Để vượt qua cô đơn, hãy tìm cho mình mục đích sống
Washington University at St Louis
Theo một nghiên cứu mới đây, mục đích sống – dù là nhiệm vụ cao cả tạo ra sự khác biệt hay sở thích đơn giản mang tính cá nhân – đều đem đến sự bảo vệ lớn lao cho mọi người khỏi nỗi cô đơn.
Ông Patrick Hill, trợ lý giáo sư khoa học tâm lý và bộ não tại Đại học Washington University ở St. Louis, cho biết, “Sự cô đơn được biết đến là một trong những yếu tố dự báo tâm lý lớn nhất cho các vấn đề về sức khỏe, suy giảm nhận thức và tử vong sớm. Các nghiên cứu cho thấy cô đơn có thể ăn mòn sức khỏe tương tự như hút thuốc hoặc ăn uống thiếu chất.”
Nghiên cứu mới dựa trên cuộc khảo sát với hơn 2,300 người trưởng thành ở Thuỵ Sĩ, cho thấy rằng cảm giác cô đơn ít phổ biến hơn ở người có mục đích sống không kể tuổi tác của họ.
Các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia ghi chép lại cảm giác khi vắng bóng sự đồng hành, cô lập với người khác và cảm giác “bị bỏ rơi hoặc phớt lờ” trong khoảng bốn tuần. Những người tham gia cũng điền vào “Bài trắc nghiệm mức độ gắn kết cuộc sống” gồm 6 mục, yêu cầu họ đánh giá các câu như “Cuộc sống của tôi không có đủ mục đích,” và “Tôi rất coi trọng các hoạt động của mình.”
Ông Hill nói, “Ý nghĩa của mục đích sống là nhận thức chung rằng bạn có điều gì đó dẫn dắt, định hướng bản thân ngày qua ngày. Đó có thể là công việc làm vườn, giúp đỡ gia đình, hoặc đạt được thành công trong sự nghiệp.”
Nhiều hoạt động mang lại ý nghĩa cho cuộc sống như tham gia một câu lạc bộ, làm tình nguyện ở trường, hoặc chơi một giải đấu thể thao, giao tiếp với người khác. Đây là lý do vì sao cuộc sống đầy mục đích thường ít cô đơn hơn. Trong nghiên cứu, những người nhận được sự giúp đỡ từ xã hội dường như đều có mục đích sống.
Tuy nhiên, ông Hill lưu ý rằng có nhiều cách để vượt qua sự cô đơn hơn là có một người ở bên cạnh.
Ông nói, “Tất cả chúng ta đều từng có lúc trong đời cảm thấy cô đơn mặc dù thực tế không ở một mình.”
Ông cho biết thêm, ý nghĩa của cuộc sống dường như đem đến một khía cạnh giúp vượt qua sự cô đơn mà không cần quan tâm đến việc có bao nhiêu người chung quanh.
Nghiên cứu cho thấy con số báo cáo về cảm giác cô đơn tăng nhẹ ở những người trên 70 tuổi – độ tuổi mà mục đích sống có thể đặc biệt quan trọng.
Ông Hill nói, “Chúng tôi đang cố xua tan lầm tưởng từ thế hệ trước rằng đây chỉ đơn giản là thời gian để nghỉ hưu và nghỉ ngơi. Không có thất lợi nào trong việc đi tìm điều gì có ý nghĩa trong quãng đời còn lại.”
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là việc tìm kiếm mục đích sống có thể phần nào là thất sách nếu bạn quan tâm thái quá đến điều đó.
Ông Hill nói, “Cảm giác như thể bạn cần cứu thế giới khỏi sự sợ hãi và đau khổ.”
Khi nói đến mục đích và ý nghĩa sống, ngay cả những điều nhỏ nhặt cũng có ý nghĩa.
Ông bày tỏ, “Nếu ai đó nghĩ rằng mục đích của bạn là tầm thường, không sao cả, miễn là mục đích ấy có ý nghĩa với bạn.”
Nghiên cứu được công bố trên tập san Tâm lý học và Lão hóa.
Các đồng tác giả khác đến từ Đại học Zurich ở Thụy Sĩ và Đại học Tilburg ở Hà Lan.