Cha mẹ của 8 người con tạo ra ‘phòng học’ không-công-nghệ
Louise Chambers
Sau một chuyến đi mở mang tầm mắt đến Thành phố New York, một đôi vợ chồng tám con từ Virginia đã quyết định thực hiện một ý tưởng mới trong gia đình: một căn-phòng-không-công-nghệ để khích lệ các con nói chuyện, chơi đùa, và tận hưởng thời gian lành mạnh mà không sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử hoặc công nghệ nào.
Chuyên viên nhu liệu Ben Collins, 40 tuổi, và cô vợ Adele Collins, 40 tuổi, một người mẹ nội trợ, có bảy con gái và một con trai trong độ tuổi từ 5 tháng đến 16 tuổi.
Nhiều năm trước, gia đình Collins có dịp ghé thăm Câu lạc bộ Yale cùng bạn bè.
“Khi bước vào, chúng tôi cảm giác như đang trở về thời xưa; mọi người phải mặc áo blazer hoặc váy theo quy định về trang phục, và các quy định về [thiết bị] công nghệ rất nghiêm ngặt nên mọi người không dùng điện thoại,” chị Collins chia sẻ với The Epoch Times. “Nhưng khi nhìn xung quanh, chúng tôi nhận ra bầu không khí ở đó thật tuyệt vời; mọi người đang nói chuyện, chơi trò chơi, và thưởng thức đồ uống.”
Điều này dường trái ngược hoàn toàn với những gì mà họ thường kỳ vọng ở nơi công cộng, nơi mọi người chủ yếu dán mắt vào điện thoại.
Mùa hè năm đó, gia đình họ chuyển từ tiểu bang California đến Virginia. Họ ưu tiên tạo ra một căn phòng nơi họ có thể tập trung trò chuyện cùng nhau, chơi trò chơi, đọc sách, và những thứ tương tự – từ đó, phòng học không công nghệ của gia đình Collins đã ra đời.
Không có TV hoặc máy điện toán trong phòng này, cũng như không có điện thoại, iPad, hoặc máy điện toán xách tay. Thay vào đó, luôn có “một người nào đó đọc sách, chơi piano, chơi trò chơi, hoặc đọc báo.” Vào mùa đông, đây là một không gian ấm cúng với tiếng lò sưởi bập bùng. Trong khi đó vào các buổi sáng Thứ bảy, luôn có ai đó “trốn tránh” việc nhà để vào phòng này, cuộn tròn với một cuốn sách hay.
“Rất dễ bắt gặp bọn trẻ đang xây pháo đài hoặc tham gia vào một cuộc tranh luận lành mạnh về triết học. Gia đình chúng tôi có văn hóa thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau,” chị Collins cho biết. “Đó cũng là nơi mà cả gia đình chúng tôi tụ họp để cầu nguyện, nơi anh Ben hút thuốc vào buổi tối, và nơi chúng tôi thường đón tiếp bạn bè. Gần đây chúng tôi đã thêm một máy hát vào phòng, nên tôi cho rằng phòng này không hẳn là không công nghệ nữa!”
Khu vực này đã giúp họ xây dựng một “văn hóa gia đình vững chắc.” Các bé lớn lên trong một môi trường được khích lệ đọc sách, chơi đùa, và tranh luận cùng nhau. Các em cũng có thể biểu đạt bản thân một cách sáng tạo bằng cách tự nghĩ ra các tiểu phẩm hài kịch và trò chơi, giống như cha mẹ các em đã làm khi họ còn nhỏ.
Thật bất ngờ, có vẻ như chỉ có các bậc cha mẹ là vi phạm quy tắc vì đôi khi họ bị bắt gặp dùng điện thoại trong khu vực không công nghệ này.
“Chúng tôi cũng là những người thường xuyên tìm kiếm một nơi yên tĩnh để làm việc, và ‘không gian’ như thế này là một trong những phòng của ngôi nhà có cửa đóng lại,” chị Collins cho biết.
Một trong những thử thách của anh chị Collins là định hướng việc sử dụng máy điện toán cho việc học của con họ.
“Quyết định mà chúng tôi đưa ra là, các con không có quyền truy cập vào máy điện toán để làm bài tập về nhà hàng ngày cho đến khi vào trung học,” chị Collins cho biết. “Đây là điều mà chúng tôi đã giao tiếp với trường của các con. … Chúng tôi rất vui mừng trước sự ủng hộ và trợ giúp của các giáo viên và nhà quản lý trường học dành cho mục tiêu này.”
Chị Collins duy trì một tài khoản Instagram hoạt động sôi nổi, @simplelifemusings, nơi chị chia sẻ suy nghĩ của mình về việc nuôi dạy con và cuộc sống gia đình. Nhưng việc truy cập vào mạng xã hội bị hạn chế nghiêm ngặt trong gia đình Collins, ngay cả đối với cha mẹ, và các con không được sở hữu điện thoại thông minh cho đến khi có bằng lái xe – có nghĩa là hiện tại chỉ có đứa con cả của họ có điện thoại.
“Giữ cho con cái chúng ta tránh xa các phương tiện truyền thông xã hội là rất quan trọng. Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội có hại đến thế nào đối với con em chúng ta,” chị Collins cho hay. “Giữ cho các con tránh xa điện thoại cho phép các con sống đúng với tuổi thơ; chúng đi chơi với bạn bè, đi bộ đến thị trấn để ăn trưa, đi bộ đường dài, hoặc nướng bánh bích quy.”
Chị Collins tin rằng cả xã hội chúng ta đã bị ám ảnh trước “sự an toàn” và cố gắng thận trọng hơn với các hoạt động ngoài trời như trèo cây hoặc chơi ngoài lạch nước.
“Nhưng rồi các bậc cha mẹ cho mỗi đứa trẻ một chiếc điện thoại thông minh, đây mới thực sự là nguồn nguy hiểm lớn nhất, đặc biệt là mối nguy tiềm ẩn từ những kẻ lợi dụng và xâm hại liên lạc với các bé nhỏ và trẻ vị thành niên trên mạng xã hội,” chị Collins cho biết. “Chúng ta đã hoàn toàn hiểu sai vấn đề.”
Đối với bất kỳ gia đình nào khác muốn tạo ra “khu-vực-không-có-công-nghệ” của riêng họ nhưng không thể dành hẳn một căn phòng, chị Collins khẳng định rằng đó không phải là vấn đề không gian.
“Bạn có thể bắt đầu bằng cách nói rằng phòng ăn là khu vực không công nghệ, vì vậy, không được đặt điện thoại trên bàn,” chị Colin cho hay. “Hoặc, bạn có thể đặt một chiếc giỏ cạnh cửa trước và yêu cầu các thành viên đặt điện thoại vào trong khi họ bước vào nhà. Nếu bạn có TV trong phòng khách, hoặc bạn có thể che nó, đặt nó trong tủ có cửa, hoặc chuyển sang dòng TV ‘khung tranh’, hiển thị các tác phẩm nghệ thuật khi không sử dụng.”
Bằng cách khuyến khích các hoạt động truyền thống hơn là sử dụng công nghệ, anh chị Collins đã thấy phẩm chất các mối quan hệ của con cái họ “phát triển mạnh mẽ,” vì các con đang dành thời gian cho nhau “trong cuộc sống thực, thay vì thông qua lớp vỏ hào nhoáng trên mạng xã hội.” Và có vẻ như thử nghiệm của họ sẽ tiếp tục được duy trì.