Dựa trên chính sách của cựu TT Trump, TT Biden tiếp tục cứng rắn hơn với Trung Quốc
Terri Wu
Hôm 14/05, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã công bố ý định tăng đáng kể thuế quan đối với xe điện (EV), vi mạch bán dẫn, các sản phẩm thép và nhôm, pin lithium-ion, pin quang năng, và vật tư y tế của Trung Quốc.
Theo các quan chức Tòa Bạch Ốc, việc tăng thuế quan áp dụng đối với khoảng 18 tỷ USD hàng nhập cảng hàng năm từ Trung Quốc và sẽ tăng mức thuế quan lên tới 25% – gấp ba lần mức hiện tại – theo lịch trình từ năm 2024 đến năm 2026.
Các quan chức cũng cho biết tất cả các mức thuế quan hiện hành được áp dụng dưới thời chính phủ cựu TT Trump – đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc hàng năm – sẽ vẫn được giữ nguyên, nếu không tăng lên.
Theo Cục Điều tra Dân số, tổng nhập cảng từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ đạt khoảng 430 tỷ USD trong năm 2023.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc khiến toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ “dễ bị” chính quyền Trung Quốc cưỡng ép. Bắc Kinh rất “sẵn sàng vũ khí hóa sự phụ thuộc này.”
Mức thuế quan mới không áp dụng đối với hàng nhập cảng của các thương hiệu Trung Quốc được vận chuyển từ quốc gia thứ ba, chẳng hạn như xe điện Trung Quốc sản xuất tại Mexico. Bà Tai nói với các phóng viên hôm 14/05 rằng hãy “tiếp tục dõi theo” vấn đề này, gợi ý rằng chính phủ có thể sẽ có những hành động tiếp theo.
Ông James Lewis, giám đốc chương trình công nghệ chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Toàn bộ ý tưởng rằng quý vị có thể có thương mại mở không giới hạn với Trung Quốc mà không chịu rủi ro đã biến mất.”
Ông nói, chính phủ TT Biden đã làm rất tốt khi nhận ra rằng “công nghệ và kinh tế cũng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn sức mạnh quân sự truyền thống” và sự cần thiết của việc hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc trong các lĩnh vực này.
Ông Lewis nói với The Epoch Times: “Đó là hai vấn đề lớn nhất: Xây dựng lại quan hệ đối tác để trợ giúp trật tự dựa trên luật lệ và hạn chế các mối liên kết về công nghệ với Trung Quốc.”
Bà Lael Brainard, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói với các phóng viên trong cuộc gọi trước khi có thông báo này rằng việc tăng thuế quan là phù hợp với chính sách “quản lý cạnh tranh với Trung Quốc một cách có trách nhiệm” của TT Joe Biden.
Bà cho biết chính phủ đang làm việc với các quốc gia khác để “giải quyết những mối lo ngại chung của chúng ta về các hành vi không công bằng của Trung Quốc.”
Bà Brainard cho biết: “Trung Quốc đang sử dụng cùng một chiến thuật mà họ đã sử dụng trước đây để thúc đẩy tăng trưởng của riêng họ trong khi gây thiệt hại cho quốc gia khác bằng cách tiếp tục đầu tư bất chấp công suất đã dư thừa của mình, đồng thời làm ngập thị trường toàn cầu với những mặt hàng xuất cảng được định giá thấp do các hành vi không công bằng.”
“Chỉ đơn giản là Trung Quốc quá lớn để có thể chơi theo luật của riêng họ.”
Ông Stephen Ezell – phó chủ tịch chính sách đổi mới toàn cầu tại tổ chức tư vấn Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn – nói với The Epoch Times rằng, việc tăng thuế quan “chắc chắn cho thấy chính phủ TT Biden sẵn sàng cứng rắn hơn với Trung Quốc… đặc biệt là trong các ngành công nghệ tân tiến vốn rất quan trọng đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”
Ông cho biết các chính sách thuế quan mới thể hiện “sự củng cố đáng kể lập trường của chính phủ TT Biden đối với Trung Quốc so với thời điểm họ bắt đầu nhậm chức.”
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, khi ông Biden còn là ứng cử viên, ông đã chỉ trích các mức thuế mà cựu TT Donald Trump áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc và thề sẽ dỡ bỏ thuế quan nếu ông nhậm chức. Tuy nhiên, TT Biden đã giữ lại tất cả các mức thuế này.
Ông Christopher Balding – chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức cố vấn có trụ sở tại Anh – cho biết các mức thuế mới là “rất dễ hiểu” vì thuế quan là công cụ trong hộp công cụ hạn chế khi giải quyết các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Cả ông Ezell và ông Balding đều xem việc tăng thuế quan là bước đi đúng hướng, nhưng thuế quan chỉ là một phần của chiến lược lớn hơn.
Ông Ezell cho biết ông muốn thấy “chiến lược địa chính trị tổng quan, mạch lạc” về cách Hoa Kỳ và các đồng minh ứng phó với mối đe dọa Trung Quốc.
“Tôi nghĩ chính phủ này vẫn còn thiếu chiến lược tổng quan kết hợp giữa chính sách kinh tế, an ninh quốc gia, và thương mại. Tôi muốn thấy họ làm điều đó.”
Chặn đường Trung Quốc
Ngoài tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, đại dịch COVID-19 còn cho thấy sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc về vi mạch bán dẫn – nguồn cung cấp năng lực cho mọi thứ từ điện thoại thông minh đến chiến đấu cơ. Những đợt phong tỏa của chính phủ trong thời đại dịch đã dẫn đến sự chậm trễ trong vận chuyển và tắc nghẽn cảng, khiến nguồn cung giảm. Hoạt động sản xuất xe hơi nội địa của Hoa Kỳ cũng đã chậm lại do thiếu vi mạch bán dẫn.
Hồi tháng 08/2022, lưỡng đảng trong Quốc hội đã thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học được TT Biden hậu thuẫn, hứa hẹn phân bổ gần 53 tỷ USD cho các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước. Kể từ đó, văn phòng chương trình CHIPs đã công bố khoảng 30 tỷ USD tài trợ và 25 tỷ USD vốn vay cho các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn.
Tăng cường năng lực sản xuất vi mạch bán dẫn nội địa là bước quan trọng trong cố gắng của chính phủ TT Biden nhằm “vượt qua” Trung Quốc.
Đồng thời, Tòa Bạch Ốc đã tăng cường nỗ lực an ninh quốc gia nhằm ngăn chặn dòng công nghệ nhạy cảm rơi vào tay Trung Quốc.
Hồi tháng 10/2022, chính phủ đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận các loại vi mạch bán dẫn tân tiến được sản xuất bằng công nghệ của Hoa Kỳ, bất kể các vi mạch bán dẫn đó có được sản xuất tại Hoa Kỳ hay không. Mục đích là để ngăn chặn quân đội Trung Quốc tiếp cận công nghệ quan trọng là hạch tâm của các hệ thống vũ khí tân tiến.
Một năm sau, chính phủ đã thắt chặt đáng kể các biện pháp kiểm soát xuất cảng bằng cách hạ thấp ngưỡng hiệu suất để bao gồm nhiều loại vi mạch hơn và mở rộng danh sách thiết bị bán dẫn cần kiểm soát để phù hợp với thỏa thuận ba bên mà Hoa Kỳ đã ký kết với Nhật Bản và Hà Lan.
Đầu năm 2023, khi ông Ezell đọc được tin tức rằng viện nghiên cứu vũ khí hạt nhân hàng đầu Trung Quốc phải mua máy điện toán cá nhân thông qua bên thứ ba để sử dụng vi mạch bán dẫn của bên thứ ba này vì lệnh kiểm soát xuất cảng vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ, ông đã xem đó là “một chiến thắng”.
“Chúng ta đang làm chậm khả năng thiết kế vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Đó là chiến thắng cho việc kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ.”
Đạo luật CHIPS cũng đã khuyến khích các khoản đầu tư tư nhân vào vi mạch bán dẫn ở Hoa Kỳ, điều mà Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) ước tính đã lên tới hơn 200 tỷ USD.
Một khoản đầu tư mang tính bước ngoặt là nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn trị giá 100 tỷ USD ở trung tâm New York của Micron Technology, Inc. Tháng trước, công ty này đã nhận được khoản tài trợ liên bang trị giá 6.1 tỷ USD cho dự án.
Tuy nhiên, theo ông William Lee – nhà kinh tế trưởng tại Viện Milken, tổ chức cố vấn kinh tế có trụ sở tại California – những công ty được chính phủ lựa chọn có thể thắng hoặc không thể thắng trên thị trường.
Nhiều năm trợ cấp mạnh ở Trung Quốc khiến việc cạnh tranh với các công ty được nhà nước bảo trợ đó trở nên khó khăn.
Ông Lee nói với The Epoch Times: “Mọi chính phủ, dù là của TT Biden hay cựu TT Trump, hay bất kỳ ai giành chiến thắng trong chính phủ tiếp theo, nếu họ muốn chống lại sự cạnh tranh từ Trung Quốc bằng cách trợ cấp hoặc tạo thêm động lực trong nước, họ sẽ phải chi rất nhiều tiền, bởi vì hiện tại hầu như không có bất kỳ nhà sản xuất Hoa Kỳ nào.”
Hoa Kỳ đã phát triển công nghệ bán dẫn, nhưng đã thuê sản xuất và đóng gói tại các quốc gia khác. Đài Loan, Nam Hàn, và Nhật Bản hiện chiếm thị phần lớn về vi mạch, và Hà Lan có thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến nhất. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, các công ty vi mạch bán dẫn Hoa Kỳ vẫn đang dẫn đầu hoặc nắm giữ vị trí cạnh tranh cao trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, và thiết kế.
Ông Lee cho biết thuế nhập cảng có thể không đẩy giá lên đủ cao để khuyến khích các nhà sản xuất Hoa Kỳ sản xuất nhiều hơn. Vì vậy, sẽ cần có thêm các biện pháp trợ cấp và bãi bỏ các quy định song song với thuế quan để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Mạng lưới liên minh
Về mặt ngoại giao, ông Ray Powell, giám đốc Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia tại Đại học Stanford, cho biết chính phủ TT Biden xứng đáng được ghi nhận vì đã đạt được điều mà Hoa Kỳ mong muốn từ lâu: xây dựng mạng lưới đồng minh chặt chẽ.
Ông nói với The Epoch Times: “Hãy vận dụng các mối quan hệ liên minh của chúng ta, đặc biệt là các mối quan hệ ở Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, từ mô hình trục và nan hoa, trong đó Hoa Kỳ là trung tâm và mỗi liên minh là một nan hoa riêng biệt, để biến mô hình này thành một mạng lưới, gần giống như một tấm lưới.”
Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 của chính phủ cựu TT Trump đã chuyển hướng khỏi cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu để tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, một hướng đi mà chính phủ TT Biden đã kế tục. Chiến lược của cựu TT Trump đặt ra là tăng cường liên minh ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương và TT Biden đã khai triển sâu hơn nữa.
Ông Powell cho biết hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ–Nhật Bản–Nam Hàn được tổ chức vào năm 2023, dẫn đến Đối thoại Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương ba bên khai mạc tại Hoa Thịnh Đốn vào tháng 01/2024, dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng là một “thành tựu lớn” vì nó đòi hỏi hai quốc gia Á Châu này phải vượt qua những mâu thuẫn trong Đệ nhị Thế Chiến vốn đã chi phối mối bang giao của họ bấy lâu nay.
Ông Powell cho biết, tháng trước, hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ–Nhật Bản–Philippines ở Hoa Thịnh Đốn cũng có ý nghĩa quan trọng. Ba nước đã bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về “cách hành xử nguy hiểm và hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.”
Chính quyền Trung Quốc, vốn đã tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp đối với gần như toàn bộ tuyến đường thủy đang tranh chấp, đã xây dựng mạng lưới các đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự trong khu vực. Tàu Trung Quốc ngày càng có những hành động hung hăng đối với tàu của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Philippines.
Vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh, Philippines, Úc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ đã tiến hành tuần tra chung lần đầu tiên ở Biển Đông.
Quan hệ đối tác kinh tế được hình thành cùng với các chương trình an ninh. Hoa Kỳ sẽ mở chi nhánh ngân hàng phát triển ở Manila và đang đàm phán với Philippines về quan hệ đối tác cho sáng kiến đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu của quốc gia này – chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu của Hoa Kỳ chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Ngoài Á Châu, chính phủ đã xây dựng một loạt quan hệ đối tác toàn cầu, bao gồm AUKUS, quan hệ đối tác an ninh ba bên với Úc và Vương quốc Anh, cũng như Hội đồng Thương mại và Công nghệ Hoa Kỳ-EU.
Được thành lập dưới thời cựu TT Trump, Bộ Tứ – hay Đối thoại An ninh Tứ giác với Úc, Ấn Độ, và Nhật Bản – đã tổ chức cuộc họp đầu tiên dưới thời chính phủ TT Biden vào tháng 03/2021.
Thông qua AUKUS, được công bố vào tháng 09/2021, Hoa Kỳ chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân với Úc. Trong khi Bộ Tứ và AUKUS tập trung vào an ninh quốc phòng của khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương thì nền tảng đối thoại của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Hoa Kỳ–EU là xoay quanh an ninh kinh tế và khả năng cạnh tranh.
“Đây không phải là một liên minh toàn cầu chống lại Trung Quốc, mà là việc sẵn lòng nói: ‘Nếu phải chọn, thì chúng tôi sẽ chọn Hoa Kỳ trước khi chọn Trung Quốc,’” ông Lewis nói. “Và đó là vấn đề lớn đối với phía Trung Quốc.”
Sau vụ khủng bố ngày 11/09/2001, Hoa Kỳ đã chi 6 ngàn tỷ USD cho hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Ông Lewis cho biết mọi người có xu hướng đánh giá thấp việc những cuộc chiến đó ảnh hưởng như thế nào đến cách Trung Quốc, Iran, và các quốc gia đối địch nước ngoài khác nhìn nhận Hoa Kỳ và sức mạnh của nước này. “Vì vậy ông Biden phải xây dựng lại.”
Ông Lewis tin rằng điều mà chính phủ đạt được ít tiến bộ hơn, là việc làm thế nào để “thay thế hoặc sửa chữa các cấu trúc toàn cầu hiện có, như năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hoặc tất cả những tổ chức này, nơi Trung Quốc được mời vào và tận dụng để tạo lợi thế.”
Hành động mới đây nhất là vì phiếu bầu?
Các chuyên gia có quan điểm khác nhau về mức độ mà các biện pháp thuế quan của TT Biden đối với Trung Quốc có tác dụng thu hút phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Tuy nhiên, họ đồng ý rằng, dù giành được phiếu bầu hay không, thì TT Biden đang thực hiện các chính sách đối với Trung Quốc vào thời điểm nhận thức của công chúng Hoa Kỳ về mối đe dọa từ Trung Quốc đã lên đến một cấp độ hoàn toàn mới so với bốn năm trước.
Theo cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 81% người Mỹ hiện có cái nhìn bất lợi về Trung Quốc, so với 73% một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Ông Lee cũng trích dẫn việc thấy nhiều chủ đề về mối đe dọa Trung Quốc nảy sinh trong văn hóa đại chúng, chẳng hạn như tiểu thuyết.
Ông Balding không cho rằng chính sách đối ngoại sẽ chi phối tâm trí cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, ông nói, “Rõ ràng là mọi người hiện nay xem thế giới là một nơi nguy hiểm hơn so với cách đây bốn năm.”
Ông Ezell cho biết các hành động của chính phủ đương nhiệm vừa nhằm mục đích có lập trường kiên quyết hơn chống lại Trung Quốc, vừa nhằm giành được nhiều phiếu hơn trong cuộc bầu cử.
Tuy nhiên ông Lewis lại có quan điểm khác.
Ông nói, đẩy lùi Trung Quốc vẫn luôn là “chủ đề xuyên suốt” giữa các cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ TT Biden, ngay cả trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
“Đã có một nhận thức rằng các cấu trúc cũ và các mối đe dọa an ninh cũ không phản ánh được những gì đang thực sự diễn ra. Tôi nghĩ đó là lúc người của TT Biden sẽ nói rằng họ đang cố gắng hiện đại hóa chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.”
Ông Lee cho biết cơ sở hàng hóa bị tính thuế mới trị giá 18 tỷ USD là không đáng kể so với cơ sở hàng hóa bị tính thuế 300 tỷ USD của hiện tại. Ông xem hành động này hoàn toàn là vì phiếu bầu trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tuy nhiên, ông ghi nhận nỗ lực của TT Biden vì đã quay trở lại nền tảng truyền thống hơn của Đảng Dân Chủ, đó là trợ giúp cho người lao động và quyền lợi của họ. Ông cho biết cựu TT Trump đã sử dụng nền tảng đó và mở rộng để bao gồm việc làm cho người Mỹ.
“Ông Biden và ông Trump đang hát cùng một giai điệu về Trung Quốc. Chỉ là ông Biden đang ở khổ thứ nhất và thứ ba, còn ông Trump thì ở khổ thứ hai.”
“Nhưng vẫn là cùng một bài hát.”