Đâu là tình trạng thực sự của nền kinh tế Trung Quốc?
Đang có nhiều ý kiến khác nhau về thực trạng nền kinh tế Trung Quốc, và những nhận định mới đây của Thủ tướng Lý Khắc Cường có thể cung cấp manh mối về sự thật này.
Ông Lý đã nói về sự phá sản của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa trong cuộc họp của ban lãnh đạo Quốc Vụ viện hôm 03/02, vài ngày trước khi ông đến tỉnh Sơn Tây để thăm các hộ gia đình nghèo tại đây.
Về khía cạnh quốc tế, hôm 03/02, ông Lý đã nói chuyện qua một hội nghị truyền hình với Câu lạc bộ 48 Group (48 Group Club), một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại London nhằm thúc đẩy thương mại giữa Anh Quốc và Trung Quốc. Hai ngày sau đó, ông đã đối thoại với một số doanh nhân u Châu nhằm thúc đẩy việc phát triển.
Ông Lý tuyên bố trong buổi nói chuyện với [các doanh nhân] u Châu rằng, “Đối mặt với tác động của dịch bệnh và sự suy giảm sâu sắc của nền kinh tế toàn cầu,” Trung Cộng đã “kiên quyết áp dụng các chính sách vĩ mô hiệu quả và đạt được kết quả tốt với chi phí hợp lý”, đạt “tốc độ tăng trưởng năm 2020 là 2.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái.”
Ông cũng tuyên bố rằng số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa và các doanh nghiệp cá thể ở Trung Quốc đã lên tới 130 triệu doanh nghiệp và rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ chính sách mở cửa thị trường.
Rõ ràng là ông Lý đang khai thác mọi con đường có thể để thu hút nguồn vốn và công nghệ từ u Châu cũng như mở rộng thị trường của Trung Quốc tại EU, để bù đắp cho những thiệt hại do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ gây ra.
Thế nhưng bức tranh mà ông Lý đã tô vẽ về sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc thực tế khác xa sự thật. Hôm 07/02, khi đến thăm thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, ông đã biết được rằng người dân địa phương đã đốt cành cây ăn trái và các búi rơm để có lửa nấu ăn và sưởi ấm. Qua đó, ông Lý đã nhận định rằng ở khu vực phía bắc này, nguồn nhiệt sưởi ấm phải được quyết định dựa trên “điều kiện địa phương” để tìm ra sự lựa chọn phù hợp nhất giữa than, điện, và khí đốt.
Ông nói: “Cần dựa trên cảm nhận thực tế của người dân. Và chúng ta phải khiến cho người dân cảm thấy những gì được lựa chọn là hữu ích, tiết kiệm, và thuận tiện.”
Chuyến đi thị sát của ông Lý cung cấp bằng chứng nghiêm túc về điều kiện sống thực tế của người dân Trung Quốc ở tầng đáy của xã hội, những người cực chẳng đã phải dùng đến loại nhiên liệu thô sơ nhất này để nấu ăn.
Bản tóm tắt của Bắc Kinh về chuyến đi của ông Lý đăng trên trang web của Quốc Vụ viện, cũng đã nói rằng ông Lý đã ghé qua nhà một cư dân và hỏi thăm gia đình anh có gặp bất tiện gì không. Người dân này trả lời rằng nguồn cung cấp nước không bảo đảm, và họ không có gì để sưởi ấm vào mùa đông.
Ông Lý cũng đã phân phát một số mặt hàng dùng cho dịp Tết Nguyên Đán cho những người dân nghèo này. Mặc dù những cử chỉ mang tính hình thức đó không giúp cải thiện tình trạng nhà ở và sưởi ấm tồi tàn của những người dân này, nhưng nó đã khắc họa đời sống thực tế của những người dân thường Trung Quốc và lật tẩy hoàn toàn tuyên truyền dối trá của truyền thông nhà nước.
Tại phiên họp của ban lãnh đạo Quốc Vụ viện hôm 03/02, ông Lý đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “cải tiến” các chính sách dành cho các công ty có quy mô từ siêu nhỏ đến vừa đã bị phá sản.
Ông cho biết, “Hiện có hơn 130 triệu ‘tổ chức thị trường’ đã được ghi danh trên toàn quốc. … Cần phải đơn giản hóa hệ thống ‘giải thể’ đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa để họ có thể dễ dàng mở cửa cũng như dễ dàng thoát ra… một cách kịp thời.”
Có vẻ như khi ông Lý đề cập đến “hơn 130 triệu” công ty Trung Quốc, ông đã biết rằng nhiều công ty trong số đó đã thực sự đóng cửa và ngừng hoạt động; bởi vì rất khó để “giải thể” chúng nên chúng vẫn được coi là các công ty vẫn hoạt động. Ngay cả việc phá sản cũng không hợp lệ trừ khi được Trung Cộng chấp thuận.
Làm phép so sánh nhanh thì con số 130 triệu công ty cho thấy cứ 10 người ở Trung Quốc thì có một công ty. Trung Cộng tuyên bố rằng nước này đã tăng trưởng 2.3% vào năm 2020, nhưng tôi tin rằng đó thực sự là một con số âm.
Tại phiên họp nói trên của Quốc Vụ viện, ông Lý cũng đã giải thích chi tiết về một trong những lợi ích của việc Trung Quốc tham gia Hiệp định thương mại tự do Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được ký kết bởi 15 quốc gia khu vực Á Châu–Thái Bình Dương. Ông cho biết các điều khoản trong hiệp định này về quy tắc xuất xứ cho phép một sản phẩm được làm bằng nguyên liệu có nguồn gốc từ các quốc gia thành viên ký kết RCEP, sẽ được gắn nhãn là được làm bằng nguyên liệu từ nước đã sản xuất ra sản phẩm đó.
Việc thực thi điều khoản này giúp dễ dàng đạt được các ưu đãi về thuế quan hơn.
Nói thẳng ra, mục đích chính của Trung Cộng khi tham gia RCEP là sử dụng hoạt động mậu dịch tái xuất cảng của các nước khác để che đậy nguồn gốc thực sự của sản phẩm và né tránh các mức thuế hiện tại của Hoa Kỳ đối với hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Điều đó cũng chứng tỏ rằng lý thuyết “lưu thông nội địa” của Trung Cộng đơn giản là không khả thi, và Trung Quốc vẫn phải dựa vào việc xuất cảng sang Hoa Kỳ một lượng lớn sản phẩm được ngụy trang.
Hôm 03/02, ông Lý cũng đã tham gia một hội nghị truyền hình do 48 Group Club tổ chức.
“Sẽ chẳng có tảng băng nào không thể bị phá vỡ hay khác biệt nào mà không thể hòa giải được,” ông Lý cho biết qua bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Cộng. “Trung Quốc luôn coi trọng việc phát triển quan hệ song phương với Anh Quốc, và thúc đẩy việc phục hồi nền kinh tế.”
Điều này cho thấy ông Lý đang ráo riết tìm kiếm các con đường xuất cảng, bởi vì chỉ dựa vào “lưu thông nội bộ” là không đủ.
Hôm 05/02, kênh thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã đăng một bài bình luận có tựa đề “Xu hướng giao lưu kinh tế và thương mại không thể bị ngừng lại; làm thế nào để nắm bắt chính xác hướng đi của mối bang giao Trung Quốc–Hoa Kỳ,” trong đó liên tục nhấn mạnh “xu hướng không thể đảo ngược của mối bang giao Trung Quốc–Hoa Kỳ là hợp tác kinh tế và thương mại.” Bài bình luận chỉ ra rằng sự cô lập với cộng đồng quốc tế đã gây ra khó khăn về kinh tế đáng kể cho Trung Quốc và Trung Cộng đang nóng lòng muốn đột phá các rào cản này.
Các hoạt động gần đây của ông Lý đã cho thấy rõ ràng rằng nền kinh tế Trung Quốc đang cấp thiết cần các khoản đầu tư, công nghệ và thị trường từ Hoa Kỳ và phương Tây. Tuy nhiên, trong khi gắng gượng tìm mọi phương cách khả thi để đánh lừa cộng đồng quốc tế và đạt được mục tiêu bá chủ của mình, thì đến bao giờ Trung Cộng mới học được một điều rằng sinh kế của người dân Trung Quốc nên là ưu tiên hàng đầu?
Ông Trung Nguyên (Zhong Yuan) là một nhà nghiên cứu về hệ thống chính trị của Trung Quốc, quá trình dân chủ hóa của nước này, tình hình nhân quyền, và sinh kế của người dân Trung Quốc.
Góc nhìn được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.