Chiếc áo cưới ‘vượt thời gian’ do mẹ tự tay may cho con gái khiến khách mời và chú rể trầm trồ
Louise Chambers
Một người mẹ yêu thương con đồng thời cũng là thợ may thời trang cao cấp đã thực hiện chiếc áo cưới trong mơ của con gái bà. Thành quả bà tạo ra là một chiếc áo cưới cổ điển, mang nét đẹp vượt thời gian, làm khách mời lẫn chú rể thán phục.
Người mẹ hai con kiêm thợ may Louise Wardlaw 59 tuổi, sinh ra ở Surrey, Anh và đã chuyển đến California hồi năm 30 tuổi. Hiện nay, bà sống tại Nashville, Tennessee. Con gái út của bà, Arabella Fumia, 26 tuổi, là giáo viên giáo dục đặc biệt ở Nashville.
Bà Wardlaw đã luôn may áo đầm cho các cô con gái và bạn bè của họ suốt thời ấu thơ. Vì vậy, đến lúc cô Fumia dự tính cho hôn lễ của mình, thì mẹ cô là lựa chọn hiển nhiên cho vị trí thợ may áo cưới.
‘Chiếc áo cưới sẽ rất đặc biệt’
“Từ bé đến lớn, tôi nghĩ đó là một trong những điều mà tôi gần như coi là chuyện hiển nhiên,” cô Fumia chia sẻ với The Epoch Times. “Mẹ may áo dạ hội prom, áo dạ hội đánh dấu tuổi thành niên cho chúng tôi và các bạn. Sau đó, khi trưởng thành, bạn bè chúng tôi bắt đầu kết hôn, thì mẹ tôi may áo đầm dự tiệc cưới.”
Tuy nhiên, chỉ sau khi chuyển đi xa và nhận ra những người khác không được có mẹ may áo đầm cho từ bé đến lớn, thì cô Fumia mới nhận ra những chiếc áo đầm của cô đặc biệt đến thế nào.
“Khi đến lúc tôi phải chọn cho mình một chiếc áo cưới, tôi đã nói với mẹ, ‘Mẹ ơi, con muốn mẹ may áo cưới cho con. Chiếc áo ấy hẳn sẽ đặc biệt lắm,’” cô kể lại.
Mặc dù bà Wardlaw cảm thấy rất vinh dự với cơ hội này, bà cũng biết rằng cách làm việc của bà và con gái rất khác nhau. Người mẹ hai con này mô tả cô Fumia là một người cầu toàn.
“Tôi là một người có tính nghệ sĩ, vì vậy cách làm việc của chúng tôi khá khác biệt, nhưng đó cũng là một điều tuyệt vời,” bà Wardlaw chia sẻ. “Vấn đề chính của tôi là con bé không quyết định được mình muốn gì cho đến tận tám tuần trước đám cưới!”
Cô Fumia và mẹ đã thử rất nhiều áo cưới khi cô dâu sắp cưới này và vị hôn phu của cô, Chris Fumia, đính hôn. Cuối cùng, họ đã chọn một thiết kế chữ A trang nhã với viền ren tinh tế ở thân áo. Bà Wardlaw đã tìm được nguồn loại vải ren Chantilly từ Los Angeles, và thật may mắn là con gái của bà rất ưng ý với nó.
Để nâng thêm vẻ đẹp của chiếc áo cưới, bà Wardlaw đã thiết kế ra một lớp đuôi váy dài bên ngoài móc vào phần eo của áo cưới, còn chiếc voan đội đầu thì được kết lại từ những mẫu ren thừa.
Ngoài việc may áo cưới cho con gái mình, bà Ward cũng đảm nhận trọng trách may trang phục cho buổi tiệc tối trước đám cưới, cho bé gái cầm hoa, bé trai giữ nhẫn, cho chính bà, và cho mười cô phù dâu.
“Tôi muốn tất cả các kiểu dáng phải có sự ăn ý với nhau,” cô Fumia chia sẻ. Cô đã tự tay thu xếp các việc cho đám cưới của mình. “Nhiều phù dâu của tôi là những cô gái mà [mẹ tôi] đã may đầm prom cho, những người tôi đã cùng lớn lên, những người đã đồng hành cùng tôi cả chặng đường này.”
Một quá trình
Với khối lượng công việc rất lớn phía trước, bà Wardlaw đã biến căn phòng trong ngôi nhà của bà ở Nashville trở thành “phòng may hoàn hảo”. Tuy nhiên, ở đó không có nhóm thợ may của bà – trước đây bà từng sở hữu và điều hành công ty thời trang Louise Tryphena ở California – nhưng bà đã “nhanh chóng hoàn thành” tất cả, may đến sáu tiếng một ngày.
“Tôi thật sự tận hưởng khoảng thời gian trị liệu kỳ lạ này trong phòng may của tôi, lắng nghe podcast, và cứ thế trôi qua,” bà chia sẻ. “Đó là cả một quá trình, nhưng là một quá trình thật sự thú vị bởi vì tôi đã về hưu, và tôi đã không còn may 50 chiếc áo cưới mỗi năm như trước nữa.”
Mỗi chiếc áo phụ dâu mất khoảng 6 giờ đồng hồ để hoàn thành. Việc thử áo khá nhiêu khê bởi vì các cô phù dâu sống rải rác ở California, New York, và Nashville.
Trong khi đó, chiếc áo cưới của cô Fumia cần tổng cộng 24 tiếng mới hoàn thành, và cô dâu tham gia vào mọi công đoạn trong đó.
“Con bé cứ đều đặn đến sau giờ làm việc,” bà Wardlaw nói. “Nó luôn hết sức khi về đến nhà sau giờ làm… Tôi luôn phải chọn đúng thời điểm cho việc thử áo; nếu không thì chắc tôi sẽ phải gọi điện cho chị nó và than thở, ‘Trời ơi, con không tin được những gì mà nó đã làm đâu!’… Bây giờ, chúng tôi chỉ bật cười vì đó là cả một chuỗi việc đã qua!”
Khoảnh khắc như mơ
Vào một tuần trước ngày cưới, cô Fumia thử áo lần cuối cùng. Như thường xảy ra với các cô dâu, bà Wardlaw nói, cô đã bị sút cân; toàn bộ phần thân áo phải được tháo ra, sửa lại, và ráp lại.
Lần đầu khoác lên mình chiếc áo, cô Fumia nói: “Cảm giác ấy giống hệt như quá trình quen thuộc của các buổi thử đầm, chỉnh sửa, và rồi thành một chiếc đầm hoàn chỉnh. Giống như những buổi thử đồ mà tôi và mẹ đã làm cùng nhau suốt cuộc đời. Nhưng đến khi đội chiếc voan lên, cảm giác như thể, ‘Trời ơi, chiếc áo cưới của mình đây sao!”
Vào ngày cưới, bộ trang phục được hoàn thiện với chiếc trâm cài áo xinh đẹp mà mọi phụ nữ trong gia đình cô đều cài trong ngày cưới của họ – chiếc trâm được cài vào phần trên cùng hàng cúc áo ở phần lưng áo cưới.
“Cảm giác như mọi thứ đã hoàn thiện, và đó đúng là một khoảnh khắc kỳ diệu,” cô Fumia chia sẻ.
Và như thế, vào 03/06, trước sự chứng kiến của 250 khách mời tại The Ranch ở thành phố Laguna Beach, California, cô Fumia đã chính thức kết hôn với anh Fumia.
Chiếc áo cưới thanh lịch của cô Fumia, và tác phẩm thủ công của bà Wardlaw, đã tạo ra ấn tượng sâu sắc cho tất cả khách mời, và quan trọng hơn cả, là chú rể. Cô Fumia đã dành lời tri ân cho công sức của mẹ ở mặt sau của tờ giới thiệu chương trình lễ cưới, và anh Fumia cũng đặc biệt nhắc đến mẹ vợ trong bài diễn văn lễ cưới của mình.
“Anh ấy đã nói, ‘Nếu bất kỳ ai trong số các bạn từng có cho mình một chiếc đầm hoặc trang phục do mẹ Louise thực hiện, dù là may mới hay chỉnh sửa, xin hãy đứng dậy!’ cô Fumia kể. “Tôi nghĩ phải đến 90% khán giả đứng dậy, rồi mọi người vỗ tay không ngớt, và nhiếp ảnh gia đã chụp được một bức ảnh tuyệt vời của mẹ tôi, đang mỉm cười và lắng nghe.’”
Về phần chiếc áo cưới, cô Fumia kể rằng cô đã nhận được rất nhiều lời bình luận từ khách mời, họ không thể tin được chiếc áo này công phu đến vậy.
“Rất nhiều người nói rằng đây là chiếc áo cưới “vượt thời gian”, và tất cả chúng tôi đều trầm trồ trước chiếc áo ấy.
Sau tuần trăng mật ở Italy, cặp vợ chồng mới cưới tổ chức thêm một buổi lễ thứ hai tại London, Anh quốc, vào 23/06 để bà ngoại 93 tuổi của cô dâu có thể góp mặt. Bà Wardlaw đã chỉnh sửa tất cả trang phục trong bữa tiệc cưới thành trang phục phù hợp cho một sự kiện ít trang trọng hơn.
“Đó là một buổi tiệc trà chiều tại Anh, chúng tôi chẳng cần mặc đầm dài thượt,” cô kể. “Chỉ có 50 người và có một bé gái nhỏ ở nhà thờ nơi chồng tôi lớn lên.”
Bà của cô Fumia đã mặc một chiếc áo dạ hội mà bà đã từng diện trong lễ cưới của cha mẹ cô cách đây 35 năm.
Niềm đam mê trọn đời
Bà Wardlaw phải đối mặt với chứng khó đọc nghiêm trọng khi lớn lên, một tình trạng đã bị ngôi trường của bà phớt lờ. Mẹ bà ghi danh cho bà vào trường Đại học Thời trang London vào năm 1983. Bà vừa theo học vừa làm hai công việc để trang trải học phí. Được bà ngoại dạy may vá từ nhỏ, bà học chuyên về thiết kế thời trang và tạo mẫu.
Công ty đầu tiên của bà Wardlaw có tên là Weasel Inc, đặt trụ sở tại London. Sau khi chuyển đến California, bà Wardlaw trở thành một bà mẹ nội trợ nhưng nhanh chóng quay lại với niềm đam mê của mình bằng cách may rèm cho một người bạn, làm công việc thiết kế nội thất, và cuối cùng, thành lập thương hiệu Louise Tryphena. Bà đã về hưu năm 2018.
Đám cưới của con gái là một lời nhắc nhở cho tay nghề tinh xảo cũng như niềm đam mê trọn đời của bà.
“Tôi xúc động tột độ,” bà chia sẻ với The Epoch Times. “Tôi vẫn còn lâng lâng hạnh phúc vì mọi thứ. … Thật sự là một cảm giác nhẹ nhõm khi biết tất cả đã hoàn thành, mọi thứ diễn ra suôn sẻ, và con bé thích nó.”