Cháo – món ăn ngon, vị thuốc quý
Từ thời cổ đại, y học cổ truyền Trung Hoa đã cho chúng ta một phương pháp ngừa bệnh tuyệt vời, đó là món cháo. Cháo được nấu từ gạo và được ca ngợi vì hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe, đồng thời nổi tiếng là thực phẩm bổ sung tốt nhất trên thế giới.
Trong nhiều thiên niên kỷ qua, người Trung Hoa đã dựa vào các loại thực phẩm tự nhiên để tăng cường khả năng miễn dịch, nhất là vào dịp chuyển mùa.
Cải thiện khí huyết, nuôi dưỡng nội tạng và làm thông các tắc nghẽn nội mạch
Khi đun gạo để nấu cháo, một lớp chất lỏng đục mờ hình thành trên bề mặt, tạo ra “súp” gạo. Người Trung Hoa từ lâu đã biết chất lỏng này có hiệu quả để giảm ho và phục hồi năng lượng, cùng với nhiều lợi ích khác. Ở lớp trên cùng của món cháo này là một lớp mỏng “nước cơm”, tinh chất của cháo.
Theo các nghiên cứu y học cổ truyền Trung Hoa, chất này có khả năng cải thiện khí huyết, nuôi dưỡng nội tạng và làm thông các tắc nghẽn nội mạch. Điều này được gọi là bổ sung tính âm, là tinh chất quan trọng của cơ thể con người. Nước cơm có tác dụng dưỡng âm.
Các ghi chép trong “Bản thảo cương mục thập di” của Triệu Học Mẫn (1719–1805) viết rằng, nước cơm cũng có tác dụng làm mịn da và giữ gìn vóc dáng. Theo Triệu Học Mẫn, một người suy dinh dưỡng uống nước cơm sẽ có những thay đổi rõ ràng trong vòng 100 ngày.
Giá trị dinh dưỡng đáng kể và khả năng chữa bệnh của nó tương đương với súp nhân sâm, trong khi gạo thì dễ tìm và giá rẻ hơn đã khiến cho cháo trở thành một nguồn dinh dưỡng phổ biến trong hàng ngàn năm qua. Theo ghi chép của Vương Sĩ Hùng, một danh y của Trung Hoa vào thế kỷ 19 (thời nhà Thanh), viết rằng cháo có tác dụng thần kỳ đối với sức khỏe của những gia đình ít dư dả, người ta thường dùng nó để thay thế cho món súp nhân sâm.
Các loại ngũ cốc không thể thiếu
Sách kinh điển y học Trung Hoa “Hoàng đế nội kinh” nói rằng để duy trì cân bằng nội môi, cơ thể con người phụ thuộc vào “sự nuôi dưỡng của năm loại ngũ cốc, sự hỗ trợ của năm loại trái cây, sự bổ sung của năm loại thịt, và sự cần thiết của năm loại rau.” Mặc dù tất cả đều thiết yếu, nhưng quan trọng nhất vẫn là năm loại ngũ cốc, cụ thể là hạt kê, gạo, đậu tương, lúa mì và đậu đỏ. Chúng đóng vai trò là nguồn dinh dưỡng chính cho cơ thể, vì chúng chứa tinh bột và chất xơ cần thiết để duy trì cơ thể khỏe mạnh.
Ngày nay, nhiều người trẻ tuổi tin rằng họ nên ăn ít cơm hơn để cắt giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể vì tinh bột có thể gây tăng cân hoặc thậm chí dẫn đến bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, ngũ cốc có thể nuôi dưỡng, điều hòa các cơ quan nội tại và cần thiết để ngăn ngừa bệnh tật.
Y học cổ truyền Trung Hoa nghiên cứu về sự liên kết giữa các cơ quan trong cơ thể. Họ nói rằng phế chủ bì mao (phổi bài tiết ra da), tâm chủ về huyết mạch (tim điều hòa mạch máu), tỳ chủ cơ nhục (lá lách nuôi dưỡng cơ bắp), can chủ cân (gan điều hòa gân cốt) và thận chủ xương tủy (thận tạo ra xương)… Để bảo đảm chức năng tối ưu của tất cả các yếu tố này, chúng ta phải cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho các cơ quan tương ứng.
Điều này giải thích các hiệu quả có lợi cho da đã đề cập trước đó. Nước cháo từ gạo trắng giúp loại bỏ làn da xỉn màu, mang lại làn da sáng khỏe. Theo y học cổ truyền Trung Hoa, thực phẩm tự nhiên màu trắng có tính bổ phế, làm thông các huyệt vị, thông thoáng và làm sạch lỗ chân lông, thải độc tố trên da đồng thời phục hồi sức sống của làn da.
Bạn cũng có thể làm trẻ hóa mái tóc của mình với việc thường xuyên ăn cháo. Người ta cho rằng cháo cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết đến các phần khác nhau của tóc, nuôi dưỡng, giảm rụng tóc và giảm tóc bạc, đồng thời giúp tóc thêm bóng mượt tự nhiên. Một bát cháo được chế biến tốt thực sự làm nên điều kỳ diệu. Ngoài khả năng giải độc, bồi bổ, nó còn có thể chữa nhiều bệnh.
Cháo ý dĩ, hạt sen và đậu xanh giúp thanh nhiệt cơ thể và làm mịn da
Y học cổ truyền Trung Hoa cho rằng dạ dày không ổn sẽ làm gián đoạn quá trình nghỉ ngơi. Bất kỳ sự khó chịu nào ở dạ dày đều ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giấc ngủ của một người và thậm chí dẫn đến mất ngủ. Điều này có thể được giải quyết bằng một loại cháo đặc biệt gồm có hạt ý dĩ, hạt sen và đậu xanh và gạo tẻ.
Hạt ý dĩ, rất tuyệt vời để thanh nhiệt cơ thể và làm mịn da, trong khi hạt sen có tính bổ tỳ. Hạt sen có vị ngọt nhẹ dễ chịu, tính “mát” giúp bổ tỳ vị, ngừa tiêu chảy, còn đậu xanh giải độc và làm sạch các rối loạn nội tại. Kết hợp ba thứ này thành một công thức nấu cháo có tác dụng an thần, cải thiện lưu thông huyết dịch, dưỡng ẩm cho da và giúp giảm phù nề.
Cháo thịt khôi phục lại cảm giác thèm ăn
Thịt thăn heo thường được dùng để xào vì nó thơm, có độ giòn và vị ngon. Nhưng điều kỳ diệu thực sự khi bạn bằm nhỏ và nấu cháo. Công thức này đặc biệt thích hợp cho những người mất cảm giác thèm ăn. Cách đây nhiều năm, có một người phải chống chọi với căn bệnh ung thư trong một thời gian dài, đã vứt bỏ tất cả thức ăn. Một ngày nọ, bạn của anh ấy làm cho anh ấy món cháo thịt bằm, vì nó ngon và dễ ăn. “Đây là bữa ăn tuyệt vời nhất mà tôi có được trong một thời gian dài,” anh ta nói.
Cháo thực sự là một bảo vật được truyền lại từ xa xưa. Với nhịp sống hiện đại bận rộn như chúng ta hiện nay, có lẽ khó có thời gian để nấu được món cháo hoàn hảo, nhưng thực hiện nó lại rất đơn giản: Bắt đầu nấu cháo từ tối hôm trước, sau đó ủ qua đêm bằng nồi ủ nhiệt. Đến sáng hôm sau, một nồi cháo thơm ngon bổ dưỡng đã sẵn sàng cho cả gia đình.
Tiến sĩ Hu Naiwen hiện là giáo sư tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Nine Star ở Sunnyvale, California, trước đây ông là nhà nghiên cứu dược lý y học phương Tây tại Đài Loan. Ông cũng là giám đốc câu lạc bộ y học cổ truyền Trung Hoa tại một số trường đại học của Đài Loan. Bài báo này được xuất bản lần đầu bởi Elite Lifestyle Magazine.