Con trai không bao giờ trả hết món tiền đã vay của mẹ
JUNE KELLUM
Cô June thân mến,
Tôi là một người mẹ 75 tuổi của hai người con đã trưởng thành. Con trai tôi đã vay tiền tôi không dứt nhiều năm qua. Mỗi lần tôi nhắc con tôi trả nợ hoặc lên kế hoạch trả nợ, kết thúc đều là xào xáo. Mười năm trước, vợ chồng cháu đã ký giấy xác nhận nợ (IOU); giờ đây cháu nói với tôi rằng vợ của cháu không liên quan gì đến khoản nợ đó, và tôi không bao giờ nên nhắc tới tờ giấy đó với cô ấy.
Để công bằng với người con còn lại, trong di chúc của tôi, tôi đã trừ tất cả các khoản nợ của cậu con trai này vào phần tài sản được thừa kế của cháu, nhưng tôi cảm thấy việc này rất không thỏa đáng vì vợ của cháu đã hưởng lợi toàn bộ từ phần thừa kế này. Liệu con dâu tôi có chia sẻ quyền thừa kế của cô ấy với con trai tôi không? Tôi chắc chắn rằng cô ấy sẽ không làm như vậy. Tôi có nên làm đơn xin áp món nợ đó vào căn nhà của đứa con trai và con dâu đó không? Khi tôi gợi ý việc này trong vài lần thảo luận căng thẳng của chúng tôi, hai đứa đáp rằng nếu tôi làm như vậy, tôi sẽ không bao giờ gặp chúng nữa – tất nhiên, kể cả cháu tôi. Khi tôi gợi ý về việc trả nợ mỗi tháng hoặc mỗi hai tháng, hai đứa nói rằng cách này không thể vì chúng phải giảm chi tiêu gia đình.
Tôi cảm thấy rất buồn và ngốc nghếch vì đã trở thành nạn nhân của chính con trai mình. Lúc này, tôi cảm thấy sợ ngay cả khi nhắc chuyện tiền bạc với cháu, vì sẽ phải nghe những câu như hãy bán tất cả mọi thứ mình có đi và ra ngoài thuê chỗ ở. Tôi cảm thấy rất tức giận và buồn bã khi nghe chúng nói thế, vì tôi không muốn đi thuê nhà. Nếu chúng chịu trả nợ hàng tháng trong suốt phần đời còn lại của tôi, tôi sẽ ổn thôi. Tôi rất ngại ngùng khi chia sẻ điều này với bất cứ ai. Tôi có đủ sáng suốt để đối phó những kẻ lừa đảo qua điện thoại nhưng chưa bao giờ đủ sáng suốt với con trai mình.
Cảm ơn cô rất nhiều.
Một người mẹ quá rộng lượng
Gửi người mẹ quá rộng lượng,
Điều đầu tiên, bà nên tha thứ cho bản thân vì đã là nạn nhân của chính con trai mình. Là những người mẹ, chúng ta luôn yêu thương, tin tưởng và cho đi những gì các con cần. Và đôi khi, ranh giới giữa nhu cầu và mong ước không phải lúc nào cũng rõ ràng, cho đến khi ranh giới đó bị vượt qua, và chúng ta chỉ có thể nhận ra khi sự việc đã xảy ra. Thế nên hãy quẳng gánh nặng này đi. Thà sai lầm do rộng lượng mà tin tưởng gia đình còn hơn.
Bây giờ, điều đáng buồn là mối quan hệ trong gia đình bà đang bị rạn nứt vì tiền bạc; tôi không nói rằng bà không nên có hoặc không nên thừa nhận cảm giác buồn bã của mình. Và đương nhiên, việc con trai đã trưởng thành của bà vay tiền mà không trả lại là điều không đúng, cho nên đó là một bất công cần được giải quyết.
Để giải quyết vấn đề, có một lựa chọn quan trọng bà phải quyết định: Hoặc tiếp tục đòi nợ thông qua các công cụ pháp lý (giả định thôi, tất nhiên là điều này có sẵn – hãy tìm một người nào đó có kiến thức và đáng tin cậy để đưa ra lời khuyên cho bà), hoặc từ bỏ các khoản nợ này.
Ưu điểm của lựa chọn đầu tiên rất rõ ràng – bà sẽ lấy lại được những gì thuộc về bà và tiếp tục sống tốt trong ngôi nhà của mình. Nhược điểm là việc tranh chấp tiền bạc khiến mối quan hệ trong gia đình bà bị tan vỡ, và bà có thể sẽ không được gặp các cháu của bà trong một thời gian dài – có thể là không bao giờ.
Nếu bà chọn theo con đường pháp lý, hãy xem xét cẩn thận mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Ngay cả trong trường hợp bà không thành công, thì bất kỳ loại tranh tụng pháp lý nào cũng đều đem đến những điều tệ nhất cho cả hai bên, và có thể khiến mối quan hệ của bà hết đường cứu chữa. Bà có thể kết thúc việc này trong tình trạng không có cả tiền lẫn gia đình. Một nhược điểm lớn khác là vấn đề tâm lý trong cuộc tranh tụng. Những kiểu căng thẳng này sẽ làm sức khỏe thể chất của bà ngày càng tồi tệ.
Ưu điểm của lựa chọn thứ hai là bà có thể đưa gia đình ra khỏi cuộc tranh chấp này, và bắt đầu gây dựng và sửa chữa lại các mối quan hệ. Điều gì sẽ xảy ra nếu bà suy nghĩ rằng con trai đã nhận được tài sản thừa kế của mình (và hãy chắc chắn rằng di chúc của bà phản ánh điều này); bà tha thứ cho con bà, bản thân bà, và xóa khoản nợ này? Việc này sẽ giúp bà thoải mái về tinh thần lẫn cảm xúc – bình yên hơn, nhiều năng lượng và tình yêu hơn cho cuộc sống – và bà sẽ được phép gặp cháu của bà.
Nhược điểm của việc xóa khoản nợ của con trai là bà có thể sẽ không còn giữ được ngôi nhà của bà, thứ mà tôi sẽ không hề coi nhẹ. Thật không dễ dàng khi phải rời bỏ nơi mà chúng ta đã sống, yêu thương trong nhiều năm, và ổn định lại nơi ở mới. Và việc giảm mức sống sẽ khiến bà cảm thấy khó chịu, thậm chí còn hổ thẹn nữa. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có một sự thật là chúng ta thường phải chấp nhận những mất mát nào đó để nhận được thứ khác. Và tôi sẽ nói rằng có một thứ gì đó rất cao quý khi được sống trong hòa thuận và trong khả năng của bà. Một hoàn cảnh sống đơn giản hơn có thể đem lại cho bà sự tự do và yên bình hơn cả việc có một ngôi nhà.
Giờ đây, tôi mong rằng lựa chọn thứ hai sẽ không khiến bà bị thiếu thốn, phải vật lộn để chi trả cho những chi tiêu căn bản; vì thế, một lần nữa, hãy tham khảo ý kiến của một cố vấn tài chính bà có thể tin tưởng. Biết đâu đứa con kia của bà có thể giúp bà giải quyết việc này. Nếu bán ngôi nhà của mình, bà hãy chắc chắn bán được đúng giá.
Tôi nghĩ rằng sự lựa chọn của bà rốt cuộc là về sự cân bằng giữa công lý và tình yêu – là một trong những lựa chọn căn bản mà chúng ta luôn cần phải đối mặt theo cách này hay cách khác. Tất nhiên, công lý là một nguyên tắc rất quan trọng, nhưng luôn tập trung vào điều đúng và nhận về những thứ của chúng ta có thể khiến chúng ta trở nên lạnh lùng, cô độc, cay đắng và khốn khổ. Vì vậy ta nên cân bằng công lý với tình yêu và sự khoan dung. Khi chúng ta chọn tha thứ, bỏ qua chuyện cũ, bước tiếp, những cánh cửa mới sẽ mở ra. Thường những cánh cửa này nằm trong tâm của chúng ta – chúng bị khóa trong nhiều năm, kìm nén lại rất nhiều tình yêu thương, hạnh phúc, hòa bình và sự mãn nguyện.
Lựa chọn tình yêu và sự khoan dung còn có thể biến đổi những người quanh bà. Khi cảm nhận thấy sự ấm áp của bà, họ sẽ thay đổi. Con trai của bà giờ đã quá lứa tuổi để bà có thể dạy dỗ và kỷ luật, nhưng anh ấy sẽ hồi đáp sự nồng nhiệt chân thành của bà. Kết quả tốt nhất tôi có thể tưởng tượng ra là việc bà xóa khoản nợ sẽ đánh thức ý thức danh dự trong con người của anh ấy, và anh ấy sẽ nhận ra rằng cần trả tiền lại cho bà. Nhưng, tất nhiên, chúng ta không thể trông cậy vào một kết quả như vậy vì sự tha thứ phải là hoàn toàn vô điều kiện.
Với bất cứ sự lựa chọn nào của bà, điều lo lắng bà có thể bỏ qua là con trai và vợ của anh ta đã sử dụng số tiền vay nợ đó như thế nào. Việc này giống như nước chảy dưới chân cầu, và bà sẽ không thể làm gì hoặc nói gì để thay đổi những điều họ đã làm hoặc cách họ đã tiêu số tiền đó. Có lẽ vợ của anh ta là người tham lam và phù phiếm – có thể là cả hai đều vậy – nhưng vì tôi không biết họ, nên tôi sẽ không đánh giá. Tôi sẽ nói rằng hầu hết phụ nữ đều thích những thứ đẹp đẽ và sang trọng – tôi cũng không ngoại lệ – nhưng chúng ta phải biết kiềm chế ham muốn của mình để có thể tự hài lòng với những thứ trong khả năng của gia đình. Nếu không như vậy, chúng ta không thể xem bản thân là tốt hay đáng được tôn trọng. Vì vậy, đối với cô ta, sẽ có hai điều cần xem xét: Đầu tiên, nếu cô ấy là một người tham lam, cô ấy sẽ nhận lại những gì cô ấy đã gieo. Thứ hai, tính tham lam có thể được sửa chữa; con người có thể thay đổi, học hỏi, trưởng thành, ăn năn, làm tốt hơn, và trở nên khôn ngoan hơn và biết yêu thương hơn. Vậy nên, như chúng ta luôn hi vọng tất cả mọi thứ đều trở nên tốt hơn, hãy cầu chúc điều này cho cô ấy.
Một trong những thử thách lớn nhất của hành trình làm mẹ là nhìn thấy những lỗi lầm to lớn của con cái chúng ta, thấy được thất bại của các con, và không thể sửa lỗi cho các con như những gì chúng ta đã làm khi các con còn nhỏ. Nhưng cũng như sự thật là tiền bạc làm rạn nứt mối quan hệ gia đình, thì tình yêu và sự ấm áp có thể gây dựng và sửa chữa mối quan hệ đó. Và điều quan trọng đối với những đứa con trai là, nếu họ cảm nhận được tình yêu thương, và quan trọng là sự tôn trọng của người mẹ đối với họ, họ sẽ nhận được những điều tốt đẹp nhất. Giờ đây, có một số người có thể nghĩ rằng, “Đứa con trai này không xứng đáng nhận được sự tôn trọng! Hãy nhìn cách cư xử của anh ấy với mẹ của mình!” Tất nhiên, anh ấy đã làm sai, nhưng – theo cánh tương tự, đôi khi chúng ta phải lựa chọn giữa tình yêu và công lý – nếu chúng ta muốn những người thân yêu trở nên đáng kính hơn, chúng ta có thể chọn việc tôn trọng họ hơn. Theo cách tương tự rằng tình yêu sinh ra tình yêu, sự tôn trọng có thể mở khóa cho một trái tim đang bị đóng, đặc biệt cho trái tim của người đàn ông.
Tôi cầu chúc điều may mắn nhất sẽ đến với bà trong lựa chọn của mình, và mong rằng bà sẽ tìm thấy yên bình trong tuổi xế chiều.
Tái bút: Lời khuyên về tài chính duy nhất của tôi dựa vào tác phẩm của nhà cố vấn tài chính Dave Ramsey, người có thể có một số gợi ý mà bà và tôi chưa nghĩ đến. Ông ấy thực sự khuyên rằng không bao giờ cho người trong gia đình vay tiền – chỉ là cho họ tiền thôi.
Trân trọng,
June
________
Nếu bạn có câu hỏi về gia đình hoặc về các mối quan hệ trong chuyên mục ‘June thân mến’, hãy gửi câu hỏi đến [email protected] hoặc Dear June, The Epoch Times, 5 Penn Plaza, August Fl. New York, NY, 10001
June Kellum là một bà mẹ đã kết hôn có ba con, và là nhà báo lâu năm của Epoch Times, chuyên viết về các chủ đề gia đình, các mối quan hệ và sức khỏe.