Chỉ một tiếng mất ngủ cũng làm giảm sự hào phóng của chúng ta
UC Berkeley’s Haas School of Business
Thiếu ngủ được biết là có liên quan với sự gia tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, trầm cảm, tiểu đường, tăng huyết áp, và tỷ lệ tử vong chung. Ngoài ra, những khám phá mới còn cho thấy việc thiếu ngủ cũng khiến lương tâm xã hội cơ bản của chúng ta suy yếu, khiến chúng ta ít mong muốn và sẵn lòng giúp đỡ người khác.
Trong một phần của nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã cho biết rằng: Việc đóng góp từ thiện trong tuần lễ sau khi kéo đồng hồ lên một tiếng vào mùa xuân (daylight saving time) đã giảm 10% – mức giảm này không xuất hiện ở các tiểu bang không thay đổi giờ, hoặc khi trở lại thời gian tiêu chuẩn vào mùa thu.
Nghiên cứu được giáo sư tâm lý học Matthew Walker thuộc Đại học California–Berkeley và nhà khoa học nghiên cứu Eti Ben Simon dẫn đầu, đã bổ sung thêm bằng chứng chứng minh rằng việc thiếu ngủ không những gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của một cá nhân, mà còn làm tổn hại đến mối quan hệ giữa các cá nhân – và thậm chí tình cảm vị tha của cả một dân tộc.
“Việc bị thiếu ngủ dù chỉ một tiếng thôi cũng là một cú đánh trực tiếp vào thiện tâm bẩm sinh của con người chúng ta…”
“Trong hơn 20 năm qua, chúng tôi đã phát hiện ra mối quan hệ rất mật thiết giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần của chúng ta. Thật vậy, chúng tôi đã không thể phát hiện ra bất kỳ tình trạng tâm thần nghiêm trọng nào từ những người có giấc ngủ bình thường,” Giáo sư Walker nói.
“Và nghiên cứu mới này cũng chứng minh rằng việc thiếu ngủ không chỉ gây hại cho sức khỏe của một cá nhân mà còn làm suy giảm sự giao tiếp xã hội giữa các cá nhân và hơn nữa, làm suy yếu cấu trúc của xã hội loài người. Cách chúng ta hoạt động như một cộng đồng xã hội – và cách chúng ta sống như là một cộng đồng xã hội – dường như phụ thuộc sâu sắc vào thời lượng ngủ của chúng ta”.
Nhà khoa học Ben Simon cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thấy ngày càng có nhiều nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu này, phát hiện ra tác động của việc thiếu ngủ không chỉ dừng lại ở một cá nhân mà còn lan truyền sang cả những người xung quanh chúng ta nữa. Nếu bạn ngủ không đủ giấc thì điều đó không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe của chính bạn mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn bộ cộng đồng xã hội.
Ông Ben Simon, ông Walker, và các đồng nghiệp là Raphael Vallat và Aubrey Rossi công bố kết quả nghiên cứu của họ trên tập san PLOS Biology. Giáo sư Walker là giám đốc của Trung tâm Khoa học về Giấc ngủ Con người. Ông và ông Ben Simon là thành viên của Viện Khoa học Thần kinh Helen Wills tại Đại học California–Berkeley.
Những vùng não hình thành ‘lý thuyết về mạng lưới tâm trí’ – hoạt động khi mọi người đồng cảm với người khác hoặc cố gắng hiểu mong muốn và nhu cầu của người khác – hoạt động kém hơn sau một đêm mất ngủ.
Tác giả Ben Simon cho biết, “Khi chúng ta nghĩ về người khác, mạng lưới này sẽ tham gia vào và cho phép chúng ta hiểu về nhu cầu của người khác như: Họ đang nghĩ về điều gì? Họ có bị đau không? Họ có cần giúp đỡ không? Tuy nhiên, mạng lưới này bị suy yếu rõ rệt khi chúng ta bị thiếu ngủ. Có vẻ như những vùng não này đã không phản ứng khi chúng ta cố gắng giao tiếp với người khác sau khi ngủ không đủ giấc.”
Trong nghiên cứu thứ hai, họ đã theo dõi hơn 100 người trực tuyến trong ba hoặc bốn đêm. Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu đã đo phẩm chất giấc ngủ của họ – họ ngủ bao lâu, họ thức dậy bao nhiêu lần – và sau đó đánh giá sự mong muốn giúp đỡ người khác của họ, chẳng hạn như mở cửa thang máy cho người khác, tình nguyện hoặc giúp đỡ một người lạ bị thương trên đường phố.
“Đối với nhóm người này, chúng tôi phát hiện ra rằng nếu phẩm chất giấc ngủ bị giảm từ đêm này sang đêm khác thì việc mong muốn giúp đỡ người khác cũng giảm đáng kể từ ngày này sang ngày khác,” ông Ben Simon nói. “Những người có giấc ngủ kém vào đêm hôm trước là những người ít sẵn sàng và ít muốn giúp đỡ người khác vào ngày hôm sau.”
“Giấc ngủ… là chất bôi trơn đáng kinh ngạc cho xã hội, cho sự kết nối, đồng cảm, tử tế, và hành vi hào phóng của con người.”
Phần thứ ba của nghiên cứu liên quan đến việc khai thác cơ sở dữ liệu về 3 triệu khoản quyên góp từ thiện ở Hoa Kỳ từ năm 2001 đến 2016 – để xem xem số lượng quyên góp từ thiện có thay đổi sau khi kéo lên một tiếng [vào mùa xuân] và do mất một giờ đồng hồ ngủ không? Họ nhận thấy số quyên góp giảm 10%. Sự giảm sút tương tự trong việc tặng quà từ thiện này đã không xảy ra ở các vùng không có sự thay đổi giờ giấc.
“Ngay cả một ‘thời lượng’ rất khiêm tốn của việc thiếu ngủ – ở đây, chỉ mất có một tiếng ngủ (do thay đổi giờ) – cũng có tác động rất thực tế và có thể đo lường được đối với sự hào phóng của mọi người, và do đó tác động đến cách chúng ta hoạt động với tư cách là một cộng đồng xã hội,” ông Walker nói. “Khi mọi người bị thiếu ngủ dù chỉ một tiếng thôi, thì cũng có tác động rõ ràng đến lòng tốt bẩm sinh của chúng ta và động lực giúp đỡ người gặp khó khăn của chúng ta.”
Tình trạng thiếu ngủ buộc mọi người phải thu mình và trở nên cô lập hơn về mặt xã hội. Thiếu ngủ cũng làm tăng cảm giác cô đơn. Tệ hơn nữa, khi những người thiếu ngủ đó giao tiếp với người khác thì họ lại lây lan sự cô đơn của mình sang những người đó; nó gần giống như một loại virus vậy, ông Walker nói.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, chúng ta bắt đầu thấy rằng thiếu ngủ tạo ra những con người trầm lặng, xa lánh xã hội và, từ góc độ giúp đỡ, cá nhân chống đối xã hội – điều này dẫn đến hậu quả rõ ràng đối với cách chúng ta sống chung với nhau như một xã hội. Thiếu ngủ khiến cho mọi người trở nên ít thông cảm hơn, ít hào phóng hơn, thu mình lại với xã hội hơn và tình trạng này rất dễ lây lan – có sự lây lan của tình trạng cô đơn.
Ông Walker cho biết thêm: “Chúng tôi nhận ra rằng thời lượng và phẩm chất của giấc ngủ làm ảnh hưởng đến toàn xã hội, là nguyên nhân gây ra sự suy giảm hành vi xã hội. Điều này có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về tình trạng xã hội của chúng ta trong thời đại ngày nay.”
Phát hiện này cũng đưa ra một cách tiếp cận mới để cải thiện những khía cạnh cụ thể này của xã hội chúng ta.
Ông Ben Simon nói: “Việc khuyến khích giấc ngủ, thay vì làm mọi người xấu hổ vì ngủ đủ giấc, có thể giúp hình thành các mối quan hệ xã hội trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta.”
Tác giả Walker, tác giả của quyển sách bán chạy nhất trên thế giới “Why We Sleep” (Tại Sao Chúng Ta Ngủ, Penguin Random House, 2017) cho biết: “Hóa ra, giấc ngủ là một chất bôi trơn đáng kinh ngạc trong hành vi xã hội, kết nối, đồng cảm, tử tế, và hào phóng của con người. Trong những thời khắc chia rẽ này, nếu cần một chất bôi trơn mạnh mẽ, vì lợi ích xã hội để giúp chúng ta trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình trong xã hội, thì giấc ngủ ngon thực sự là một điều rất cần thiết. Giấc ngủ có thể là nhân tố tuyệt vời cho phép mọi người giúp đỡ lẫn nhau.”
Giấc ngủ cần thiết cho tất cả các khía cạnh trong đời sống thể chất, tinh thần và cảm xúc của chúng ta. Khi giấc ngủ bị đánh giá thấp trong xã hội thì chúng ta không chỉ khiến các bác sĩ, y tá, và sinh viên bị thiếu ngủ, mà chúng ta còn phải chịu đựng những giao tiếp khiếm nhã và ít thông cảm hơn hàng ngày.
Ở các nước phát triển, hơn một nửa số người cho biết họ thiếu ngủ trong tuần làm việc.
Đã đến lúc cả xã hội nên bỏ suy nghĩ giấc ngủ là không cần thiết hoặc lãng phí, không nên cảm thấy xấu hổ vì đã ngủ mà hãy bắt đầu ngủ đủ giấc theo tiếng gọi của cơ thể. Đó là cách tốt nhất thể hiện sự tử tế mà chúng ta có thể dành cho bản thân cũng như người xung quanh.
Bài viết nguyên gốc được đăng tải trên trang UC Berkeley và được đăng lại trên Futurity.org.