Chính sách tài khóa điên rồ của lưỡng đảng chúng ta
Tôi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng chi tiêu khiến thâm hụt ngân sách của liên bang kéo dài triền miên – do cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ thực hiện – khiến Hoa Kỳ rơi vào vực thẳm tài chính trong hơn một thập kỷ qua. Tôi thấy kỷ lục bị phá khi định kỳ ghi lại tất cả những điều điên rồ đó. Rồi cũng không thể tránh khỏi, nó khiến tôi có cảm giác như đang nhìn thấy đoạn phim quay chậm một đoàn tàu đang dần trật bánh rồi đổ nhào.
Tôi nhận thấy có các mốc quan trọng khác nhau trong quá trình nguy hiểm này:
Người Mỹ với tư cách là một người dân hoặc một thể chế chính trị thì thường thờ ơ một cách đáng kinh ngạc với nợ [quốc gia] và xem nó như một cách sống (tạm thời) bình thường.
Một dấu hiệu đáng lo ngại cho con đường tương lai là viễn cảnh tồi tệ về việc nhiều đồng dollar thuế của chúng ta sẽ phục vụ cho việc chi trả nợ quốc gia hơn là cho quốc phòng. (Tôi cũng nêu ra rằng điều này chỉ có thể thực hiện nhờ có sự phục tùng của ngân hàng trung ương, Cục Dự trữ Liên bang; họ đã kìm hãm lãi suất – chi phí phải trả khi vay tiền – trong hơn một thập kỷ và thực sự, đã tự đi vào ngõ cụt, rằng lãi suất cực thấp là lựa chọn về mặt chính sách duy nhất của họ cho đến khi một trận đại hồng thủy tài chính xảy ra.)
Tôi lưu ý rằng Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy Donald Trump – mặc dù đã áp dụng một số chính sách thông minh về kinh tế – hoàn toàn không muốn kiềm chế chi tiêu liên bang. Không giống như một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa trong những năm trước, ông Trump nhận thấy rằng chương trình chi tiêu lớn của Đảng Dân Chủ là không thể ngăn cản. Ông đã thể hiện sự nhượng bộ lớn này bằng cách sẵn sàng đồng ý tạm dừng mức trần đối với nợ quốc gia theo luật định của Hoa Kỳ vào mùa hè năm 2019; và sau đó thông qua mức tăng 1.4 nghìn tỷ USD trong chi tiêu của chính phủ vào tháng 12/2019. Kể từ đó, vấn đề chi tiêu thâm hụt đã tăng lên với tốc độ chóng mặt.
Trong bài viết của tôi về đợt bùng nổ chi tiêu vào tháng 12/2019, tôi đã nhấn mạnh một bài toán thực tế đơn giản của cuộc sống rằng thâm hụt liên bang đang tăng lên, mặc dù doanh thu của chính phủ tăng 4%, nhưng chi tiêu đã tăng đến 8%. Đến nay thì vòng quay nhanh hơn: Theo số liệu của bộ phận Theo dõi Thâm hụt của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, tính đến tháng 04/2021, “Doanh thu đã tăng 6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, chi tiêu cộng dồn [theo thời gian] đã tăng 45% so với tốc độ của năm ngoái.”
Chúng ta có vấn đề về tiêu xài, không phải là vấn đề về doanh thu, thưa quý vị!
Lý do hoặc sự không hợp lý – quý vị muốn gọi thế nào cũng được – về sự gia tăng đáng kinh ngạc này là phản ứng vô cùng mạnh gây ra vấn đề của liên bang đối với đại dịch COVID-19. Do đó, trong năm tài chính 2020, chính phủ liên bang đã chi 6.55 nghìn tỷ USD trong khi thu về 3.42 nghìn tỷ USD doanh thu. Nói cách khác, gần một nửa chi tiêu liên bang được bù đắp bởi các khoản nợ mới. Điều này đã xảy ra với sự ủng hộ hoàn toàn của một tổng thống Đảng Cộng Hòa.
Cũng giống như ông Trump đang chứng minh một cách thuyết phục rằng Đảng Cộng Hòa là đảng của Chính phủ Lớn (Big Government); người kế nhiệm đến từ Đảng Dân Chủ, Tổng thống Joe Biden, đã không lãng phí thời gian để chứng minh một cách thuyết phục rằng đảng của ông còn là đảng của Chính phủ Lớn hơn (Bigger Government).
Ngay từ khi ông Biden trở thành tổng thống, hơn một nửa chi tiêu của liên bang đang được tài trợ bởi nợ. Ông Biden, với sự giúp đỡ của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ–California) và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ–New York), cộng thêm (lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống Kamala Harris), đã thông qua “Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ trị giá 1.9 nghìn tỷ USD.” (Lưu ý từ “kế hoạch”, hãy nghĩ đến “chủ nghĩa xã hội” và xem các điểm kết nối chúng với nhau.)
Ông Biden đã cố gắng thuyết phục công chúng về kế hoạch đó là để cứu trợ chống COVID-19, nhưng khoảng 90% số tiền từ kế hoạch này là dành cho các mục đích khác. Và bây giờ ông ta đang thúc đẩy gói “Cơ sở hạ tầng” với chi phí ban đầu là 2.2 nghìn tỷ USD, mặc dù The New York Times ước tính rằng con số cuối cùng có thể hơn 4 nghìn tỷ USD. Tạp chí Fortune mô tả sáng kiến chi tiêu mới này (được dán nhãn vô hại là “Đạo luật Việc làm của Hoa Kỳ”) như một “túi giật tiền” trong đó có lẽ chỉ có 1/4 số tiền thực sự sẽ được chi cho cơ sở hạ tầng.
Hãy để tôi làm rõ hai điểm về hàng nghìn tỷ dollar nợ mới của chính phủ:
Thứ nhất, trong khi quan điểm lâu nay cho rằng con cháu chúng ta sẽ trả được các khoản nợ này, nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Ồ, những đứa trẻ của chúng ta sẽ phải trả giá cho sự điên rồ tài chính này; đó là điều chắc chắn, nhưng đừng mong chúng trả nổi nợ. Tôi nói điều này vì hai lý do: (1) Số tiền quá lớn và đơn giản là không thể hoàn trả được (có lẽ ngoại trừ khi đồng tiền mất giá thê thảm); (2) Nhìn vào sự háo hức của Đảng Dân Chủ trong việc xóa nợ vay học đại học và còn cho không các khoản miễn phí đắt tiền; họ tin tưởng rằng nợ không phải là một cam kết có nghĩa vụ phải thực hiện, mà là một sự bất tiện chỉ cần bỏ qua. Vay tiền miễn phí là liều thuốc chữa bách bệnh. Mong chờ trả được nợ là một sự bất công tư sản, tư bản chủ nghĩa.
Thứ hai, và căn bản hơn, phương pháp tài chính công của chúng ta hoàn toàn bị sai lệch. Khoảng một nửa số người lao động Hoa Kỳ không phải trả thuế thu nhập hoặc thậm chí được nhận tiền trợ cấp hàng năm từ ‘Chú Sam’ trước khi chính sách chi tiêu tăng lên gần đây. Mặc dù tôi chắc chắn không ủng hộ việc tấn công người khác khi họ đã ngã gục, nhưng việc miễn cho nhiều người không phải trả bất kỳ khoản thuế thu nhập nào tạo ra động lực cho những cử tri ủng hộ chi tiêu chính phủ cao hơn vì họ biết rằng họ sẽ không phải giúp trả nợ cho chi tiêu – thế là, thâm hụt cao ngất. Nó lại còn trở nên tồi tệ hơn.
Gần đây, khi thực hiện việc khai thuế năm 2020 của mình, tôi nhận ra rằng chúng tôi nhận được từ ‘Chú Sam’ theo kế hoạch chi trả trực tiếp do COVID-19 nhiều hơn số tiền chúng tôi nợ thuế. ‘Chú Sam’ đang trả cho tôi nhiều hơn tôi đang trả cho ông ta, và tôi là đại diện cho người nộp thuế trung lưu. Làm thế nào một chính phủ có thể đủ khả năng trả cho những công dân có thu nhập trung bình của mình nhiều hơn những gì họ trả cho chính phủ?
Điều này khiến tôi nhớ lại tuyên bố của Tổng thống Grover Cleveland, “Mặc dù người dân ủng hộ chính phủ, [nhưng] chính phủ không nên hỗ trợ người dân.”
Chính phủ không những “không nên” hỗ trợ chúng ta, mà họ thực sự không thể. Chính phủ không có sẵn tiền mà chỉ có các khoản tiền thu trước tiên từ những người dân; vì vậy nếu mà hầu hết mọi người hoặc không phải trả thuế hoặc nhận các khoản trợ cấp từ chính phủ, thì đó một chính sách tài khóa bất khả thi. Đây là sự khờ dại – điên rồ, thực sự là đỉnh cao của sự điên rồ khờ dại.
Tác giả Mark Hendrickson, một nhà kinh tế học, ông mới nghỉ hưu từ trường Grove City College, và tiếp tục là thành viên về chính sách kinh tế và xã hội tại Viện Niềm tin và Tự do.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.