Chào mừng Chủ tịch Hạ viện Johnson
Newt Gingrich
Chính phủ đã hoạt động trở lại.
Phải mất ba tuần, nhưng một dân tộc tự do không có sự độc tài đã tìm được người phù hợp cho vị trí Chủ tịch Hạ viện vào thời điểm này. Điều quan trọng cần nhớ là một số người thông minh, tốt bụng (và những người bạn của tôi) đã cố gắng để trở thành Chủ tịch. Cuối cùng, mỗi người đều bị phe này hoặc phe kia cản trở.
Rồi một phần vì kiệt sức, một phần vì họ đã thử hết các tên tuổi lớn, nên họ dừng lại và nhìn quanh. Họ đã tìm thấy một ứng cử viên đáng chú ý là Dân biểu Mike Johnson của tiểu bang Louisiana. Ông ấy từng là phó chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng Hòa, cựu trưởng Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng Hòa, và một [hạ] nghị sĩ quốc hội ba nhiệm kỳ. Ông ấy có thành tích hoàn hảo với vai trò luật sư theo tư tưởng bảo tồn truyền thống có sức ảnh hưởng trước khi vào Quốc hội.
Bây giờ thì, ông ấy là chủ tịch thứ 56 của Hạ viện. Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa vừa đưa ra bảy nguyên tắc cho tân Chủ tịch Hạ viện Johnson. Tôi nghĩ chúng khá là tốt. Và tôi nghĩ những nguyên tắc đó giúp quý vị hiểu về quan điểm của vị tân Chủ tịch.
Những nguyên tắc này bao gồm: tự do, chính phủ có quyền lực giới hạn, pháp quyền, hòa bình thông qua sức mạnh, trách nhiệm tài chính, thị trường tự do, và nhân phẩm. Cựu Tổng thống Ronald Reagan chắc chắn sẽ đồng ý với mỗi từng nguyên tắc này. Những ai trong chúng ta đã viết nghị trình “Cam kết với Mỹ quốc” sẽ đồng ý với từng nguyên tắc này.
Tôi cho rằng Chủ tịch Johnson đã thể hiện rất tốt rằng ông ấy có thể đại diện cho một quan điểm bảo tồn truyền thống vững chắc với niềm tin và sự cam kết sâu sắc – và làm điều đó theo cách tích cực, thân thiện mà không khiến mọi người xa lánh. Cách tiếp cận này có thể mở ra một cuộc đối thoại và giúp ông ấy đạt được các mục tiêu của mình với tư cách là chủ tịch.
Đây sẽ là một vị chủ tịch thú vị. Chủ tịch Johnson đã nói điều gì đó quan trọng trong bài diễn văn khai mạc Hạ viện sau khi trở thành chủ tịch. Ông ấy nói rằng ông ấy sẽ phân quyền và cho phép các ủy ban đưa ra nhiều quyết định hơn. Mọi người đều tham gia vào quá trình lập pháp, chứ không phải do những người lãnh đạo quyết định. Điều đó quan trọng vì khi quý vị có sự chênh lệch không đáng kể (giữa Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ tại Hạ viện), thì quý vị phải khiến cho mọi người thảo luận với nhau.
Nơi thích hợp để thảo luận là ở cấp ủy ban. Nếu quý vị là chủ tịch với mức chênh lệch sít sao giữa hai đảng, thì quý vị muốn hầu hết các cuộc tranh luận được các chủ tịch ủy ban giải quyết trước khi họ đến Văn phòng Chủ tịch. Điều này giúp giảm bớt áp lực không cần thiết cho quý vị, để quý vị có thể lắng nghe, học hỏi, giúp đỡ, và lãnh đạo.
Sau đó, vị chủ tịch có thể đặt ra hướng đi cho con tàu, nhưng sau đó lại để cho các nghị sĩ giải quyết vấn đề và điều khiển con tàu.
Đây là một cách tiếp cận lành mạnh cho Đảng Cộng Hòa – và Quốc hội cũng như Mỹ quốc nói chung. Việc này làm tôi nhớ đến cách tiếp cận mà Chủ tịch Sam Rayburn lẽ ra đã thực hiện (người có thời gian phục vụ lâu nhất ở vị trí này trong lịch sử).
Sẽ rất thú vị khi dõi theo sự lãnh đạo của Chủ tịch Johnson. Tôi có cảm giác điều này sẽ tốt cho cả đảng [Cộng Hòa] và tốt cho Mỹ quốc.
Từ Gingrich360.com
Ông Newt Gingrich, một thành viên Đảng Cộng Hòa, từng là Chủ tịch Hạ viện từ năm 1995 đến năm 1999 và đã ra tranh cử với tư cách là ứng cử viên tổng thống vào năm 2012.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.