Đây là những gì đang thực sự diễn ra ở Israel
David Harsanyi
Tổng thống Joe Biden được cho là đã yêu cầu Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, ngừng thúc đẩy việc thông qua dự luật “gây chia rẽ” nhằm cải tổ cơ quan tư pháp trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra.
Thật tình cờ, đây cũng chính là ông Biden – người đã cố thúc đẩy dự luật chi tiêu quy mô lớn mang tính thế hệ – “gây chia rẽ” mạnh mẽ mà không có bất kỳ biểu quyết nào từ phe đối lập; cũng chính là người thường xuyên cai trị bằng cách áp đặt các sắc lệnh vi hiến; và cũng chính là người đã ra sức loại bỏ thẩm quyền của Tối cao Pháp viện hơn bất kỳ tổng thống nào trong lịch sử đương đại.
Bất cứ điều gì xảy ra thì vị tổng thống này đều lo ngại. Như tờ The New York Times đưa tin, “Quốc hội Israel đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi sâu sắc nhằm hạn chế khả năng của Tối cao Pháp viện trong việc hủy bỏ các quyết định của các bộ trưởng chính phủ.” Điều mà tờ Times muốn nói là có một đạo luật mới hạn chế khả năng của cơ quan tư pháp này – trong việc đơn phương tuyên bố một luật là “vi hiến” mà không sử dụng bất kỳ lý do pháp lý nào.
Bởi vì, như trong điều kiện hiện tại, Israel có một hệ thống phản-dân chủ mạnh mẽ được tòa án cấp cao giám sát. Tòa án này có lẽ là cơ quan tư pháp quyền lực nhất trong thế giới tự do. Những cải tổ tư pháp của ông Netanyahu – chỉ một phần nhỏ trong đó đã được thông qua – sẽ đưa Israel trở lại thời điểm năm 1995, khi “cuộc cách mạng tư pháp” trao cho tòa án này quyền lực tối cao đối với luật pháp. Xem ra thì chính phủ “cực hữu” của Israel vốn bị cáo buộc là “tái phạm” các hành vi độc tài có thể sẽ tạo ra một hệ thống “dân chủ” hơn nhiều.
Tính tối cao của tư pháp có thể phát huy hiệu quả nếu các phán quyết của tòa án Israel dựa trên một số loại thẩm quyền theo luật định, khung pháp lý truyền thống, hoặc thậm chí là quy định và luật hiện hành. Nhưng Israel không có Hiến Pháp. Các phán quyết của tòa án thường tùy tiện, mang tính chính trị, thay đổi không ngừng và đôi khi là mâu thuẫn. Tòa án thường xuyên chặn các luật do các chính phủ trung hữu thông qua chỉ vì các thẩm phán cho rằng chính sách là không hợp lý.
Tại sao chỉ có các chính phủ trung hữu? Bởi vì các thẩm phán cố thủ (với các đồng minh của họ trong đoàn luật sư Israel) chỉ định những người kế vị vĩnh viễn của họ. Hãy tưởng tượng triển vọng của cánh tả Mỹ nếu những người theo trường phái nguyên thủy (trường phái diễn giải Hiến Pháp theo đúng lý thuyết uyên thâm và nguyên tắc của Hiến Pháp mà cả những người có quan điểm thiên tả và bảo tồn truyền thống đều có thể hiểu) của Tối cao Pháp viện có thể chỉ cần bổ nhiệm những người thay thế của chính họ mà không cần bất kỳ ý kiến đóng góp nào từ các thượng nghị sĩ hoặc tổng thống.
Hệ thống này vượt khỏi tầm kiểm soát đến mức không chỉ tòa án có thể cai trị nhánh lập pháp mà không cần giải thích, mà còn có thể loại bỏ các bộ trưởng và quan chức dân cử theo ý muốn. Tổng Chưởng lý được trao quyền ngăn cấm các quan chức – kể cả thủ tướng – tham gia vào các cuộc thảo luận quốc gia. Theo bất kỳ tiêu chuẩn thực sự nào, đây không phải là sự cai quản “dân chủ”. Điều đó là phi tự do.
Có lẽ không có cách nào tốt để cân bằng hiệu quả hai nhánh của chính phủ Israel. Đó là một vấn đề phức tạp. Cải cách không phải là thuốc chữa bách bệnh. Nhưng cải cách tư pháp không phải là một ý tưởng mới, và việc cải cách thì không thể “vội vàng”. Những điều này được tranh luận trong chính trị Israel qua nhiều thập niên, với nhiều tiếng nói pháp lý ôn hòa đề nghị những thay đổi trong thời gian đó. Sự hoảng loạn này nhắc nhở tôi rất nhiều về chủ nghĩa báo động (sự báo động quá mức hoặc phóng đại về một mối đe dọa thực sự hoặc tưởng tượng) của cánh tả Mỹ trong việc cắt giảm thuế và sự bình đẳng Internet. Điều đó chủ yếu là nỗ lực chính trị để làm suy yếu ông Netanyahu.
Các hãng truyền thông thích tuyên bố rằng các cuộc biểu tình ở Israel là nỗ lực “của dân thường,” như thể điều này là việc một đám đông có nền tảng đạo đức chuẩn mực hoặc có thẩm quyền áp đặt chính sách của chính phủ. Trên thực tế, nhiều cuộc tuần hành – và những lời đe dọa phong tỏa xã hội Israel – được các nghiệp đoàn lớn nhất và mạnh nhất của Israel tổ chức và được những người ngoại quốc kích động. Nếu Thủ tướng Netanyahu để những người biểu tình này hăm dọa ông, thì cũng có thể ông sẽ từ chức ngay bây giờ. Việc này sẽ khuyến khích tình trạng hỗn loạn.
Mỗi khi Israel có một cuộc tranh luận nội bộ gây tranh cãi – những kẻ giả vờ quan tâm đến vấn đề nhằm mục đích phá hoại (concern-trolls) như phóng viên Thomas Friedman của tờ New York Times – lại xuất hiện để than thở về sự kết thúc sắp tới của nền dân chủ Israel. Quý vị sẽ nhận thấy rằng, theo các hãng truyền thông, các đề xướng lập pháp, trong nước hay ngoại quốc, chỉ “gây chia rẽ” và “gây tranh cãi sâu sắc” khi những người theo phái bảo tồn truyền thống ủng hộ chúng. Thực tế là hầu như mọi thứ chúng ta làm trong lĩnh vực chính trị đều “gây chia rẽ” và “gây tranh cãi sâu sắc”. Đó là lý do vì sao chính trị tồn tại. Và ở Israel, điều đang gây chú ý là một vấn đề gây tranh cãi sâu sắc.
Hơn nữa, đối với cánh tả, “dân chủ” nghĩa là chủ nghĩa quá siêu đa số hoặc chế độ chuyên chế tư pháp. Bất cứ điều gì phù hợp với mục đích của họ. Và điều đó không cố định. Ý tôi đang muốn nói là gì? Các thành viên Đảng Dân Chủ sẽ lập luận rằng việc hạn chế quyền tối cao của cơ quan tư pháp ở Israel là một cuộc tấn công vào “nền dân chủ”, đồng thời tuyên bố SCOTUS thực thi quyền tối cao của nhánh tư pháp để thể hiện sự tôn trọng đối với Hiến Pháp và trao lại các vấn đề như phá thai cho cử tri. Đây hoàn toàn là trò Calvinball (trò chơi hoặc hoạt động không theo luật lệ, quy tắc nào).
Tất nhiên, nếu Tối cao Pháp viện Israel gồm toàn những người cánh hữu thay vì cánh tả, thì truyền thông Mỹ, Đảng Dân Chủ và những người biểu tình sẽ đứng về phía cải cách. Không điều nào trong số này liên quan đến các nguyên tắc quản trị hoặc công lý, chuẩn mực hay “nền dân chủ”. Cũng như những người phá hủy ngành tư pháp Mỹ ở quê nhà của chúng ta, mục đích của họ là quyền lực.
Mục đích của cánh hữu của Israel cũng là quyền lực. Tôi không phải là kẻ ngây thơ. Nhưng ngay bây giờ, những cải cách mà họ ủng hộ phù hợp với các chuẩn mực của một “nền dân chủ” đang vận hành hơn là những hệ thống đang có. Đó là điều mà một độc giả đang đọc các tiêu đề trên báo chí Mỹ có thể không biết.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông David Harsanyi là một ký giả theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, cây bút đa kênh, và là biên tập viên. Ông đã viết cho tờ Denver Post trong tám năm, và biên tập cho The Federalist trong hơn sáu năm trước khi trở thành cây bút cao cấp của tờ National Review hồi năm 2019. Ông Harsanyi là tác giả của năm cuốn sách, trong đó có cuốn “First Freedom: A Ride Through America’s Enduring History With the Gun” (Tự Do Đầu Tiên: Lược Qua Lịch Sử Lâu Đời của Mỹ Quốc Với Súng) và “Eurotrash: Why America Must Reject the Failed Ideas of a Dying Continent” (Rác Âu Châu: Tại Sao Mỹ Phải Bác Bỏ Những Ý Tưởng Thất Bại Về Một Lục Địa Hấp Hối).