Chính vua Tự Đức cũng định cải cách việc học và phép thi
Chính sự cuối đời Tự-đức (1848-1883) hầu như một mớ tơ rối ! Nhưng không phải là có một chiều, một sớm xảy ra. Nguyên nhân sâu-xa – nếu ta chịu xét kỹ – chỉ vì học kém và học lầm. Học kém, là không biết đến cái hay, cái mới của người. Học lầm, là cử bo-bo giữ mãi tám vế kinh-nghĩa trong trường ốc !
Một cái ngạc-nhiên: Chính vua Tự-đức vẫn cứ canh-cánh lo tìm nhân-tài, nên đã tính cả đến việc cải-cách phép học, phép thi-cử. Nhưng sao nhà vua không mạnh bạo thực-hành ? Phải chăng tại đại đa số đình-thần bây giờ, vì tính cẩu-thả nhân tuần, vì lòng tự lợi, tự tư, đã làm hòn đá chân đường cải-cách về học-thuật cũng như về mọi phương diện khác ?
Đọc mấy trang sử hồi Nguyên-sơ, người ta nhận thấy ngay rằng nhân-tài bấy giờ rất thịnh, và văn-chương cũng rất hùng-tránh. Những áng văn có tiếng ở đời ấy hãy còn đầy-dẫy trên giấy trắng mực đen, chẳng hạn như:
“Sửa mũ áo lạy về bắc khuyết,
Ngọn quang-minh hun mát tấm trung can;
Chỉ non sông giã với cô thành,
Chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí” (1)
Và:
“Hồn tráng-sĩ biết đâu miền minh mạc,
Mịt mù gió lốc thổi dấu tha hương !
Mặt chinh-phu khôn vẽ nét gian nan,
Lập-lòe lửa chơi soi chừng cổ-độ” (2)
Nhưng đến đời Tự-đúc, khí-lực đã suy, văn-chương dần dần “ lăn” xuống cái “dốc bạc nhược” ! Trong đảm sĩ-phu, trừ ra một số ít có đầu óc sáng suốt và chí khí kiên-trinh, còn phần đồng đều không làm phỉ được lòng vua Tự-đức đã khát-khao mong mỏi…
Chứng-cớ ấy chúng tôi tìm thấy trong một tờ đụ của nhà vua ban ra nhằm năm Tự-đức thứ ba (1850) nói về việc châm-chước sửa-định phép học, phép thi và ngạch giải-khôi (chước định học pháp, thi pháp tính giải ngạch).
“… Khoa-mục mở rộng trải lâu năm rồi. Nhiều sĩ-phu bấy lâu nhờ ơn giáo-dục dần được hun nung, nắn đúc. Đáng lẽ nhận tài ngày càng thịnh hơn thuở trước mới phải chứ? Thế mà cầu lấy hạng thực-tài trong đám kẻ sĩ lựa được trong khoa gần đây lại thấy khác hẳn những bức thực học ở khoảng năm Minh-mạng (1820-1840)”.
“Năm trước trẫm đã thân ngự nơi hiên, ra chế sách để lượm nhặt được rộng, hỏi han được nhiều. Song những bài vở đình đối bấy giờ chỉ là những văn phù-phiếm sơ-lược chứ không phải những văn thực-dụng thiết yếu !”
Xem mấy lời ấy ở trong tờ dụ trên, đủ biết vua Tự-đức bấy giờ cũng vẫn một lòng chăm chăm sốt sắng, như bồn chồn, như ao ước một cái thiếu-thốn và cần thiết gì, mong mỏi tìm lấy một phương-pháp hay hơn, tốt hơn để làm cho đạt đến mục-đích, mục địch cầu được nhân tài.
Cho nên trong tờ dụ ấy lại nói: “Ôi, trong vòng mười bước tất có cỏ thơm; thiên-hạ rộng rãi há lại không có kỳ tài ? Song khoa-mục rộng hơn trước mà nhân tài lại dần dần không bằng xưa, phải chăng là do phép thi còn có chỗ không tinh mật, ngạch giải khối có lẽ phần nhiều còn phiếm và lạm, nên mới đến nỗi thế ? …”
Đó đủ chứng rằng nhà vua bấy giờ mong sửa cách thi cử thế nào để cầu lấy những tay thực-học, có thể kinh bang tế thế, thượng tri hạ trạch, dắt quốc-gia vào con đường lạc lợi phú cường, chứ không phải chỉ háo-hức chuốc lấy những người vuốt râu, rung đùi ngâm mấy câu thơ cho rõ kêu, hay gieo mấy cầu phú cho thật kênh-kiệu.
Chính vua Dục-Tông đã viết trong một bài “chế-sách” rằng: “Dĩ văn thủ nhân, phi trẫm bản tâm”. (Dùng văn-chương để kén người, không phải là bản tâm của trẫm). Vẫn cái ý ấy, vua Tự-đúc lại nói trong tờ dụ kể trên: “Thi-cử là một điển lệ long-thịnh, có quan-hệ đến việc chính-trị lớn-lao, cũng nên một phen sửa-sang xếp đặt lại. Cốt phải bắc cân cho thật đúng, treo gương cho thật sáng, rồi sau mới được nhân-tài, chứ há lại nên chỉ chuốc tiếng rộng-rãi mà bỏ mất điều cốt yếu là lựa-lọc nhân-tài ?…”
Có điều rất đáng lạ: sau tiếng gọi của nhà vua ân-cần, khẩn thiết như vậy, thì bỗng có tiếng dội lại rất thành-thực, rất thiết tha ra từ đáy lòng trong-sạch, sốt-sắng của một người công-dân làng Bùi-chu, tỉnh Nghệ-an, người ấy là Nguyễn Trường-Tộ; thể mà lời nói của ông không được dùng, bao tập điều-trần của ông cứ nằm im trong đồng công-văn, rút cục thuốc hay vẫn không cứu chữa được thời bệnh !
Chính ông Nguyễn Trường-Tộ đã nêu cao lên rằng: “ Học-thuật mù-mờ thì phong-hóa suy đồi, nhân-tâm cũng phù-phiếm, khinh-bạc, điêu-ngoa, dối-trá”.
Ông lại bạch rõ cho Triều-đinh thấy cái dở và cái mâu thuẫn của lối học vu-khoát ở đường-thời: “Thủa nhỏ, học nào lễ-nhạc, nào yến-tiệc, nào cư-xử, nào chiến-tranh về thời-đại đã qua của Trung-quốc, lớn lên lại làm những việc về lễ-nhạc, yến tiệc, cư-xử, chiến-tranh trong thời đại hiện tại ở nước Nam”
Mong chữa lại cái học sai lầm và hỏng to ấy, ông Nguyễn yêu cầu Triều-đình nên dắt nhân dân đi vào con đường học-thuật khác mới hơn, rộng hơn để thâu nhặt lấy “những món trí xảo của thiên-hạ” nghĩa là phải học thêm các môn học của Âu-tây. như pháp luật, nông phổ cách trí và kỹ-nghệ v.v.
Những lời hô hào của ông Nguyễn chỉ là tiếng nói trong bãi sa-mạc. Nên chỉ những bực nhân tài có thực học như ý muốn của vua Tự-đức đã tỏ trong tờ dụ nói trên, chỉ là những người trong mộng!
Lịch sử đã cho người ta một bài học !. Việc dĩ-vãng đã đặt một vết xe để cảnh tỉnh hiện tại và tương lai !
Nhân đời Tự-đức muốn cải cách phép học phép thi mà không làm xong này, chúng ta không khỏi nghĩ đến cái triết-lý về thuyết “tri, hành” (biết và làm).
Có thuyết cho rằng “biết” thì dễ, “làm” thì khó. Thuyết khác trái lại “biết” khó, “làm” dễ. Còn thuyết nữa thì hợp “biết” và “làm” làm một (tri, hành hợp nhất): có “biết” mới “làm” được, có“làm” được mời gọi là “biết”. Thuyết này là của nhà học-giả Vương-Dương-Minh.
Vậy xin nhờ các bạn độc-giả yêu-quí phán-đoản giúp xem thuyết nào đã đúng với trường hợp định cải-cách việc học, việc thi ở triều Tự-đức.
HOA BẰNG
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)
1) Văn tế phò-mã Võ-Tánh và Thượng-thư Ngô Tông-Chu. Coi Tri-Tân số 22, trang 17; số 30, trang 5.