Đảng Dân Chủ vẫn chia rẽ sau khi đạt được thỏa thuận ngân sách
Sau khi Tòa Bạch Ốc công bố một thỏa thuận khung ngân sách trị giá hàng ngàn tỷ USD của Đảng Dân Chủ hôm 28/10, Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự tin tưởng rằng dự luật ngân sách và dự luật cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng có thể được Quốc hội thông qua sau nhiều tháng tranh cãi.
Bất chấp kỳ vọng này, nhiều thành viên Đảng Dân Chủ cấp tiến không sẵn sàng cam kết bỏ phiếu ủng hộ dự luật mới.
“Tổng thống Biden tự tin rằng đây là một khuôn khổ có thể thông qua cả hai viện của Quốc hội, và ông ấy mong được ký thành luật,” theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc. “Ngoài Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng, ông ấy kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật lịch sử này càng nhanh càng tốt.”
Hôm 27/10, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ–California) đã yêu cầu Ủy ban Nội quy Hạ viện tổ chức một cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách vào ngày hôm sau, cho thấy sự tin tưởng của các nhà lãnh đạo rằng dự luật có thể được thông qua.
Nhưng các chi tiết cụ thể của dự luật mới được đề xướng đã gợi lại những bất đồng cũ giữa những người cấp tiến, những người đã xem dự luật 3.5 ngàn tỷ USD là một nhượng bộ đáng kể; đề xướng ngân sách ban đầu của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập–Vermont) yêu cầu 6 ngàn tỷ USD dành cho chi tiêu mới.
Giờ đây, mức giá cao nhất của dự luật này đã giảm một nửa, xuống còn 1.75 ngàn tỷ USD. Một số nguyện vọng của Đảng Dân Chủ – bao gồm nghỉ phép gia đình có lương, các chính sách cắt giảm chi phí thuốc theo toa, và khấu trừ thuế của tiểu bang và địa phương – đã bị loại khỏi bản dự thảo mới này.
Mức giảm này là cần thiết để làm hài lòng các Thượng nghị sĩ (TNS) Joe Manchin (Dân Chủ–West Virginia) và TNS Kyrsten Sinema (Dân Chủ–Arizona); cả hai đều cảnh báo rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho gói dự luật trị giá 3.5 ngàn tỷ USD.
Bà Sinema có vẻ hài lòng với bản dự thảo, khi viết trên Twitter: “Sau nhiều tháng đàm phán hiệu quả, thiện chí với ông Biden và Tòa Bạch Ốc, chúng tôi đã đạt được tiến triển đáng kể về gói điều chỉnh ngân sách được đề nghị. Tôi mong muốn hoàn thành công việc này, mở rộng các cơ hội kinh tế, và giúp các gia đình bình thường trở mình.”
Nhưng trong nỗ lực làm hài lòng những người ôn hòa, giới lãnh đạo Đảng Dân Chủ đã khiến những người khác trong đảng xa lánh. Kể từ khi có công bố này, một số thành viên Đảng Dân Chủ đã thẳng thắn nói rằng họ phản đối thỏa thuận này hoặc họ đã từ chối cam kết bỏ phiếu cho dự luật.
Dân biểu Cori Bush (Dân Chủ–Missouri) cho biết bà không hài lòng với thỏa thuận mới.
Bà nói rằng, “Tôi cảm thấy có chút bị lừa dối vì đây không phải là điều tôi nghĩ xảy ra hôm nay.”
Bà Bush cũng đưa ra một mối đe dọa cũ rích giữa những người cấp tiến. Kể từ tháng Tám, những người cấp tiến đã đe dọa sẽ hủy bỏ dự luật cơ sở hạ tầng được những người ôn hòa ưa thích nếu một dự luật ngân sách quan trọng không được thông qua trước. Bà Bush cho biết bà sẽ giữ mối đe dọa đó, và cảnh báo rằng bà sẽ không ủng hộ dự luật cơ sở hạ tầng dưới hình thức dự luật ngân sách mới vừa công bố.
Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ–Washington), Chủ tịch Nhóm Họp kín Cấp tiến 96 thành viên, không cam kết.
“Những gì chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại là chúng tôi muốn xem những gì thực sự có trong dự luật này. Chúng tôi muốn xem văn bản lập pháp. Và sau đó, chúng tôi, quý vị biết đấy, giả sử rằng chúng tôi thấy ổn với dự luật đó, chúng tôi sẽ bỏ phiếu thông qua cả hai dự luật cùng một lúc.”
TNS Dick Durbin (Dân Chủ–Illinois) cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Ông Durbin nói với các phóng viên: “Có rất nhiều sự bất ổn trong cuộc họp kín về những gì có trong thỏa thuận.”
Những người khác tỏ ra nước đôi hơn, khi cho thấy rằng nhìn chung họ ủng hộ dự luật nhưng lo ngại do không có một số chính sách.
“Tôi nghĩ nếu quý vị nhìn vào dự luật mà Tổng thống công bố ngày hôm nay, có lẽ đó là dự luật quan trọng nhất kể từ những năm 1960,” ông Sanders nói với các phóng viên. “Nhưng rõ ràng, theo suy nghĩ của tôi, dự luật này có một số lỗ hổng lớn.”
Ông chỉ ra rằng vấn đề chính của ông với dự luật này là thiếu các điều khoản chăm sóc sức khỏe.
Ông Sanders và những người cấp tiến khác từ lâu đã đấu tranh cho các chính sách giảm chi phí thuốc, và những chính sách này không nằm trong thỏa thuận khung lần này.
Ông Sanders nói: “Theo tôi được biết, không có ngôn ngữ nào trong đó đả động đến ngành dược phẩm.” Ông nói thêm rằng ngân sách mới sẽ bao gồm trợ cấp thính giác của Medicare, nhưng sẽ không có trợ cấp về thị lực hoặc chăm sóc nha khoa.
Ông Sanders từ chối cam kết bỏ phiếu cho dự luật này, nhưng nói rằng ông và các thành viên Đảng Dân Chủ khác sẽ “chiến đấu để khiến cho một dự luật tốt trở nên mạnh mẽ hơn.”
TNS Chris Van Hollen (Dân Chủ–Maryland) tỏ ra lạc quan hơn một số người.
Ông nói với các phóng viên: “Có rất nhiều sáng kiến quan trọng trong khuôn khổ này… nhưng rõ ràng, vẫn còn thiếu một số phần.” Tuy nhiên, ông ấy nói, “Phần lớn, những gì tôi thấy cho đến nay là tốt.”
Giống như ông Sanders, ông Van Hollen đã nêu ra những lo ngại về việc thiếu các điều khoản định giá thuốc kê toa.
TNS Robert Menendez (Dân Chủ–New Jersey) đã từ chối đưa ra ý kiến của mình về toàn bộ dự luật, nhưng ông lưu ý rằng dự luật này không bao gồm việc khôi phục chính sách khấu trừ thuế của tiểu bang và địa phương (SALT).
Dự luật này, vốn cho phép người nộp thuế khấu trừ thuế tiểu bang và thuế địa phương của họ từ hóa đơn thuế liên bang của họ, đặc biệt phổ biến ở các tiểu bang có thuế thu nhập cao như New Jersey và New York. Các nhà lập pháp từ các tiểu bang liên quan đã nhấn mạnh rằng chương trình này phải được đưa vào dự luật.
Khi được hỏi liệu ông ấy có bỏ phiếu cho dự luật này không nếu dự luật không có chương trình SALT (State and Local Tax program), ông Menendez nói, “Tôi đã học được cách từ chối một cách tuyệt đối từ rất lâu rồi.” Tuy nhiên, ông cho biết, “Tôi không thể hình dung được rằng dự luật này có thể nhận được tất cả các phiếu bầu cần thiết mà không có một số nội dung về SALT.”
Ủy ban Nội quy Hạ viện nhóm họp hôm 28/10 để thúc đẩy dự luật này, nhưng đối mặt với phản ứng dữ dội và sự ủng hộ hờ hững, không rõ liệu các nhà lãnh đạo có cảm thấy đủ tin tưởng vào thành công của dự luật để tổ chức một cuộc bỏ phiếu cho dự luật hay không.