Chuỗi cung ứng và lạm phát: Chia tay năm 2021, chào đón năm 2022
Trong năm ngoái, nền kinh tế Hoa Kỳ đã bị chi phối bởi một số diễn biến: lạm phát, khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, các biến thể Delta và Omicron, hàng ngàn tỷ USD chi tiêu tài khóa, và chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tháng 11/2021, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đạt 6.8%, mức cao nhất trong vòng 39 năm. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang, đã leo lên mức 5.7%, cao nhất trong gần 40 năm.
Dữ liệu lạm phát chính thức từ Cục Thống kê Lao động (BLS) cho thấy giá cả đang cao hơn trên diện rộng, từ thực phẩm đến năng lượng cho đến hàng tiêu dùng.
Giá cả cao hơn có thể là một trải nghiệm mua sắm Giáng Sinh khác với những gì nhiều người mua sắm quen thuộc vào thời điểm này trong năm. Cho dù đó là một sự khan hiếm các sản phẩm hay giá cả tăng cao, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng quốc tế đã tác động đến kỳ nghỉ lễ năm 2021.
Ùn tắc giao thông mang tính lịch sử tại các cảng của Trung Quốc và Hoa Kỳ, lượng container vận chuyển tồn đọng, những hạn chế về sức khỏe cộng đồng, tình trạng thiếu tài xế xe tải, và nhu cầu trên toàn thế giới đồng thời tăng vọt đã góp phần khiến những người mua sắm thay đổi các kế hoạch tặng quà của họ. Nhưng sự thất bại của chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng nhiều hơn đến việc chỉ mua một món đồ chơi yêu thích của một đứa trẻ.
Tình trạng đó đã bổ sung thêm vào cuộc khủng hoảng năng lượng được chứng kiến khắp Âu Châu và Á Châu, buộc các thị trường này phải tăng cường sản xuất than và sử dụng đến nguồn dự trữ chiến lược thô của họ.
Thị trường lao động của Mỹ đã có những dấu hiệu hỗn hợp vào năm 2021.
Nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn thiếu từ bốn đến sáu triệu việc làm so với trước đại dịch COVID-19, mặc dù cơ hội việc làm mới gần đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11 triệu. Thu nhập trung bình hàng giờ tăng với tỷ lệ hàng năm là 4.8% vào tháng 11 lên mức 31.03, nhưng tăng trưởng tiền lương thực tế đã bị loại trừ trong hầu hết các lĩnh vực do lạm phát leo thang. Ngoài ra, số đăng ký thất nghiệp lần đầu đang ở một mức thấp trong thời đại dịch, trong khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở một mức thấp nhất trong vòng 45 năm là 61.8%.
Thị trường tài chính đã hoảng loạn khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về một biến thể COVID-19 mới. Nhiều nhà phân tích cảnh báo về sự căng thẳng mới có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế, dù là hoạt động thương mại bán lẻ hoặc nhu cầu dầu thô.
Trong khi biến thể Delta đã ảnh hưởng đến nền kinh tế trong năm nay, thì biến thể Omicron đã gây ra một số lo lắng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong giai đoạn cuối của năm 2021. Các chuyên gia y tế cộng đồng khẳng định rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ nghiêm trọng của Omicron, nhưng các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách đã lo lắng, dẫn đến tình trạng bán tháo mạnh trên thị trường tài chính và các hạn chế liên quan đến đại dịch được gia hạn.
Trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu thu hẹp các biện pháp nới lỏng định lượng đã được thiết lập để giảm bớt các ảnh hưởng kinh tế của virus corona.
Cục Dự trữ Liên bang đã bắt đầu cắt giảm các nỗ lực cứu trợ và kích thích trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng, với Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cũng dự đoán ít nhất ba đợt tăng lãi suất trong năm tới.
Ngân hàng Trung ương Canada (BoC), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), và Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) đã tham gia vào nhóm cắt giảm mua tài sản. Tuy nhiên, BoE đã dịch chuyển lãi suất trước nhiều đối tác phương Tây, tăng lãi suất chuẩn lên 0.25%, khiến nhiều nhà quan sát thị trường ngạc nhiên.
Chính phủ Hoa Kỳ đã chấp thuận hàng ngàn tỷ USD chi tiêu mới trong năm nay, bao gồm dự luật kích thích 1.9 ngàn tỷ USD vào tháng Ba và dự luật trần nợ 2.5 ngàn tỷ USD do Tổng thống Joe Biden ký chính thức.
Mặc dù Hạ viện đã bỏ phiếu cho Đạo luật Xây dựng Lại Tốt hơn cho chi tiêu xã hội và biến đổi khí hậu trị giá 1.75 ngàn tỷ USD, nhưng tương lai của đạo luật này đang gặp nguy hiểm tại Thượng viện. Thượng nghị sĩ Joe Manchin đã xác nhận ông sẽ không bỏ phiếu cho dự luật này, khiến nhiều quan chức thiên tả của Điện Capitol nghi ngờ về việc dự luật này sẽ được tiến triển để chuyển đến bàn của tổng thống vào Năm Mới.
Bất chấp nhiều thất bại ở Hoa Kỳ, các cuộc khảo sát cho thấy sự phục hồi kinh tế có thể sẵn sàng từ cuối năm 2021.
Các đơn đặt mua hàng hóa lâu bền tăng ở mức tốt hơn dự kiến là 2.5%, doanh số bán nhà mới tăng 12.4% trong tháng 11 và Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng của Conference Board tăng cao hơn nhiều so với những gì thị trường mong đợi: 115.8 so với 110.8.
TD Economics cho biết trong một ghi chú nghiên cứu rằng, “Nền kinh tế Mỹ đang kết thúc năm 2021 ở một mức cao.”
Dự báo cho năm 2022
Từ nỗi sợ hãi của Omicron đến sáng kiến chi tiêu 1.75 ngàn tỷ USD của Tổng thống Biden có khả năng bị ảnh hưởng, các tổ chức tài chính đã hạ thấp triển vọng kinh tế năm 2022 của họ.
Goldman Sachs là một trong những công ty lớn đầu tiên ở Wall Street cắt giảm các dự báo của mình về nền kinh tế Hoa Kỳ trong năm tới, với lý do là có “sự giảm sút khiêm tốn” do biến thể mới [gây ra].
Đại công ty đầu tư Wall Street này dự đoán rằng tổng sản phẩm quốc nội của Hoa Kỳ sẽ tăng 2.9% vào năm 2022, giảm so với ước tính trước đó là 3.3%.
Nhà kinh tế Joseph Briggs cho biết trong một bản cập nhật rằng, “Trong khi nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời, chúng tôi nghĩ rằng một kịch bản xấu ở mức vừa phải là virus lây lan nhanh hơn nhưng hầu như khả năng miễn dịch chống lại tình trạng bệnh nặng chỉ bị suy yếu một chút.”
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cho rằng “sự phục hồi kinh tế sẽ dễ bị đình trệ,” khi viết trên Twitter, ông dự đoán tăng trưởng GDP thực tế sẽ thấp hơn 0.5% nếu Đạo luật Xây dựng Lại Tốt hơn không được thông qua.
Những người khác lại cho rằng có thể còn quá sớm để xác định liệu biến thể Omicron có đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế rộng lớn hơn trong năm 2022 hay không.
Nhà kinh tế Aneta Markowska của Jefferies cho biết trong một báo cáo nhanh hàng tuần rằng, “Chỉ đơn giản là quá sớm để biến thể Omicron biểu thị trong dữ liệu hoạt động.”
Về lạm phát, nhiều người dự đoán rằng lạm phát sẽ tăng lên, mặc dù nhiều cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế cho thấy giá cao hơn có thể giảm vào cuối năm sau, với áp lực giá cả giảm bớt.
Ông James Knightley, Trưởng nhóm Kinh tế Quốc tế tại Think ING, tuyên bố rằng Cục Dự trữ Liên bang tin là các yếu tố góp phần vào một tỷ lệ lạm phát cao trong gần 4 thập niên qua, chẳng hạn như các gián đoạn chuỗi cung ứng, và những thiếu hụt thị trường lao động, có thể biến mất trong suốt năm tới.
Ông Knightley nói rằng, “Nhưng chúng tôi không chắc lắm.”
“Các công ty cần tuyển dụng hàng triệu vị trí nên sự cạnh tranh để tìm người lao động có kỹ năng phù hợp sẽ vẫn gay gắt. Các vấn đề cung-cầu là một hiện tượng toàn cầu với các nhà sản xuất chất bán dẫn cảnh báo tình trạng thiếu hụt có thể kéo dài đến năm 2023. Trong môi trường nhu cầu mạnh mẽ, lượng đơn đặt hàng tồn đọng kỷ lục và hạn chế về nguồn cung liên tục, việc tăng chi phí có thể tiếp tục được chuyển cho khách hàng.”
Theo Khảo sát Kỳ vọng của Người tiêu dùng mới nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (FRBNY), nhiều người Mỹ đang dự kiến lạm phát cao cho năm 2022: 6%, tăng từ 5.7% vào tháng Mười.
Các nhà phân tích thị trường và nhà kinh tế sẽ chú ý đến việc thu hẹp quy mô của chính sách tiền tệ và tác động của nó đối với thị trường tài chính và nền kinh tế nói chung.
Vì năm 2022 là một năm bầu cử và Đảng Dân Chủ đang cố gắng giữ vững [các ghế tại] Hạ viện và Thượng viện, nên các chuyên gia cho rằng tổng thống sẽ cần thuyết phục công chúng rằng đất nước đang đi đúng hướng. Cho đến nay, các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Mỹ nghĩ rằng điều ngược lại đang bày ra trước mắt họ.