Chính sách về Trung Quốc của TT Biden có cứng rắn như họ quảng bá không?
Stu Cvrk
Một chính sách chặt chẽ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc cộng sản cần cho thấy rõ các mục tiêu, mục đích, hậu quả/hình phạt, và các hành động trợ giúp được tích hợp và mang tính tương hỗ trên nhiều lĩnh vực.
Cần phải ngăn chặn một cách quyết đoán hành động gây hấn của Trung Quốc và đáp trả bằng những phản ứng cụ thể. Như đã được chứng minh vào giai đoạn trước khi xảy ra Đệ nhị Thế chiến, không có chỗ cho sự nhượng bộ (hợp tác), điều này chỉ dẫn đến thảm họa về lâu dài.
Người ta sẽ mô tả chính sách về Trung Quốc của chính phủ Tổng thống (TT) Biden như thế nào? Đó có phải là sự cạnh tranh? Hợp tác? Răn đe? Hay là sự kết hợp của các nguyên tắc cạnh tranh (nếu không muốn nói là mâu thuẫn)? Liệu “chính sách Trung Quốc mới” có thực sự cứng rắn đối với chính quyền Trung Quốc như chính phủ TT Biden và những người ủng hộ họ tuyên bố không? Hay đó chỉ là lời nói khoa trương mà không hề có hành động thực chất nào?
Chúng ta hãy cùng phân tích chủ đề này.
Áp thuế hay không áp thuế
Hồi năm 2020, khi TT Biden Joe Biden đang tranh cử, ông đã cam kết dỡ bỏ thuế quan mà người tiền nhiệm của ông đã áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc (tín hiệu cho việc tái hợp tác), đồng thời tuyên bố rằng thuế quan của cựu TT Donald Trump đang gây tổn hại cho người tiêu dùng, nông dân, và các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều đó là không đúng. Trên thực tế, một phần trong “chính sách mới về Trung Quốc của ông Biden” có việc giữ lại các mức thuế quan áp dụng rộng rãi từ thời cựu TT Trump và bổ sung thêm 18 tỷ USD thuế quan mới áp dụng cho xe điện, pin mặt trời, thép, nhôm, và một số thiết bị y tế.
Cũng như thuế liên bang nói chung, trong thuế quan thì luôn có người được kẻ mất. Thuế quan đã được sử dụng như một chính sách kinh tế của Hoa Kỳ để “bảo vệ” và phát triển các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ kể từ khi lập quốc. Những người ủng hộ tự do thương mại đã cương quyết phản đối [chính sách] thuế quan đối với Trung Quốc thời ông Trump nhưng lại đột nhiên im lặng trước các hành động về thuế quan gần đây của TT Biden.
Răn đe hay không răn đe
Tháng 03/2022, TT Biden đã có một cuộc điện đàm kéo dài hai giờ đồng hồ với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó ông Biden nói với ông Tập rằng Bắc Kinh sẽ lãnh hậu quả nếu nước này cấp “tài trợ vật chất” cho Nga sau khi Nga xâm chiếm Ukraine. Bề ngoài thì những hậu quả không được nêu rõ đó nhằm ngăn chặn các hành động của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cộng sản Trung Quốc dường như đã thu lợi bằng cách hỗ trợ cố gắng chiến tranh của Nga. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã thừa nhận những điều sau đây trong buổi họp báo hồi tháng Tư với các bộ trưởng G7 trên đảo Capri: “Khi nói đến cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, quốc gia đóng góp chính vào thời điểm này là Trung Quốc. Chúng tôi thấy Trung Quốc chia sẻ công cụ máy móc, chất bán dẫn, và các vật phẩm lưỡng dụng khác giúp Nga tái xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng.” Tờ The Straits Times đã xác định một số trong các viện trợ của Trung Quốc đó là “công nghệ thiết bị bay không người lái và hỏa tiễn, hình ảnh vệ tinh, các công cụ máy móc và chỉ thiếu viện trợ vũ khí gây sát thương” cho Nga.
Nếu chỉ răn đe mà không có hình phạt kèm theo thì chắc chắn không hiệu quả. Phản ứng của Hoa Kỳ đối với việc Trung Quốc vượt qua lằn ranh đỏ đó cho đến nay chỉ giới hạn ở việc Bộ Thương mại bổ sung 37 tổ chức Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại hôm 09/05, nhưng danh sách đó (được đưa ra kể từ sự việc khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua lãnh thổ Hoa Kỳ hồi năm ngoái) đã được xem xét trong nhiều tháng.
Thực thi chính sách hay không thực thi
Việc ngăn chặn hành vi gây hấn của Trung Quốc cộng sản phải là yếu tố cốt lõi trong bất kỳ chính sách nhất quán nào của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Trong đó bao gồm việc ngăn chặn các hành động của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) ở Eo biển Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm trợ giúp các đồng minh của Hoa Kỳ. Mục tiêu là răn đe chính quyền Trung Quốc chứ không phải bị đảng này răn đe. Sự răn đe này bao gồm việc xây dựng chính sách của Hoa Kỳ dựa trên lợi ích của những bên ủng hộ hợp tác với Trung Quốc, cũng như giảm thiểu mối đe dọa từ PLA để tránh phải nâng cấp năng lực quân sự Hoa Kỳ nhằm ứng phó với các hành động của PLA.
Chính phủ TT Biden dường như đang giao tiếp với Bắc Kinh bằng những thuật ngữ mâu thuẫn. Một mặt, Hải quân Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải thường lệ ở Eo biển Đài Loan. Hoa Kỳ cũng đã khai triển các năng lực quân sự mới, trong đó có Trung tâm-Cảng Liên quân Sẵn sàng Đa Quốc gia Thái Bình Dương (JPMRC-X) đặt tại Philippine và mới đây còn hoàn thành Cuộc tập trận Balikatan 24, vốn tập trung vào việc bảo vệ lãnh thổ để đáp trả các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines gần bãi Cỏ Mây.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, trong đó có ông Blinken, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, đã đến Bắc Kinh để tiếp tục thúc đẩy hợp tác và gắn kết Hoa Kỳ–Trung Quốc.
Hồi tháng Tư, Tờ The New York Post đã có bài xã luận nói rằng chính phủ TT Biden chưa hề thực hiện hành động cụ thể nào đối với chế độ cầm quyền Trung Quốc khi nước này “không ngừng khiêu khích Đài Loan, bán các chất thành phần chế tạo fentanyl đến Mexico, từ bỏ hoàn toàn các cam kết trong hiệp ước về tự do ở Hồng Kông, khai triển khí cầu do thám trên bầu trời Mỹ quốc, [và] tuyên bố Biển Đông là lãnh thổ của mình.”
Hơn nữa, theo RealClearPolicy, chính phủ TT Biden mong muốn khen thưởng hành vi xấu của Trung Quốc khi “[đặt] lợi ích của các hãng hàng không Trung Quốc lên trên lợi ích của các hãng hàng không Hoa Kỳ” thông qua việc tăng cường số lượng chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc ra vào Hoa Kỳ.
Kết luận
Vấn đề trong chính sách đối với Trung Quốc của chính phủ TT Biden liên quan đến việc thực thi, bao gồm cả nguồn lực và ý chí để thực hiện việc thực thi đó.
Hoa Kỳ chưa bao giờ khôi phục được năng lực quân sự sau đợt cắt giảm quân số đột ngột (đầy tai hại?) sau Chiến tranh Lạnh. Ngân sách quốc phòng của TT Biden vào năm 2023 chỉ tăng 1%, mà giá trị thực của ngân sách này trên thực tế lại giảm đi do lạm phát cao. Điều này xảy ra trong bối cảnh cần phải thay thế/hiện đại hóa toàn bộ bộ ba hạt nhân của Hoa Kỳ (vốn đã hoạt động quá tuổi thọ dự kiến), bao gồm tàu ngầm hạt nhân (thiết bị răn đe chính để đẩy lùi hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Đông Á), oanh tạc cơ chiến lược (Hoa Kỳ chỉ có 19 chiếc oanh tạc cơ tàng hình đã cũ, với sáu chiếc B-21 Spirit mới đang được chế tạo), và lực lượng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III (ICBMs) cũ trên đất liền. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nếu nói về những yêu cầu cần thiết trong việc khôi phục năng lực quân sự của Hoa Kỳ để ngăn chặn thành công mọi mối đe dọa, đặc biệt là từ Trung Quốc cộng sản.
Tóm lại, Hoa Kỳ cần quay trở lại chính sách “hòa bình thông qua sức mạnh” thời cố TT Reagan, nhằm ngăn chặn các hành động của những địch thủ tiềm ẩn đang đắc chí và các đại diện của họ.
Ông Stu Cvrk đã về hưu với cương vị là một thuyền trưởng sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ ở nhiều vị trí chính quy và dự bị khác nhau, cùng với kinh nghiệm hoạt động đáng kể ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm của một nhà phân tích hệ thống và nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục tự do chính thống đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho các bài bình luận chính trị của ông.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.