Các thành viên GOP chống lại việc ‘cánh tả cấp tiến’ kiểm soát Tối cao Pháp viện
Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa–Kentucky) và các thành viên Đảng Cộng Hòa khác đang khuyên Tổng thống (TT) Joe Biden không nên “dựa vào cánh tả cấp tiến” để chọn ứng cử viên Tối cao Pháp viện, cảnh báo rằng họ sẽ chống lại việc xác nhận bất kỳ ai mà họ cho là quá thiên tả.
Trong nhiều tháng, vì lo sợ sẽ mất thêm một ghế nữa trong tòa án tỷ lệ 6–3 theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, cánh tả đã gây áp lực buộc Thẩm phán 83 tuổi Stephen Breyer từ chức trong khi thành viên Đảng Dân Chủ (Tổng thống Biden) nắm giữ Tòa Bạch Ốc. Sau một loạt tin đồn ông sắp về hưu, ông Breyer đã chính thức thông báo hôm 27/01 rằng ông sẽ từ chức vào cuối nhiệm kỳ của Tối cao Pháp viện vào mùa hè năm nay.
Tòa Bạch Ốc đã xác nhận hôm 27/01 rằng TT Biden sẽ thực hiện lời hứa được đưa ra trong chiến dịch tranh cử là bổ nhiệm một phụ nữ người Mỹ gốc Phi Châu vào Tối cao Pháp viện.
Sau thông báo chính thức của ông Breyer, Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa (GOP) tại Thượng viện McConnell đã khuyên TT Biden không nên cho phép “cánh tả cực đoan” kiểm soát quá trình đề cử. Ông McConnell lưu ý rằng TT Biden – khi mà đảng của ông đã chiếm đa số ở Thượng viện với biên độ mỏng nhất – không có quyền chỉ định một thẩm phán cấp tiến.
Ông McConnell nói trong một tuyên bố: “Người dân Hoa Kỳ đã bầu một Thượng viện có tỷ lệ chia đều 50–50. Mức độ mà Tổng thống Biden đã được trao quyền là điều hành từ cấp trung gian, quản trị các thể chế của chúng ta, và đoàn kết Hoa Kỳ.”
“Tổng thống không được giao phó quyết định quan trọng này cho cánh tả cấp tiến,” ông McConnell tiếp tục. “Người dân Hoa Kỳ xứng đáng có một ứng cử viên thể hiện sự tôn trọng đối với các văn bản luật và Hiến Pháp của chúng ta.”
Tuyên bố của ông McConnell lặp lại một tuyên bố tương tự của Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa–Missouri) trước đó hôm 27/01.
Ông Hawley đã lên Twitter để cảnh báo các thành viên Đảng Dân Chủ rằng họ nên “liệu trước một cuộc chiến lớn” nếu TT Biden cố gắng bổ nhiệm một “nhà hoạt động thức tỉnh” vào tòa án cao nhất của đất nước.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa (RNC) Ronna McDaniel đã dự đoán rằng người được TT Biden đề cử sẽ là một người cấp tiến cánh tả.
Bà McDaniel cho rằng ứng cử viên được TT Biden đề cử sẽ là một “thẩm phán kiểu nhà hoạt động, người sẽ nhanh chóng chấp thuận nghị trình chính trị của phe cực tả.”
Bà McDaniel nói: “Kiểu thẩm phán này là một mối đe dọa đối với các quyền hiến định của người Mỹ, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo, quyền Tu chính án thứ Hai, quyền được sống, và quyền tự do ngôn luận.”
“RNC sẽ làm mọi thứ trong khả năng của chúng tôi để làm rõ về ứng cử viên Tối cao Pháp viện của Tổng thống Biden và buộc các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện chịu trách nhiệm về lá phiếu của họ vào tháng 11/2022,” bà McDaniel tuyên bố.
Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Cộng Hòa–Iowa) đã lưu ý trong một thông cáo báo chí rằng ông từng ủng hộ việc xác nhận ông Breyer vào năm 1994, cũng như hầu hết các thượng nghị sĩ khác.
Tuy nhiên, kể từ đó, các ứng cử viên của Tối cao Pháp viện ngày càng phải đối mặt với các quy trình xác nhận mang tính đảng phái. Sự xác nhận của bà Amy Coney Barrett, Thẩm phán mới nhất của Tối cao Pháp viện, đã được thông qua mà không có sự ủng hộ của Đảng Dân Chủ – lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Ứng cử viên tiếp theo của TT Biden có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu mang tính đảng phái tương tự.
Mặc dù vậy, ông Grassley bày tỏ hy vọng rằng người được đề cử là một người “theo xu hướng chung của ngành tư pháp… có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng.” Ông Grassley đã nhận định rằng “một ứng cử viên như vậy sẽ bảo toàn niềm tin vào tòa án và phản ánh ý chí của người dân Hoa Kỳ khi họ bầu chọn cho một Thượng viện cân phân[50– 50].”
Bất chấp đa số trên danh nghĩa của họ, Đảng Dân Chủ có thể sẽ phải đối mặt với thách thức khi thúc đẩy một ứng cử viên quá đảng phái.
Đầu tiên, Đảng Cộng Hòa có thể ngăn không cho ứng cử viên này đi xa hơn ngoài Ủy ban Tư pháp Thượng viện, nơi cả hai đảng đều có số phiếu bầu bằng nhau.
Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi sự đồng thuận của toàn bộ các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện, bao gồm cả các thượng nghị sĩ hay dao động trong quyết định của họ như ông Lindsey Graham (Cộng Hòa–South Carolina) và ông Thom Tillis (Cộng Hòa–North Carolina). Và ngay cả khi tất cả các thành viên Đảng Cộng Hòa của Ủy ban Tư pháp đều bầu theo đảng phái, ứng cử viên được đề cử vẫn có thể đến được phòng họp Thượng viện.
Điều này là do các quy tắc được định ra giữa Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa (GOP) ông McConnell và Lãnh đạo Đảng Dân Chủ Chuck Schumer (Dân Chủ–New York) vào đầu Quốc hội khóa 117; sự phân chia theo tỷ lệ 50–50 tại Thượng viện là điều rất hiếm thấy trong lịch sử Hoa Kỳ và gây ra những trở ngại đáng kể cho quy trình lập pháp.
Trong Nghị quyết Thượng viện 27, được thông qua hồi tháng 02/2021, cả hai nhà lãnh đạo này đã đồng ý rằng các nhiệm vụ của ủy ban sẽ được chia đều cho hai đảng để thể hiện quyền kiểm soát ngang nhau của họ đối với Thượng viện. Trong các Quốc hội khóa trước, sự phân công của ủy ban được ưu tiên cho đảng đa số.
Ví dụ, trong Quốc hội khóa 116, khi Đảng Cộng Hòa nắm giữ Thượng viện, Đảng Cộng Hòa có 12 ghế trong Ủy ban Tư pháp trong khi Đảng Dân Chủ chỉ có 10 ghế. Khi Thượng viện không được chia đều, các cuộc bỏ phiếu của ủy ban thường có kết quả đa số rõ ràng. Các dự luật hoặc ứng cử viên nhận được đa số phiếu được báo cáo và lên lịch lập pháp để đưa ra xem xét tại phòng họp.
Nhưng trong một ủy ban có sự đại diện ngang nhau của lưỡng đảng, các cuộc bỏ phiếu có kết quả hòa phổ biến hơn nhiều, điều này đe dọa việc khiến các dự luật bị chìm vào trạng thái lấp lửng chờ quyết của ủy ban. Nghị quyết Thượng viện 27 vượt lên các quy tắc hiện có của Thượng viện và cho phép chủ tịch ủy ban – trong trường hợp này là một thành viên Đảng Dân Chủ – vẫn báo cáo dự luật hoặc ứng cử viên khi xảy ra một cuộc bỏ phiếu hòa.
Do đó, ngay cả khi toàn bộ 10 thành viên Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Tư pháp phản đối một ứng cử viên được đề cử, Chủ tịch Tư pháp Thượng viện Dick Durbin (Dân Chủ–Illinois) vẫn có thể đưa người được đề cử đến phòng họp Thượng viện.
Một phương án khác để Đảng Cộng Hòa thách thức người được bổ nhiệm mà họ cho là quá cấp tiến sẽ đòi hỏi có ít nhất một thành viên Đảng Dân Chủ “đào ngũ”.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, các thành viên Đảng Cộng Hòa ở Thượng viện đã sử dụng cái gọi là “lựa chọn hạt nhân” – thay đổi các quy tắc của Thượng viện – để đẩy các ứng cử viên của ông Trump qua các cuộc bỏ phiếu xác nhận, sau khi các thành viên Đảng Dân Chủ từ chối chấm dứt cuộc tranh luận về ông Neil Gorsuch.
Trước đó, việc kết thúc tranh luận về các ứng cử viên Tối cao Pháp viện để chuyển đến một cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại phòng họp cần 60 phiếu bầu. Sau khi sử dụng lựa chọn hạt nhân, Đảng Cộng Hòa đã hạ ngưỡng xuống còn 51 phiếu. Quyết định này có thể sẽ sớm trở lại ám ảnh đảng này, khi họ thuộc phe thiểu số.
Nếu toàn bộ 50 thành viên Đảng Dân Chủ đều đồng ý về việc đề cử một ứng cử viên, thì Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ có thể sử dụng lá phiếu phá vỡ thế hòa của mình để kết thúc tranh luận và cho phép tiến hành cuộc bỏ phiếu xác nhận cuối cùng. Trong trường hợp này, Đảng Cộng Hòa sẽ hầu như không thể làm gì để ngăn chặn việc xác nhận.
Tuy nhiên, nếu có ít nhất một thành viên Đảng Dân Chủ đào ngũ, thì Đảng Dân Chủ sẽ không thể đạt ngưỡng 51 phiếu bầu.
Nếu người được TT Biden lựa chọn quá cấp tiến so với thị hiếu của Đảng Cộng Hòa, thì Đảng Cộng Hòa có thể tìm đến các thượng nghị sĩ ôn hòa của Thượng viện là ông Joe Manchin (Dân Chủ–West Virginia) và bà Kyrsten Sinema (Dân Chủ–Arizona) như những người đào ngũ tiềm năng.
Trả lời một đài phát thanh ở West Virginia, ông Manchin đã không loại trừ khả năng bỏ phiếu cho một ứng cử viên thiên tả hơn ông – nhưng ông cũng không cam kết bỏ phiếu cho bất kỳ ai mà tổng thống cử đến Thượng viện.
Trong mọi trường hợp, Đảng Cộng Hòa đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để chống lại bất kỳ ứng cử viên nào quá thiên tả. Nếu TT Biden vẫn tiếp tục với một lựa chọn cấp tiến bất chấp những cảnh báo này, thì ứng cử viên được đề cử sẽ có nguy cơ bị mất những phiếu bầu quan trọng của các thượng nghị sĩ ôn hòa.
Tòa Bạch Ốc cho biết hôm 27/01 rằng TT Biden sẽ đưa ra lựa chọn của mình vào cuối tháng Hai.