Bí quyết thành tài: Biết không bằng thích, thích không bằng vui
Mỗi người đều có sở trường sở đoản và thiên hướng bẩm sinh. Khổng Tử sở dĩ là bậc thầy muôn đời (Vạn thế sư biểu) cũng bởi ông biết và áp dụng đạo lý: “Biết không bằng thích, thích không bằng vui”, để học trò vui thích với học hành tùy theo sở trường, sở thích mỗi người.
Chuyện Vương Miện
Vào triều Minh, vùng Chư Kỵ Chiết Giang xuất hiện một họa sĩ đại tài, tên gọi Vương Miện. Khi Vương Miện còn nhỏ, gia đình rất nghèo, cha Vương Miện đành phải cho Vương Miện đến nhà địa chủ ở để chăn trâu cho họ.
Trong làng có một trường học. Vương Miện đi chăn trâu qua, nghe tiếng đọc sách vang vang, trong lòng rất lấy làm ngưỡng mộ. Vương Miện thường buộc trâu ở gốc cây rồi nhẹ nhàng bước vào trường học nghe thầy giảng, có lúc còn mượn thầy sách về đọc. Có lần, khi Vương Miện nghe giảng xong vừa từ trường học bước ra thì không thấy trâu đâu. Cha Vương Miện nghe nói Vương Miện để mất trâu nhà địa chủ, vừa tức giận, vừa sợ hãi, cầm ngay cái then cửa đánh Vương Miện. Vương Miện sợ quá bỏ chạy, trốn vào một ngôi chùa ở qua đêm. Đêm xuống, Vương Miện ngồi lên đầu gối của tượng Phật, nhờ ánh sáng ngọn đèn phía trước tượng Phật đọc mấy quyển sách cũ nát mượn được ở trường học.
Vương Miện không những rất thích đọc sách mà còn rất thích vẽ tranh. Một năm vào đầu mùa hạ, lúc hoàng hôn sau trận mưa rào, Vương Miện đến bên hồ chăn trâu. Khi đó, mặt trời chiếu qua tầng mây trắng, hắt ánh nắng đỏ rực rỡ khắp mặt hồ. Trên ngọn núi bên hồ, những mảng màu xanh lục, lam vô cùng đẹp mắt. Những lá cây được mưa gột rửa, xanh non thật đáng yêu. Những bông sen trong hồ cũng nở vô cùng rực rỡ, trên những chiếc lá sen xanh biếc là những giọt nước mưa như những hạt châu ngọc lăn qua lăn lại, quả là đẹp vô cùng. Vương Miện trong lòng nghĩ, nếu vẽ lại cảnh tượng này thì đẹp biết bao. Phải rồi, mình sẽ học vẽ hoa sen.
Vương Miện xin mấy cây bút hỏng của các học trò, giã nát lá cây vắt lấy nước làm màu vẽ màu xanh lục, rồi mài đá đỏ thành bột, hòa với nước làm màu vẽ màu đỏ, rồi ngồi bên hồ vẽ hoa sen.
Ban đầu Vương Miện vẽ hoa sen lá sen trông không giống một chút nào. Nhưng Vương Miện không nhụt chí, vẽ một bức tranh không giống, liền lại vẽ bức khác. Vương Miện vừa vẽ vừa chú ý ngắm nghía chi tiết hoa sen. Cứ như thế vẽ đi vẽ lại, xem xét, ngắm nhìn, suy nghĩ kỹ lưỡng, Vương Miện đã vẽ ra những bông sen giống y như những bông sen trong hồ, vô cùng đẹp.
Sau khi vẽ hoa sen thành công, Vương Miện lại học vẽ sông núi, vẽ trâu ngựa, vẽ người. Cuối cùng, bất kể Vương Miện vẽ cái gì đều sống động giống y như thật.
Tăng Quốc Phiên tùy theo sở thích con mà dạy
Tăng Quốc Phiên tuy học Nho, nhưng giáo dục của ông đối với con cháu lại không áp dụng đạo lý cứng nhắc. Ông căn cứ vào hứng thú của con cháu, căn cứ vào tố chất thiên hướng mỗi đứa mà áp dụng giáo dục khác nhau.
Người con trai thứ nhất của ông là Tăng Kỷ Trạch không thích các khoa thi cử, không thích những điều rập khuôn, và văn bát cổ, nhưng lại đặc biệt yêu thích ngôn ngữ học và xã hội học của phương Tây. Tăng Quốc Phiên biết sở thích của con, liền khích lệ con tìm đọc sách theo sở thích của mình.
Hơn nữa, điều khó nhất và cũng đáng quý nhất chính là, những điều mà con trai thấy hứng thú đều là những điều phương Tây. Không giỏi về những điều này nhưng Tăng Quốc Phiên đã cố gắng tìm hiểu. Về sau này, Tăng Kỷ Trạch viết hai cuốn sách nổi tiếng là “Tây học thuật lược tự thuyết” và “Kỷ hà nguyên bản”, đều do Tăng Quốc Phiên phê duyệt trước khi xuất bản.
Đối với người con trai thứ hai là Tăng Kỷ Hồng, ông cũng áp dụng phương pháp khích lệ này. Biết được con trai có hứng thú với toán học, ông đã cổ vũ, khích lệ con nghiên cứu toán học.
Điều đáng quý là, sau khi Tăng Kỷ Hồng kết hôn, vợ của ông là Quách Quân cũng ham đọc sách. Thời ấy phụ nữ ham thích đọc sách là điều hiếm có, nên Tăng Quốc Phiên thuận theo việc dạy bảo con trai, cũng thuận tiện giáo dục con dâu nghiên cứu, đọc sách.
An Nam