California: Luật mới cấm ban giám hiệu từ chối sách giáo khoa, làm phức tạp các chức năng của học khu
Micaela Ricaforte
Một số nhà lãnh đạo giáo dục cho biết một đạo luật mới được Thống đốc California Gavin Newsom ký hôm 26/09 – cấm hội đồng trường loại trừ những cuốn sách có chủ đề về chủng tộc, sắc tộc, giới tính, và khuynh hướng tính dục – đang tước bỏ quyền kiểm soát của địa phương đối với các cộng đồng và khiến công việc của các học khu địa phương trở nên phức tạp, đồng thời cũng rất tốn kém.
Luật mới tên là Dự luật Hạ viện 1078 này còn yêu cầu hội đồng trường phải tổ chức một cuộc biểu quyết nhận được ⅔ số phiếu bầu để loại trừ một cuốn sách vì bất kỳ lý do gì, đồng thời cũng quy định về kiểm toán sách thư viện và lớp học, với các khoản phạt có thể áp dụng đối với các học khu không có đủ tài liệu giảng dạy về sự đa dạng theo tiêu chuẩn của Sở Giáo dục California.
Luật mới có hiệu lực ngay sau khi được thống đốc ký hôm 25/09.
“[Dự luật Hạ viện 1078] đại diện cho mọi điều sai trái trong lối suy nghĩ theo số đông và Sacramento,” ông Lance Christensen, phó chủ tịch chính sách giáo dục tại nhóm vận động chính sách Trung tâm Chính sách California, nói với The Epoch Times. “Bất kỳ hội đồng trường địa phương nào quyết định muốn có một chương trình giảng dạy tốt hơn cho học sinh của mình, thể hiện các tiêu chuẩn cộng đồng của họ trong khi vẫn tuân thủ luật tiểu bang, sẽ bị các công chức và các nhóm lợi ích đặc biệt bất mãn tấn công.”
Ông Christensen cũng cho biết thêm rằng các biện pháp thực thi dự luật còn khó hiểu và tạo ra một khối lượng công việc mới, nặng nề hơn cho cả các ủy viên hội đồng trường học và Sở Giáo dục Tiểu bang.
Ông cho hay các quận cũng sẽ phải chi tiêu nhiều hơn để bảo đảm họ đang tuân thủ chính sách mới.
Ông nói, “Nếu quý vị có nhiều cân nhắc hơn cho chương trình giảng dạy của mình, họ sẽ yêu cầu có sự giám sát nhiều hơn, có nghĩa là giám đốc học khu hoặc nhân viên của ông ấy phải dành nhiều thời gian hơn để xem xét tất cả tài liệu hoặc họ sẽ phải thuê người xem xét để bảo đảm rằng họ tuân thủ nghiêm ngặt.”
Hiệp hội Hội đồng Trường học California (CSBA) cũng phản đối dự luật này nhưng chưa bình luận ngay.
Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 25/09, hiệp hội cũng bày tỏ lo ngại rằng dự luật này cho phép bất kỳ cáo buộc nào về tình trạng thiếu hụt sách giáo khoa ở học khu trở thành đối tượng của các vụ khiếu nại, điều tra, hoặc những hành động buộc phải thi hành ở nhiều cấp độ – như địa phương, quận, và tiểu bang.
Tuyên bố của hiệp hội cho biết: “Hơn nữa, một học khu có thể không có thời gian để điều tra hoặc khắc phục vấn đề – điều thường được cho phép trong các đạo luật và quy định hiện hành – trước khi [giám đốc học khu] can thiệp.”
Ông Newsom, cùng với tác giả của dự luật, Dân biểu tiểu bang và là Tiến sĩ, ông Corey Jackson (Dân Chủ–Moreno Valley), đều đã đề cập đến các hội đồng trường địa phương, những nơi gần đây đã từ chối các cuốn sách có thuyết chủng tộc trọng yếu – một hệ tư tưởng có phần phân chia xã hội thành những người áp bức và những người bị áp bức dựa trên chủng tộc – và hệ tư tưởng giới tính.
Để phản ứng lại luật mới, Chủ tịch Hội đồng Học khu Temecula Valley Joseph Komrosky đã nói với The Epoch Times trong thư điện tử hôm 25/09 rằng ông được cộng đồng Temecula bầu chọn để đại diện và phục vụ cho lợi ích của họ, đồng thời lập luận rằng luật mới sẽ tước đi quyền lực của cộng đồng.
Ông Komrosky nói: “[Dự luật Hạ viện 1078] tước bỏ quyền lực ở cấp địa phương của các ủy viên hội đồng trường trên toàn tiểu bang này và cho thấy sự nhũng nhiễu từ các chính trị gia của tiểu bang California chúng ta, những người ủng hộ dự luật này.”
Cả ông Komrosky và ông Christensen, phó chủ tịch Trung tâm Chính sách California, đều cho biết chưa có vụ kiện nào được dự tính đệ trình để kiện luật mới này. Tuy nhiên ông Christensen cho biết dự luật đã được viết ra một cách yếu kém đến mức có thể sang năm các nhà lập pháp sẽ rất có thể phải “âm thầm” thông qua một dự luật khác nhằm làm rõ và đơn giản hóa các quy trình.
Ông Christensen nói: “Nếu chúng ta có một hệ thống mà trong đó hội đồng trường phải [xin phép] tiểu bang mỗi lần họ muốn ra quyết định về một cuốn sách giáo khoa hoặc một chương trình giảng dạy trong học khu của mình, thì việc đó sẽ trở thành một cơn ác mộng quan liêu lớn và sẽ tốn nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề tuân thủ hơn là phục vụ cho bản thân việc giáo dục.”
Tuy nhiên, ông cho biết ông hy vọng luật mới sẽ là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ, khuyến khích họ tự đưa ra quyết định về việc học tập của con mình.
Ông nói: “Luật khó áp dụng này sẽ tỏ ra không hiệu quả về lâu dài vì các bậc cha mẹ là người ra quyết định cuối cùng về việc giáo dục cho con em của họ.”