Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Âu Châu có thể sớm quay lại
Daniel Lacalle
Giá khí đốt tự nhiên ở Âu Châu đã tăng gần 40% do nguy cơ thiếu hụt khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên toàn cầu. Giá điện bán sỉ ở Âu Châu vẫn còn thấp hơn mức cao kỷ lục trong cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng đã tăng dần khi sự biến động của một loạt mặt hàng toàn cầu đang làm nổi bật sự mong manh của hệ thống năng lượng Âu Châu.
Đáng tiếc là các quan chức Liên minh Âu Châu (EU) tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đã chấm dứt như thể đó là thành quả của hành động chính sách mang tính quyết định, nhưng trên thực tế, vấn đề năng lượng ở EU chỉ được giảm bớt nhờ các yếu tố hoàn toàn do ngoại cảnh: mùa đông rất ôn hòa và sự sụt giảm giá hàng hóa toàn cầu do ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Do đó, cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn hiện hữu, và các vấn đề về an ninh nguồn cung cấp cũng như về tính kinh tế (giá cả phải chăng) của hệ thống này vẫn đang tồn tại.
Sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga vẫn chưa được giải quyết mà chỉ được ngụy trang bằng sự gia tăng phụ thuộc rất lớn vào than đá nâu (lignite) trong trường hợp của Đức và vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ được nhập cảng từ phần còn lại của thế giới. Hồi cuối năm 2022, cơ cấu năng lượng của Đức là ví dụ rõ ràng nhất về sự thất bại trong chính sách năng lượng của nước này. Than cứng và than nâu chiếm 31.2%, khí tự nhiên 13.8%, và dầu khoáng 0.8%, còn hạt nhân là 6.0%. Sau gần 200 tỷ euro trợ cấp cho năng lượng tái tạo, Đức vẫn cần nhiều than đá và khí đốt tự nhiên nhập cảng hơn.
Chính phủ Đức đã ra quyết định gì sau khi vấp phải sai lầm trong việc đóng cửa gần như toàn bộ các cơ sở năng lượng hạt nhân của mình? Quý vị đoán đúng rồi: Họ hăng hái hơn và tiếp tục đóng những cơ sở còn lại. Chẳng trách sao nền kinh tế Đức đang suy thoái. Mô hình công nghiệp của quốc gia này đòi hỏi nguồn năng lượng dồi dào và giá cả hợp lý, nhưng các chính phủ khác nhau đã khiến giá năng lượng mất đi tính cạnh tranh.
Còn Tây Ban Nha thì sao? Chính phủ nước này đã quyết định thực hiện một “ngoại lệ của Iberia” nhằm bỏ chi phí khí đốt khỏi giá điện bán sỉ, nhưng lại tính trên người tiêu dùng như một khoản phụ phí trong hóa đơn. Kết cuộc là gì? Hóa đơn tiền điện của họ cao thứ năm ở Âu Châu. Hàng trăm triệu euro được gửi đến Pháp và Bồ Đào Nha để mua năng lượng được bảo trợ trong khi người tiêu dùng Tây Ban Nha phải trả tiền hóa đơn cho các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên. Và nhập cảng khí LNG của Nga tăng vọt, nhưng chính phủ Tây Ban Nha vẫn cố gắng thuyết phục người dân rằng LNG từ Novatek “không phải là khí đốt của Nga” vì đây không phải là một đường ống do Gazprom cung cấp – ngay cả khi nhà cung cấp đó là một tập đoàn năng lượng đa quốc gia hàng đầu của Nga. Sao họ có thể dựng ra được lý do này chứ.
Tệ hơn nữa, người tiêu dùng vẫn chưa thấy sự cải thiện trên hóa đơn của họ. Nếu chúng ta nhìn vào báo cáo số liệu Eurostat mới nhất về giá điện gia dụng, giá cả đã tăng ở tất cả quốc gia ngoại trừ hai quốc gia thành viên EU trong nửa cuối năm 2022, so với nửa cuối năm 2021, chính vào thời điểm hàng hóa sụt giảm trên thị trường quốc tế. Mức trung bình của EU là 252 EUR mỗi MWh, và 261 EUR mỗi MWh đối với khu vực sử dụng đồng euro. Theo dữ liệu từ Energy Sage, con số này cao hơn từ 20–30% so với giá điện trung bình cho một gia đình ở Hoa Kỳ.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Âu Châu vẫn chưa được giải quyết. Nó được che đậy nhờ mùa đông ôn hòa và sự giảm tốc trong nhập cảng than và khí đốt từ Trung Quốc. Các chính phủ Âu Châu tiếp tục đặt cược vào một tiến trình chuyển đổi năng lượng sai lầm vốn phớt lờ sự ổn định nguồn cung cấp và tính cạnh tranh, và điều này sẽ khiến EU phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm và kim loại, cũng như vào Hoa Kỳ và OPEC về mặt hàng hóa.
Liên minh Âu Châu đáng lẽ phải từ bỏ các quyết định mang tính ý thức hệ và để cho công nghệ, sự cạnh tranh, và ngành công nghiệp cung cấp giải pháp tối ưu mang lại nguồn cung cấp năng lượng cạnh tranh và an toàn. Quyết định cấm phát triển các nguồn tài nguyên trong nước và tập trung vào các nguồn năng lượng không ổn định và dễ biến động trước khi công nghệ pin hoàn toàn đi vào hoạt động là một sai lầm to lớn khiến Liên minh Âu Châu phải chịu chi phí cao hơn và tăng trưởng thấp hơn.
Các chính sách môi trường phải được xem xét từ góc độ toàn cầu. EU chiếm chưa đến 10% lượng khí thải toàn cầu, nhưng lại tốn gần như 100% chi phí. EU cần tập trung vào tính cạnh tranh, sự ổn định của nguồn cung cấp, và tôn trọng môi trường từ góc độ ngành công nghiệp. Thật nguy hiểm khi phớt lờ tầm quan trọng của việc tận dụng tối đa [các nguồn năng lượng] hạt nhân, thủy năng, khí đốt, và tất cả các nguồn sẵn có.
Ở Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ, giá cả phải chăng, ổn định nguồn cung cấp, và tính cạnh tranh chính là các nhân tố cốt lõi của chính sách năng lượng. Ở Âu Châu, lại có quan điểm sai lầm “đừng đưa vào sân sau nhà tôi” (“not in my backyard” là sự phản đối của người dân đối với các dự án phát triển được đề nghị trong khu vực địa phương của họ, cũng như ủng hộ các quy định sử dụng đất nghiêm ngặt) đang khiến lục địa này phụ thuộc nhiều hơn vào quốc gia khác chứ không phải ít hơn. Các khoản trợ cấp đang trì hoãn sự phát triển cần thiết của các nguồn năng lượng không ổn định và không liên tục, vì các nhà hoạch định chính sách đã bác bỏ tầm quan trọng của sự phá hủy mang tính sáng tạo và sự cạnh tranh như những động lực thúc đẩy sự phát triển. Chủ nghĩa can thiệp không mang lại nguồn năng lượng tốt hơn hoặc rẻ hơn; thay vào đó, nó đang khiến Liên minh Âu Châu thất bại trong cuộc đua công nghệ và an ninh năng lượng.
Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Tự Do Hoặc Bình Đẳng”, “Thoát Khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương”, và “Cuộc Sống Trong Thị Trường Tài Chính”.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.