Căn nguyên và Mục đích của cuộc chiến Ukraine
CONRAD BLACK
Đã đến lúc cần xem xét trên thực tế về nguồn gốc và mục đích của cuộc chiến Ukraine.
Vấn đề căn bản là sự dàn xếp cuối cùng của 14 nước cộng hòa tách ra và ly khai khỏi Nga và dẫn đến sự tan rã của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) vào năm 1991. Nga chưa bao giờ thừa nhận tính hợp pháp của những ly khai đó, và chúng đã được kết thúc một cách vội vàng bởi các chính phủ và các cơ quan lập pháp của các khu vực tài phán đó, thiếu các thủ tục chính thức và hợp pháp cần phải có cho sự chia tách của các quốc gia.
Khi Liên Xô tan rã như cái bánh nướng soufflé mà không cần bắn một phát súng nào (ngay sau Chiến Tranh Lạnh, mà trong đó đã có những lời đe dọa hủy diệt hạt nhân lẫn nhau thường xuyên), nhiều cường quốc lớn, kể cả Nga và Hoa Kỳ, đã có nhiều lời hứa và không có lời hứa nào được giữ. Khi nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, đồng ý sự thống nhất của nước Đức, Ngoại trưởng James Baker khi đó đã bảo đảm với ông rằng NATO sẽ không tiến thêm “một ly” nào về phía đông nước Đức. Vị tổng thống mà ông ta phục vụ, George H. W. Bush, nổi tiếng đã tuyên bố thứ mà ông William Safire, người soạn bài diễn văn cho Nixon, gọi là “Bài diễn văn của gà Kiev” (Chicken Kiev speech) trước quốc hội Ukraine, khuyến nghị rằng quốc gia này nên tiếp tục ở lại với Nga; đó là vào năm 1991. Tất cả các cường quốc, bao gồm cả Nga và Hoa Kỳ, đã hứa với Ukraine, Belarus, và Kazakhstan, rằng biên giới của họ sẽ được tôn trọng, để đổi lấy việc từ bỏ năm 1994 loại vũ khí hạt nhân mà họ được thừa hưởng từ Liên Xô.
Khỏi phải nhắc lại, tất cả những lời hứa long trọng này đã bị lãng quên gần như ngay sau khi chúng được công bố. Trong vài năm tiếp theo, NATO đã chấp nhận thành viên Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia, Bulgaria; và Latvia, Lithuania, và Estonia, vốn là các nước cộng hòa hợp thành Liên bang Xô viết và đã được hội nhập hoàn toàn vào Nga trong hơn 200 năm trước khi Đệ nhất Thế chiến kết thúc vào năm 1918. Tổng thống (TT) George W. Bush chủ trương việc cuối cùng sẽ kết nạp cả Ukraine và Georgia vào NATO năm 2008, nhưng điều này đã bị trì hoãn lại khi Nga xâm lược hai tỉnh nói tiếng Nga ở Georgia và can thiệp mạnh tay vào các vấn đề của Ukraine. Sự can thiệp của Nga đã giúp cho việc bầu lên thành công một con rối của Điện Kremlin ở Ukraine, ông Viktor Yanukovich, vào năm 2010, và rồi với sự can thiệp ngược lại của phương Tây, ông ta đã bị lật đổ và thay thế bởi Petro Poroshenko năm 2014.
Phải thừa nhận rằng Ukraine chưa bao giờ thể hiện một chút năng khiếu nào cho việc tự trị cho đến lúc có màn trình diễn đầy cảm hứng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga ba tháng trước. Đất nước này là sự pha trộn lẫn lộn các dân tộc gồm người Nga, người Lithuania, người Ba Lan, và người Tatars, và khoảng 1/6 dân số của trên 40 triệu người nói tiếng Nga.
Lời giải thích dễ hiểu nhất cho những gì gây ra cuộc chiến hiện tại là sự mời mọc Ukraine lúc nghiêm lúc nghỉ của phương Tây về vị thế thành viên NATO đã xung đột với tham vọng của TT Nga Vladimir Putin – nhà lãnh đạo quả quyết nhất của Nga kể từ thời Leonid Brezhnev, trong việc đòi một phần quyền lực của Nga đối với các nước cộng hòa thân hữu trước đây thuộc Liên Xô.
Không có gì ngạc nhiên khi ông Putin nghĩ rằng đây là thời điểm để hành động: Những hỗn loạn không thể tưởng tượng được trong cuộc tháo chạy của Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan và sự thất bại hoàn toàn của Hoa Kỳ trong việc đưa ra bất kỳ chính sách nhất quán nào về Liên Xô cũ có thể đã thuyết phục ông ta rằng đây là cơ hội để ông ta bắt đầu tập hợp lại Liên minh các sắc tộc không tự nguyện – được tạo dựng trong hơn 250 năm trước nhờ Peter Đại đế, Catherine Đại đế, phần nào đó nhờ Czars (Sa hoàng), và Joseph Stalin.
Nhiều độc giả sẽ nhớ sự bất lực của TT George W. Bush về lời khẳng định rằng ông nhìn vào mắt ông Putin và về điều quan trọng đáng tin rằng ông Putin gắn liền với cây thánh giá của mình. TT Barack Obama đã xoa dịu ông Putin bằng cách giữ lại các hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn đã hứa cho Ba Lan và Cộng hòa Czech, như thể những vũ khí phòng thủ như vậy từ xa có thể bị xem là một hành động khiêu khích đối với Nga. Ngũ Giác Đài đã góp phần vào sự bối rối hiện nay bằng cách sử dụng ngân sách khổng lồ do TT Donald Trump cấp nhưng không bắt kịp Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, trong việc cung cấp hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn thích hợp cho các hàng không mẫu hạm loại Nimitz của Mỹ, và có thể ở một số lĩnh vực của pháo binh cũng vậy. Điều này có thể giải thích vì sao Hoa Kỳ và NATO nói chung rõ ràng đã bị đe dọa bằng những lời hăm dọa sử dụng vũ khí hạt nhân vô nghĩa của Putin.
Bởi vì sự hung hăng này – dù ít đáng tin và không đáng lo ngại hơn nhiều so với những chuyện cổ của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev vào những năm 1950 – Tổng thống Joe Biden tuy nhiên đã cho phép Ngũ Giác Đài thoái thác cam kết công khai của Ngoại trưởng Antony Blinken – về việc tạo điều kiện chuyển giao các chiến đấu cơ của Ba Lan cho Ukraine – vì làm “leo thang” (cuộc xâm lược của Nga là gì?). Ngũ Giác Đài đã từ chối cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không tầm cao và bất kỳ vũ khí tấn công nào có thể tiếp cận tới bên trong lãnh thổ Nga để phản ứng trước cuộc tấn công không ngừng bằng đường không của Nga vào các vùng dân sự của Ukraine.
Ngoài chính phủ Ukraine, người đã đóng vai trò xuất sắc về mặt quân sự và quan hệ công chúng, có thể nói mọi sai lầm có thể tưởng tượng được đều đã được thực hiện bởi cả hai bên trong cuộc xung đột hiện nay. Không thể hiểu nổi bằng cách nào mà Putin và các cố vấn của ông tưởng tượng rằng họ có thể, chỉ với 150,000 người kéo cò súng, có thể đánh bại một đất nước với hơn 40 triệu dân được bảo vệ bởi một đội quân nửa triệu người gồm lính chính quy được huấn luyện tốt và lính dự bị. Ukraine có khả năng có được lợi thế nhân lực cao trừ phi Nga tiến hành một cuộc tổng động viên – là điều sẽ rất không được ưa chuộng và rất đắt đỏ đối với một quốc gia có GDP nhỏ hơn Canada. Ukraine có lợi thế là phần lớn nỗ lực chiến đấu của họ được các nước NATO giàu có chi trả. Chỉ theo nghĩa ấy, có sự thật nào đó trong tuyên bố của chính phủ Nga, được lặp lại bởi một số nhà bình luận truyền thống theo kiểu biệt lập của người Mỹ, rằng Nga đang trong cuộc chiến tranh với tất cả NATO.
Nhưng không có sự thật nào trong tuyên bố của các nhà bình luận Mỹ rằng Ukraine không có giá trị chiến lược đối với phương Tây. Họ đang cố gắng thực sự để làm cho nền dân chủ thành công, và đó là chủ đề của một cuộc tấn công tàn bạo và hoàn toàn bất hợp pháp và vô cớ. Hệ quả của việc cho phép Nga thành công trong công việc phạm tội này sẽ là bằng chứng thuyết phục rằng Hoa Kỳ đang xuống dốc một cách vô cảm và đó là mùa mở màn cho sự sụp đổ của liên minh phương Tây khi Điện Kremlin thực hiện một bước nhảy vọt nhằm xóa bỏ chiến thắng chiến lược của phương Tây của kỷ nguyên này trong Chiến Tranh Lạnh.
Độc giả sẽ đau đớn nhớ lại chủ nghĩa chiến bại của TT Biden và các tổng tư lệnh khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine, khi Kyiv dự kiến sẽ bị chiếm đóng trong vòng vài ngày và ông Biden đề nghị di tản TT Volodymyr Zelensky và gia đình ông, và đưa ra những bình luận trẻ con về đồng ruble của Nga sẽ trở thành “rác” và sức mạnh của các lệnh trừng phạt – thứ bị 155 quốc gia trên thế giới phớt lờ như một tảng pho mát Thụy Sĩ khổng lồ bốc mùi. Khi sức mạnh của sự phản kháng của người Ukraine trở nên rõ ràng, ông Biden nói về việc ông Putin đang bị điên, ốm yếu và là một “tội phạm chiến tranh”, và rằng việc thay đổi chế độ là cần thiết, đến cả việc ông ta đã lùi bước trước các mối đe dọa hạt nhân kiểu trẻ con của ông Putin. Không có sự rõ ràng nào về xác định mục tiêu cho cuộc chiến tranh từ phương Tây và một lượng lớn viện trợ ở một mức độ nào đó chỉ là thay thế cho việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà họ cần để tạo động lực cho người Nga kết thúc chiến tranh.
Như tôi đã viết từ trước khi bắt đầu cuộc chiến này, phương Tây có khả năng bảo đảm rằng Ukraine được công nhận là một quốc gia có chủ quyền miễn là chúng ta cung cấp cho người Nga một số công nhận về địa vị truyền thống của họ ở quốc gia đó – giả định là quyền tự trị dưới sự giám hộ của Nga đối với các bộ phận nói tiếng Nga của đất nước nhưng có sự bảo đảm vững chắc của Nga–NATO về an ninh của các biên giới đã sửa đổi của Ukraine. Ông Zelensky không thể mong đợi nhiều hơn thế; thực tế địa chính trị là ông Putin sẽ không cần phải nhượng bộ nhiều hay ít hơn; Những người theo chủ nghĩa biệt lập Mỹ nên được hướng dẫn ngắn gọn về thực tế địa chính trị; toàn bộ cấp cao của Ngũ Giác Đài nên bị sa thải; và NATO–Hoa Kỳ sẽ phải cung cấp vũ khí cần thiết để đưa cuộc chiến kết thúc bằng thương lượng. Nếu như người Nga vẫn có thể khủng bố thường dần Ukraine từ trên không mà không bị trừng phạt, thì chiến tranh vẫn sẽ tiếp diễn và thảm kịch sẽ trở nên lớn hơn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Conrad Black là một trong những chuyên gia tài chính nổi tiếng nhất ở Canada trong vòng 40 năm qua và là một trong những nhà xuất bản báo chí hàng đầu trên thế giới. Quý vị có thể theo dõi ông Conrad Black cùng ông Bill Bennett và ông Victor Davis Hanson trên podcast ‘Scholars and Sense’ của họ.