Chuyên gia: Tia laser xanh lục của Trung Quốc ở Hawaii báo hiệu một cuộc chiến sắp xảy ra
HANNAH NG và TIFFANY MEIER
Ông Rick Fisher, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế, cảnh báo rằng sự xuất hiện của các tia laser xanh lục của Trung Quốc ở Hawaii báo hiệu một cuộc chiến sắp xảy ra.
Cuối tháng Một, các nhà thiên văn Nhật Bản đóng ở Hawaii đã nhận thấy những chùm tia laser xanh lục bí ẩn được bắn qua hòn đảo này. Các chùm tia laser này được bắn xuống từ không gian qua một trong những dãy núi lớn nhất ở Hawaii.
Khi lần đầu tiên công bố những chùm tia này với công chúng, các nhà thiên văn Nhật Bản nói rằng chúng đến từ một vệ tinh của NASA – được cho là tia laser của Mỹ. Nhưng chỉ một tuần sau đó, họ đã đưa ra lời đính chính rằng những chùm tia laser xanh lục này không phải đến từ một vệ tinh của Hoa Kỳ, mà thay vào đó, có nhiều khả năng đến từ một vệ tinh của Trung Quốc.
Theo đánh giá của NASA, có khả năng là do vệ tinh Daqi-1 của Trung Quốc – vốn là một “vệ tinh giám sát môi trường khí quyển của Trung Quốc” đã được phóng vào tháng 04/2022.
Ông Fisher nói với xướng ngôn viên của chương trình “China in Focus” trên đài NTD, hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng “Vệ tinh thời tiết này đi ngang qua Hawaii bắn các tia laser – các tia laser đo bầu khí quyển – từ trên cao xuống là một tín hiệu mạnh mẽ báo cho Hoa Kỳ rằng nếu có một cuộc đối đầu vì tương lai của Đài Loan dân chủ, thì họ sẽ sẵn sàng nhắm mục tiêu vào quân đội Hoa Kỳ, mà chắc chắn sẽ tác động đến đời sống người dân Mỹ ở tiểu bang Hawaii.”
Chuyên gia này đã không đồng ý rằng vệ tinh Daqi-1 chỉ dành cho việc nghiên cứu môi trường.
Trong buổi phỏng vấn, ông cho biết, “Mặc dù vệ tinh này thực sự có thể được sử dụng để thúc đẩy nghiên cứu môi trường, nhưng các tia laser mà vệ tinh đó sử dụng để đánh giá bầu khí quyển cũng có thể được sử dụng để cung cấp các phép đo chính về mật độ khí quyển, hướng gió. Tất cả đều cần thiết để Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể sử dụng vũ khí mới nhất của họ – được gọi là đầu đạn lướt siêu thanh.”
“Trên thực tế, đây là một ví dụ kinh điển về hệ thống lưỡng dụng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc,” ông lưu ý.
Đầu đạn lướt siêu thanh
Theo ông Fisher, đầu đạn lướt siêu thanh (hypersonic glide vehicle, HGV) được thiết kế để khai thác độ cao tầm thấp khi nó di chuyển với tốc độ trên 5 lần tốc độ âm thanh.
Ông nói: “Hiện tại, ở tốc độ đó, một đầu đạn lướt siêu thanh rất dễ bị hư hại trước những thay đổi của thời tiết, những thay đổi nhỏ của mật độ khí quyển, sự thay đổi của hướng gió.”
“Vì vậy, PLA muốn vệ tinh Daqi-1 hoặc một vệ tinh có năng lực đó, có thể thăm dò thời tiết ở chỗ mục tiêu, thời tiết ở Hawaii, thời tiết ở Trân Châu Cảng, họ muốn đầu đạn lướt siêu thanh này càng chính xác càng tốt,” ông nói thêm.
Ông cho rằng khả năng di chuyển ở độ cao tầm thấp hơn giúp vệ tinh này tránh bị radar phát hiện cho đến khi tiếp cận được mục tiêu.
Ông cho biết, “Điều đó có nghĩa là người Mỹ sẽ có ít thời gian hơn để điều động hệ thống phòng thủ hỏa tiễn, nếu họ có, hoặc để nhắm vào phi đạn này. Ngoài ra, đầu đạn lướt siêu thanh này được thiết kế để có thể cơ động. Vì vậy, khi tiếp cận mục tiêu, nó có thể thực hiện các thao tác lẩn tránh.”
Việc vệ tinh Trung Quốc nhắm mục tiêu vào Trân Châu Cảng cũng khiến các chiến hạm ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ đóng ở đó dễ bị tấn công trước mọi mối đe dọa.
Ông nói: “Những chiếc chiến hạm ngầm đó sẽ mang lại một mức độ rất đáng kể về sức mạnh chiến đấu và răn đe của Mỹ trong trường hợp đối đầu hoặc chiến tranh.
“Vì vậy, Trung Quốc sẽ dành một ưu tiên rất cao cho việc tấn công Trân Châu Cảng và phá hủy các tài sản hải quân của Mỹ, bao gồm cả những chiến hạm ngầm đó,” ông nói thêm.
Cận chiến
Theo ông Fisher, Hoa Kỳ có thể chống lại các đầu đạn lướt siêu thanh bằng hỏa tiễn đạn đạo phóng từ trên không (ALBM) – hỏa tiễn mà theo ông: “mang lại lợi thế là có thể đánh chặn oanh tạc cơ mang phi đạn (đạn tự hành, hỏa tiễn tự hành) này ngay từ đầu trong nhiệm vụ của nó.”
Ông cho biết, “Nếu các phi đạn HGV này được đặt trên các chiến hạm, thì các chiến hạm này cũng có thể bị đánh chặn và ứng phó ở một khoảng cách xa so với các mục tiêu tiềm năng. Nhưng nếu những phi đạn này đều là những hỏa tiễn đạn đạo phóng từ trên không, thì điều đó có nghĩa là những phi đạn đó đang ở trên không, [và] điều quan trọng là phải cố gắng đánh chặn phi đạn đó càng xa mục tiêu càng tốt trước khi phi đạn HGV này trở thành một mục tiêu tự do di chuyển và lảng tránh.”
Ông lưu ý rằng Hoa Kỳ có khả năng đánh chặn đó. Tuy nhiên, đó là một tình huống cận chiến bởi vì “phi đạn mang đầu đạn siêu thanh này rất nhanh, rất cơ động, và cũng có thể gây ra sự khốc liệt.”
Ông Fisher cũng nói rằng, “Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phải phóng một số lượng đáng kể phi đạn đánh chặn để có thể bảo đảm phá hủy một phi đạn mang đầu đạn lướt siêu thanh đang bay tới.”