Đề cử đại diện Thương mại xem Trung Cộng ‘vừa là đối thủ vừa là đối tác’
Hôm 25/02, người được đề cử cho vị trí Đại diện Thương mại Hoa Kỳ của Tổng thống Joe Biden, bà Katherine Tai, đã cam kết làm việc với các đồng minh để buộc Trung Cộng phải chịu trách nhiệm về các hành vi thương mại không ngay thẳng của họ.
Trong diễn giải tại phiên điều trần phê chuẩn do Ủy ban Tài chính Thượng viện tiến hành, bà Tai mô tả Trung Cộng “vừa là đối thủ, vừa là đối tác thương mại, và một đối trọng tầm cỡ mà chúng ta cần hợp tác để giải quyết những thách thức toàn cầu nhất định.”
Bà nói thêm rằng, “Chúng ta phải nhớ làm sao để bước đi, nhai kẹo cao su, và chơi cờ vua cùng một lúc.”
Bà Tai, người lớn lên ở Đài Loan, thông thạo tiếng Quan Thoại, là luật sư thương mại hàng đầu của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện. Trước đó, bà cũng từng là người đứng đầu cơ quan thi hành luật về Trung Quốc tại văn phòng đại diện thương mại trong vài năm.
Bà nói: “Tôi biết rõ tầm quan trọng của việc chúng ta cần có một kế hoạch chiến lược chặt chẽ để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những lời hứa của họ, cũng như cạnh tranh hiệu quả với mô hình kinh tế do nhà nước chỉ thị của họ.”
Chính phủ cựu TT Trump đã áp thuế đối với số hàng hóa trị giá 360 tỷ USD của Trung Quốc để đáp trả chiến dịch mở rộng do nhà nước bảo trợ của Trung Cộng nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ (IP) của Hoa Kỳ. Họ cũng tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại với nhà cầm quyền này để nỗ lực buộc Bắc Kinh phải sửa chữa một loạt các hành vi kinh tế bất công, chẳng hạn như trợ cấp lớn cho các ngành công nghiệp trong nước, buộc các công ty Hoa Kỳ chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ như một điều kiện để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, và thao túng tiền tệ.
Mặc dù hai bên đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng 01/2020, theo đó Trung Cộng hứa sẽ mua thêm 200 tỷ USD trong vòng hai năm tới, nhưng cho đến nay Bắc Kinh đã không làm được theo các cam kết mua hàng này. Trung Cộng cũng đã hứa thực hiện các thay đổi cấu trúc [ở cấp độ quốc gia], bao gồm cả việc bảo vệ tài sản trí tuệ, ngừng bắt buộc chuyển giao công nghệ, và bảo đảm sự minh bạch về các hoạt động ngoại hối.
Chính phủ ông Biden hiện đang xem xét lại các chính sách thương mại thời ông Trump, và vẫn chưa cho biết liệu họ sẽ giữ nguyên thuế quan hay thỏa thuận thương mại giai đoạn một hay không.
Khi được hỏi liệu bà có thúc ép Trung Cộng thực hiện những thay đổi cấu trúc mà họ đã hứa trong thỏa thuận giai đoạn một hay không, bà Tai trả lời rằng Bắc Kinh cần thực hiện những cam kết đó.
Bà nói rằng các cuộc thảo luận với nhà cầm quyền ở Bắc Kinh để khiến họ thực hiện tốt những thay đổi cấu trúc là “hoàn toàn đáng để bàn thảo với Trung Quốc,” nhưng bà lưu ý rằng “đó là những con đường đã được các đại diện thương mại Hoa Kỳ trước tôi làm rất tốt.”
“Chúng ta cần phải tìm hiểu tất cả các lựa chọn của mình,” bà Tai nói thêm.
Bà Tai cũng nhấn mạnh việc xây dựng “một mặt trận thống nhất của các đồng minh của Hoa Kỳ” để chống lại các hành vi lợi dụng để trục lợi của Bắc Kinh, đồng thời thừa nhận rằng làm việc với các nước khác là “công việc khó khăn.”
Bà nói: “Chúng tôi cũng phải truyền đạt các giá trị và các quy tắc định hướng thương mại toàn cầu – và chúng tôi phải thực thi các điều khoản đó một cách mạnh mẽ.”
Bà Tai nhận được sự tôn trọng của các thành viên của cả hai đảng, những người đã ca ngợi khả năng của bà trong việc xây dựng sự đồng thuận giữa những chia rẽ về tư tưởng.
Ông Clete Willems, cựu phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong chính phủ cựu TT Trump, nói với The Epoch Times hồi đầu tháng 02/2021 rằng bà Tai có trình độ chuyên môn cao.
Ông Willems nói: “Bà ấy thực sự hiểu Trung Quốc, và bà ấy đã dành cả sự nghiệp để thúc đẩy Hoa Kỳ và các đồng minh khác hợp tác đẩy lùi các hành vi thương mại bất công của Trung Quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Emel Akan và Reuters.