Cận cảnh những bức vẽ đặc sắc bằng mực các công trình kiến trúc biểu tượng của thế giới
ANNA MASON
Họa sĩ Emi Nakajima cho biết cô là “người lữ hành trong mơ”. Họa sĩ vẽ tranh tả thực người Nhật sống ở Thái Lan du hành khắp nơi trên thế giới bằng trí tưởng tượng của mình. Cô đã vẽ những bức tranh tả thực đặc sắc về các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới.
Nói về sức mạnh lay động của nghệ thuật, cô Nakajima, 27 tuổi, chia sẻ với The Epoch Times rằng cô bắt đầu ngắm những bức ảnh tòa nhà từ khi còn là một đứa trẻ. Mong muốn khám phá những vùng đất xa xôi đã thôi thúc cô Nakajima, người mang dòng máu Nhật và Thái, bắt đầu vẽ chi tiết những công trình kiến trúc từ khi còn là học sinh trung học. Thật khó tin là cô chưa bao giờ học qua một trường lớp nghệ thuật nào.
Cô chia sẻ, “Tôi yêu thích những kiến trúc nguy nga, đặc biệt là những tòa nhà mang phong cách Gothic và Baroque. Những kiến trúc này rất là độc đáo và đầy phong cách. Khi còn bé, tôi từng nói với cha mình, ‘khi nào con lớn lên, chúng ta sẽ cùng nhau đi du lịch khắp nơi trên thế giới, cha nhé!’ Tôi chưa từng học về nghệ thuật. Tôi bắt đầu vẽ những bức tranh nhỏ và phát hiện mình có năng khiếu vẽ phác thảo. Mỗi lần vẽ là tôi lại học hỏi thêm vài điều mới mẻ và tiến bộ hơn, bởi vì tôi luôn tự thử thách bản thân bằng cách vẽ các bức tranh lớn hơn và chi tiết hơn.”
Mười năm sau, cô Nakajima đã sở hữu một bộ sưu tập gồm những tác phẩm tranh tả thực các công trình kiến trúc tuyệt vời, bao gồm Đền trắng Wat Rong Khun ở Thái Lan và Nhà thờ Đức Bà Paris. Cô họa sĩ tài năng này cũng thu hút hàng chục ngàn người hâm mộ trên Instagram.
Cô Nakajima cũng chia sẻ thêm rằng cô đã ghé thăm Đền trắng Wat Rong Khun do kiến trúc sư Chalermchai Kositpipat thiết kế. Sau khi quan sát những chi tiết của công trình kiến trúc này, cô Nakajima đã bắt đầu phác thảo ngôi đền bằng bút chì, rồi dùng bút mực để vẽ thêm các đường nét chi tiết, tạo nên dấu ấn độc đáo của riêng mình.
Cô chia sẻ: “Đền thờ màu trắng bạc đẹp một cách huyền ảo. Vậy mà lúc đầu tôi đã lo lắng tác phẩm sẽ không được như ý.”
Là người trưởng điều phối ở hải ngoại của công ty, cô họa sĩ tiềm năng này chỉ dành thời gian vẽ tranh vào buổi tối và dịp cuối tuần. Họa sĩ Nakajima đã mất sáu tháng để hoàn thành bức vẽ kiến trúc Đền Wat Rong Khun. Tuy nhiên, cô cho rằng bức tranh hoàn toàn xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra.
Cô nhớ lại, “Tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nhờ đó, tôi đã giới thiệu đến công chúng thêm nhiều bức họa, và ngày càng có nhiều người quan tâm đến các bức vẽ chi tiết hơn những bức phác thảo.”
Dường như năng lực sáng tạo nghệ thuật và công việc ở công ty của Nakajima mâu thuẫn nhau, nhưng cô cho hay sự thật không phải như vậy. Cô chia sẻ, “Mặc dù hai công việc trông có vẻ khác biệt, nhưng tôi là một người có khả năng tập trung cao và rất chú trọng đến chi tiết. Có lẽ những đức tính này đã giúp tôi vẽ các bức tranh có nhiều chi tiết.”
Bằng cách sử dụng lực, độ nhấn, và tốc độ di chuyển của cổ tay khác nhau, cô Nakajima đã vẽ nên những đường nét có độ dày mỏng khác nhau, tạo không gian ba chiều cho tác phẩm. Ngoài ra, cô Nakajima đã không tuân theo những chuẩn mực và quy tắc căn bản trong vẽ kiến trúc – đó là vẽ các vật thể gần có nhiều chi tiết hơn những vật thể được đặt ở xa.
Cô cho biết, “Tôi đã thu thập tất cả các chi tiết. Tôi muốn bức vẽ thể hiện hết thảy những chi tiết thu hút và thú vị của chủ thể kiến trúc mà mình đang vẽ. Theo cách làm như vậy, có lẽ tôi không chuyên nghiệp như những họa sĩ được đào tạo về hội họa kiến trúc; nhưng tôi làm những điều mà nhiều họa sĩ khác tránh né.”
Cô Nakajima cho rằng cần có “sự kiên định không dao động và ý chí đủ mạnh mẽ” để vẽ theo cách này. Cô thường xuyên tự thử thách bản thân để cải thiện kỹ thuật hội họa của mình. Mục tiêu chính của cô là khiến người xem kinh ngạc với tất cả các chi tiết của bức họa.
Trong bức vẽ kiến trúc Nhà thờ Đức Bà Paris, cô Nakajima đã sử dụng bút chì để thêm vào phần bóng đổ. Cô chia sẻ rằng mình bắt đầu vẽ cửa sổ hoa hồng ở ngay giữa bức tranh, sau đó vẽ những tòa nhà bên trái và bên phải cùng với khu vườn xung quanh. Cô nói, “Một trong những người hâm mộ nói rằng bức họa của tôi trông chân thật hơn là một bức ảnh chụp đen trắng.”
Ngồi trong quán cà phê vào ngày chủ nhật, hoặc trong khi ngồi nhà nghe nhạc, cô Nakajima đắm chìm vào thế giới nghệ thuật của mình.
Trong bức tranh có tựa đề “Dream Traveler” (Người lữ hành trong mơ) được sáng tác năm 2020, cô đã thể hiện mơ ước của bản thân. Cô chia sẻ, “Tôi cảm thấy như đang vẽ về bản thân mình. Tất cả những kiến trúc trong bức vẽ đều là điểm đến trong mơ của tôi. Tôi cảm thấy mình đã vẽ giấc mơ của chính mình trong tác phẩm này.”
Từ bức vẽ kiến trúc Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô đầy màu sắc tráng lệ cho đến Tháp đồng hồ Big Ben ở Luân Đôn, theo cách riêng của mình, cô Nakajima hoàn thành mơ ước thời thơ ấu là chu du và ngắm nhìn thế giới. Tuy vậy, là một phụ nữ trẻ và bận rộn công việc, cô vẫn chưa thể biến giấc mơ du lịch đến nhiều địa điểm khác thành hiện thực.
Có định hướng rõ ràng về những gì mình mong muốn, cô Nakajima có kế hoạch về hưu trong vài năm tới và trở thành họa sĩ toàn thời gian. Cô chia sẻ rằng điều này giúp mình có nhiều tự do hơn. Cô Nakajima cũng tạo ra dòng sản phẩm dựa trên các tác phẩm của mình và các nền tảng trực tuyến khác nhau để thể hiện tài năng. Dường như năng lực tưởng tượng của cô là vô hạn.
Các bạn có thể thưởng lãm thêm nhiều tác phẩm của cô dưới đây: