Đại dịch, phòng ngừa, và sự chắc chắn của việc đổ lỗi
Gần đây nhiều người thường kết thúc các bức thư cho tôi bằng câu “Giữ an toàn nhé.” Đây là một câu mà tôi không thích, vì một lý do nào đó mà tôi không thể giải thích rõ được, mặc dù tôi chắc chắn rằng nó hoàn toàn mang ý tốt và thậm chí trong một vài trường hợp là rất chân thành.
Nó tác động tới tôi theo kiểu giống như tiếng rít của viên phấn hoặc móng tay khi cào lên trên chiếc bảng đen. Âm thanh đó khiến tôi rùng mình khó chịu. (Một bài thơ hoặc một bài hát tuyệt vời cũng khiến ta rùng mình nhưng theo hướng ngược lại.)
Tuy nhiên, “Giữ an toàn nhé” lại không tệ hại bằng “Nghỉ lễ vui vẻ nhé.” Tôi đã nhận được một tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh (hay tôi nên nói là một ngày nghỉ lễ?) từ Hoa Kỳ với phong bì được đóng dấu bưu điện “nghỉ lễ vui vẻ” một cách nổi bật.
Một người nào đó có thẩm quyền đã tưởng tượng rằng một cụm từ, như là “Lễ Giáng Sinh Vui Vẻ” (Merry Christmas), có thể xúc phạm một ai đó, và rồi cố gắng giải quyết rắc rối bằng cách thay thế bằng cụm từ khác được cho là ít xúc phạm hơn và an tâm hơn, và không có cụm từ nào an tâm hơn cụm từ “Nghỉ lễ vui vẻ” (Happy Holidays).
Việc chưa từng có lời phàn nàn nào về cụm từ ban đầu thì không quan trọng. Sự phòng ngừa, dù có làm mất lòng, thì vẫn tốt hơn là sự chữa trị.
Phòng ngừa đại dịch
Ôi phòng ngừa, loại tội ác nào đã được thực hiện nhân danh quý vị! Mặc khác, đôi khi thì nó lại cần thiết.
Tuần trước tôi đang xem qua các quyển sách của mình và muốn liệt kê chúng lại trước khi tôi qua đời. Đây không phải là việc tiếp cận cái chết bằng cách chống lại nó, như việc có một nhiệm vụ chưa hoàn thành sẽ đem đến cho một cá nhân lý do để kéo dài cuộc sống. Tôi đã tình cờ thấy một cuốn sách tiếng Pháp xuất bản năm 2005 với tựa đề (bằng tiếng Anh) “Đại Dịch, Mối Đe Dọa Lớn: Cúm Gia Cầm, 500,000 Người Chết ở Pháp?” Cuốn sách toàn viết về việc phòng ngừa những điều mà có thể hoặc không thể xảy ra.
Tất nhiên, 500,000 người tử vong (ít hơn 1% dân số nước Pháp) là một con số tương đối khiêm tốn đối với những cuốn sách về thảm họa virus hoặc dịch bệnh nghiêm trọng.
Một trong những cuốn sách về thảm họa virus tiên đoán với sự khoái trá rõ ràng rằng 98% đến 99% nhân loại sẽ tử vong vì một chủng virus kiểu Ebola phát tán trong một tương lai không xa từ những khu rừng rậm ở Phi Châu: “ex Africa semper aliquid novi”, luôn có những điều mới lạ từ Phi Châu, như Pliny đã nói, mặc dù ông cũng đã có thể nói về Núi Vesuvius -nơi mà vụ núi lửa phun trào vào năm 79 sau công nguyên đã làm ông bị chết ngạt.
Cho đến giờ tôi vẫn sống sót – vẫn an toàn, nếu quý vị thích – qua những sự kiện được dự đoán trước như việc lạnh lên toàn cầu, ấm lên toàn cầu, nạn đói hàng loạt, mùa đông nguyên tử, va chạm thiên thạch, và các dịch bệnh do virus hoặc prion gây ra.
Nhưng như Bertrand Russell đã chỉ ra nhằm giải thích về điểm yếu của phương pháp quy nạp trong việc dự đoán tương lai, con gà từ trước đến nay luôn được người nông dân cho ăn và thường chạy đến chào hỏi ông ấy, một ngày nọ lại bị ông ta siết cổ.
Chỉ bởi vì chưa có tai họa nào đã xảy ra với tôi, không có nghĩa là trong tương lai sẽ không bao giờ có. Đó là lý do tại sao trong tâm con người vĩnh viễn luôn lo lắng.
Đại dịch do virus
Tôi không chắc rằng việc đọc những gì được viết 15 năm trước đây về các đại dịch do virus trong tương lai có bổ ích hay không, nhưng nó chắc chắn là thú vị. Các tác giả Jean-Philippe Derenne và François Bricaire là hai chuyên gia giỏi, không phải là loại giật gân. Nhưng họ đã lặp lại điều mà tạp chí khoa học Nature nổi tiếng đã nói vào năm 2005: Vấn đề không phải là việc một đại dịch thảm khốc do virus sẽ có xảy ra hay không, mà là khi nào nó sẽ xảy ra.
Các tác giả dự đoán không phải về một chủng virus corona mới, mà là một chủng virus cúm mới, loại virus kết hợp một cách nguy hiểm các yếu tố của cúm gia cầm và cúm người. Chúng trao đổi và tổ hợp các vật chất di truyền trong loài heo, loài vật chủ thường gặp của cúm người lẫn cúm gia cầm.
Theo các tác giả thì loại virus mới này rất dễ gây bệnh, tương tự như cúm Tây Ban Nha. Và nhân loại, vốn chưa từng có kinh nghiệm về nó và vì vậy cũng không có miễn dịch với nó, nên có thể bị nó giết hại dễ dàng. (Những quần thể gọi là thuần khiết, không có bất cứ kinh nghiệm nào về những loại bệnh mới thâm nhập vào, có thể bị giảm đến 90% dân số, như những thổ dân ở Trung Mỹ sau cuộc xâm lược của người Tây Ban Nha, hoặc thậm chí bị tiêu diệt hoàn toàn bởi các chủng bệnh mới này, như ở Hispaniola.)
Các tác giả không nói rằng điều này chắc chắn sẽ xảy ra. Họ chỉ nói nó rất có khả năng xảy ra. Thuốc chống virus hiện nay có hiệu quả rất hạn chế trong hầu hết mọi trường hợp và có thể không có tác dụng. Phải mất nhiều tháng để phát triển một loại vaccine có hiệu quả.
Cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh và phòng ngừa thảm họa trong những tình huống này là cách ly những trường hợp nhiễm bệnh, tiến hành giữ khoảng cách xã hội, ở trong nhà càng nhiều càng tốt, đóng cửa tất cả các cơ quan như trường học, trường đại học, nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát, là những nơi đông người. Đồng thời cắt giảm các hoạt động thương mại và kinh tế đến mức tối thiểu, cắt giảm giao thông công cộng và cung cấp khẩu trang, trước tiên là cho các nhân viên y tế và sau đó là cho toàn bộ cộng đồng. Biên giới nên phải được đóng cửa ngay lập tức.
Điều này hiện nay nghe quen thuộc một cách kỳ lạ. Tất nhiên, số ca tử vong cho đến nay là ít hơn nhiều so với con số đưa ra trên bìa sách, nhưng chúng ta phải nhớ rằng, chỉ bởi vì chúng ta vừa có dịch COVID-19, không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ có thêm một dịch cúm gia cầm mới và nguy hiểm khác.
Hơn nữa, chúng ta không biết dịch bệnh tiếp theo sẽ ảnh hướng đến nhóm tuổi nào. Trong quá khứ, trẻ em, người trẻ tuổi, và người già đều đã từng là nạn nhân chính của các loại dịch bệnh khác nhau. Chúng ta không thể biết trước được.
Giữa lúc bất định như vậy, ít nhất có một điều là chắc chắn. Theo các tác giả: “Sau dịch bệnh thì chỉ có số lượng người tử vong là được nhớ đến, chứ không phải là số lượng người được cứu sống… Tất cả những người đã im lặng trước khi trận đại dịch xảy ra sẽ muốn có người bị trừng phạt. Một điều lẽ ra là một bước tiến lớn khi so sánh với con số tử vong trước đây [trong những trận dịch tương tự] sẽ được hiểu như là một chuỗi những sai lầm và thiếu sót. Đây là do nhu cầu tâm lý cơ bản nhất: nhu cầu cần có người để đổ lỗi.”
Theodore Dalrymple là một bác sĩ đã nghỉ hưu. Ông là biên tập viên của Tạp chí City Journal of New York và là tác giả của 30 cuốn sách. Cuốn sách mới nhất của ông là “Cấm vận và những câu chuyện khác.”
Được trình bày trong bài viết này là ý kiến riêng của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của The Epoch Times.