Chuyên gia: Các quốc gia Phi Châu muốn có thêm du khách Trung Quốc, nhưng lại vận dụng các chiến lược sai lầm
Darren Taylor
JOHANNESBURG — Các quốc gia Phi Châu đang chi hàng tỷ USD để cố gắng bước vào thị trường du lịch ngoại quốc lớn nhất thế giới (Trung Quốc) nhưng không thành công.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của lục địa Phi Châu, nhưng công dân nước này vẫn ngần ngại khám phá một lục địa thường xuất hiện những tin tức không hay – chẳng hạn như xung đột, tấn công cực đoan, và thiếu lương thực.
Ông Mike Fabricius, chuyên gia du lịch, cố vấn, và tiếp thị cho công ty The Journey có trụ sở tại Johannesburg, cho biết: “Có thể hiểu rằng các quốc gia Phi Châu muốn khách du lịch Trung Quốc vì đại dịch [COVID-19] và các lệnh cấm du lịch liên quan gần như đã xóa sổ toàn bộ ngành du lịch – đặc biệt là các quốc gia Phi Châu phụ thuộc nhiều vào ngoại tệ mà khách du lịch mang đến và số tiền mà họ chi tiêu trong nước.”
Ông nói với The Epoch Times: “Ví dụ, trước thời COVID, du lịch ở Tanzania chiếm 17% GDP. Mất đi sự đóng góp đó, nền kinh tế Tanzania đã bị đẩy vào trạng thái rơi tự do.”
Ông Fabricius trước đây từng là cố vấn du lịch cho Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới, đồng thời quản lý các dự án và hoạch định chiến lược cho các chính phủ trên toàn cầu.
Năm 2019, trước đại dịch, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) ước tính du lịch ở châu Phi có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5%, đóng góp trung bình 8.5% GDP.
WTTC cho biết các khoản đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực du lịch là khoảng 29 tỷ USD và đã tạo ra việc làm cho 24.3 triệu nhân viên trực tiếp, chiếm 6.4% tổng dân số đang làm việc của châu Phi.
Người ta ước tính rằng các hạn chế đi lại do COVID-19 khiến châu Phi mất ít nhất một phần ba đến một nửa con số này.
Theo thống kê của chính phủ, tại Nam Phi – một trong những điểm đến hàng đầu của lục địa này với nơi ở tuyệt vời, bãi biển nguyên sơ, và công viên động vật hoang dã rộng lớn – trong năm 2021 lượng khách du lịch ngoại quốc đã giảm gần 85% so với mức năm 2019 trước đại dịch.
Năm 2019, ngành du lịch Nam Phi đã đóng góp gần 6.5% GDP trong toàn bộ nền kinh tế (405.2 tỷ ZAR). Vào năm 2020, con số đó đã giảm xuống chỉ còn hơn 3% (180 tỷ ZAR), tức là mất gần 56% tổng giá trị.
Ông Peter Masila, giảng viên du lịch tại Đại học Moi ở Kenya, nói với The Epoch Times: “Có những tổn thất ở mức độ tương tự và tệ hại hơn trên tất cả các thị trường du lịch lớn của châu Phi.”
Giám đốc điều hành của Du lịch Nam Phi (cơ quan đặc trách quảng bá du lịch của Nam Phi), bà Nomasonto Ndlovu, cho biết ít nhất 500,000 việc làm đã bị mất trong lĩnh vực du lịch địa phương vì đại dịch.
Bà nói với The Epoch Times: “Chúng tôi dự kiến sự phục hồi gần như hoàn toàn vào cuối năm 2024, và chúng tôi tin tưởng rằng thị trường rất lớn của Trung Quốc sẽ giúp chúng tôi đạt được điều đó.”
Năm 2019, 155 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến thăm các điểm đến ngoại quốc. Nhưng bà Ndlovu thừa nhận ít người chọn châu Phi.
“Ví dụ, có từ 94,000 đến 95,000 người đến thăm Nam Phi vào năm 2019. Vì vậy, chúng tôi không thể đổ lỗi hoàn toàn cho COVID về số lượng du khách Trung Quốc thấp. Đối với Nam Phi, chúng tôi hiện đang chi rất nhiều tiền cho các kế hoạch và chiến lược mới để thu hút nhiều người Trung Quốc hơn, và tôi biết các quốc gia Phi Châu khác cũng đang làm như vậy.”
Nam Phi, Ai Cập, Kenya, và Tanzania là một số quốc gia hiện cung cấp nhiều chuyến bay trực tiếp hơn đến Trung Quốc. Hãng hàng không quốc gia của Tanzania thậm chí còn giảm giá tới 50% cho các chuyến bay đến quốc gia Viễn Đông rộng lớn này.
Kenya đang hợp tác với các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc để quảng cáo các điểm tham quan như công viên động vật hoang dã Maasai Mara.
Ông John Chirchir, quyền Giám đốc điều hành của Hội đồng Du lịch Kenya, nói với The Epoch Times: “Sự hợp tác đó đang có tác dụng; chúng tôi đã thu hút thêm nhiều người Trung Quốc đến thăm đất nước tuyệt vời của chúng tôi bằng cách tiếp thị trên WeChat và TikTok. Từ tháng Một đến tháng Tư, 8,000 du khách Trung Quốc đã đến Nairobi. Hồi năm 2022, vào cùng thời kỳ, có chưa đến 6,000 người đến thăm Kenya.”
Bộ trưởng du lịch của Tanzania, ông Mohamed Mchengerwa, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để giành được một phần của thị trường Trung Quốc rộng lớn. Hội đồng du lịch của chúng tôi dự kiến chỉ có 45,000 người sẽ đến thăm Tanzania vào cuối năm nay.”
Ông nói: “Bây giờ, nếu quý vị xét đến việc chúng tôi có 1.5 triệu khách du lịch ngoại quốc vào năm 2022 [đến tham quan các địa điểm thu hút khách du lịch như Núi Kilimanjaro], thì con số ấy cho thấy chúng tôi còn lâu mới thực sự thu hút được người Trung Quốc.”
Nhưng ông Fabricius và ông Moi cho biết giới chức Phi Châu đang quá chú trọng vào các con số.
Ông Moi nói: “Với người Trung Quốc, quý vị nên ít chú trọng hơn đến số lượng mà nên tập trung vào loại khách du lịch cụ thể và số tiền họ chi cho các hoạt động chuyên biệt.”
Ông Fabricius, người từng làm việc trong các dự án du lịch ở Trung Quốc, cho biết châu Phi khó có thể là nơi thu hút thị trường du lịch đại chúng của Trung Quốc.
Ông giải thích: “Tôi nghĩ rằng hầu hết các điểm đến [của châu Phi] đều không hiểu rằng thị trường Trung Quốc đã chuyển biến rất nhiều trong thời gian gần đây; Trung Quốc thực sự là một trong những thị trường du lịch phức tạp nhất thế giới.”
“Các nước Phi Châu vẫn có xu hướng nhắm đến người Trung Quốc theo một cách “vơ đũa cả nắm,” vẫn tin tưởng vào những kiểu sáo rỗng như người Trung Quốc chỉ đi du lịch theo các nhóm lớn và được đưa đi trên những chiếc xe buýt du lịch rất lớn từ nơi này sang nơi khác, chụp hàng ngàn bức ảnh trên đường đi.”
“Nhưng với thế hệ du khách Trung Quốc mới, thì không còn khái niệm ‘du khách Trung Quốc’ nữa; thị trường đó trở nên đa dạng và bị phân khúc hơn rất nhiều.”
Ông Fabricius cho biết thị trường du lịch đại chúng Trung Quốc vẫn tập trung vào các điểm đến du lịch “mang tính biểu tượng,” chẳng hạn như London, Paris, và New York.
“Châu Phi sẽ không thu hút được thị trường lớn đó. Châu Phi là một điểm đến thuộc thị trường nhỏ. Các quốc gia Phi Châu nên tập trung thu hút phần lớn khách du lịch Trung Quốc trẻ tuổi, những người quan tâm đến những thứ như văn hóa, động vật hoang dã, và khám phá.”
Ông Moi nhận xét: “Quý vị phải nói với người Trung Quốc, ‘Ở châu Phi này, quý vị sẽ không chỉ được đưa đến Tháp Eiffel và Cung điện Buckingham để chụp ảnh. Tại châu Phi này, quý vị sẽ có một cuộc phiêu lưu thực sự chỉ có một lần trong đời; quý vị sẽ gặp những người có nền văn hóa phong phú và quý vị sẽ thấy động vật hoang dã mà quý vị sẽ không bao giờ thấy ở nơi nào khác nữa.’”
Bà Rosemary Anderson, chủ tịch của cơ quan du lịch FEDHASA, đại diện cho ngành khách sạn trên khắp Nam Phi, đã đồng ý rằng ngành du lịch Phi Châu nên quảng bá về “những kinh nghiệm độc đáo” ở Trung Quốc.
Bà nói với The Epoch Times: “Lục địa này có tài sản văn hóa phong phú và kinh nghiệm đa dạng. Ví dụ, Nam Phi mang đến đủ mọi loại kinh nghiệm mà người ta có thể hình dung – săn thú hoang dã, phong cảnh tuyệt đẹp, văn hóa sôi động, và các hoạt động phiêu lưu.”
Bà Anderson cho biết châu Phi nên làm nhiều hơn nữa để hợp tác với các công ty du lịch và công ty lữ hành Trung Quốc.
“Phần lớn các chuyến du lịch quốc tế đặt từ Trung Quốc đều được thực hiện qua các đại lý du lịch và công ty lữ hành, và nhiều công ty trong số này đặt trụ sở tại các tòa nhà nơi các tập đoàn lớn đặt trụ sở. Phải tập trung vào việc thiết lập quan hệ đối tác, có thể theo dạng sáng kiến tiếp thị chung hoặc hành trình tùy chỉnh.”
Theo bà Anderson, ông Fabricus, và ông Moi, sự kém hiệu quả và quan liêu của chính phủ vẫn là những thách thức lớn đối với những hoạt động muốn thu hút khách du lịch Trung Quốc của châu Phi.
Ông Fabricius nói: “Việc có được giấy phép nhập cảnh một cách dễ dàng là điều tối quan trọng. Quý vị phải tạo điều kiện thuận lợi cho người Trung Quốc đến thăm châu Phi. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đang không xảy ra ở hầu hết các quốc gia Phi Châu. Thật không tốt khi tiếp thị bóng bẩy mượt mà và sau đó chính phủ của quý vị phá hỏng công việc của quý vị bằng cách gây khó dễ trong việc cấp giấy nhập cảnh.”
Bà Anderson nói thêm: “Chúng ta đang gây khó khăn rất lớn cho các thị trường có nguồn khách lớn như Trung Quốc đến thăm châu Phi, vì quy trình cấp giấy nhập cảnh không hiệu quả.”
“[Chẳng hạn], Nam Phi có hệ thống giấy nhập cảnh điện tử chấp nhận đơn xin của công dân Trung Quốc, nhưng quy trình này vẫn còn rườm rà và chưa được tối ưu hóa hoàn toàn. Chúng ta cần làm cho chuyến du lịch đến châu Phi trở nên đơn giản và liền mạch, loại bỏ các thủ tục rườm rà.”
Một lần nữa lấy Nam Phi làm ví dụ, bà Anderson cho biết Úc là một trong những đối thủ cạnh tranh du lịch đường dài chính của Nam Phi, và có thể thực hiện một cuộc so sánh thẳng thắn với đối thủ cạnh tranh này để đánh giá hiệu suất của các con số du lịch.
Bà cho biết, năm 2019, Úc đã đón 1.2 triệu khách du lịch Trung Quốc, so với 94,000 đến 95,000 khách của Nam Phi.
Bà Anderson giải thích, “Trên lý thuyết, Nam Phi có nhiều lợi thế hơn về sự đa dạng và hấp dẫn. Tuy nhiên, đối với người Trung Quốc, việc đề nghị cấp giấy nhập cảnh trực tuyến đến Úc dễ dàng hơn rất nhiều. Họ sẽ có giấy nhập cảnh trong vòng 48 giờ so với quy trình ‘không thân thiện với khách du lịch’ theo kiểu mất hàng tháng dài để nhận được giấy nhập cảnh du lịch của Nam Phi.”
Bà gợi ý rằng các sáng kiến tiếp thị nên mở rộng ra cả khu vực công lẫn khu vực tư, bảo đảm rằng việc truyền thông điệp ở Trung Quốc là mang tính nhắm thẳng để thu hút các du khách có túi tiền, độ tuổi, sở thích đi lại, mong muốn, và động cơ du lịch đa dạng.
Bà Anderson cho biết: “Chúng tôi cũng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo đảm rằng thông tin về điểm đến và sản phẩm có sẵn trên các công cụ tìm kiếm của Trung Quốc và hoạt động tiếp thị trên truyền thông xã hội của Trung Quốc, như Weibo và WeChat.”
Ông Fabricius cho biết nỗ lực thu hút du khách Trung Quốc nên bắt đầu ở châu Phi chứ không phải ở Bắc Kinh.
Ông nói: “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và hàng chục ngàn du khách Trung Quốc hạng thương gia đến thăm lục địa này mỗi ngày.”
“Thực tế đó tạo ra một cơ hội khác, những người này đi công tác và sau đó họ kể cho người khác nghe về kinh nghiệm của họ và khả năng đó tạo ra làn sóng thứ hai của thị trường du lịch giải trí.”
Ông Fabricius cho biết các nhà chức trách Phi Châu đã không chú ý đầy đủ đến “thực tế là khách du lịch Trung Quốc thông thường rất sợ nguy hiểm.”
“Người Trung Quốc nhận thức rất rõ về mức độ tội phạm cao ở một số quốc gia Phi Châu. Đặc biệt, Nam Phi nổi tiếng toàn cầu về tội phạm.”
“Mặc dù du khách bị tấn công ở Nam Phi tương đối hiếm, nhưng điều đó vẫn xảy ra và gần đây đã xảy ra một số vụ sát hại du khách ngoại quốc gây chấn động dư luận. Đó là một rào cản lớn.”
“Còn nhiều việc phải làm để cho các quốc gia Phi Châu an toàn và bảo đảm hơn.”