Duyên kiếp này có phải là nhân quả của kiếp trước?
THÁI NGUYÊN
Nếu một người cưới ba chị em ruột mà cả ba chị em đều lần lượt qua đời, thì trong mắt thầy bói, người này là kẻ “khắc thê mệnh”. Nhưng lý do thật sự là gì? Chúng ta có thể thấy một phần từ câu chuyện sau.
Vào những năm đầu triều đại Khang Hy, ở Hàng Châu có một anh bán rau, tướng mạo chất phác, là người thật thà. Anh ta ngày nào cũng đi ngang qua nhà một phú ông và bán rau cho ông ta. Phú ông có ba cô con gái, không có con trai. Khi anh bán rau đến mà phú ông ở nhà thì anh bán rau được trả tiền, khi anh bán rau đến mà phú ông đi vắng, thì bà vợ của phú ông liền nói: “Cậu chờ một chút.” Anh bán rau liền lặng lẽ ngồi đợi ở ngoài cửa, không dám vào nhà ngó nghiêng. Cứ như thế đã hơn hai năm.
Một ngày nọ, bà lão ngẫu nhiên hỏi anh ta: “Gia đình anh còn ai không?” Anh bán rau trả lời: “Tôi không có cha mẹ, lại ít anh em, chỉ sống nhờ ở nhà chú thím.” Bà lão hỏi anh: “Anh có muốn ở rể ở nhà ta không?”. Anh bán rau không dám đồng ý, nhưng trong lòng biết bà ấy có ý gì. Vì vậy khi về đến nhà liền nói với chú mình về điều đó.
Chú anh ta nói: “Nhà người ta sinh sống xa hoa, cơ nghiệp lớn, sao không tìm được con rể tốt, mà lại thích kẻ nghèo đơn thân như cháu? Chỉ là họ nói đùa thôi!” Thế là anh bán rau không còn nghĩ ngợi gì nữa.
Một ngày khác, bà lão lại hỏi anh ta: “Tôi muốn tuyển anh làm con rể, sao anh không trả lời tôi?” Anh bán rau bèn lặp lại lời chú anh ta đã nói.
Bà lão nói: “Hôn nhân nào có là trò đùa! Về nhà anh hãy đi bàn bạc với chú anh.”
Ngày hôm sau, người chú dẫn theo anh ta đến gặp bà lão và nói: “Nhà bà muốn kén cháu tôi làm con rể, có chuyện như vậy không?”
Bà lão đáp: “Đúng vậy. Vợ chồng ta không có con trai; cháu trai của ông thật thà đáng tin cậy, ở rể nhà ta thì bằng như có được một đứa con để dưỡng lão rồi.”
Người chú nói: “Nhà tôi nghèo, không đủ tiền sính lễ. Tôi phải làm sao đây?”
Bà lão nói: “Tôi đang cầu một đứa con rể tốt, không phải cầu sính lễ.”
Người chú vui mừng khôn xiết, bèn chọn ngày lành tháng tốt, lập tức tổ chức đám cưới cho cháu với con gái cả của phú ông. Sau khi anh bán rau kết hôn, anh sống rất tử tế với vợ chồng phú ông, với thê tử cũng rất hòa hợp, và không còn phải đi bán rau nữa.
Ba năm sau, con gái lớn của phú ông qua đời. Phú ông bàn bạc riêng với vợ: “Con rể sống tốt, mà giờ ngày đêm đau khổ, làm sao có thể chịu được nỗi đau này? Giờ đứa thứ hai đã lớn, nếu để nó chọn người khác làm con rể, đức hạnh của người đó có lẽ chưa chắc đã bằng con rể bán rau của ta. Nếu con rể đi lấy người khác mà bỏ chúng ta, chúng ta sau này sẽ không còn ai để nương tựa, vậy tại sao không gả tiếp đứa thứ hai cho anh ta!” Vậy là họ lại để người con gái thứ hai kết hôn với anh chàng bán rau.
Qua ba năm sau, người con gái thứ hai của phú ông cũng qua đời; cả nhà đều thương tiếc. Phú ông lại nói với vợ: “Mất hai đứa con gái trong sáu năm, khó mà có thể chịu đựng nổi. Bây giờ đứa con gái út đã lớn, lẽ nào không lo chuyện hôn nhân cho nó?”
Vợ phú ông nói: “Sự việc đã đến bước này, tại sao không giữ nguyên như vậy, hy vọng nhân cơ hội này, về già chúng ta cũng sẽ có nơi để nương tựa.” Vì vậy, họ lại gả cô con gái út cho anh ta.
Ba năm sau, cô con út cũng qua đời. Vợ chồng phú ông và con rể cùng ôm mặt khóc. Đột nhiên có một vị sư già đến khất thực, bà lão lạnh lùng nói: “Nhà người ta gặp bất hạnh như vậy, đâu còn lòng dạ nào để làm đồ cúng trai tăng!”
Phú ông giải thích: “Cả ba cô con gái của chúng tôi đều đã qua đời. Chúng tôi già cả cô đơn, đều là oan nghiệp kiếp trước của chúng tôi. Xin hãy ở lại và ngồi xuống, tôi sẽ ra ngoài mua một ít thức ăn chay mang về cho ông.”
Phú ông vừa đi ra ngoài, bà lão bỗng thấy lơ mơ buồn ngủ, liền đi ngủ.
Trong giấc mơ, nhà sư nói với bà rằng: “Kiếp trước chồng bà là lái đò; con rể bà là một thương gia giàu có, mang theo rất nhiều tiền đến Hoài An và Dương Châu để làm ăn. Anh ta đã thuê thuyền của chồng bà; chồng bà đã mưu sát anh ta và lấy đi số tiền đó. Ba cô con gái đều là khách trên thuyền; chồng bà sợ bị bại lộ âm mưu nguy hiểm đến tính mạng, nên đã dùng ba mươi lượng vàng hối lộ họ. Tài sản của chồng bà đều thuộc về con rể bà, tại sao lại phải ôm hận và trách móc!”
Bà lão chợt tỉnh giấc, nhưng vị sư già đã đi mất. Sau khi phú ông quay lại, bà lão kể cho ông nghe chuyện vừa rồi xảy ra trong giấc mơ, phú ông im lặng không nói gì, như thể ông đã mất một thứ gì đó. Sau đó, ông ấy giao lại tất cả công việc gia đình cho con rể và khuyên anh ta lấy người vợ khác. Vợ chồng phú ông đã rời khỏi nhà của mình, cuối cùng không biết họ đã đi đâu.
Tư liệu tham khảo: “Quả báo vấn kiến lục” và “Thập quốc xuân thu”