Cách học tốt nhất cho trẻ em (P.5) Tầm quan trọng của trò chơi
Thật khó để tin rằng trong môi trường mầm non mà nhiều người coi là “chỉ chơi thôi”, con bạn lại thực sự đang học và phát triển các kỹ năng đọc và viết, làm quen với các khái niệm toán học và khoa học cơ bản, cũng như rèn luyện các kỹ năng xã hội. Điều đó đem lại lợi ích trong những năm đầu đời và là hành trang để phát triển tương lai của trẻ nhỏ. Trong tạp chí Weekly Reader số 23, phiên bản Pre-K, Diane C. Ohanesian giúp chúng ta hiểu tại sao những trải nghiệm với sơn màu, những hình khối, giấy và cát lại quan trọng đối với trẻ em và chúng sẽ tiếp thu như thế nào. Chúng ta đều biết rằng trẻ em yêu thích những hoạt động này và nhận được những điều tốt đẹp từ chúng. Vì vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao nhé.
Học với các học liệu nghệ thuật
Đối với việc phát triển những kỹ năng trước khi biết đọc, học liệu nghệ thuật giúp trẻ em:
- Đưa ra nhiều lựa chọn;
- Phân biệt trực quan giữa các màu sắc;
- Phân biệt các họa tiết và cấu trúc;
- Phân biệt các hình dạng (hình khối) cũng như các hình cắt bằng giấy khác nhau.
Đối với việc phát triển kỹ năng trước khi biết viết, học liệu nghệ thuật có thể giúp trẻ em:
- Luyện tập các cơ nhỏ ở bàn tay và ngón tay thông qua việc dùng bút chì màu, kéo, cọ vẽ;
- Học cách thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc mà trẻ em chưa có khả năng thể hiện bằng lời nói.
Chơi với nước dạy cho trẻ em
- Các đặc tính của nước (liên quan đến khoa học);
- Nước có thể đổ xuống, thẩm thấu và chảy đi;
- Nhận biết các vật thể nào có thể chìm hoặc nổi trong nước;
- Học các khái niệm toán học bằng cách sử dụng ly để đo và đếm số muỗng nước cần thiết để làm đầy ly.
Ngoài ra, phương pháp này có thể giúp trẻ em phát triển cảm xúc:
- Nước có tác dụng xoa dịu trẻ em nhờ sự mềm mại và những chuyển động của nước;
- Lặp đi lặp lại hoạt động đổ đầy ly nước và rót nước giúp trẻ em thư giãn và giảm căng thẳng.
Trò chơi hình khối dạy cho trẻ em
- Học cách ước lượng;
- Biết rằng cần bao nhiêu không gian cho một cấu trúc hình khối;
- Biết rằng cần thêm bao nhiêu không gian để hoàn thành hình khối;
- Học cách so sánh khi đứa trẻ cố gắng xây một tòa tháp cao hơn tháp của một bạn khác;
- Học về sự thăng bằng khi thực hành các cấu trúc có khối lớn hơn;
- Học cách phân loại khi xếp nhóm các hình khối theo hình dạng, màu sắc và kích thước;
Học với sách có hình ảnh
Đối với phát triển các kỹ năng trước khi biết đọc, phương pháp này dạy trẻ con:
- Nhận biết các ký hiệu (chữ cái) có ý nghĩa;
- Học cách nhóm các chữ cái tạo thành các từ;
- Học cách nhóm các từ tạo thành các cụm từ;
- Học cách nhóm các cụm từ có thể tạo thành câu;
- Học cách đọc từ trái sang phải;
- Hiểu rằng ảnh minh hoạ có thể “đọc” được để hiểu ý nghĩa;
- Học các kỹ năng ngôn ngữ khi nói về các bức tranh;
- Học cách kể lại những gì mình nhìn thấy trong các bức tranh;
- Học cách mô tả những trải nghiệm liên quan đến các hình ảnh.
Học thông qua việc đóng kịch
- Học các kỹ năng trước khi biết viết trong quá trình chúng tạo ra các đạo cụ’
- Học cách đọc các ký hiệu trên các đạo cụ như tấm vé, thực đơn, biển hiệu;
- Học cách khám phá nỗi sợ hãi, tức giận, lo lắng bằng diễn kịch;
- Học cách giải quyết các vấn đề cảm xúc thông qua việc “đóng vai diễn”;
Học thông qua hoạt động vui chơi ngoài trời
- Trẻ em học các kỹ năng ngôn ngữ khi leo trèo, đu dây, chạy, trượt cùng với việc nói chuyện;
- Trẻ em học về sự chia sẻ, thương lượng, lập ra các quy tắc và trật tự;
- Trẻ em học cách giải quyết các vấn đề như tiếp theo đến lượt ai, ai sẽ dẫn đầu, cần bao nhiêu người.
Chơi với các con rối
Một trong những cuốn sách hay nhất của Mary Jo Huff đã đưa ra những lý do tuyệt vời rằng tại sao chúng ta nên cho các con cơ hội được chơi với những chú rối ở nhà. Dưới đây chỉ là một vài lý do trong số đó:
- Hiểu chữ viết qua những câu chuyện;
- Phát triển khả năng giao tiếp với người khác;
- Luyện kỹ năng nghe tốt;
- Phát triển kỹ năng ngôn ngữ;
- Hình thành việc trân trọng tác phẩm văn học hay;
- Truyền đạt ý tưởng và thông tin;
- Học cách phối hợp làm việc nhóm hiệu quả (với bạn bè ở nhà hoặc ở trường);
- Cải thiện kỹ năng suy nghĩ phản biện;
- Chú ý quá trình suy nghĩ và phát triển khái niệm;
- Củng cố ngôn ngữ mới và các ký hiệu viết;
- Giao tiếp thông qua vở kịch chuyển thể;
- Thể hiện cảm xúc nội tâm.
Trẻ em tiếp thu và ghi nhớ ngôn ngữ khi chúng chủ động và hào hứng sử dụng ngôn ngữ. Kể chuyện và chơi với các con rối mang đến cho trẻ em cơ hội thử nghiệm ngôn ngữ. Bạn có thể kể chuyện cho chúng vào bất cứ thời gian nào. Chọn những câu chuyện phù hợp với sự phát triển của con bạn.
Khuyến khích con bạn chú ý tới tất cả các yếu tố của câu chuyện. Chúng sẽ được trải nghiệm các hoạt động có ý nghĩa về ngôn ngữ và việc đọc viết, cũng như phát triển các kỹ năng cần thiết khác. Trẻ em nên tham gia tích cực thay vì thụ động tiếp nhận. Tất cả những điều này đều khiến các em hứng thú hơn trong việc đọc, viết, nói, lắng nghe và giải quyết vấn đề.
Chơi với bóng – món đồ chơi không bao giờ lỗi thời!
Thật không may là những quả bóng đang bị những đồ chơi khác thay thế. Trẻ em nên được chơi với những quả bóng đủ lớn và mềm để có thể đạt được sự tự tin, và những quả bóng này cũng cần đủ nhỏ và cứng để tạo ra thử thách cho chúng.
Lần cuối cùng bạn chơi bóng với con là khi nào? Chắc hẳn có ít nhất 50 loại bóng khác nhau trên thị trường. Bạn có vô số sự lựa chọn.
Tại sao quả bóng là một món đồ chơi tuyệt vời như vậy?
- Trẻ em học cách kiểm soát tay chân và cơ thể của mình;
- Học phối hợp giữa mắt và tay;
- Giúp cải thiện các kỹ năng khi phải vận động nhiều;
- Giúp phát triển sự tự tin;
- Giúp phát triển tính độc lập;
- Giúp phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề;
- Giúp rèn giũa thái độ “học bằng cách trực tiếp làm” và “luyện nhiều ắt giỏi”;
- Học cách đối phó với trọng lực;
- Học cách thay phiên nhau và vui đùa;
- Học cách phối hợp nhiều phản xạ khác nhau;
- Học cách nói “trò chơi thật hay” hoặc “chúc mừng”;
Chơi không phải chỉ để chơi!
Chơi là một phần thiết yếu của việc giáo dục sớm. Khi trẻ con chơi đùa, chúng đang thể hiện và không ngừng khám phá về cảm xúc, phát triển trí tò mò; kỹ năng giải quyết vấn đề, học diễn đạt bằng lời và không lời, chia sẻ, đồng cảm… Do đó trẻ em chơi không phải “chỉ chơi thôi” mà là đang phát triển các kỹ năng cho cuộc sống.
Bà Pat đã dạy các lớp tiểu học, thanh nhạc, nghệ thuật, và giáo dục năng khiếu. Bà cũng đã từng là điều phối viên mầm non, giáo viên dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, và đã giảng các khóa học về Giáo dục Đặc biệt tại Đại học Lakehead ở Thunder Bay, Ontario, Canada.
Bà đã từng là khách mời nhiều lần của chương trình phát thanh ở Hồng Kông dựa trên các chủ đề trong cuốn sách của bà “Lời khuyên và những thông tin thú vị dành cho phụ huynh và giáo viên”.