Danh họa Norman Rockwell của Hoa Kỳ
BOB KIRCHMAN
“Tôi đang truyền tải một Hoa Kỳ theo góc nhìn và hiểu biết của tôi đến những người chưa biết.” — Norman Rockwell
Sự nghiệp của họa sĩ tài danh Norman Rockwell kéo dài trong sáu thập niên. Nhiều người mến mộ ông. Nhiều người Mỹ bày tỏ niềm cảm kích sâu sắc và cho rằng ông là “Nghệ sĩ được yêu thích nhất tại Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, phần đông lại quên rằng ông là một nghệ sĩ theo trường phái lãng mạn, và đồng thời là một họa sĩ chuyên vẽ tranh châm biếm.
Khi những tác phẩm của ông được triển lãm ở bảo tàng Shenandoah Valley, chúng tôi đem theo nhiều kỳ vọng. Vợ tôi thắc mắc: “Liệu cuộc triển lãm có tác phẩm nguyên gốc nào chăng?” Tôi đáp: “Dĩ nhiên là có chứ!” Lẽ ra tôi nên cảm thấy hài lòng khi thưởng thức tác phẩm này trên trang bìa tạp chí Saturday Evening Post, nhưng đây thực sự là dịp may để tôi tận mắt thưởng lãm những nét vẽ nguyên gốc! Và kết quả không hề khiến tôi thất vọng.
Bắt đầu sự nghiệp vẽ tranh chuyên nghiệp khi còn trẻ, danh họa Rockwell vẽ ảnh bìa cho tạp chí Saturday Evening Post từ năm 21 tuổi. Ông là một họa sĩ kỷ luật và có tay nghề thuộc hàng bậc thầy, và nhờ đó, ông đạt được thành công nổi bật từ rất sớm. Trong khi hầu hết chúng ta đều quen thuộc với những tác phẩm được in trên bìa tạp chí Saturday Evening Post, rất ít người để ý đến những tuyệt tác khác của ông. Những tác phẩm này phản ánh khiếu quan sát và cách bài trí bố cục độc đáo, cũng như kiến thức thực sự về kỹ năng điêu luyện của các họa sĩ bậc thầy tiền bối.
Cô đứng ngay ngắn trước khán giả, ánh sáng chiếu từ phía sau và bên trên; tác phẩm này gợi nhớ phong cách hội họa của những họa sĩ bậc thầy như Degas và Rembrant. Và ánh sáng ấy được tô điểm với kỹ thuật impasto (kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu đặc, khiến vệt màu nổi lên, phản quang mạnh, gây hiệu ứng về ánh sáng) và những đường cọ điêu luyện. Người trong tranh là một nhân vật quan trọng. Tác phẩm “Cô Thủ Khoa Trẻ” (The Young Valedictororian), được vẽ vào năm 1922, miêu tả cảnh một bé gái đang đứng ở trường học trong chiếc váy trắng tại lễ tốt nghiệp. Nội thất phía sau cô được vẽ tỉ mỉ từng chi tiết. Ở phía bóng tối, các thầy cô đang ngồi lắng nghe. Một quả địa cầu trên sân khấu phản chiếu một đốm sáng trên bề mặt được đánh bóng của nó. Một chiếc đồng hồ treo tường, phía trên bên phải của chiếc loa, đánh dấu thời gian.
Mọi ánh mắt đổ dồn về cô thủ khoa. Cách bài trí các mảng sáng và bố cục tài tình của họa sĩ Rockwell làm nổi bật khung cảnh này. Chắc chắn đây là những nét cọ của một thiên tài! Tuy rất tuyệt vời nhưng tuyệt tác này chưa bao giờ được công bố. Vì thế, rất ít người biết về nó, và nếu tác phẩm này được treo trên tường một mình, chắc hẳn sẽ có rất ít người cho rằng tác giả là họa sĩ Norman Rockwell. Trong tác phẩm này, không hề có những mỉa mai, không có những yếu tố hài hước, và không hề có tính châm biếm. Đó là một khoảnh khắc tuyệt đẹp được một danh họa ghi lại. Tác phẩm này thể hiện một Rockwell mà tôi muốn biết.
Tác phẩm “Sau Bữa Tiệc” (“After the Party”) là một bức tranh khác được ông vẽ cùng năm đó. Tác phẩm là tranh quảng cáo cho hãng Edison Mazda (sau này là thương hiệu General Electric). Với tay nghề bậc thầy trong cách áp dụng phương pháp vẽ chiaroscuro (kỹ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong các tác phẩm hội họa), danh họa Rockwell đã mô tả cuộc trò chuyện giữa một cô gái trẻ và một phụ nữ lớn tuổi. Chiếc đèn trong tranh làm nổi bật hai nhân vật, như thể họ đang chuyện trò sau một buổi tiệc quan trọng. Chính bố cục đã làm rõ cuộc hội thoại. Và một lần nữa, cách bài trí bố cục phản ánh tài năng nghệ thuật của người họa sĩ, cũng như khả năng quan sát của ông.
Trong tác phẩm “Hai Đứa Trẻ Cầu Nguyện”, được vẽ khoảng năm 1954, họa sĩ Rockwell đã ghi lại một nước Mỹ với các giá trị cốt lõi vẫn còn nguyên vẹn. Tác phẩm được họa ở nửa sau sự nghiệp của ông, được dùng làm một bảng quảng cáo lớn tại nhà hàng Longchamps Restaurant, quảng trường Union Square, New York. Bối cảnh đằng sau là bầu trời đêm với một ngôi sao sáng. Ánh sáng rọi lên gương mặt cậu bé và cô bé khi hai em cầu nguyện. Cách sử dụng bút vẽ tinh tế của ông trong tác phẩm này thể hiện một cuộc đời dành cho nghệ thuật. Những nét phác thảo khiến chúng ta liên tưởng đến nét vẽ tài hoa của Leonardo da Vinci trong tác phẩm “Bữa Tiệc Cuối Cùng” (“The Last Supper”).
Những ai nhớ đến việc danh họa Leonardo đã nhận tiền công để vẽ cảnh ăn uống khá phổ biến và thêm vào đó kịch tính của sự phản bội – được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu tương đối mới vào thời điểm đó – người ấy mới có thể đánh giá cao việc ông Rockwell bước đến giá vẽ của một họa sĩ minh họa và dùng bút pháp nghệ thuật của mình để miêu tả kịch tính.
Dù Rockwell bị giới hạn trong trang bìa tạp chí, ông vẫn giữ được sự tinh tế. Trong bức tranh “Norman Rockwell Đến Thăm một Trường Học Thôn Quê” (“Norman Rockwell Visits a Country School”), được vẽ vào năm 1946, ông Rockwell mô tả cảnh một giáo viên yêu trẻ trong một trường học nhỏ (có lẽ một phòng học) đang đọc cho một nhóm học sinh; tất cả đều chăm chú vào từng chữ mà người giáo viên này đọc ngoại trừ một em học sinh. Ở một bên lò sưởi, một cô học sinh nhỏ đang ngồi, gương mặt em ở đằng sau một quyển sách. Tác phẩm này có thể là câu chuyện tự sự của riêng nó. Tại điểm này, tôi phải thừa nhận, phần nội thất mà Rockwell vẽ là vô cùng lộng lẫy! Nếu ai đó muốn họa lại một trường học nơi đồng quê, bức tranh này chính là thước đo, nó tinh tế cho đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ngay cả những tác phẩm của trẻ em trên tường được mô tả thực đến đáng kinh ngạc. Họa sĩ Norman Rockwell đã chứng kiến một nước Mỹ trong quá trình phát triển.
Bộ sưu tập nghệ thuật của họa sĩ Rockwell chính là bằng chứng về lịch sử. Tác phẩm của ông trải dài qua các giai đoạn: Roaring ‘20s (Thập niên 1920 còn được biết đến như Roaring Twenties hay Thời đại nhạc Jazz ở Mỹ và Canada), Đại Khủng Hoảng, và Đệ Nhất Thế Chiến. Hãy đọc các nhan đề của tạp chí Saturday Evening Post, bạn sẽ phát hiện ra một nước Mỹ, nơi có những cây bút không ngại nói rõ về sự tà ác của chủ nghĩa cộng sản. Họa sĩ Rockwell thường xuyên lãng mạn hóa một số tác phẩm của ông, nhưng ông vẫn không quên cuộc sống khó khăn của người dân Hoa Kỳ.
Hãy xem những tác phẩm mang tên “Bốn Quyền Tự Do” (“The Four Freedoms”) được ông vẽ theo đơn đặt hàng của chính phủ.
Những tác phẩm này miêu tả Thông điệp liên bang năm 1941 của tổng thống Franklin D. Roosevelt. Tổng thống đã làm rõ bốn “quyền tự do căn bản” trong bài phát biểu đó: tự do ngôn luận, tự do thờ phượng, tự do thoát khỏi nghèo khó, tự do thoát khỏi sợ hãi. Hai quyền tự do đầu tiên lấy từ Tu chính án thứ Nhất của Hoa Kỳ, nhắc lại các quyền tự do căn bản đối với những người sống dưới sự quản trị của một chính phủ với quyền lực hạn chế để tự do thuộc về người dân. Trong bức “Tự do Ngôn luận” (Freedom of speech), một người đàn ông trong chiếc áo khoác sờn đứng dậy để nói trong một cuộc gặp mặt với chính quyền địa phương. Hình ảnh này như một hồi chuông nhắc nhở tất cả chúng ta, những ai đang đứng trước cuộc họp hội đồng trường để bảo vệ quyền lợi của gia đình.
Bức tranh thứ hai, “Tự do Thờ phượng” (Freedom of Worship), cho thấy rất nhiều gương mặt, những ánh nhìn thành kính. Điều này như ứng với tiền nhân, những người đến Hoa Kỳ để được tự do thực hành tín ngưỡng.
Tự do thoát khỏi nghèo khó [hiểu biết về kinh tế sẽ bảo đảm cho mọi quốc gia một cuộc sống thời bình lành mạnh cho cư dân của mình] và tự do thoát khỏi sợ hãi [giảm vũ khí trên toàn thế giới đến mức không quốc gia nào có thể xâm lược quốc gia khác] không được nêu trong Hiến pháp. Cả hai quyền này nằm trong tuyên bố Thỏa thuận Mới (New Deal) của cựu tổng thống Franklin D. Roosevelt. Hai quyền tự do này được thể hiện trong các hoạt động của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Beltsville, nằm gần Hoa Thịnh Đốn, nơi thực thi những nhiệm vụ quan trọng để phát triển nông nghiệp hiện đại. Nằm bên cạnh Beltsville là Greenbelt, Maryland, vốn là ý tưởng của Đệ nhất Phu nhân Eleanor Roosevelt về một thành phố được quy hoạch tập trung thay thế cho những vùng suy thoái của nước Mỹ. Ở đó, chính phủ đề xướng rằng họ có thể loại bỏ nghèo khó và sợ hãi. Đó là một ý tưởng mới. Những gì mọi người cần làm là “đồng ý một cách dân chủ với kế hoạch hóa tập trung”.
Năm 1963, ông Rockwell rời tạp chí Saturday Evening Post, và làm việc cho Tạp chí Look Magazine. Ông được giao nhiều công việc mang tính sáng tạo hơn, được thỏa chí theo đuổi niềm đam mê về các quyền dân sự và có không gian để khám phá. Ông qua đời khi đang sáng tác vào năm 1978 ở tuổi 84, để lại một tác phẩm dang dở trên giá vẽ.