Dầu mè có tác dụng chữa lành tổn thương gan
Mè và dầu mè là những thực phẩm và dược liệu lâu đời, không những có hương vị thơm ngon mà còn có tác dụng hồi phục những tổn thương ở gan do sử dụng thuốc tây.
Hạt mè là một trong những loại thực phẩm có công dụng chữa lành tốt nhất trên hành tinh này. Hàng ngàn năm qua, theo truyền thống, hạt mè được sử dụng để làm thực phẩm và dược liệu. Theo Trung y, loại thực phẩm lâu đời này có thể giúp làm giảm tổn thương gan – đang xuất hiện một cách phổ biến – do các loại thuốc hiện đại gây ra.
Chứng nhiễm độc gan là một dạng tổn thương gan do hóa chất gây ra. Đây là một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sử dụng dược phẩm vì gan có vai trò loại bỏ các hóa chất ra khỏi cơ thể. Chính chức năng này đã khiến gan đặc biệt dễ bị tổn thương trong quá trình sử dụng thuốc.
Có hàng trăm loại thuốc gây nhiễm độc gan ngay cả khi sử dụng đúng liều chỉ định. Đó là lý do số một cho việc rút khỏi thị trường của thuốc.
Một bài xã luận trong Tạp chí Hiệp hội Y khoa Trung Quốc (Journal of the Chinese Medical Association) lưu ý rằng trong thế giới ngày nay, “việc bảo vệ gan là rất cần thiết.” Đồng thời bài viết cũng cho biết rằng những hạt mè bé xíu và dầu mè chính là “vệ sĩ” giúp bảo vệ gan.
Dầu mè rất giàu hợp chất lignan chống viêm được gọi là sesamin. Những lignan này là một loại polyphenol được tìm thấy trong nhiều loại hạt, trái cây và rau quả.
Sesamin đem lại nhiều lợi ích sức khỏe bao gồm:
- Giảm cholesterol
- Giảm huyết áp
- Chống ung thư
- Chống lão hóa
- Điều chỉnh hệ miễn dịch
- Hạ đường huyết
- Chống đông máu
- Chống oxy hóa mạnh mẽ
Sesamin cũng bảo vệ gan chống lại tổn thương do sử dụng đồ uống có cồn và thuốc. Một số nghiên cứu trên động vật ở Đài Loan và Nhật Bản cho thấy dầu mè làm giảm căng thẳng oxy hóa ở gan.
Các nghiên cứu khác cho thấy dầu mè có thể chống lại tác động tiêu cực của thuốc acetaminophen (paracetamol) đối với gan. Hàng năm, acetaminophen gây ra hơn 450 ca tử vong do suy gan. Sesamin giúp chống lại thương tổn đó bằng cách duy trì nồng độ glutathione nội bào, một chất chống oxy hóa mạnh. Acetaminophen làm giảm dự trữ glutathione ở gan. Sesamin cũng làm giảm các gốc tự do và ức chế quá trình oxy hóa chất béo.
Sesamin không những giúp ngăn ngừa tổn thương gan do các sản phẩm thuốc giảm đau có chứa acetaminophen, như Tylenol, mà còn có tác dụng giảm đau tốt hơn những loại thuốc này. Trước đó, Greenmedinfo đã báo cáo rằng việc dùng 40g hạt mè (khoảng hai muỗng sốt bơ mè Tahini) có tác dụng giảm đau vượt trội hơn so với thuốc Tylenol ở những người bị viêm khớp gối.
Một nghiên cứu song song, mù có đối chứng với giả dược được thực hiện trên 48 đối tượng là những cá nhân khỏe mạnh tại Nhật Bản cho thấy liều sesamin đường uống là an toàn và dễ dàng dung nạp.
Hạt mè và dầu mè đã được sử dụng trong bếp ăn từ ngàn năm trước, đặc biệt ở Á Châu.
Hạt mè được thu hoạch từ một loại cây ở vùng nhiệt đới có tên Sesamum indicum, có thể có nguồn gốc từ Phi Châu. Ngày nay những khu vực trồng mè chủ yếu là Ấn Độ, Trung Quốc và Mexico. Ở Caribbean và miền Nam Hoa Kỳ, hạt mè thường được biết đến với tên gọi từ Phi Châu, benne.
Hạt mè có các màu đen, trắng, vàng hoặc đỏ. Các hạt mè phát triển trong một trái có vỏ và vỏ bọc này sẽ “nổ tung” khi chín. Điều này được cho là có liên quan đến câu chú ma thuật “vừng ơi mở ra” trong truyện Nghìn lẻ một đêm.
Ngoài ra, hạt mè còn có một loạt các lợi ích sức khỏe khác. Mè là nguồn cung cấp dồi dào đồng, calcium, magnesium, manganese, phosphorous, vitamin B1 (thiamine) và kẽm. Mè có thể được ăn nguyên hột, hoặc xay thành sốt bơ mè Tahini, hoặc chế biến thành dầu. Dầu mè có chứa chất béo không bão hòa đa và là nguồn cung cấp acid béo omega-3.
Dầu mè có hương vị đậm đà, phù hợp khi kết hợp cùng tỏi và gừng trong các công thức chế biến món ăn và các món xào. Do chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa, hầu hết các loại dầu mè có thể được sử dụng để nấu ăn. Nếu nấu ăn với dầu mè, hãy dùng dầu mè chưa qua xử lý hóa học.
Không nên sử dụng dầu mè làm từ hạt mè nướng để nấu ăn. Những hạt mè được nướng trước khi ép dầu để khiến chúng có màu vàng đẹp mắt và có vị bùi. Điểm khói* của loại mè này thường thấp hơn dầu mè chưa qua tinh chế, vì thế có thể sẽ bị phân hủy do nhiệt. Loại dầu mè tinh chế chỉ nên được cho vào sau cùng nhằm gia tăng hương vị cho món tẩm ướp và các loại sốt.
(*) Điểm khói hay điểm bốc khói của dầu ăn là thuật ngữ trong ẩm thực để chỉ nhiệt độ làm bay hơi các hợp chất như nước, các acid béo tự do, và các sản phẩm phân hủy ngắn chuỗi của quá trình oxy hóa bốc lên từ dầu ở dạng làn khói xanh nhạt có thể thấy rõ.
Nhóm Nghiên cứu GMI chuyên nghiên cứu các vấn đề sức khỏe và môi trường quan trọng nhất, đặc biệt chú trọng đến sức khỏe môi trường.