Đã đến lúc dạy lịch sử Mỹ quốc qua âm nhạc
Jeff Minick
Dù các con của chúng ta đang theo học trường nào, các tài nguyên cho việc giảng dạy và học tập lịch sử Hoa Kỳ chưa bao giờ phong phú đến vậy.
Mặc dù không được sử dụng làm sách giáo khoa chính, nhưng tác phẩm xuất sắc của tác giả của Wilfred McClay “Land of Hope: An Invitation to the Great American Story” (Miền Đất Hy Vọng: Lời Mời Gọi đến với Câu Chuyện Mỹ Quốc Vĩ Đại) là sự bổ sung tuyệt vời cho bất kỳ lớp học nào. Hiện thời, cuốn sách này được sử dụng cùng với một cuốn sách bài tập cho học sinh, một cuốn hướng dẫn cho giáo viên, và một phiên bản gồm hai tập cho học sinh nhỏ tuổi hơn. Tương tự như vậy, các thư viện công cộng là kho tàng thực sự về lịch sử và tiểu sử cho học sinh ở mọi lứa tuổi, những cuốn sách bổ trợ cho sách giáo khoa giúp những nhân vật và sự kiện thời quá khứ trở nên thú vị và sống động hơn.
Văn học giúp khám phá quá khứ của Hoa Kỳ theo một cách khác. Như người kể chuyện về Miền Tây Xa xưa (Old West), tiểu thuyết gia Louis L’Amour từng nói, “Đối với những người đọc sách, thì không có giới hạn về số nhân vật, bởi vì tiểu thuyết, tiểu sử, và lịch sử đem đến vô vàn cuộc đời ở nhiều vùng trên thế giới, trong mọi thời đại.”
Các nhà văn như Kenneth Roberts, hai cha con Michael và Jeff Shaara, Esther Forbes, và nhiều cây bút khác đã thổi hồn cho phần lịch sử đã bị thời gian phủ lên một lớp bụi mờ – qua các tiểu thuyết sống động của họ. Các học sinh nhỏ tuổi hơn có thể tìm thấy niềm vui và lời dạy tương tự trong các cuốn tiểu thuyết như loạt truyện “Dear America” (Nước Mỹ Thân Yêu) hoặc các tác phẩm của tác giả Avi và Laura Ingalls Wilder.
Và nếu các em phát chán với những cuốn sách giấy và bản in thì sao? Trên khắp đất nước chúng ta là những bảo tàng, chiến trường, những ngôi nhà lịch sử, và các địa điểm khác đang chờ các em ghé thăm. Cách tiếp cận thực tế này là một phương thức tuyệt vời để tìm hiểu quá khứ. Còn có thêm nhiều bộ phim có sẵn ngày nay, từ loạt phim hoạt hình Liberty Kids đến các bộ phim tài liệu và phim kinh điển, tất cả đều kể về lịch sử Mỹ quốc.
Và rồi [chúng ta] còn có âm nhạc.
Hãy bắt đầu ngay khi trẻ em còn nhỏ
Những bài hát dạng kể chuyện (ballad), những bài hát về biển (sea shanty), những bài hát tiên phong và cao bồi, bản nhạc tôn giáo, nhạc jazz, nhạc cổ điển, nhạc đồng quê, nhạc rock, nhạc pop – di sản âm nhạc của Hoa Kỳ có chiều sâu như Hẻm núi Grand Canyon vậy.
Và nhiều bài hát trong số này hoặc trực tiếp nói về lịch sử Hoa Kỳ hoặc là kể về lịch sử đó và có thể cung cấp thêm những bài học và làm phong phú thêm cuộc sống cho các bạn trẻ.
Chúng ta có thể bắt đầu vặn những bài hát về Mỹ quốc này trước cả khi các con chính thức đi học, dạy cho các bé chập chững biết đi những bài hát đơn giản như “She’ll Be Comin’ Round the Mountain” hoặc “I’ve Been Working on the Railroad”. Ở trường mẫu giáo và tiểu học, chúng ta có thể dạy các bài hát sâu sắc hơn cùng với bối cảnh lịch sử của bài hát.
Các con của tôi đã được tiếp xúc sớm với tuyển tập “Wee Sing America” – một quyển sách và đĩa CD bao gồm 53 tác phẩm, hầu hết là các bài hát, chẳng hạn như “The Star-Spangled Banner”, “The Marine Corps Hymn”, và “Goober Peas”, nhưng cũng có những đoạn trích về quá khứ của Mỹ quốc, như “The Preamble to the Constitution” và trích dẫn từ chính trị gia Patrick Henry và tổng thống Abraham Lincoln. Cho đến ngày nay, các con tôi vẫn thuộc lòng nhiều bài trong số này, dù là với rất nhiều tiếng cười.
Vì vậy, bạn hãy tìm kiếm trên mạng các bài nhạc này, thêm một số bối cảnh và kiến thức nền tảng, và các bé sẽ có thể khám phá sâu hơn về lịch sử.
Và ban nhạc tiếp tục chơi
Học sinh từ các lớp trên tiểu học đến trung học thậm chí còn có nhiều lựa chọn hơn. Học về Cách mạng Mỹ ư? Hãy tìm kiếm trên mạng và ngay lập tức bạn sẽ được nghe và đọc về các bài hát của thời kỳ đó. Có phải học sinh của bạn đang đọc sách về thập niên 1920 (Roaring Twenties)? Bạn hãy bật một chút nhạc jazz của thời đại đó và lắng nghe loại âm nhạc đã làm cho thập niên 20 bùng nổ. Từ đó, chuyển sang bài hát “Brother, Can You Spare a Dime”, và bạn sẽ mơ hồ cảm nhận được nỗi đau trong thời kỳ Đại Suy Thoái.
Chúng ta hãy cùng nhau xem xét kỹ hơn một chút về một giai đoạn cụ thể – Cuộc Nội Chiến – và những bài học chúng ta có thể học được từ âm nhạc của giai đoạn này. Trong tất cả các cuộc chiến tranh trong lịch sử Hoa Kỳ, cuộc chiến này đã tạo ra nhiều bài hát đáng nhớ nhất. Dưới đây là những lời và giai điệu hết sức ấn tượng đã khơi dậy tinh thần của những người lính và thường dân ở cả hai phía của cuộc xung đột đó – ví dụ như bài “Battle Hymn of the Republic” của miền Bắc, cùng “Dixie” và “The Bonnie Blue Flag” của miền Nam. Chúng ta cũng tìm thấy những bài ca ai oán xót thương về cuộc chiến đẫm máu đó, chẳng hạn như “All Quiet Along the Potomac Tonight”, và những lời châm biếm, chẳng hạn như “The Invalid Corps”. Một số bài hát mô tả các sự kiện (ví dụ: “Marching Through Georgia”), và những bài hát khác kể về cuộc sống của người lính trên chiến trường (ví dụ: “Tenting Tonight on the Old Camp Ground”). Ngay cả nhạc được sử dụng tại các đám tang quân đội (Taps) cũng là một sản phẩm của những năm phong phú về âm nhạc này.
Hãy bật những bài hát như vậy, và bạn sẽ kích thích được trí tưởng tượng của học sinh.
Âm nhạc về thời quá khứ
Từ đầu bài đến giờ, chúng ta đã xem xét âm nhạc bắt nguồn thời đại mà nó được sáng tác, nhưng một số bài hát mà được viết rất lâu sau các sự kiện mà chúng mô tả cũng có thể cho chúng ta một tấm vé trở về quá khứ.
Những năm hậu Đệ nhị Thế chiến đã chứng kiến sự ra đời của rất nhiều bộ phim và chương trình truyền hình – đặc biệt là về Miền Viễn Tây – phản ánh niềm tự hào và sự quan tâm đến quá khứ của Hoa Kỳ, và âm nhạc cũng không ngoại lệ. Giống như các bộ phim, chẳng hạn, các bài hát về Miền Tây Xa xưa trở nên phổ biến. Bài hát “El Paso” của tác giả Marty Robbins đã trở thành một bài hát nổi tiếng và là một phần của album có nhan đề “Gunfighter Ballads and Trail Songs”. Nhóm nhạc The Sons of the Pioneers, cùng với những bài hát của họ về Miền Viễn Tây, nhanh chóng được công chúng ủng hộ vào thời điểm đó và tiếp tục được hát ngày nay. Bài hát “The Night They Drove Old Dixie Down” của tác giả Robbie Robertson và bài “The Wreck of the Edmund Fitzgerald” của tác giả Gordon Lightfoot là hai ví dụ nữa về âm nhạc được sáng tác trong thời đại đó mà có thể rất hữu ích để dạy lịch sử.
Nhạc sĩ nổi tiếng nhất thời bấy giờ với những bài hát về quá khứ là ông Johnny Horton. Ca khúc nổi tiếng nhất là “The Battle of New Orleans”, mà thậm chí thời nay rất nhiều người trẻ biết đến. Nhạc sĩ Horton cũng sáng tác các tác phẩm khác ca ngợi lịch sử Hoa Kỳ, như các bài hát: “Comanche”, “Jim Bridger”, “North to Alaska”, và “Johnny Reb”. Những bài hát này và nhiều bài hát khác có thể mang lại nhiều lợi ích cho học sinh học lịch sử.
Một số gợi ý giúp ghi nhớ
Mặc dù nhạc sĩ Horton đã khiến ca khúc “The Battle of New Orleans” trở nên nổi tiếng, nhưng chính một giáo viên – thầy giáo Jimmy Driftwood – là người đã viết lời và phổ nhạc đầu tiên cho bài hát đó. Ông làm vậy để phục vụ cho các lớp lịch sử Hoa Kỳ của mình. Ông hiểu rằng những người trẻ tuổi kết nối với âm nhạc theo cách rất khác với [cách họ học từ] một quyển sách giáo khoa, và từ bài hát này, các học sinh của ông có thể tìm hiểu thời gian và địa điểm của trận chiến, vị tư lệnh quân lực Hoa Kỳ, và tinh thần của những người đàn ông ở nơi xa xôi chiến đấu dưới sự chỉ huy của tướng Andrew Jackson.
Các phương pháp giảng dạy của ông Driftwood sẽ truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta. Dưới đây là một vài gợi ý làm cho cuộc phiêu lưu với những bài hát đó trở nên hữu ích.
Sau khi giới thiệu một bài hát, chúng ta có thể yêu cầu học sinh tìm hiểu về nhà soạn nhạc và đặt câu hỏi. Tại sao nhà soạn nhạc Stephen Foster sinh ra ở tiểu bang Pennsylvania lại viết rất nhiều bài hát về miền Nam, nơi ông chỉ đến một lần? Điều gì đã khiến tác giả George M. Cohan sáng tác những bài hát ái quốc được đón nhận rộng rãi như “You’re a Grand Old Flag” và “I’m a Yankee Doodle Dandy”? Làm thế nào mà các bài hát của ông phù hợp với tâm trạng của người Mỹ tại thời điểm được sáng tác?
Tiếp theo, chúng ta có thể rút ra các bài học lịch sử đằng sau bài hát. Nếu nghiên cứu bản ballad dân gian “Tom Dooley” – một bài hát nổi tiếng của nhóm nhạc Kingston Trio – chúng ta sẽ phát hiện ra câu chuyện về một vụ treo cổ diễn ra trên những ngọn đồi của Bắc Carolina trong thời kỳ hỗn loạn sau Cuộc Nội Chiến. Bài hát “North to Alaska” của nhạc sĩ Horton tập trung vào cơn sốt vàng ở miền đất xa xôi này hơn một trăm năm trước. Các khám phá sâu hơn cho chúng ta biết tên của người đàn ông đầu tiên phát hiện ra số vàng đó. Thủ phủ của tiểu bang đã được đặt theo tên ông. Những sự kiện và ý tưởng này sẽ đến với học sinh một cách tự nhiên khi các em tìm kiếm thông tin về các bài hát đó.
Cuối cùng, hơn bất kỳ nghệ thuật nào khác, âm nhạc nắm bắt và hồi sinh những cảm xúc của một thời đại trong lịch sử. Ví dụ, khi nghe những bài hát tôn giáo truyền thống, những bài hát có lời đẹp và buồn như “Go Down, Moses” và “Sometimes I Feel Like a Motherless Child”, chúng ta như đang bước vào thế giới của những người nô lệ và nỗi đau. Chúng ta nghe thấy nỗi thống khổ của họ trong lời bài hát và nhạc điệu.
Mặc dù với các học sinh hoặc giáo viên, việc làm theo thầy giáo Driftwood và tự mình viết các bài hát về một nhân vật hoặc sự kiện nào đó trong lịch sử Mỹ quốc có thể khá vui vẻ và mang tính giáo dục, nhưng điều đó không cần thiết. Có nhiều bài hát đã được sáng tác. Tất cả những gì chúng ta phải làm là dùng những bài hát này.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và tiếng Latin cho các buổi hội thảo dành cho học sinh học tại gia (homeschooling) ở Asheville, North Carolina.