Biểu tình lan rộng khắp Âu Châu : Nông dân chặn biên giới Hà Lan–Bỉ
Kos Temenes
Hôm 02/02, những người nông dân đã phong tỏa biên giới Hà Lan–Bỉ và chiếm đóng các con đường ở Hy Lạp, trong khi một nghiệp đoàn của phía Ba Lan công bố kế hoạch chặn các cửa biên giới với Ukraine trước sự lan rộng của các cuộc biểu tình ở Âu Châu về giá cả và nạn quan liêu.
Tại một con đường bị chặn, anh Johan Van Enckevort – một người chăn nuôi heo từ Hà Lan, 25 tuổi – đã nhắc nhở Liên minh Âu Châu và các chính trị gia Hà Lan đang tổ chức cuộc đàm phán thành lập nội các không được phớt lờ nhu cầu của nông dân.
“Chúng tôi có những sản phẩm rất tốt ở Âu Châu và chúng tôi muốn tiếp tục sản xuất những sản phẩm đó. Nhưng việc này phải được thực hiện một cách công bằng, thỏa đáng và không có quá nhiều quy tắc, chứ không thể tiếp tục như thế này được nữa,” anh nói.
Tại Pháp, nông dân tiến về Hạ viện ở Paris hôm 01/02. Cảnh quay từ thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến (drone) cho thấy quy mô của cuộc biểu tình – một đoàn máy kéo lớn đang di chuyển trên xa lộ gần Jossigny. Nhiều đường xa lộ trong và xung quanh Paris cũng bị phong tỏa.
Kể từ hôm 02/02, sau khi nhận được thêm cam kết của chính phủ, nông dân Pháp đã dỡ bỏ nhiều rào chắn làm bằng cỏ khô tại hàng chục địa điểm trên khắp nước Pháp, kể cả một số xa lộ dẫn vào thủ đô của Pháp, tạm dừng các cuộc biểu tình.
“Những vật cản đường này đang được dỡ bỏ theo từng khu vực. Một số vẫn còn duy trì nhưng dần dần chúng sẽ bị dỡ bỏ, trong buổi sáng,” ông Jerome Despey – một viên chức cao cấp của hiệp hội nông dân FNSEA – nói với đài phát thanh France Info.
Lý do của các cuộc biểu tình
Các nông dân nói rằng các mức thuế xanh cao hơn được Âu Châu thực thi gần đây đã có tác động nghiêm trọng đến sinh kế của họ, và họ không kiếm được thu nhập thỏa đáng đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ các nước bên ngoài khối EU.
Hôm 01/02, hỗn loạn nổ ra bên ngoài Nghị viện Âu Châu ở Brussels khi nông dân ném trứng và đá vào tòa nhà nghị viện, đốt lửa, và tạo ra các đám cháy gần đó.
Cuộc biểu tình rầm rộ này có sự tham gia của nông dân từ nhiều nước Âu Châu – kể cả Ý và Tây Ban Nha – trong khi các cuộc biểu tình ở trong nước sở tại của họ vẫn đồng thời tiếp tục. Nông dân ở Bồ Đào Nha đã đến biên giới Tây Ban Nha vào sáng sớm nhằm chặn các con đường nối giữa hai nước này.
Cuộc biểu tình cũng có các nhóm nhỏ cố gắng phá bỏ các rào cản được dựng lên trước quốc hội, nằm cách nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh này vài dãy nhà.
Những người biểu tình đã phải hứng chịu hơi cay và vòi rồng từ cảnh sát chống bạo động, trong khi nhân viên an ninh mặc trang phục chống bạo động đứng bảo vệ sau hàng rào – nơi các nhà lãnh đạo đang họp tại trụ sở Hội đồng Âu Châu.
Trong cuộc biểu tình, một bức tượng trên quảng trường đã bị hư hại. Một số con đường lớn trong thành phố đã bị chặn bằng máy kéo – cảnh sát ước tính có khoảng 1,300 chiếc.
“Nếu quý vị chứng kiến có bao nhiêu người ở đây ngày hôm nay, và nếu quý vị thấy chuyện này đang lan khắp Âu Châu, thì quý vị hẳn phải có hy vọng,” ông Kevin Bertens, một nông dân ở ngoại ô Brussels, cho biết. “Quý vị cần chúng tôi. Hãy giúp chúng tôi!”
Các cuộc bầu cử của Liên minh Âu Châu
Các cuộc biểu tình đã mang lại một số kết quả, bao gồm các đề xướng của ủy ban điều hành khối liên minh này nhằm hạn chế nhập cảng nông sản từ Ukraine và nới lỏng một số quy định về môi trường trên đất bỏ hoang. Điều này đã được một số nhà lãnh đạo EU hoan nghênh khi họ đến tham gia hội nghị thượng đỉnh.
Các cuộc biểu tình ở Pháp đã diễn ra trong nhiều tuần, khiến chính phủ Pháp từ bỏ kế hoạch giảm dần trợ cấp cho dầu diesel nông nghiệp, cũng như hứa hẹn sẽ viện trợ nhiều hơn. Các biện pháp mới được Thủ tướng Gabriel Attal công bố hôm 01/02.
Dù sao đi nữa, theo những người nông dân, đây chỉ là một vấn đề rất nhỏ và họ đang yêu cầu các nhà lãnh đạo của mình có những hành động dứt khoát hơn.
“Quý vị biết điều gì đang xảy ra không: Các cuộc bầu cử ở Âu Châu đang diễn ra và các chính trị gia cũng như Ủy ban Âu Châu đều vô cùng lo lắng. Và tôi nghĩ rằng đây là khoảnh khắc tuyệt vời nhất khi toàn bộ nông dân Âu Châu cùng nhau xuống đường,” bà Jose Maria Castilla – một nông dân đại diện cho nghiệp đoàn nông dân Tây Ban Nha, Asaja – cho biết.
Một máy kéo treo biểu ngữ “Nếu quý vị yêu trái đất, hãy trợ giúp những người trông nom hành tinh này” khi nông dân từ Bỉ và các nước Âu Châu khác cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh lắng nghe.
Một biểu ngữ khác có nội dung: “Không có nông dân, không có lương thực.”
Chủ tịch Nghị viện Âu Châu Roberta Metsola cho biết: “Gửi những người nông dân ở bên ngoài. Chúng tôi nhìn thấy quý vị và chúng tôi nghe thấy quý vị.”
Thủ tướng Hungary Viktor Orban – người thường xuyên bất đồng với nhiều chính sách do các nhà lãnh đạo EU thực hiện – đã tìm cách gặp gỡ nông dân trong chốc lát.
“Chúng ta cần tìm những nhà lãnh đạo mới thực sự đại diện cho lợi ích của người dân,” phát ngôn viên của ông dẫn lời ông cho biết, ý đề cập đến cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu.
Và khi đến hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết các nhà lãnh đạo nên thảo luận về những bất bình của nông dân.
Ông nói: “Họ cung cấp những sản phẩm giá trị, còn chúng ta cần bảo đảm rằng họ có thể nhận được mức giá phù hợp cho những sản phẩm tốt mà họ cung cấp.”
Đàm phán Thương mại Mercosur
Một yêu cầu quan trọng khác của nông dân là sửa đổi bản dự thảo hiện tại của thỏa thuận Mercosur (Khối Thị trường chung Nam Mỹ). Thỏa thuận này tìm cách cho phép hàng hóa từ các quốc gia thành viên khối Nam Mỹ được lưu thông tự do – cụ thể là Argentina, Brazil, Paraguay, và Uruguay.
Dự thảo hiện tại đã bị Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron cũng như mới đây là Thủ tướng Ireland Leo Varadkar phản đối.
Các cuộc biểu tình dường như gây được tiếng vang với một số nhân vật hàng đầu trong nghị viện Âu Châu, nhưng việc hành động để đưa ra các giải pháp cụ thể vẫn chậm chạp phía sau. Tuy nhiên, tác động của việc phong tỏa là đáng chú ý, đặc biệt là ở Pháp, nơi nông dân đã biểu tình nhiều hơn hồi đầu tuần.
Theo ông Eric Hemar – người đứng đầu liên đoàn các nhà tuyển dụng vận tải và tiếp vận – tác động của hàng chục cuộc phong tỏa đang bắt đầu được cảm nhận rõ ràng.
Ông nói với France Info rằng, “Chúng tôi đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến giữa các thành viên liên đoàn của mình: Tất cả các công ty vận tải đều bị ảnh hưởng [vì đợt biểu tình này] và đã mất khoảng 30% doanh thu trong 10 ngày qua, vì chúng tôi không thể giao hàng đúng ngày hoặc giao chậm trễ.”