Các lệnh trừng phạt Nga của Hoa Kỳ và chính sách chống dầu mỏ tạo lợi thế cho Trung Cộng
PETR SVAB
Theo một chuyên gia về chính sách môi trường và năng lượng, việc kiềm chế ngành dầu trong khi cắt giảm dầu của Nga đang khiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ gặp bất lợi nghiêm trọng so với những doanh nghiệp hiện mua dầu và khí đốt của Nga với giá chiết khấu, cụ thể là Trung Quốc và cả Ấn Độ. Tệ hơn nữa, tình hình này dường như không thể tránh khỏi trong bối cảnh địa chính trị trong tương lai gần.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm nay, các quốc gia phương Tây đã cố gắng trừng phạt Nga bằng một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế, bao gồm cả việc cắt giảm mua dầu và khí đốt của Nga. Ông Ross McKitrick, giáo sư kinh tế tại Đại học Guelph ở Ontario, cho biết, điều đó khiến Nga trở thành “một người bán tháo” buộc phải chấp nhận mức giá phạt.
Ông nói với The Epoch Times: “Hiện họ đang vận chuyển nhiều năng lượng hóa thạch hơn tới Trung Quốc và Ấn Độ, những nước vẫn sẵn sàng giao dịch với Nga.”
Theo một số ước tính, dầu của Nga được bán với mức chiết khấu hơn 30%.
Trong khi đó, các chính phủ phương Tây đã hạn chế đầu tư vào ngành dầu khí nhằm mục đích “khử carbon” nền kinh tế của họ, dẫn đến nguồn cung bị thắt chặt và thị trường không thể ứng phó với nhu cầu tăng cao.
Ông McKitrick nói: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mà giá năng lượng sẽ rất cao về mặt cấu trúc trong nhiều năm tới.”
“Trung Quốc và Ấn Độ đang mua năng lượng với giá rất hời nên họ sẽ có lợi thế chi phí xét về cấu trúc, và tôi nghĩ rằng quý vị sẽ thấy điều đó bắt đầu ảnh hưởng đến các mô hình giao dịch, chi phí sản xuất, chi phí sản phẩm tốn kém năng lượng trong những năm tới gây bất lợi cho chúng ta – điều mà hoàn toàn cũng có thể tránh được.”
Giá xăng trung bình của Hoa Kỳ đã ở khoảng hoặc trên 5 USD một gallon trong nhiều tuần, và dầu diesel đã vượt qua mức 6 USD ở nhiều khu vực.
Tác động kinh tế là rất sâu rộng vì năng lượng là yếu tố “rất căn bản” và khi giá của nó tăng lên sẽ khiến người ta “tốn kém hơn khi làm mọi thứ,” ông McKitrick nói.
Một số nhà kinh tế hiện xem giá nhiên liệu là yếu tố chi phối lạm phát, vốn đã đạt 8.6% hồi tháng Năm.
Trong bối cảnh thị trường lao động vốn đã thắt chặt, tín dụng thắt chặt, mất lợi nhuận do lạm phát, thì một bất lợi cạnh tranh khác là điều cuối cùng mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ cần.
Một cuộc khảo sát về mức độ lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ gần đây đã ghi nhận mức thấp nhất từ trước đến nay trong lịch sử 48 năm của nó.
Ông Bill Dunkelberg, nhà kinh tế trưởng tại Liên đoàn Quốc gia Các doanh nghiệp Độc lập (National Federation of Independent Business), một nhóm thương mại thực hiện các khảo sát, trong một bản phát hành hôm 14/06, cho biết: “Các chủ doanh nghiệp nhỏ vẫn còn rất bi quan về sáu tháng cuối năm vì tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát, và thiếu lao động không thuyên giảm.”
Trước đó, một chuyên gia đầu tư dầu mỏ nói với The Epoch Times rằng không còn bất kỳ giải pháp dễ dàng nào cho vấn đề này khi chính phủ Tổng thống Biden đã phạm một loạt sai lầm về chính sách dẫn đến thời điểm này.
Không chỉ sản lượng dầu trong nước đang thiếu mà cả công suất chế biến dầu của nhà máy lọc dầu cũng giảm.
“Không có ai xây dựng một nhà máy lọc dầu mới ở Hoa Kỳ trong nhiều thập niên. Không có ai sẵn sàng đầu tư vào việc mở rộng công suất nhà máy lọc dầu bởi vì triển vọng từ mọi thứ mà chính phủ đã nói là quý vị sẽ không nhận được sự chấp thuận,” ông McKitrick nói và lưu ý rằng vấn đề tương tự cũng tồn tại ở Canada, nơi “các công ty đã lãng phí hàng tỷ USD chỉ để cố gắng xây dựng đường ống và cuối cùng thì họ không thể, vì chính sách môi trường khiến điều đó không thực hiện được.”
Chính phủ cần phải không những dỡ bỏ sức ép lên ngành công nghiệp dầu mỏ, mà còn phải thực sự cam kết với ngành công nghiệp này rằng các dự án mới sẽ được thúc đẩy nhanh chóng vượt qua các rào cản pháp lý.
Ông nói: “Điều này sẽ cần đến sự thay đổi chính sách lớn từ phía chính phủ.”