Gia đình chính là yếu tố then chốt cho một nền giáo dục tốt
ANNIE HOLMQUIST
“Tôi rất lo rằng con trai tôi sẽ không vượt qua được kỳ thi vào mẫu giáo,” một người bạn của tôi gần đây đã tâm sự với tôi như thế và nhấn mạnh rằng con anh ấy chưa đi học lớp mầm non (preschool).
“Thật là khó chịu!” một người bạn khác thốt lên khi nhắc đến trường mầm non. Cô ấy thấy rằng ngày nay, nhiều trường muốn các bé phải biết các chữ cái trước khi vào học mẫu giáo, thế nhưng chính những học sinh đó lại hầu như không thể đọc được khi các bé bước vào lớp một. Cô quan sát và thấy rằng đám trẻ gần như kiệt sức.
Ngược lại, cô đã tận mắt chứng kiến dù không theo học một trường mầm non “chuyên nghiệp” nào, nhưng cậu con trai của cô vẫn đọc khá tốt vào thời điểm kết thúc lớp mẫu giáo tại gia của họ.
Theo tờ Politico: Mặc dù không đem lại hiệu quả giáo dục, việc phổ cập giáo dục mầm non cuối cùng cũng vẫn trở thành hiện thực, ít nhất là ở các tiểu bang như California, Maryland, và Michigan. Tuy nhiên, giấc mơ trở thành hiện thực đó lại đang trở thành ác mộng vì những hậu quả không lường trước được.
Việc mở rộng các chương trình giáo dục mầm non công lập trùng hợp với việc giáo viên bỏ các lớp học trên khắp đất nước. Do đó, để tìm giáo viên cho các chương trình giáo dục mầm non mới và mở rộng này, phải đến các trung tâm giữ trẻ.
Việc tuyển những cô giữ trẻ có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng. Theo báo cáo của Politico, những cơ sở này không mấy mặn mà với việc mất thêm nhân viên vì từ đại dịch, họ đã có “ít hơn 11% nhân viên so với hồi tháng 02/2020,”
Sự tình nhà trẻ mất nhân viên cũng gây căng thẳng cho các bậc phụ huynh đi làm đang cố gắng tìm nơi để gửi con ban ngày, đồng thời cũng gây căng thẳng cho các cô dạy nhà trẻ vì số cô bị giảm đi trong khi số lượng các cháu thì vẫn đông như thế. Nhiều cô đã chuyển trường, tìm những công việc có mức lương và quyền lợi cao hơn ở các trường mầm non công lập.
Nhưng việc chuyển đó lại làm nảy sinh một vấn đề khác. Để nhanh chóng lấp đủ nhu cầu về nhân lực, “Các tiểu bang đã xét đại đến việc hạ thấp tiêu chuẩn dạy các lớp dự bị mẫu giáo (pre-K),” theo Báo cáo của Politico. Hay nói cách khác là những lớp dự bị mẫu giáo này, mặc dù được trả bằng tiền nộp thuế của chúng ta, nhưng chủ yếu lại chỉ như nhà trẻ mà thôi.
Sẽ không trở thành vấn đề cần quan tâm nếu như các chương trình dành cho lớp dự bị mẫu giáo này có thể giúp các em học sinh bổ sung được kiến thức mà hầu hết các em đang thiếu. Nhưng theo như quan sát của bạn tôi thì các trường mầm non (preschool) thực sự không giúp được gì nhiều cho các em. Trên thực tế thì có vẻ như là ngược lại. Một số nghiên cứu và các chuyên gia đã ủng hộ quan sát cá nhân này của cô ấy. Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Vanderbilt đã phát hiện ra rằng, đối với các em trước kia đi học tại các trường mầm non công lập thì đến năm lớp 6 có kết quả học tập kém hơn những bạn không học.
Tương tự như nghiên cứu trên, nhà giáo dục mầm non Erika Christakis nhận xét rằng các em học ở trường mầm non “ít tò mò hơn và ít tham gia vào các hoạt động hơn”: trẻ em ít trò chuyện hơn – đặc biệt là trò chuyện với người lớn – trong khi đây lại là điều rất cần thiết cho các em.
Có lẽ đây là lý do giải thích vì sao các nhà nghiên cứu phát hiện ra mô hình “lấy gia đình làm trọng tâm” của các trường mầm non lại đạt hiệu quả và vì sao bạn tôi đã phát hiện ra rằng con trai cô ấy học chương trình mẫu giáo tại nhà lại đọc thông thạo vào cuối lớp mẫu giáo – trong khi những người bạn của cậu học ở các trường mầm non lại đang phải vật lộn với chữ nghĩa.
“Gia đình là động lực của giáo dục,” John Taylor Gatto, cựu “Thầy Giáo của Năm” ở New York, từng nói.
“Nếu chúng ta sử dụng việc giáo dục trẻ em để tách chúng ra khỏi cha mẹ – và không sai chút nào cả, đó là chức năng chính của các trường học kể từ khi John Cotton tuyên bố đó là mục đích của các trường thuộc Bay Colony năm 1650 và Horace Mann tuyên bố đó là mục đích của trường học tiểu bang Massachusetts năm 1850 – thì chúng ta sẽ tiếp tục có những kết quả thảm hại như hiện nay.”
“Bối cảnh gia đình là nền tảng của một cuộc sống tốt đẹp; chúng ta đã từ bỏ bối cảnh đó, và hiện tại là lúc chúng ta nên quay trở lại. Cách đúng đắn trong giáo dục là để các trường học của chúng ta đi đầu buông bỏ sự kiểm soát của các thể chế lên cuộc sống gia đình, khuyến khích sự gắn kết giữa cha mẹ và các con trong thời gian học – để thắt chặt mối quan hệ gia đình hơn.”
Vậy sự hợp tác giữa trẻ em và cha mẹ trong giáo dục được thể hiện như thế nào? Tại sao hàng ngày các trường không dành ra một khoảng thời gian nhất định để mời phụ huynh đến trường và cùng tập đọc với các em? Hoặc cùng ngồi ăn trưa với các con? Hoặc tốt hơn nữa là đón các con về nhà, cùng nhau quây quần bên bàn ăn và cùng nhau học – tuy nhiên, hình như chúng ta đã có điều gì đó tương tự như thế này rồi.
Điều đó được gọi là giáo dục tại nhà và hàng triệu học sinh đang tận mắt trải nghiệm những lợi ích của loại hình giáo dục này.
Khi đề cập đến trẻ em và việc học hành, chúng ta sẽ luôn có những chủ đề mới mẻ, xán lạn, rực rỡ ở tận chân trời, và được cho là sẽ sửa chữa tất cả những rắc rối trong học thuật. Nhưng trong quá trình tìm kiếm loại thuốc chữa bách bệnh đó, có lẽ chúng ta đã bỏ qua công cụ giáo dục tốt nhất: Đó là những gia đình lành mạnh, những người đã yêu thương, để đào tạo và dạy dỗ những đứa trẻ tốt hơn rất nhiều so với bất kỳ trường học nào mong mỏi làm được.
Cô Annie Holmquist là biên tập viên của trang Intellectual Takeout, Tạp chí Chronicles và hai dự án của Viện Charlemagne Institute.