất kỳ tác phẩm nào trong số đó không. Khi ông quyết định sáng tác các bản nhạc độc tấu cho cello, ông lựa chọn một con đường khác và chuyển hướng sang một thể loại được biết đến rộng rãi nhưng bị xem là lỗi thời giai đoạn đó, gọi là tổ khúc (suite). Thuật ngữ này dùng để mô tả một loạt các vũ khúc khác nhau nhưng cùng một chủ đề và được chơi liền mạch.
Cấu trúc của Tổ khúc
Mỗi một Tổ khúc dành cho cello đều có cấu trúc tương tự nhau. Như thường lệ sẽ mở đầu với phần prélude, chương đầu tiên, với mục đích là để giải quyết vấn đề không ổn định của dây đàn cello và sự ồn ào của khán giả lúc mở màn. Prelude thường là chương dài nhất với đặc tính có thể hay thay đổi và ngẫu hứng.
Điều thú vị là nhà soạn nhạc không đưa ra bất kỳ ký hiệu tiết tấu nào cho bất kỳ chương nào. Do đó, người chơi phải chọn tiết tấu phù hợp cho việc thể hiện của họ. Điều này có thể dẫn đến sự khác biệt đáng kể trong cách chơi của những nhạc công khác nhau.
Các chương thể hiện các vũ điệu tiếp nối Prélude, luôn tuân theo cùng một trình tự, khởi nguồn từ các quốc gia khác nhau: Đầu tiên là Allemande từ các vùng đất của Đức, sau đó là đến Courante (Pháp), Sarabande (Tây Ban Nha). Điệu nhảy thứ tư là nhảy đôi được gọi là Gallantries: Minuets, Bourrées, hoặc Gavottes khác nhau giữa các tổ khúc. Cuối cùng là vũ điệu Gigue đến từ Anh quốc.
Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy thứ tự thực tế của các tổ khúc được soạn ra, nhưng tất cả các phiên bản đã công bố đều bắt đầu với tổ khúc đơn giản nhất (Tổ khúc Số 1 cung Sol trưởng) sau đó sẽ đến những tổ khúc phức tạp.
Đối với Tổ khúc số 5 cung Đô trưởng, theo hướng dẫn của nhà soạn nhạc, nghệ sĩ chơi cello phải chơi từ dây La tới dây Sol, quá trình đó được gọi là scordatura. Việc sử dụng kỹ thuật tinh tế này (phổ biến ở thời Baroque, và ít được sử dụng trong thời đại của chúng ta) đã làm thay đổi đáng kể âm thanh của cello. Điều này hơi khó hiểu, nó có nghĩa là nghệ sĩ biểu diễn sẽ chơi chính xác những gì có trong bản nhạc đã soạn, nhưng sẽ nghe thấy những nốt nhạc khác với điều mà người nghệ sĩ thấy.
Nhạc cụ cần thiết cho Tổ khúc
Trên thực tế, Tổ khúc số 6 cung Rê trưởng lại hoàn toàn là một cây đàn Cello khác: một chiếc đàn có 5 dây thay vì 4 dây như thông lệ; một lần nữa đây là sự thay đổi đáng kể và độc đáo của nhạc cụ. Mặc dù nhạc công phải mất chút thời gian để làm quen, nhưng điều đó cho phép tạo ra những tổ hợp âm hưởng mới, nếu không thế thì không thể biểu diễn được.
Những Tổ khúc bí ẩn cho Cello của Bach
Với các tác phẩm nổi tiếng như vậy, nhưng thật đáng ngạc nhiên là chúng ta biết rất ít về nguồn gốc của các Tổ khúc Cello. Bản thảo có chữ ký của Bach đã bị thất lạc, và gần như không thể tìm thấy.
Tuy nhiên, người vợ thứ hai của Bach là Anna Magdalena Bach, đã sao chép một số lượng lớn các tác phẩm của chồng mình, và bà vẫn còn giữ cả hai bản sao độc tấu cho cello và violin. Hai bộ bản thảo này được gộp lại thành một tập.
Phần mô tả khá dài dòng, rắc rối với bốn thứ tiếng, nhưng nó cung cấp thông tin cần thiết về hai tài liệu đó, nhà soạn nhạc, và người vợ đã chép các bản nhạc của ông. Ngoài bản thảo này, còn có ba bản chép tay khác từ thế kỷ 18. Trong khi có thể hy vọng rằng những bản sao này có thể giúp xác định nguồn gốc của các tổ khúc thì chúng hoàn toàn ngược lại. Tất cả bốn bản sao còn sót lại đều chứa vô số lỗi và còn khiến dễ bị nhầm lẫn, chúng rất khác biệt với nhau. Vì những lý do này, không bản nào trong số chúng được xem là bản sao thực sự đáng tin cậy từ bản viết tay của Bach.
Tình huống này là lý do chính khiến số lượng ấn bản các tổ khúc đã xuất bản nhiều tới mức đáng kinh ngạc. Cho đến nay, hơn 100 nhạc sĩ (hầu hết là nghệ sĩ cello và các chuyên gia âm nhạc) đã đưa ra giải pháp của họ cho các vấn đề về các nốt nhạc, nhịp điệu, âm trầm, và các ký hiệu khác giữa bốn bản thảo. Tất cả những ấn bản này đều được soạn thảo thực sự rất tài năng và với mục đích làm sáng tỏ những chi tiết khó hiểu. Tuy nhiên, do có rất ít các nguồn tin đáng tin cậy và lại có nhiều phương pháp để giải thích, nên chúng có thể bị hiểu sai, do sự pha trộn giữa tính học thuật cao trên thực tế và sự suy đoán của các nghệ sĩ.
Mặc dù các Tổ khúc dành cho Cello đã không được công bố trong hơn 100 năm sau khi chúng được sáng tác, nhưng trong thời đại của chúng ta, nó là phần không thể thiếu của cello. Hầu hết những nghệ sĩ cello nổi tiếng xem việc biểu diễn và thu âm toàn bộ tổ khúc là một cột mốc trong sự nghiệp của họ.