Chuyên gia: Những bất thường trong quân đội Trung Quốc cho thấy nội bộ chia rẽ
JESSICA MAO
Gần đây, Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden tiết lộ rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không hay biết gì về vụ khí cầu do thám đã bay khắp Bắc Mỹ. Theo một chuyên gia về Trung Quốc, điều này là một trong vài ví dụ gần đây về tình trạng bất hòa giữa ông Tập và các bộ phận trong quân đội của chính quyền ông.
Hôm 20/06, TT Biden cho biết ông Tập không hề biết trước về khinh khí cầu do thám bị quân đội Hoa Kỳ bắn hạ hồi tháng Hai năm nay.
“Lý do khiến ông Tập Cận Bình rất khó chịu khi tôi bắn hạ quả khí cầu với hai thùng hàng chở đầy thiết bị gián điệp là ông ấy không biết khinh khí cầu này đã ở đó,” ông Biden nói với một nhóm người tại buổi gây quỹ ở California hôm 20/06. “Đó là việc mất thể diện lớn đối với các nhà độc tài khi họ không biết chuyện gì đã xảy ra.”
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết quân đội Trung Quốc có thể là trung tâm của hoạt động do thám khinh khí cầu và các nhà sản xuất khinh khí cầu có liên hệ trực tiếp với quân đội Trung Quốc. Hoa Kỳ cho biết những khí cầu do thám của Trung Quốc – vốn sở hữu khả năng thu thập các tín hiệu tình báo – là một phần trong chương trình giám sát quân sự toàn cầu của Trung Cộng.
PLA bất ổn khiến ông Tập lo lắng
Hôm 24/06, ông Lý Yến Minh (Li Yanming), chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng những bất thường gần đây trong quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thường xuyên xảy ra.
Ông Lý nói rằng vẫn còn những lực lượng chống ông Tập trong quân đội của Trung Cộng – Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) – và sự bất ổn của quân đội khiến ông Tập vô cùng lo lắng.
Cũng như việc ông Tập không hay biết gì về vụ khinh khí cầu, các trường hợp quy định nghiêm ngặt về các hoạt động xã hội của các nhà lãnh đạo quân đội và việc tiết lộ thông tin nội bộ về bản án tử hình dành cho Thượng tướng không quân PLA đã về hưu Lưu Á Châu (Liu Yazhou) cho thấy quân đội của Trung Cộng đang trải qua một cuộc thanh trừng khốc liệt.
Theo phân tích của ông Lý, bè cánh của nhà cựu độc tài Trung Cộng Giang Trạch Dân đã kiểm soát quân đội trong một thời gian dài. Sau khi ông Bạc Hy Lai và ông Chu Vĩnh Khang bị lật đổ, thì hoạt động nội bộ của âm mưu đảo chính chống lại ông Tập của phe ông Giang đã bị phơi bày – và quân đội đã có sự liên đới sâu sắc.
Kể từ Đại hội Đảng lần thứ 18 của Trung Cộng vào năm 2012, ông Tập đã điều tra nhóm thân cận của ông Giang trong PLA – hai phó chủ tịch quân ủy, ông Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou), và hai thành viên của quân ủy, ông Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) và ông Trương Dương (Zhang Yang), những người được gọi chung là tứ ‘mãnh hổ quân đội’.
Tuy nhiên, ông Lý nói rằng vẫn còn nhiều tàn dư của phe ông Giang trong quân đội, và nhiều sĩ quan quân đội cao cấp đang tại ngũ đã bắt đầu sự nghiệp của họ trong lúc ông Giang còn nắm quyền.
Ngoài ra, các gia đình đỏ và các thái tử của Trung Cộng đang kiểm soát quân đội. Khi cuộc thanh trừng nội bộ của Trung Cộng tiếp tục leo thang, thì các nhóm lợi ích về chính trị và kinh tế sẽ được sắp xếp lại vị trí, cũng như cấp cao nhất của đảng đang chia rẽ và mâu thuẫn. Nhiều thái tử đảng và lực lượng quân sự mà họ kiểm soát hiện đang đứng ở phía đối lập với ông Tập.
Ông Lý nêu ra rằng tình hình hiện tại ở Eo biển Đài Loan đang leo thang, bang giao Trung Quốc–Hoa Kỳ đang xấu đi, và nguy cơ đối đầu quân sự đang gia tăng.
Tuy nhiên, quân đội của Trung Cộng luôn có hai ý kiến đối lập về những chủ đề nhạy cảm, chẳng hạn như tấn công Đài Loan bằng vũ lực và đối đầu quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ông Lý cho biết, “Với tư cách là một chế độ tin vào ‘sức mạnh đến từ nòng súng’, thì sự bất ổn của quân đội chắc chắn đã trở thành mối lo ngại đối với ông Tập Cận Bình, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn nội ngoại của chế độ này hiện nay.”
Ông tin rằng sự chia rẽ bất hòa trong PLA sẽ là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng và thậm chí quyết định hướng đi trong tương lai của tình hình Eo biển Đài Loan, quan hệ Trung–Mỹ, và nền chính trị cấp cao của Trung Cộng.
Các quy định về mạng xã hội
Cũng trong tháng Sáu, PLA đã ban hành các quy định mới về mạng xã hội dành riêng cho các sĩ quan quân đội – một hành động mà các chuyên gia về Trung Quốc, chẳng hạn như ông Lý, mô tả là chưa từng có.
PLA Daily đã đăng một bài báo hôm 19/06 nói rằng Quân ủy Trung ương gần đây đã thông qua việc ban hành “Quy tắc ứng xử trong giao tiếp mạng xã hội dành cho các lãnh đạo quân đội.”
Bộ quy tắc này chỉ rõ cách thức mà các cán bộ lãnh đạo PLA cần ứng xử với tám nhóm xã hội khác nhau, bao gồm những người trong các cơ quan đảng và chính quyền địa phương, các đơn vị kinh doanh và doanh nghiệp, các nhóm xã hội và họ hàng cùng bạn bè, cũng như các mối quan hệ của những cán bộ này trên các nền tảng mạng xã hội.
Các quy tắc này cũng yêu cầu các nhà lãnh đạo quân đội phải “liên tục thanh lọc vòng kết nối xã hội, vòng kết nối đời sống sinh hoạt, và vòng kết nối bạn bè của họ,” nhưng PLA Daily không tiết lộ bất kỳ chi tiết cụ thể nào về những việc gì nên làm hoặc không nên làm với các nhóm này.
Ông Nghê Lạc Hùng (Ni Lexiong – một chuyên gia quân sự Trung Quốc và là giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Thượng Hải – nói với tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) có trụ sở tại Hồng Kông rằng việc Trung Cộng ban hành các hướng dẫn xã hội cho cán bộ quân đội là chưa từng có, ngay cả dưới thời ông Mao Trạch Đông.
Theo một nguồn tin quân sự được Nam Hoa Tảo Báo dẫn lời, các quy định mới cũng sẽ áp dụng cho các tướng đã về hưu, vốn có ảnh hưởng đáng kể với các cán bộ trẻ.
Lên án tứ ‘mãnh hổ’
PLA Daily đã xuất bản một loạt bài bình luận từ ngày 02 đến 08/06 năm nay, liên tục nêu đích danh các cựu quan chức quân đội Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Phòng Phong Huy, và Trương Dương, nói rằng “ảnh hưởng độc hại” của họ cần phải bị loại bỏ hoàn toàn.
Ông Quách bị kết án tù chung thân hồi năm 2016, và ông Từ qua đời vì bệnh vào năm 2015 trong khi đang bị điều tra. Ông Phòng là tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên quân của Quân ủy Trung ương, bị kết án tù chung thân hồi tháng 02/2019. Ông Trương tự tử vào tháng 11/2017 khi đang bị điều tra kỷ luật vì tội tham nhũng.
Ngoài việc tái khẳng định việc loại bỏ “ảnh hưởng độc hại” của tứ “mãnh hổ quân đội”, PLA Daily cũng tuyên bố trong bài báo hôm 05/06 rằng cần phải duy trì “quyền lãnh đạo tuyệt đối” của Trung Cộng đối với quân đội.
Nội tình đằng sau trường hợp của ông Lưu Á Châu
Tháng Ba năm nay, tờ Minh Báo (Ming Pao) của Hồng Kông trích dẫn các nguồn tin cho biết ông Lưu Á Châu – cựu chính ủy của Đại học Quốc phòng Trung Quốc và là một đại tướng không quân – đã bị chính quyền kết án tử hình và chính quyền đã giữ bí mật vụ án này vì ảnh hưởng của ông trong quân đội.
Hồi tháng Tư, tờ Tinh Đảo Nhật Báo (Sing Tao Daily) của Hồng Kông tuyên bố rằng trước khi tuyên án tử hình, Ủy ban Kỷ luật của Quân ủy Trung ương của Trung Cộng đã hoàn thành cuộc điều tra về ông Lưu, và phát hiện ra số tiền tham nhũng gây choáng váng. Ông đã bị cách chức và bị chuyển qua hệ thống tư pháp quân sự.
Bài báo cũng nói rằng do ảnh hưởng đáng kể của ông Lưu, nên chính quyền bắt đầu “loại bỏ ảnh hưởng xấu còn sót lại của Lưu Á Châu” trong quân đội.
Cuối tháng Hai, quân đội đã đưa ra một thông báo yêu cầu gỡ bỏ “những thông điệp có hại của Lưu Á Châu” vào tháng Ba, và mỗi đơn vị nên tiến hành tự kiểm duyệt để làm sạch hoàn toàn tất cả các sách, báo, tạp chí, các bài báo, lời đề tặng, bài diễn văn, v.v. có liên quan đến ông Lưu, dựa trên danh sách tổng hợp do cơ quan quân sự ban hành.
Tuy nhiên, không có xác nhận chính thức nào từ phía chính quyền Hoa lục về bản án tử hình dành cho ông Lưu, ngoại trừ một bài báo chỉ trích ông trên trang web Hoa ngữ theo chủ nghĩa Mao này.