Chủ tịch Fed Chicago nêu ‘dấu hiệu cảnh báo’ cho nền kinh tế Hoa Kỳ
Tom Ozimek
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago cho biết ông hy vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm, đồng thời nêu ra một số dấu hiệu cảnh báo cho nền kinh tế, chẳng hạn như chi tiêu tiêu dùng giảm. Chi tiêu tiêu dùng là động lực quan trọng cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn trên CNBC hôm 24/06, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago (Fed Chicago) Austan Goolsbee cho biết, ông “rất lạc quan rằng chúng ta sẽ chứng kiến sự cải thiện” trong vấn đề lạm phát, đồng thời nói thêm rằng ông cần có “thêm một chút tự tin” là áp lực giá đang thực sự giảm đi sau nhiều số liệu cao hơn mong đợi trong những tháng gần đây.
Ông cho biết các nhà hoạch định chính sách cần xét xem liệu mức lãi suất chuẩn tương đối cao của Fed, hiện nằm trong phạm vi khoảng từ 5.25 đến 5.5%, có còn phù hợp với một nền kinh tế đang bắt đầu có những dấu hiệu suy thoái hay không.
Ông nói rằng tình hình kinh tế hiện tại khác xa so với những điều kiện có thể được mô tả là “tình trạng quá nóng truyền thống”, đồng thời lưu ý rằng có “một số dấu hiệu cảnh báo” mà công chúng cần lưu ý.
Ông liệt kê số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng, tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng, và diễn biến dường như cho thấy xu hướng hạ nhiệt trong chi tiêu của người tiêu dùng – tất cả các yếu tố mà ông cho rằng đều nên khiến mọi người “thắc mắc chúng ta đang ở đâu trong thước đo thắt chặt tiền tệ của mình.” Khi đề cập đến “thước đo thắt chặt tiền tệ”, ông đang nói về các mức lãi suất.
Những dấu hiệu cảnh báo
Những dấu hiệu cảnh báo do chủ tịch Fed Chicago nhắn đến ngụ ý về sự hạ nhiệt của thị trường lao động và tình hình tiêu dùng yếu kém.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, đo lường số người nộp đơn xin nhận bảo hiểm thất nghiệp lần đầu tiên, là 238,000 người trong tuần kết thúc hôm 15/06, cao hơn một chút so với dự báo.
Mức trung bình bốn tuần là 232,750 người, tăng 5,500 người so với tuần trước và là mức cao nhất kể từ tháng 09/2023. Mức trung bình bốn tuần, mang lại bức tranh rõ ràng hơn về xu hướng chung, đã tăng đều đặn kể từ cuối tháng Tư – khi có 210,250 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh số đơn xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng đều đặn – diễn biến cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt – nền kinh tế Hoa Kỳ cũng đã chứng kiến sự gia tăng nợ quá hạn, với việc người Mỹ ngày càng lo lắng về việc mất đi công việc hiện tại.
Báo cáo tháng Tư từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng thanh toán hết nợ thẻ tín dụng của người tiêu dùng Mỹ. Theo dữ liệu quý 4/2023 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia, tỷ lệ tài khoản thẻ tín dụng có nợ quá hạn đã lên mức cao nhất trong lịch sử đối với mọi khung thời gian – [trễ hạn] 30 ngày, 60 ngày, và 90 ngày.
Một dấu hiệu khác cho thấy các chủ thẻ đang gặp khó khăn xuất hiện dưới dạng dữ liệu về hành vi trả nợ. Báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia cho thấy tỷ lệ tài khoản thực hiện khoản trả tối thiểu hàng tháng – trái ngược với việc trả nhiều để giảm số dư nợ – đã tăng 34 điểm cơ bản so với quý trước, cũng lên mức cao kỷ lục.
Hồi tháng Tư, một báo cáo về kỳ vọng người tiêu dùng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy nỗi lo của người Mỹ về việc mất việc làm đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 09/2020 – năm được đánh dấu bởi cuộc suy thoái nặng liên quan đến đại dịch. Báo cáo này cũng cho thấy nỗi lo của người tiêu dùng về khả năng trả nợ tối thiểu đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch xảy ra.
Những lo ngại liên quan đến nợ này đã được xác nhận trong báo cáo hồi tháng Năm của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, cho thấy tổng dòng nợ trễ hạn nghiêm trọng (nợ trễ hạn từ 90 ngày trở lên) trong quý 1/2024 đã tăng lên 1.08%, tăng từ mức 0.71% của cùng quý này năm trước.
Trong khi tỷ lệ nợ quá hạn nhìn chung vẫn là tương đối thấp so với các tiêu chuẩn lịch sử, tỷ lệ nợ quá hạn trong một số danh mục cụ thể – bao gồm nợ thẻ tín dụng, nợ mua xe hơi, và nợ tiêu dùng – đã tăng khá mạnh. Chẳng hạn, tỷ lệ thẻ tín dụng quá hạn đã tăng lên 4.57% trong quý 1/2024, tăng từ mức 3.04% của cùng quý này năm trước. Danh mục nợ được xác định là “nợ khác”, bao gồm nợ thẻ bán lẻ và nhiều khoản vay tiêu dùng khác nhau, đã tăng lên 4.35% trong quý 1, tăng từ mức 2.88% của cùng quý này năm trước.
Chi tiêu tiêu dùng
Trong những tháng gần đây, dữ liệu mới nhất về chi tiêu tiêu dùng, chiếm khoảng ⅔ sản lượng kinh tế và là động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, cũng đã cho thấy dấu hiệu đáng báo động. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, doanh số bán lẻ – đại diện cho chi tiêu của người tiêu dùng – đã tăng nhẹ 0.1% trong tháng Năm sau khi giảm 0.2% trong tháng Tư.
Nhà kinh tế David Rosenberg cho biết trong bài đăng trên X: “Với tốc độ tăng trưởng Doanh số Bán lẻ ở mức yếu nhất kể từ cuộc đại suy thoái, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm dần và chi tiêu bắt đầu cho thấy sự mệt mỏi ráng sức, nền kinh tế đang ở điểm tới hạn.”
Báo cáo gần đây của công ty tư vấn McKinsey cho thấy trong quý 2/2024, sự lạc quan của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm ngoái.
Các tác giả của báo cáo viết: “Tâm trạng bi quan về nền kinh tế đã tăng nhẹ, do những lo ngại về lạm phát, tình trạng dần cạn kiệt tiền tiết kiệm cá nhân, và nhận thức về sự yếu ớt của thị trường lao động.”
Báo cáo cho thấy mặc dù ý định chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu của người tiêu dùng tăng lên trong ba tháng tới, nhưng họ cũng có dự định giảm chi tiêu cho các mặt hàng tùy ý.
Báo cáo của Deloitte hồi cuối tháng Năm đã vẽ ra bức tranh tương tự. Báo cáo Deloitte cho thấy chỉ số sức khỏe tài chính của người tiêu dùng giữ ổn định trong những tháng gần đây, nhưng những ý định chi tiêu trong tương lai “vẫn cho thấy người tiêu dùng đang tập trung mạnh mẽ vào việc tiết kiệm thay vì chi tiêu quá khả năng.”