Danforth Pewter: Những đôi tay khiến kim loại nghe lời
LORRAINE FERRIER
Gia đình Danforth Pewter nổi danh ở Mỹ với vô số sản phẩm thủ công kim loại qua nhiều thế hệ. Ngoại trừ 100 năm gián đoạn ngay sau Nội chiến, nhà Danforth đã đưa các sản phẩm thiếc đến các gia đình Mỹ kể từ thời thuộc địa.
Vào khoảng năm 1634, người đàn ông góa vợ Nicholas Danforth đã lên đường từ vùng Framlingham ở Anh cùng với sáu người con của mình để bắt đầu một cuộc sống mới ở Boston. (Framlingham có thể nghe quen quen: Thomas Danforth sở hữu trang trại Danforth’s Farms ở tiểu bang Massachusetts, và ông đổi tên trang trại thành Framingham, không có chữ “L”, hàm ý nơi ông sinh thành. Danforth Farms vẫn có thể được nhìn thấy trên con dấu của thị trấn Framingham.)
Nhưng phải đến một thế kỷ sau hoặc lâu hơn, người đầu tiên dòng họ Danforth mới trở thành thợ gia công đồ thiếc, theo lời của Tổng Giám đốc của Danforth Pewter, ông Bram Kleppner, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Năm 1755, Thomas Danforth II đã mở một xưởng sản xuất ở thuộc địa Connecticut của Anh, tại thị trấn Middletown. Xưởng đó vẫn còn đó tồn tại đến ngày nay.
Ông Kleppner giải thích rằng vào thời điểm đó, hầu hết vật dụng ăn uống của người ta đều làm bằng thiếc, ngoại trừ những người giàu sử dụng chén dĩa sứ và ly cốc thủy tinh. “Hợp kim thiếc có rất nhiều phẩm chất tuyệt vời, không bị rỉ cũng không xỉn màu, rơi không vỡ và dễ dàng rửa sạch. Vì vậy, bộ đồ ăn thiếc rất phổ biến trong các ngôi nhà của người Mỹ,” ông giải thích.
Danforth làm các sản phẩm như bộ trà, thùng đựng đồ, đĩa và các vật dụng khác trong xưởng của mình; mỗi chiếc đều được đóng dấu hình sư tử oai vệ. Thợ gia công đồ thiếc ở Danforth sau ông đều sử dụng hình ảnh sư tử này cho đến khi cuộc Cách mạng năm 1776 diễn ra. Ông Kleppner nói: “Những người trong dòng họ Danforth ủng hộ mục đích độc lập và nghĩ rằng con sư tử trông quá giống biểu tượng của Anh quốc, vì vậy họ chuyển sang dùng hình ảnh chim đại bàng để biểu đạt rõ ràng hơn họ ủng hộ phe nào,” ông Kleppner chia sẻ.
Sau Nội chiến, vào cuối những năm 1860 (và như một dấu hiệu cho thấy không có gì thực sự thay đổi), ngành công nghiệp hợp kim của Mỹ đã bị xóa sổ bởi hàng nhập cảng giá rẻ từ Trung Quốc khiến đồ sứ và thủy tinh trở nên hợp túi tiền hơn đối với người dân lao động.
Người cuối cùng trong dòng họ làm đồ thiếc Danforth là ông Thomas Danforth Boardman. Ông Kleppner nói, “như người ta nói thì ‘ông ấy qua đời khi vẫn đang đi đôi ủng ở chân.’” Ông đã cần mẫn làm việc cho đến ngày qua đời vào năm 1873, khi đã ngoài 80 tuổi.
Dấu ấn Danforth đã bị phủ đầy bụi trong hơn một thế kỷ cho đến khi định mệnh thật sự đưa đẩy.
An bài của số phận
Gần 300 năm sau khi Danforth lấy đại bàng làm biểu tượng, một thợ thiếc mới toanh của Danforth đã tiếp nối truyền thống của gia đình. Ông Fred Danforth lớn lên ở Ohio, hiểu tường tận về tổ tiên của mình nhờ nghiên cứu phả hệ gia đình. Mặc dù ông biết rằng tổ tiên của ông từng làm nghề thiếc, nhưng ông lại chọn công việc trong ngành gỗ cho đến khi ông gặp bà Judi Whipple.
Bà Whipple lớn lên ở New Hampshire. Luôn yêu thích sáng tạo và quan tâm đến nghệ thuật, bà theo học ngành kim loại tại Học viện Công nghệ Rochester ở Rochester, New York, nơi bà được làm quen với ngành hợp kim. Bà Whipple đã yêu kim loại ngay lập tức và trở thành nhà thiết kế và sản xuất sản phẩm hợp kim.
Ông Fred và bà Judi gặp nhau ở Vermont khi họ ở độ tuổi đôi mươi. Khi ông Fred giới thiệu về bản thân, bà Judi nói, “Ồ, anh có biết những người họ Danforth đã làm nghề thiếc ở Mỹ thời kỳ đầu không?” và ông Fred trả lời, “Ồ phải rồi, những người đó là cụ cố của anh,” ông Kleppner giải thích.
Ông Fred và bà Judi nhận ra rằng họ vừa là thợ thủ công vừa là nghệ sĩ. “Bà Judi đại loại đã nói, ‘Này anh, anh là một người của dòng họ Danforth; anh không thể làm nghề gỗ được. Anh nên làm nghề liên quan đến hợp kim mới phải. Vậy nên, anh hãy quên những gì đang lên kế hoạch đi, và để em cho anh thấy số phận và định mệnh của anh,’” ông Kleppner kể. Và ông Fred đã trở thành một người thợ Danforth làm về thiếc như thế đó.
Cả hai đã đến Nova Scotia, Canada, để học việc trong một xưởng thiếc khoảng một năm. Sau đó, vào năm 1975, họ chuyển đến Woodstock, Vermont, nơi “họ đã làm những gì mà các nghệ sĩ trẻ ở Vermont đã làm trong những năm 1970: Họ thuê một trang trại cũ và dựng xưởng trong nhà kho,” ông Kleppner cho biết. Họ bày biện sản phẩm thiếc của mình trên một chiếc bàn kê bên lề đường. Khi có người dừng lại nhìn ngắm, ông Fred và bà Judi dẫn họ đi tham quan xưởng, và đưa khách hàng băng qua đường tới căn nhà của họ, nơi họ trưng bày sản phẩm ở góc phòng khách. Vào cuối tuần, họ bày bán sản phẩm ở các phiên chợ của quận và chợ thủ công mỹ nghệ. Những tác phẩm của họ bán rất chạy trong suốt những năm 1970 và họ có thể kiếm sống được với nghề thủ công này.
Công việc kinh doanh của ông Fred và bà Judi đã phát triển từ những khởi đầu khiêm tốn và gặp rất nhiều khó khăn. Càng ngày họ càng học được nhiều thêm, bán sỉ cho các tiệm quà tặng, và rồi công việc kinh doanh thay đổi chỉ sau một đêm vào cuối những năm 1980.
Tại một hội chợ thương mại ở New York, người đại diện của hãng Walt Disney đã đề nghị cho họ cơ hội làm tượng gấu Winnie the Pooh cỡ nhỏ cho Walt Disney. Hợp đồng này đã giúp cho Danforth Pewter phát triển và có thu nhập ổn định trong khoảng mười năm. Ông Kleppner giải thích: “Tất cả những người làm việc tại công ty lúc đó đều nhận được tiền thưởng kha khá trong suốt những năm hợp tác với Disney.”
Hợp đồng của Disney chấm dứt vào cuối những năm 1990, và Danforth Pewter đã phải tìm chỗ đứng trên thị trường trong hơn một thập niên tiếp theo. Đó là giai đoạn khủng hoảng, ông Fred và bà Judi phải đưa ra những quyết định khó khăn, chẳng hạn như cắt giảm nhân viên, điều mà họ chưa từng phải làm trước đây. Công việc kinh doanh có lợi nhuận ổn định vào khoảng năm 2011 khi ông Kleppner trở thành Tổng Giám đốc điều hành của Danforth Pewter, mặc dù ông đã tham gia vào công ty từ năm 2007.
Sau đó, vào năm 2015, ông Kleppner phải đối mặt với một thử thách mới khi ông Fred và bà Judi về hưu sau 40 năm làm việc. Sự kết hợp của ông Fred và bà Judi đã có hiệu quả rất tốt về phương diện nghệ thuật, thương mại và mối quan hệ của họ. Ông Kleppner nói: “Họ đã kết hôn và sống hạnh phúc bền lâu – bây giờ, bạn vẫn thấy họ luôn ở bên nhau và rõ ràng là họ hạnh phúc khi ở bên nhau; thật đáng yêu.”
Các xưởng hiện nay vẫn tiếp tục hoạt động với sự trợ giúp của vợ chồng Danforth, mặc dù cả hai không đứng ở vị trí sáng tạo mẫu.
Các nghệ nhân của công ty Danforth
Tất cả các nghệ nhân của Danforth Pewter đều là những người bản xứ ở Middlebury, Vermont, một thị trấn nông thôn nhỏ được bao quanh bởi những ngọn đồi nhấp nhô, đất nông nghiệp, trang trại và những ngôi làng nhỏ. Ông Kleppner nói rằng một số nghệ nhân đã làm việc với công ty trong 30 năm, nhiều người khác đã ở đó hơn 20 năm.
Mọi thứ đều được đào tạo theo kiểu nghề truyền nghề. Ông nói: “Chúng tôi đã kinh doanh được 45 năm và tôi khá chắc chắn rằng chúng tôi chưa bao giờ thuê bất kỳ ai có kinh nghiệm với đồ thiếc.”
Đúc và kéo là hai kỹ thuật gia công kim loại chính được sử dụng trong xưởng. Theo ông Kleppner, việc đúc khuôn bằng đồng (đúc bằng sáp đã không còn tồn tại) đã có từ hàng nghìn năm trước và Danforth Pewter sử dụng kỹ thuật này cho một số lượng nhỏ các sản phẩm đúc.
Kỹ thuật xoay tròn đồ thiếc chỉ vài trăm năm tuổi, và ông Kleppner so sánh kỹ thuật này với quá trình nặn bình bông trên bánh xe của thợ gốm.
Kỹ thuật xoay tròn thiếc là một kỹ thuật có tính chuyên môn hóa cao. “Chúng tôi có thể đào tạo ai đó đúc, chuẩn bị và hoàn thành một công đoạn trong một tuần, nhưng để đào tạo thành công một người thợ xoay thiếc thì phải mất hàng tháng.” Ông Kleppner giải thích: “Rất dễ làm hư kim loại, làm cho nó biến dạng, hoặc bị gấp – có rất nhiều thứ có thể xảy ra sai sót.”
Một thợ đóng vỉ có kinh nghiệm sẽ làm cho kỹ thuật xoay thiếc trở nên dễ dàng sau một vài năm thực hành. “Khi bạn nhìn thấy tận mắt sẽ thấy thực sự kỳ diệu,” ông Kleppner nói. “Đó là một quá trình rất trơn tru và nhịp nhàng.”
Thiếc được xoay ở nhiệt độ thường vì thành phần chính chủ yếu là thiếc và đủ mềm để tạo hình mà không cần nhiệt. Một đĩa thiếc mỏng được đặt trên một máy tiện, và khi nó xoay, nghệ nhân sẽ đẩy nó bằng một công cụ kim loại với áp suất vừa đủ để tạo thành đĩa, bát, đèn dầu hoặc bình bông.
Thợ tại Danforth Pewter có thể quay thiếc để làm ra một chiếc ly Jefferson. Ông Kleppner cho biết, người ta thường nghĩ rằng ông Thomas Jefferson đã thiết kế chiếc ly Thomas Jefferson điều này “gần như là đúng.” Ông Jefferson đã thuê một thợ bạc ông gặp ở Pháp khi ông làm đại sứ ở đó làm cho ông một bộ ly bạc. Người thợ bạc này đã thiết kế nên và ông Jefferson đã chỉnh sửa chúng.
Cần đến nhiều đôi tay
Như chiếc ly của ngài Jefferson, một sản phẩm của Danforth Pewter là kết quả của quá trình mọi người làm việc cùng nhau. Kleppner giải thích rằng ngay cả khi công ty đã phát triển – mở các cửa hàng bán lẻ, nhận các đơn đặt hàng thiết kế có giá trị lớn và làm việc với khách hàng bán sỉ – “mỗi sản phẩm vẫn đều được làm bằng tay và trên thực tế là rất nhiều bàn tay.”
“Làm đồ vật trang trí cho ngày lễ là một ví dụ,” ông nói. Nhà thiết kế chính Timothy Copeland sáng tạo nên một thiết kế và sau đó gia công mẫu theo cách khắc thủ công bằng sáp như của thợ kim hoàn – đây là kỹ thuật mà bà Judi ưa thích – hoặc là lập mô hình trên máy điện toán và dùng một động cơ quay nhỏ để chạm khắc chúng từ vật liệu gọi là miếng bơ (butter board).
Thiết kế chạm khắc sau đó được chuyển cho thợ làm khuôn. Người làm khuôn chính từng là người dọn dẹp nhà cửa của Fred và Judi. Bà đã học kỹ thuật này 35 năm trước đây khi bà Judi cần sự trợ giúp và bà đã trở thành thợ làm khuôn kể từ đó. Các khuôn được làm bằng cao su lưu hóa và sau đó được chuyển đến thợ đúc – người này sẽ điều chỉnh nhiệt độ và áp suất trước khi đổ thiếc nóng chảy vào đó. Sau đó, thiếc được đúc và lấy ra khỏi khuôn.
Đồ trang trí bằng thiếc sau đó được chuyển giao cho thợ chỉnh sửa, người này sẽ dũa đi những đường gờ của hai nửa khuôn ghép với nhau và chỉnh sửa bất kỳ điểm không hoàn hảo nào khác. Nếu có gì không ổn, sản phẩm sẽ được nấu chảy lại và tái sử dụng.
Từ tay người chỉnh sửa, sản phẩm thiếc sẽ được chuyển đến tay thợ hoàn thiện, người này sẽ cần một quá trình để tạo cho kim loại vẻ ngoài đặc biệt của nó. Nếu vật trang trí yêu cầu màu sắc, chúng sẽ được gửi đến phòng tráng men, nơi màu được phủ lên bằng tay. Thợ trong phòng lắp ráp sẽ buộc dải ruy băng xung quanh vật trang trí trước khi đặt nó vào hộp để chuyển đến một trong các cửa hàng Danforth Pewter hoặc vận chuyển theo đơn đặt hàng của khách.
Nhiều bàn tay tại Danforth Pewter tiếp tục truyền thừa truyền thống gia công kim loại của Danforth. Cho dù các nghệ nhân có là huyết thống Danforth hay không, thì đồ thiếc dường như vẫn tiếp tục đồng hành với nhiều thế hệ ở Middlebury và thung lũng Vermont.
Để tìm hiểu thêm về Danforth Pewter, hãy truy cập DanforthPewter.com
Cô Lorraine Ferrier viết về mỹ thuật và nghề thủ công cho The Epoch Times. Cô hy vọng rằng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Cô sinh sống và sáng tác tại vùng ngoại ô thành phố London, Anh quốc.