Bí mật phong thủy đằng sau kiến trúc kinh thành Huế thời nhà Nguyễn (Kỳ 2)
Ngọ Môn và Ngũ Phụng Lâu, noi gương Thánh nhân mà cai trị
Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng thành Huế, là nơi ra vào của bậc vua chúa trong những đại lễ quan trọng. Nó nghĩa là Cửa Nam vì nằm ở Ngọ theo trục Tý Ngọ của phong thủy. Theo Dịch học, hướng Nam là hướng dành cho bậc vua chúa để “nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” (hướng về ánh sáng để nghe thiên hạ và cai trị thiên hạ một cách sáng suốt).
Ngọ Môn thiết kế hình chữ U ở thế thu vào, mục đích là thu cát khí của phương Nam, sinh vượng cho tòa thành; nói cách khác chính là luôn tiếp thu sự đóng góp tốt lành của nhân dân và thần tử để đất nước luôn tốt đẹp.
Bên trên Ngọ Môn có Ngũ Phụng Lâu là nơi vua ngự khi có các sự kiện quan trọng. Vì chim phượng hoàng là loài chim thiêng được mô tả: đầu gà, hàm én, cổ rắn, lưng rùa, đuôi cá, có 5 màu và cao 6 thước. Nó tượng trưng cho 6 thiên thể, có thể hiểu nôm na: đầu là trời, mắt là mặt trời, lưng là mặt trăng, cánh là gió, chân là đất và đuôi là các hành tinh. Lông của nó đại diện cho màu sắc của ngũ hành: đen, trắng, đỏ, xanh, và vàng. Người ta dùng hình tượng chim phượng hoàng để tượng trưng cho vũ trụ chung quanh nơi vua ngự.
Đặt tên Ngũ Phụng còn là vì lầu này có 5 gian chính; ở giữa lợp ngói hoàng lưu ly dành cho vua và hoàng gia ngự. Bốn gian phụ hai bên lợp ngói thanh lưu ly dành cho quần thần. Tổng cộng lầu có 9 gian, vì số 9 và 5 tượng trưng cho vua. Tòa lầu này có tổng cộng 100 cây cột, tượng trưng cho bách tính hay số 100 trong độ số của Lạc Thư, Hà Đồ, mang chung một ý nghĩa chỉ vũ trụ và toàn quốc quy phục xung quanh nhà vua.
Tóm lại, Ngọ Môn và lầu Ngũ Phụng chính là được xây để vua luôn ý thức được rằng sự trị vì của mình phải đạt đến thịnh thế, cai trị bằng nhân đức như các bậc Thánh nhân ngày xưa. Cũng bởi phượng hoàng là loại chim chỉ được nói đến trong thời bình thịnh thế mà thôi. Kiến trúc của Ngọ Môn và Ngũ Phụng Lâu cũng nhắc nhở các bậc vua khi ngự ra cổng lớn phải nhớ rằng xung quanh mình chính là cả một vũ trụ, phải cư xử sao cho đúng với đạo làm vua.
Điện Thái Hòa: Con đường tu Đạo trở thành Thánh nhân của Vua Chúa

Trước điện Thái Hòa có một nghi môn bằng đồng ghi các chữ như sau “Chính trực đẳng bình” (mặt ngoài) và “Cư nhân do nghĩa” (mặt trong), là lời nhắc nhở cho vua quan khi tiến vào hoàng cung từ cửa Ngọ Môn, ý nói phải cư xử công chính, bình đẳng và luôn sống trong nhân nghĩa đạo đức. Điều rất đơn giản này rất dễ bị lãng quên khi người ta có được quyền cao chức trọng và sống trong xa hoa, nhung lụa.
Sau đó chúng ta sẽ đi qua một cây cầu gọi là cầu Trung Đạo, đây là lời nhắc nhở rằng khi trị quốc không được đi sang cực đoan, phải giữ đạo Trung Dung của nhà nho. Chiếc cầu băng ngang qua hồ Thái Dịch, bố trí cân xứng hai bên, tượng trưng cho Âm Dương hài hòa, tô điểm thêm cho ý nghĩa cầu Trung Đạo. Làn nước trong xanh phía dưới mang ý nghĩa là đức hạnh của người cầm quyền đem lại nguồn sống trong lành cho dân.
Cầu Trung Đạo nằm trên trục Dũng Đạo là trục thiết kế chính của kinh thành Huế. Tất cả các kiến trúc của kinh thành đều cân xứng dựa trên trục này, thể hiện một tư duy trung dung và hài hòa, vốn là điều người xưa luôn vươn đến.
Đến cuối Cầu Trung Đạo lại có thêm một lời nhắc nhở nữa dành cho vua quan trước khi bước vào điện Thái Hòa. Đó là một nghi môn có gắn 4 chữ lớn nổi “Trung hòa vị dục” ở mặt trong. Trung là gốc của thiên hạ, hòa là đạt đạo của thiên hạ, khi đã đạt được “trung hòa” thì trời đất yên ổn, vạn vật sinh sôi. Câu này phù hợp với ý nghĩa của chữ “Thái Hòa” ở quẻ Càn trong Kinh Dịch.
Ở mặt ngoài nghi môn là dòng chữ “Chính đại quang minh”. Hai câu này chính là tổng kết và nhắc nhở thêm một lần nữa về tầm quan trọng của việc thi hành chính sách chính trị đặt trọng tâm ở chữ Hòa và phải luôn minh bạch, chính trực như ánh Mặt Trời, làm gương cho muôn dân.
Băng qua sân Đại Triều Nghi là đến điện Thái Hòa, là tòa cung điện đẹp và nguy nga nhất hoàng cung. Đây là nơi đăng quang của các vị vua, nơi thiết triều nên cũng là trung tâm của hoàng thành và trung tâm quyền lực của cả quốc gia.
Bước vào trong nội điện là ngai vàng lấp lánh đặt trên sập ngự với bửu tán che trên đầu vua. Ta có thể thấy hàng trăm bài thơ chữ Hán và các bức tranh đan xen với nhau theo lối Nhất Thi Nhất Họa. Nội dung các bài thơ chính là mang ý nghĩa cát tường, ca ngợi đất nước văn hiến, hùng cường, ca ngợi non sông gấm vóc, ca ngợi triều Nguyễn với công lao to lớn thống nhất giang sơn, mở rộng bờ cõi, ca ngợi triều đại thịnh trị và mong muốn quân vương trị vì tạo nên hòa bình thịnh thế. Ví dụ:
Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu
Dịch:
Nước ngàn năm văn hiến
Cơ đồ muôn dặm xa
Từ Hồng Bàng mở cõi
Trời nam một sơn hà
Tên điện Thái Hòa bắt nguồn từ quẻ Thuần Càn trong Kinh Dịch. Quẻ này tượng trưng cho Thiên Đạo và cũng ám chỉ nhà vua. Quẻ Càn này có 4 đặc điểm là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh mang ý nghĩa cát tường như sau:
- Nguyên là nguyên thủy, căn do, gốc gác.
- Hanh là biến hoá, trường thịnh, hanh thông.
- Lợi là thoải mái, ích lợi.
- Trinh là thành đạt, bền vững, vĩnh cửu.

4 chữ này chính là để mô tả bốn giai đoạn tuần hoàn của Thiên Đạo thể hiện trong vạn vật, cũng chính là quy tắc mà đế vương phải biết để điều chỉnh sự cai trị của mình cho phù hợp:
Nguyên (Đại tại càn nguyên, vạn vật tư thỉ, nải thống thiên). Đạo trời là căn nguyên sinh ra, làm cho vạn vật phát triển. Quốc gia bách tính cũng như vậy. Đều do từ Đạo lớn mà vận hành.
Hanh (Vân hành vũ hí, phẩm vật lưu hình. Đại minh chung thỉ, lục vị thì thành, thì thừa lục long, dĩ ngự thiên). Nhờ căn nguyên ấy, nhờ nguồn sống vô biên ấy, vạn vật trở nên lớn mạnh, phát huy được mọi tiềm năng, tiềm lực. Nên đạo trị quốc chính là làm cho chính sự thông suốt, đơn giản tự nhiên mà hiệu quả, giảm bớt gánh nặng của dân mới là thuận theo đạo mà đạt được hanh thông vậy. Người cai trị không phải ở chỗ tích lũy mà ở chỗ làm cho đạo Trời tuần hoàn không bế tắc. Ý là nói vua phải luôn luôn tu thân sửa mình.
Lợi Trinh (Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh. Thủ xuất thứ vạt, vạn quốc hoàn minh). Phát triển theo Đạo, thuận tự nhiên nên nhờ vậy mà luôn thuận lợi nhẹ nhàng. Chính sự hanh thông từ đạo đức và thiện tâm của nhà vua khi thi hành Thiên Đạo tất sẽ tự nhiên đem đến cái lợi cho sự cai trị chứ không phải dùng công cụ hình pháp hay các biện pháp vơ vét khác.
Lợi ở đây chính là lợi cho quốc gia, lợi cho bách tính thì tự nhiên vua sẽ được lợi. Thánh nhân trị vì chính là lấy cái lợi ích của bá tánh đặt trước lợi ích của bản thân mà được cái lợi lâu dài vĩnh viễn thịnh trị cho quốc gia của mình, đó là chữ Lợi. Sau khi thi hành Thiên Đạo trong cai trị một cách hoàn hảo nhất, cuối cùng nhà vua sẽ đi đến chỗ thành tựu, đến chỗ hoàn thiện, trở thành Thánh nhân lưu lại nghiệp thiên cổ; đó là chữ Trinh.
Như vậy chỉ dùng bốn chữ Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh mà vẽ được tất cả vòng biến thiên, tiến hóa của Trời Đất, từ lúc manh nha (Nguyên) cho đến lúc kết quả (Trinh) hay cũng chính là một quy trình cai trị quốc gia từ lúc lên ngôi cho đến lúc băng hà. Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh ứng vào bốn mùa là Xuân, Hạ, Thu, Đông, và ứng vào tiết tấu biến dịch là: Sinh, Trưởng, Liễm, Tàng. Đó là bài học lớn mà bất kỳ vị vua nào cũng phải cố gắng thực hành suốt cả đời mình để đạt được.