Các nước vùng Baltic cố gắng tách khỏi hệ thống điện của Nga
Ella Kietlinska
Các nước vùng Baltic đang tiếp tục cố gắng ngắt kết nối những lưới điện của họ với Nga và đồng bộ hóa lưới điện với hệ thống điện Âu Châu lục địa trong bối cảnh cuộc xung đột Nga–Ukraine đang diễn ra.
Theo tuyên bố của Bộ Khí hậu và Năng lượng Lithuania, hồi tháng 07/2023, Estonia, Latvia, và Lithuania đã đồng ý đẩy nhanh nỗ lực đồng bộ hóa lưới điện của họ với Âu Châu lục địa thông qua Ba Lan trước tháng 02/2025. Thời hạn ban đầu để hoàn tất tiến trình chuyển đổi đã được ấn định là vào cuối năm 2025.
Theo tuyên bố của Ủy ban Âu Châu, các nước vùng Baltic ban đầu đã đạt được thỏa thuận vào năm 2018 với Liên minh Âu Châu (EU) để tham gia lưới điện Âu Châu lục địa. Thỏa thuận này đã được củng cố vào năm 2019.
Ba nước này được kết nối với cơ sở hạ tầng điện lực của Liên Xô khi còn là một phần của Liên Xô.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Đông Phương (OSW) có trụ sở tại Ba Lan, tám năm sau khi Liên Xô tan rã, hồi năm 1999 Latvia và Estonia – sau đó Lithuania năm 2001 – đã ký hiệp định BRELL với Nga và Belarus để duy trì lưới điện đồng bộ với lưới điện của Nga và Belarus.
OSW cho biết trong nhiều năm qua, lưới điện của các nước vùng Baltic là một phần trong hệ thống của Nga và Belarus cũng như không có kết nối xuyên biên giới với các nước Bắc Âu hoặc tới Âu Châu lục địa qua Ba Lan.
Theo Viện Warsaw có trụ sở tại Ba Lan, điều này trao cho Nga thế mạnh, cho phép nước này sử dụng quyền kiểm soát lưới điện của các quốc gia vùng Baltic như một công cụ cưỡng ép.
“Vì lý do này, trong những năm trước, các nước vùng Baltic đã chấm dứt tình trạng độc quyền khí đốt của Nga,” viện Warsaw cho biết.
Viện nghiên cứu này còn cho biết, dự án đồng bộ hóa lưới điện của họ với Âu Châu lục địa sẽ là bước tiến lớn để Estonia, Latvia, và Lithuania hướng tới sự độc lập về năng lượng.
Theo OSW, trong một thập niên bắt đầu từ năm 2007, ba tuyến kết nối không đồng bộ thông qua cáp ngầm dưới biển nối vùng Baltic với một số quốc gia thành viên EU khác đã được xây dựng: Estlink 1 và Estlink 2 từ Estonia đến Phần Lan, NordBalt từ Lithuania đến Thụy Điển, và LitPol Link từ Lithuania đến Ba Lan.
Sự chuyển tiếp
Tuyên bố cho biết, để đáp ứng thời hạn đã được đẩy nhanh này, đến tháng 08/2024, Estonia, Latvia, và Lithuania phải cùng nhau thông báo cho các đối tác BRELL về việc chấm dứt thỏa thuận BRELL.
Nasdaq đưa tin, theo cam kết của các nước vùng Baltic nhằm đẩy nhanh việc tách lưới điện của họ khỏi Nga, ba nhà khai thác lưới điện này đã ký thỏa thuận làm cho lưới điện vùng Baltic sẵn sàng về mặt kỹ thuật để đồng bộ hóa vào tháng 02/2025.
Nasdaq cho biết các nhà khai thác hệ thống truyền tải điện của Estonia, Latvia, và Lithuania là Elering, Augstsprieguma tīkls (AST), và Litgrid sẽ sẵn sàng ngắt kết nối một cách an toàn khỏi hệ thống do Nga kiểm soát và đồng bộ hóa với Âu Châu lục địa.
Theo tuyên bố của mình, Liên minh Âu Châu đã cấp 1.2 tỷ euro để đài thọ cho dự án này.
Kể từ năm 2004, Estonia, Latvia, và Lithuania đã trở thành các quốc gia thành viên của EU.
Theo nhà điều hành lưới điện AST của Latvia, sáng kiến này sẽ bao gồm nâng cấp tuyến liên kết Lithuania–Ba Lan hiện tại (LitPol Link) và xây dựng tuyến cáp ngầm mới giữa Lithuania và Ba Lan.
“Thỏa thuận BRELL là yếu tố cuối cùng ràng buộc hệ thống năng lượng của các nước Baltic với không gian hậu Xô Viết,” OSW cho biết vào năm 2019.
Theo hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga, hồi tháng Mười Một năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã cảnh báo rằng các nước vùng Baltic ngắt kết nối với hệ thống lưới điện BRELL do Liên Xô xây dựng sẽ ảnh hưởng đến chi phí điện của các nước này.
Ông Grushko giải thích, sau khi hoàn toàn thoát khỏi thỏa thuận BRELL, giá điện sẽ được xác định tại sàn giao dịch Thụy Điển chứ không phải qua hợp đồng trong dài hạn cung cấp năng lượng từ Nga.
Tác động
Nhà điều hành lưới điện Estonia Elering nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng lưới điện vùng Baltic đã hòa vào thị trường điện Âu Châu và vùng Baltic không buôn bán điện với Nga và Belarus.
Vì vậy, theo phát ngôn viên của Elering, giá điện thị trường hiện không chịu ảnh hưởng từ Nga hay Belarus.
Hơn nữa, phát ngôn viên này giải thích rằng việc đồng bộ hóa với Âu Châu sẽ tạo ra các cơ hội mới cho các nhà khai thác truyền tải điện ở vùng Baltic khi cho phép họ tiếp cận các thị trường cung cấp điện mới.
Phát ngôn viên này còn cho biết, một mặt, các nhà vận hành có thể khai thác nguồn cung cấp điện ở các thị trường mới; mặt khác, họ có thể giao dịch lượng dự trữ của mình trên các thị trường mới.
Phát ngôn viên này nói rằng thị trường mới và các chính sách về khí hậu của EU có thể tác động đến giá điện, nhưng bản thân sáng kiến chấm dứt đồng bộ hóa sẽ không ảnh hưởng đến chi phí điện vì sáng kiến “phần lớn do EU tài trợ”.
Elering cho biết hầu hết các khoản đầu tư lẽ ra phải được thực hiện bất kể tiến trình chuyển đổi này.
“Hệ thống điện [sẽ] hoạt động trong tiến trình đồng bộ hóa một cách bình thường nhất có thể,” phát ngôn viên này cho biết. “Người tiêu dùng thậm chí [sẽ] không nhận thấy sự thay đổi.”
Theo phát ngôn viên này, đến tháng 02/2025, lưới điện của các nước vùng Baltic sẽ được đồng bộ hóa với lưới điện của Âu Châu lục địa. Để ngăn chặn mọi tác động tiềm ẩn do việc ngắt kết nối với lưới điện của Nga, ba nước đã đồng ý về “một loạt biện pháp.”
“Luôn có rủi ro nhỏ về hoạt động, nhưng một kế hoạch hành động cũng đã được chuẩn bị để đồng bộ hóa khẩn cấp các nước vùng Baltic với Âu Châu lục địa.”
Ngoài ra, “các biện pháp dự phòng đã được phát triển để có thể áp dụng trong trường hợp có sự can thiệp không lường trước được từ bên trong hoặc bên ngoài,” Elering cho biết.